TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Niềm Hy Vọng Cho Kiếp Nhân Sinh

Thứ năm - 27/05/2021 02:40 | Tác giả bài viết: Đanlê |   812

Đức Kitô Phục Sinh- Niềm Hy Vọng Cho Kiếp Nhân Sinh

 
Sáng ngày 08/3/2014, chiếc Boeing 777-2H6ER, số đăng ký 9M-MRO của hãng hàng không Malaysia-Airlines, khởi hành lúc 0g41 từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur-Malaysia đi Bắc Kinh, chở 239 hành khách và phi hành đoàn, đã mất tích một cách bí ẩn, đến nay tháng 4/2020 đã hơn 6 năm, 14 quốc gia trong đó có cả Việt Nam tham gia tìm kiếm. Ước tính tốn phí lên tới 100 triệu USD, vẫn không tìm ra được tông tích.
 
Năm 1997, tại huyện Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận, một hôm có người cầm tấm bản đồ thuộc hàng hiếm, đến UBND huyện, nói rằng: Ở núi Núi Tàu có một kho báu 4000 tấn vàng do quân đội Nhật Bản chôn giấu hồi đệ nhị thế chiến. Cuộc tìm kiếm đã được thực hiện 20 năm qua, và mới đây 07/3/2016, có người xuất hiện cùng nói một nội dung tương tự, và xin khai quật kho báu. Những cuộc đào bới nát tung cả ngọn núi, kho báu vẫn bặt vô âm tín.
 
Ngày 19/10/2013, Thẩm Mỹ Viện Cát Tường ở Hà Nội đã sơ xuất làm chết chị LTTH, sau đó vì sợ liên lụy đến pháp luật, bác sĩ NMT và tài xế của ông, mang xác chị vứt xuống sông Hồng. Gia đình đã ròng rã mấy tháng trời tìm kiếm. Sau 9 tháng, 18/7/2014, người ta vớt được một thi thể trôi sông, ở gần bến đò Vân Đức, cách nơi vứt xác 3 km, xét nghiệm ADN, kết luận điều tra đó là thi thể chị LTTH. (Xin lỗi BS NMT và nạn nhân, vì chỉ nêu lên đây như một sự kiện)
 
Điều đáng nói là trong việc tìm kiếm, gia đình đã nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Nhưng nhà ngoại cảm đã bó tay.
 
Vườn tiêu đang xanh tốt, bỗng dưng ngả vàng, rụng lá, rụng đốt. Mời  kỹ sư về, xịt thuốc bón phân, cũng chẳng thể cứu vãn…
 
Tháng 12/2019 virut Corona bùng phát từ thành phố Vũ Hán TQ, nay đã lan rộng ra khắp thế giới, tính đến 7g 12/4/2020 số tử vong là 108.737 người, và số tử vong ngày càng tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngành y vỡ trận, con người chào thua con virut nhỏ bé.
 
Trích dẫn một vài sự kiện như thế để thấy rằng, chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ của nền khoa học phát triển đến tột bậc. Người ta đã bỏ công bỏ của đi tìm sự sống trên cung trăng. Thế mà chiếc Boeing 777 chở 239 hành khách mất tích, sau 6 năm vẫn chưa thể tìm được, và cũng không thể tìm ra nguyên nhân.
 
Nhà ngoại cảm có thể tìm được hài cốt của người đã chết cả 100 năm, nhưng một người mất tích mới hôm qua, hôm kia thì lại bó tay!
 
Điều này cho thấy khoa học chưa phải là câu trả lời cuối cùng của kiếp nhân sinh. Hay nói khác đi khoa học chưa thể giải đáp được mọi thắc mắc của cuộc sống con người.
 
Một trong những vấn nạn lớn nhất của con người vẫn là cái chết. Khoa học phát triển, y khoa phát triển cố tìm ra các loại thuốc để chữa bệnh, cũng là nhằm cứu giúp con người thoát khỏi cái chết. Nhưng điều này mãi mãi vẫn không thể.
 
Chính vì vậy đứng trước những vấn nạn của kiếp nhân sinh, con người ta luôn tự hỏi đau khổ có ý nghĩa gì? Con người cũng như con vật được sinh ra rồi chết, chết rồi đi đâu? Và cái gì sau cái chết?
 
Hôm nay Lễ Phục sinh, mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa đã chết và đã sống lại, là câu trả lời cuối cùng cho kiếp nhân sinh.
 
Từ niềm tin này sẽ giúp nhân loại có cách hành xử tốt hơn trong cuộc sống. Và để có sự phục sinh này, ngày hôm nay con người cũng cần phải chấp nhận hy sinh, thập giá, đau khổ. Và như Đức Kitô Ngài sẽ không có được sự phục sinh nếu trước đó đã không chấp nhận đi con đường khổ giá.
 
Sự phục sinh của Đức Kitô là một sự chiến thắng trên tội lỗi, chiến thắng trên sự chết. Và cuộc chiến thắng này liên quan đến cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta cùng tháp nhập cuộc đời của chúng ta trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô, ngày sau chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Ngài.
 
Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corinto đã khẳng định: Vì liên đới với một người là Ađam mà có tội lỗi và sự chết, và muôn người phải chết, thì nhờ liên đới với một người là Đức Kitô mà muôn người được ơn cứu độ. (1Cr 15, 20-23). Như vậy cái chết và phục sinh của Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.
 
Như ông Môisen đã giải phóng dân tộc Do-thái khỏi ách nô lệ Ai-cập thế nào, thì nhờ cuộc phục sinh, Đức Kitô cũng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết như vậy!
 
Vấn đề đặt ra là dựa vào đâu để xác quyết Đức Kitô đã sống lại, trong khi cuộc phục sinh diễn ra ban đêm không ai chứng kiến. Có chăng người ta giấu xác Chúa?
 
Các Tông Đồ thì nghi ngờ những người Do-thái giấu xác Thầy, còn người Do-thái lại nghi các Tông Đồ trộm xác Chúa rồi tung tin thất thiệt Chúa đã sống lại! (Ga 20, 2; 13; Mt 27, 64 ; 28, 13).
 
Về vấn đề ngôi mộ trống (Ga 20, 1-10). Trời mưa thì đường ướt, nhưng đường ướt chưa hẳn đã do trời mưa. Chúa phục sinh để lại ngôi mộ trống, nhưng ngôi mộ trống không đương nhiên do Chúa đã sống lại. Lý chứng này không chắc.
 
Chính những lần Chúa Giêsu hiện ra mới là lý chứng vững chắc. Vì nhờ những lần hiện ra này, các Tông Đồ từ những người nhút nhát đã trở nên can đảm dám đứng ra làm chứng cho sự phục sinh của Thầy. 12 anh thuyền chài ít học, quanh năm chỉ quanh quẩn bên bờ hồ Gienezaret nay đã ra đi làm thay đổi cả thế giới!
 
Thánh Phaolô quả quyết: Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta là hão huyền, trống rỗng. (1Cr 15, 14-17). Và “nếu chúng ta đặt niềm hy vọng vào Đức Kitô chỉ ở đời này thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn ai hết!” (1Cr 15, 19). Thánh Passio còn nói: “kiếp người còn thua cả con vật, vì nhiều khi con vật còn sống khoẻ và sống lâu hơn chúng ta”.
 
Mà thực tế thì Đức Kitô đã sống lại, vậy chúng ta, những người Kitô hữu phải là người hạnh phúc hơn ai hết. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã tạo dựng và cứu chuộc chúng ta.
 
Hoà Tiến, Chúa Nhật Phục Sinh 2020
Đanlê

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây