TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cành nho liền gốc

Thứ sáu - 14/05/2021 03:52 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   641
Cành nho liền gốc

Chúa Nhật V – PS – B

Tôi phải là “cành nho liền gốc”

Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, ngoài việc thực hiện những phép lạ chữa lành, Đức Giê-su còn đưa ra rất nhiều lời truyền dạy, những lời truyền dạy dành cho những ai theo Ngài, hầu cho họ có một niềm tin vững bền, mạnh mẽ.

Mà, thật vậy, một ngày nọ, Đức Giê-su đã truyền dạy cho các môn đệ, rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho”.

Những lời truyền dạy của Đức Giê-su còn sâu xa hơn thế nữa. Một ngày nọ, Ngài đã có lời truyền dạy mà không một môn đệ nào lại không cảm nhận được sức mạnh và sự gắn bó mật thiết của Thầy Giê-su đối với mình.

Và đây là lời Ngài đã truyền dạy: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (x.Ga 15, 5)

Theo thánh sử Gio-an ghi lại; đó là ngày Thầy và trò đang tụ họp mừng lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua là một ngày lễ của niềm vui, niềm vui được thoát ách nô lệ bên Ai Cập. Ấy thế mà, hôm đó, với các môn đệ, lại là một ngày buồn, buồn vì trong nhóm các ông, “có một người… sẽ nộp Thầy”, buồn vì ông Thầy Giê-su đã nói: “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi”…

Ai nộp Thầy và Thầy đi đâu! Vâng, cảm thông nỗi buồn cùng với những âu lo của các môn đệ, Đức Giêsu củng cố niềm tin của các ông bằng một lời truyền dạy. Hôm đó, trước các môn đệ, Ngài truyền dạy, rằng: “Thầy là cây nho thật. Và Cha Thầy là người trồng nho”.

Và, không để các môn đệ phải băn khoăn nghĩ ngợi, Đức Giê-su tiếp lời, rằng: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”.

Đức Giê-su muốn nói gì qua lời truyền dạy này? Phải chăng Ngài muốn nói rằng: sự liên kết của nhánh và gốc đem sự sống từ gốc ra các nhánh khác của cây. Đây là một liên kết bền chặt tận gốc rễ, không phải chỉ có bề ngoài, mà thôi?

Đúng vậy, giữa các môn đệ và Đức Giê-su, cũng phải có mối liên hệ mật thiết như thế. Sức sống của Đức Giê-su phải tuôn tràn qua sức sống của các ông mỗi ngày.

Có thể nói rằng, lời truyền dạy này như một bản tình ca, bản tình ca yêu thương mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho các môn đệ, là những kẻ đi theo Ngài.

Ta hãy nghe, có lời lẽ nào yêu thương hơn lời lẽ mời gọi này: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (x.Ga 15, 4).

Với những ẩn dụ khác, Đức Giêsu nói lên căn tính của Ngài. Nhưng với ẩn dụ hôm nay, ẩn dụ “cây nho”, Ngài muốn nhấn mạnh sự “liên kết mật thiết” với Ngài rất quan trọng, một sự quan trọng liên quan đến vấn đề sinh tử, như Ngài đã tuyên bố: “cành nào… mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi”.

** Đức Giê-su đã truyền dạy như thế. Thế thì, là một Ki-tô hữu, tại sao chúng ta không tự hỏi mình, cành nho Ki-tô của tôi có “liên kết mật thiết” với Cây Nho Giê-su! Nói theo kiểu nói của nhà nông, cành nho Ki-tô của tôi có “tháp” vào Cây Nho Giê-su?

Câu trả lời có khó không, thưa quý vị?

Theo tôi, là khó. Khó là bởi, hôm nay chúng ta đang sống trong một xã hội, một xã hội có quá nhiều loại “cây”, những loại cây đại loại như: cây mang tên “danh vọng, quyền lực”, cây mang tên “cây tiền cây bạc”, cây mang tên “dâm bôn, phóng đãng”, cây mang tên “hận thù, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ”, cây mang tên “say sưa chè chén” v.v… Đó là những loại cây mà Satan và bè lũ chúng nó luôn thì thầm, quyến rũ chúng ta, rằng: “ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý, vì làm cho mình được tinh khôn”.

Rất tinh vi và xảo quyệt, Satan và bè lũ của chúng vẫn sử dụng chiêu thức như nó đã sử dụng với nguyên tổ Eva xưa kia, rằng: Cứ “tháp” vào đi, “chẳng hết chóc gì đâu!”. Satan và bè lũ chúng nó vẫn ra rả mời mọc, rằng: cứ tháp vào đi, “ông bà sẽ nên những vị thần”. Thì đây, satan và bè lũ chúng nó đã chẳng đang sử dụng chiêu trò mị dân rằng thì-là-mà “khách hàng là thượng đế”, đó sao!

Để không bị Satan cám dỗ, mời mọc “tháp” vào những loại cây độc hại nêu trên, chúng ta phải làm gì? Thưa, trước nhất và quan trọng nhất, đó là phải có lòng ao ước được “tháp vào cây nho Giê-su”. Nói rõ hơn, đó là phải có lòng ao ước được “Ở lại trong Thầy”.

Đừng quên, Đức Giê-su đã truyền dạy rằng: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.

Thưa quý bạn, quý bạn có cảm nhận lời truyền dạy nêu trên, đem đến cho chúng ta sự an ủi và niềm hy vọng? Tôi… tôi nghĩ như vậy.

Tại sao? Thưa, là bởi, trong cuộc sống của mỗi chúng ta, không ai là không có một lúc nào đó “sa vào chước cám dỗ”, không ai là không có một lần nào đó cảm thấy cô đơn và buồn nản, cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng, cảm thấy thiếu tự tin và trầm cảm, và tệ hơn nữa, đó là muốn đi tìm tới cái chết, thì lời truyền dạy (nêu trên) của Người chính là tấm phao cứu sinh giải thoát chúng ta và sẽ cất đi những vấn nạn (nêu trên) của ta.

Chính Đức Giê-su Ki-tô, chính Ngài là người sẽ giải thoát chúng ta, nếu chúng ta “ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em”.

Làm thế nào để chúng ta “ở lại trong Thầy”? Thưa, siêng năng tham dự “Bàn Tiệc Thánh Thể”, chính là phương cách độc nhất vô nhị để chúng ta “ở lại trong Thầy”.

Thế còn làm thế nào để biết rằng “lời Thầy ở lại trong chúng ta”? Thưa, Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời, rằng, đó là “những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Tiệc Thánh Thể chính là thứ thần lương giúp chúng ta ngày một “nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su”. Còn Thánh Kinh ư! Vâng, Thánh Kinh chính là nơi giúp ta nhìn thấy con người thật của Đức Giê-su qua cách sống của Ngài, qua lời nói của Ngài và cuối cùng là qua việc làm của Ngài.

Nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su, sống như cách sống của Ngài, nói như cách nói của Ngài, và làm như Ngài đã làm, đó chính là chúng ta đã “ở lại trong Chúa và lời Chúa ở lại trong ta”. Đó chính là cành nho Ki-tô của tôi đã liên kết mật thiết với Cây Nho Giê-su. Nói cách khác, đó chính là cành nho Ki-tô của tôi là “cành nho liền gốc – gốc Cây Nho Giê-su”.

Vâng, đã là một Ki-tô hữu, tôi phải là “cành nho liền gốc”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây