TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

niềm vui giải thoát đích thực

Thứ ba - 11/05/2021 22:59 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   984
niềm vui giải thoát đích thực

Đức GIÊSU - niềm vui giải thoát đích thực

Bạn có muốn được đọc Sách Thánh trong những buổi lễ Chúa Nhật không? Và đã có lần nào Bạn được thực hiện công việc vinh dự này? Riêng tôi, tôi đã được thực hiện công việc này, đúng một lần.

Chuyện là thế này, cách nay vài năm, chính xác là năm 2009, giáo xứ Gò Mây có một buổi lễ ban phép rửa tội cho một số anh chị em tân tòng. Trong số những người tân tòng, có một chàng thanh niên là dân nhập cư, anh ta không có thân nhân hay người quen biết để nhận làm người đỡ đầu.

Vâng, tệ thật, chỉ còn vài ngày, nhưng vẫn chưa tìm được người đỡ đầu cho anh ta. Thầy phụ trách của giáo xứ bèn gọi phone cho tôi trình bày sự bế tắc đó và có nhã ý mời tôi đứng ra lãnh nhận trách nhiệm này. Không ngần ngại, tôi đồng ý.

Một ngày trước khi thánh lễ được cử hành, những người tân tòng và người đỡ đầu phải tập trung tại giáo xứ để tập nghi thức. Trong lúc đang tập nghi thức, bất ngờ thay, thầy phụ trách giáo xứ gọi tôi ra và nói rằng “Ngày mai, đến phần đọc Sách Thánh, anh đọc bài đọc thứ hai nhé”. 

Thành thật mà nói, tôi nhận lời nhưng hơi ngại. Ngại là vì chưa bao giờ tôi làm công việc này. Hơn nữa, nếu nhận lời, tôi phải mất một ít thời gian chuẩn bị như tới nhà thờ sớm hơn để đọc sơ qua bài mình sẽ phải đọc. Rồi đọc làm sao cho rõ từng câu từng chữ, chưa kể tới việc trang phục phải sao cho lịch sự nữa chứ!

Cuối cùng thì… tôi đã làm tròn công việc này, kể cả khi phải cất tiếng hát câu “Đó là Lơơơời… Chúa” một công việc không phải dễ dàng cho một người “không quen hát” như tôi... 

Chỉ tiếc rằng, hôm đó, tấm ảnh bác phó nhòm chụp tôi khi đọc Sách Thánh bị hư, nếu không, tôi sẽ thật hãnh diện khi có một tấm ảnh “để đời” và chắc chắn tôi sẽ đưa tấm ảnh đó làm “Avatar” nơi trang blog của tôi rồi.

Tiếc quá! Thật tiếc quá, phải không thưa quý Bạn!


**
“Đọc Sách Thánh”… Vâng, đó cũng là việc người Do Thái thực hiện trong hội đường vào ngày sabát. 

Tưởng chúng ta cũng nên biết, sa-bát là ngày cuối cùng trong một tuần lễ bảy ngày, một ngày đã được: “Thiên Chúa ban phúc lành … và thánh hóa” (Stk 2, 3). Đến thời Mô-sê, trong cuộc hành trình dẫn đưa dân Do-Thái về miền đất hứa, một lần nữa, tại núi Sinai, Thiên Chúa đã đóng ấn ngày Sa-bát bằng một điều luật trong mười điều Người đã phán cùng Mô-sê rằng: “ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. (Xh 20, 8-10).

Kể từ đó, ngày sa-bát trở thành ngày toàn dân Israel: “dành cho Đức Chúa”. Ngày đó, họ nhóm lại trong hội đường để lắng nghe Lời Chúa. Bắt đầu cho phần phụng vụ, họ xướng kinh “Shêma”, và kinh “mười tám lời chúc phúc”.  Kế tiếp, mọi người thinh lặng lắng nghe Lời Chúa được trích từ Sách Luật (Ngũ Thư) hay từ các sách Ngôn Sứ.

Mọi người đều có quyền đọc Sách Thánh, hoặc tự nguyện hay được viên trưởng hội đường chỉ định. Người được chỉ định thường là người thông thạo Kinh Thánh. Họ được mời lên công bố và giảng giải Lời Chúa cho cộng đoàn.

***

Đức Giêsu, trong một lần về Nadarét, Ngài cũng đã được mời lên đọc Sách Thánh.

Vâng, chuyện được kể lại rằng, sau khi chịu phép rửa tại sông Giodan, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê. Hôm đó, đúng vào ngày sabát.

Có lẽ, tiếng đồn về những điều “Người giảng dạy” và được “mọi người tôn vinh” lọt đến tai ông trưởng hội đường, cho nên, khi thấy Đức Giêsu “vào hội đường”, với sự ngưỡng mộ, ông ta đã không ngần ngại mời Đức Giêsu “lên đọc Sách Thánh”.

Hôm đó, họ trao cho Đức Giêsu cuốn sách ngôn sứ I-saia. Ngài mở ra và long trọng đọc một đoạn có chép rằng:“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Khi lời đọc của Người vừa chấm dứt, bầu khí thinh lặng trong hội đường bị phá vỡ bởi những lời “tán thành và thán phục”. Họ tán thành và thán phục không chỉ bởi “những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” mà còn bởi từ trước tới nay, tuy đã nhiều lần được nghe lời ngôn sứ Isaia, nhưng hôm nay, đây là lần đầu tiên họ được nghe Đức Giêsu dám dõng dạc tuyên bố rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).

****
Có thể nói rằng, lời trích sách ngôn sứ Isaia và lời tuyên bố của Đức Giêsu được nêu ở trên chính là bản tuyên ngôn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài.

Không như những tuyên ngôn của những chính khách, của những nhà lãnh đạo trần gian, thường mang hơi hướng mị dân, đại loại như “mọi người đều được quyền bình đẳng” nhưng thực tế, sự bình đẳng của con người đã bị ngăn trở trước sức mạnh của họng súng…

Với Đức Giêsu thì khác hẳn. Lời tuyên ngôn của Ngài mang đậm dấu ấn tình người và trên hết đã được Ngài thực thi một cách trọn vẹn.

Thật vậy, ngay khi bản tuyên ngôn được công bố, bắt đầu từ Caphanaum cho đến miền Giuđê, người ta đã thấy “Thiên hạ đem đến cho Ngài mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền; những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt; và Ngài đã chữa họ” (Mt 4,24). Người ta còn được chứng kiến Đức Giêsu đã làm phép lạ cho: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại…” (Mt 11, 5).

Thế nhưng, đó chỉ là niềm vui giải thoát “phần xác”. Điều Đức Giêsu muốn nói tới trong bản tuyên ngôn, đó là niềm vui giải thoát “phần hồn”, như sau này, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã nói với ông Nicôđêmô rằng “Như ông Môsê đã gương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Và sự thật là điều đó đã xảy ra tại Gogotha bằng cái chết của Ngài trên thập giá.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều này, Ngài đã nói với những tín hữu của mình rằng “người Do Thái đòi những điềm thiêng dấu lạ… người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan”, còn chúng ta, thánh nhân nói tiếp rằng “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Vâng, có thể kết luận rằng, những lời nói và những việc làm, hay nói chính xác hơn, “thập giá và sự phục sinh” của Đức Giêsu đã dệt lên bản tuyên ngôn – một bản tuyên ngôn của “niềm vui giải thoát đích thực”.

*****

Không ai trong chúng ta mà không một lần tự hỏi rằng, đã hơn hai ngàn năm trôi qua, kể từ khi bản tuyên ngôn của Đức Giêsu được công bố, nhưng… tại sao… sao hôm nay…

Vâng, sao hôm nay, vẫn còn thấy nhan nhản những “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ, Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo. Ngày nó sống kiếp lang thang. Ngẩn ngơ như chim xa đàn, nghĩ mình tủi thân muôn vàn…”? (*)

Sao hôm nay, vẫn còn thấy những cụ già, với vầng trán nhăn nhúm như chiếc mão gai quân dữ đội lên đầu Đức Giêsu xưa, lếch tha lếch thếch gánh giỏ cóc, giỏ ổi đi bán kiếm sống qua ngày?

Sao hôm nay, vẫn còn biết bao người khiếm thị, khiếm thính, vẫn còn đó những trại tập trung bệnh nhân phong, những trại tập trung người già neo đơn, cơ nhỡ?

Sao hôm nay, vẫn còn đó những kẻ bị áp bức tù đày chỉ vì dám nói sự thật và sống cho sự thật?

Phải chăng, chính những thực tại này, lời tiên tri I-sai-a mà Đức Giêsu đã tuyên bố: hôm-nay-đã-ứng-nghiệm, đã trở nên một lời nói vu vơ, ru ngủ!

Xin thưa, không phải vậy. Chính những thực tại này đã có, vẫn có và còn có là để chúng ta nhìn thấy Đức Giêsu “đói khát, nghèo nàn, đau yếu, tù đày” và để chúng ta cho Ngài ăn, cho Ngài uống, thăm viếng Ngài, hỏi han Ngài. 

Những thực tại này, ngày xưa đã tồn tại, hôm nay vẫn tồn tại và ngày mai cũng vẫn tồn tại là để “vinh quang của Thiên Chúa” vẫn được bày tỏ và phải được bày tỏ qua chính mỗi người chúng ta.

Đừng quên, Đức Giêsu đã nói “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25, 40)

Thế nhưng, sẽ thật khó để chúng ta có thể thực thi trọn vẹn lời “di chúc” trên của Đức Giêsu nếu chính chúng ta chưa được giải thoát khỏi những ngục-tù-đam-mê, ngục-tù-ham-muốn-trần-tục, ngục-tù-ích-kỷ, ngục-tù-hận-thù…

Vì thế, chúng ta hãy trở về hội đường ở Nadarét năm xưa và hãy để ý đến một chi tiết nhỏ, nhỏ nhưng rất hữu ích cho sự giải thoát chúng ta ra khỏi những ngục tù đó, chi tiết đó là, “Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”.

Thưa quý Bạn, chúng ta đã bao nhiêu năm là Kitô hữu, thế nhưng được bấy nhiêu lần chúng ta “chăm chú nhìn Chúa”? Đã bao nhiêu lần chúng ta chăm-chú-nhìn-Người qua những lời dạy dỗ trong “Sách Thánh”?

Cũng như Do Thái xưa, Đạo Công Giáo không cấm chúng ta đọc “Sách Thánh” như có một vài kẻ loạn ngôn đã nói Giáo Hội Công Giáo cấm giáo dân đọc Sách Thánh.

Có thể, suốt cả cuộc đời của một Kitô hữu, chúng ta chưa một lần được vinh dự đọc Sách Thánh trong một Thánh Lễ nào đó. Nhưng ai cấm chúng ta đọc Sách Thánh ngay tại nhà mình!

Cho nên, sẽ là “trọn vẹn đôi đường” một khi chúng ta đã mời Đức Giêsu vào ngôi nhà Nadarét-tâm-hồn của chúng ta qua việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể thì cũng đừng quên chăm-chú-nhìn-Người bằng việc đọc Sách Thánh.

Được như thế, dẫu chúng ta có phải bước đi trong một thế giới phủ trùm bóng tối của văn hóa sự chết, của gian dối, của lưu manh bởi những chủ thuyết hiện sinh, vô thần, vô tôn giáo, chúng ta cũng không sợ gì. Vì Sách Thánh, như lời vua David đã cảm nghiệm: “Là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).

Có ngọn đèn của Chúa, có ánh sáng của Người… Vâng, hãy tin, chúng ta sẽ có được “niềm vui giải thoát đích thực” từ nơi Thiên Chúa.

Petrus.tran

*****
(*) Nó – tác giả: Anh Bằng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây