TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cầu xin Chúa Thánh Thần

Thứ sáu - 14/05/2021 03:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1028
Cầu xin Chúa Thánh Thần

LỄ CHÚA THÁNH THẦN

Chỉ cần… “Cầu xin Chúa Thánh Thần”

Hôm nay, toàn thể Giáo hội mừng kính trọng thể: Lễ “CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG”.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một trong bốn ngày lễ lớn của Giáo Hội Công Giáo. Ba ngày lễ trước đó là: Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh và Lễ Thăng Thiên.

Bốn ngày lễ này có thể được ví như bốn toa tàu không thể thiếu của con tàu mang tên “Cứu Độ”. Nói cách khác, chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với con người, có thể nói, được gói gọn trong bốn ngày lễ này.

Với Lễ Giáng Sinh, đó là một ngày lễ nói đến việc Đức Giê-su xuống thế làm người, “vì loài người chúng ta” Đức Giê-su đã dùng chính cái chết của Người trên thập giá “để cứu độ chúng ta”.

Với Lễ Phục Sinh, đó là một thánh lễ nói đến việc sống lại của Đức Giê-su, một Giê-su chiến thắng sự chết, một Giê-su có quyền năng giải thoát chúng ta khỏi sự chết và ban cho những ai tin vào Ngài sự sống đời đời.

Với Lễ Thăng Thiên, đó là một thánh lễ nói đến việc Đức Giê-su về trời, một Giê-su về trời để chuẩn bị “chỗ ở mới” cho chúng ta, như lời Người đã phán: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… Thầy đi dọn chỗ cho anh em”.

Với ngày lễ Chúa Thánh Thần, đó là ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và ở với các môn đệ (xưa), cũng như với chúng ta hôm nay, đúng như lời Đức Giê-su phán hứa, rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (x.Ga 14, 16)

Quan trọng là thế đó, thế nhưng không ít tín hữu Công Giáo lại xem thường sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Nhiều người Công Giáo chỉ biết đến Chúa Thánh Thần trong ngày “lễ thêm sức”, rồi sau đó, khi trưởng thành thì thường lãng quên vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của mình.

“Tôi tin Chúa Thánh Thần”. Vâng, đó là niềm tin không thể thiếu trong đời sống đức tin của một Ki-tô hữu. Chúa Thánh Thần là ai? Thưa, sách giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.” 

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, qua những lời giảng dạy, Ngài luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần, và xem đó như là điều kiện tiên quyết để được tái sinh, một sự tái sinh hầu để nhận được ơn cứu độ - ơn được vào Nước Thiên Chúa.

Trong một lần nói chuyện về Nước Thiên Chúa với một thủ lãnh người Do Thái tên là Ni-cô-đê-mô, Đức Giêsu đã tuyên bố rằng: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên… Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3, 3…5)

Một lần khác, đó là vào dịp Đức Giê-su và các môn đệ cùng đồng bàn trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, Ngài đã nhắc đến sứ mạng của Chúa Thánh Thần, một Thánh Thần mà Ngài “…Sẽ sai Đấng ấy đến với anh em… Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.

Và quả thật, lời hứa của Đức Giê-su đã trở thành hiện thực, ngay sau khi Ngài Phục Sinh.

Vâng, biến cố này đã được thánh Gio-an ghi lại như sau: Đó là “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, ngày hôm đó Đức Giêsu đã hiện đến và “đứng giữa các ông”.

Sự hiện diện của Đức Giê-su đã đem đến cho các ông niềm vui khôn tả. Các ông vui mừng vì được thấy Chúa. Được thấy một Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt cất lên lời chúc phúc cho các ông, rằng: “Bình An cho anh em”.

Vâng, làm sao không vui cho được khi các ông được Chúa Giê-su “cho… xem tay và cạnh sườn”, nơi đã để lại dấu tích của cuộc thương khó mà Ngài đã phải lãnh chịu.

Và cuối cùng, đó là niềm vui được một Chúa Giê-su Phục Sinh “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (x.Ga 20, 22).

Thổi hơi vào các ông và bảo các ông hãy nhận lấy Thánh Thần. Vâng, có thể nói, sự kiện này như một bằng chứng cho lời hứa mà Đức Giê-su đã hứa hôm Thầy và trò cùng mừng lễ Vượt Qua.

Nhớ, hôm đó, Đức Giê-su hứa rằng: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em…” (x.Ga 16, 7)

Bốn mươi chín ngày sau, tính từ ngày Chúa Giêsu “thổi hơi” vào các ông, đó là vào ngày lễ ngũ tuần, “Đấng Bảo Trợ” đã thực sự đến với các môn đệ.

Hôm đó, thật không thể tưởng tượng được, trong khi các môn đệ “đang tề tựu ở một nơi”, kinh ngạc thay! “bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”.

Các ông đã nhìn thấy “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ cho biết: “Và ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2, 4). 

Cũng theo tác giả sách Công Vụ Tông Đồ, ơn thứ nhất mà Thánh Thần Chúa ban cho các ông, đó là, các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.

Hôm đó, thật không thể tin được “các dân thiên hạ” đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2, 6).

Chuyện kể rằng: “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập”, tất cả mọi người đều được nghe các môn đệ: “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).

Ơn tiếp theo, đó là “ơn can đảm”. Thật vậy, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô không còn nhát đảm, như trước đây đã nhát đảm chối Thầy, thay vào đó là sự can đảm nói lên sự thật, sự thật về một Thầy Giê-su, chính là người “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và là Đấng Ki-tô” (x.Cv 2, …36). 

Các ông còn can đảm cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”.

Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Thánh Thần Chúa đã “soi sáng” tâm hồn “khoảng ba ngàn người”, Ngài đã biến đổi họ, từ con người sinh bởi xác thịt, thành con người sinh bởi Thần Khí. Nói theo cách nói của tác giả sách Công Vụ, ba ngàn người ấy được biến đổi, từ người chưa tin Chúa Giê-su trở thành “người tin”. 

**

Thời đại Thiên Chúa sáng tạo đã qua. Thời kỳ Thiên Chúa cứu chuộc đã hoàn tất qua biến cố “Chết và sống lại” của Đức Giê-su Ki-tô. Và hôm nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng – thời kỳ ân điển Chúa Thánh Thần.  

Chúng ta cũng cần biết thêm rằng, khi chúng ta tin Chúa, Thần Khí Chúa sẽ bước vào cuộc đời ta, chúng ta bắt đầu có một cuộc sống mới, một cuộc sống có Chúa Thánh Thần ở cùng, như lời Đức Giê-su nói: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận”.

Thế nên, đã là một Kitô hữu, chúng ta phải xem lại và tự hỏi, tôi đã thật sự có Chúa Thánh Thần!

Vâng, đã là một Kitô hữu, chúng ta phải có Chúa Thánh Thần. Bởi vì như Tông đồ Phaolô nói: “không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu không phải bởi Chúa Thánh Thần” (1Cor 12,…3).

Làm sao để chúng ta có được “Chúa Thánh Thần”? Thưa, hãy kêu cầu, hãy khao khát, như lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Hơn thế nữa, một Kitô hữu không chỉ có Chúa Thánh Thần nhưng còn phải “đầy dẫy Chúa Thánh Thần” (x.Ep 5, 18). Đây là một mạng lệnh.

Giáo Hội nói chung, và mỗi nhà thờ nói riêng, đều phải có những người tín hữu “đầy dẫy Chúa Thánh Thần”. Mỗi một thành viên trong Hội Thánh hãy đầy dẫy Chúa Thánh Thần. Linh mục, tu sĩ, hội đồng giáo xứ, ca đoàn, các nhân sự... tất cả đều cần, rất cần đầy dẫy Chúa Thánh Thần.

Rất cần, là bởi, nhờ “đầy dẫy Chúa Thánh Thần”, người linh mục mới có thể đem đến cho người tín hữu những lời giảng dạy “chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa”.

Vâng, đó là kinh nghiệm của thánh Phao-lô, một kinh nghiệm mà ngài đã chia sẻ trong niềm vui rằng: “Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (x. 1Cr 2, 5)

Còn hội đồng giáo xứ, ca đoàn, các nhân sự, cũng như cá nhân mỗi người tín hữu ư! Vâng, nếu tất cả đều “đầy dẫy Chúa Thánh Thần”, có phần chắc Hội Thánh đó, nhà thờ đó sẽ chẳng bao giờ có sự ganh tỵ giữa cô A và cô B. Sẽ chẳng bao giờ có sự chia rẽ, tranh chấp bè phái v.v…

Nói tắt một lời, nếu Chúa Thánh Thần đầy dẫy trên từng cá nhân, Giáo Hội (nhà thờ) sẽ chẳng bao giờ bị xâm nhập sự vô trật tự, sự tự cao tự đại, sự bội đạo v.v…

Charles Spurgeon đã nói: “Nếu chúng ta không có Thánh Thần, chúng ta nên đóng cửa các nhà thờ. Nếu các giáo sĩ không có Thánh Thần, tốt hơn họ đừng rao giảng Lời Chúa và giáo dân nên ở nhà mà ngủ”.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống còn được gọi là ngày sinh nhật của Giáo Hội. Và cho đến hôm nay, là ngày sinh nhật lần thứ hai ngàn có lẻ, của Giáo Hội.

Chắc hẳn chẳng ai trong chúng ta muốn “đóng cửa nhà thờ”. Và chắc hẳn tât cả chúng ta đều muốn được nhìn thấy Giáo Hội của mình mãi mãi là một Giáo Hội: “Duy Nhất – Thánh Thiện – Công Giáo – Tông Truyền”.

Muốn được như thế ư! Vâng, muốn được như thế, không gì tốt hơn là mỗi khi bắt đầu một ngày mới, mỗi chúng ta hãy cất tiếng nguyện cầu, nguyện rằng: “Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường”.

Vâng, chỉ cần “Cầu xin Chúa Thánh Thần”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây