TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin cho con biết lắng nghe

Thứ tư - 12/05/2021 21:12 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   752
Xin cho con biết lắng nghe

Chúa Nhật XV – TN – A

Xin cho con biết lắng nghe…

Bí ẩn là gì? Thưa, theo từ điển tiếng Việt phổ thông, do viện ngôn ngữ học xuất bản, định nghĩa là: (Bên trong) “có chứa đựng điều gì kín đáo, khó hiểu”.

Vâng, khi đề cập đến những điều bí ẩn, có thể nói rằng, lịch sử phát triển loài người là một lịch sử luôn đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc để tìm ra lời giải đáp cho những bí ẩn tồn tại trong cuộc sống của loài người. Có một số bí ẩn đã được giải mã nhờ khoa học, nhưng cũng có không ít bí ẩn mãi mãi không tìm ra lời giải đáp.

Một trong những bí ẩn mà con người đã không tìm ra lời giải đáp, đó là “Ngôi sao Bethlehem”. Hơn hai ngàn năm trôi qua, ngôi sao này vẫn là điều bí ẩn. Với các nhà khoa học, nhiều câu hỏi về ngôi sao này vẫn cần lời giải đáp. Từ khi ngôi sao Bethlehem xuất hiện, nó đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà thiên văn học cũng như các nhà khảo cổ.

Nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler cho rằng, ngôi sao này là sự kết hợp của hai hành tinh để hình thành một ngôi sao mới. Các học giả hiện đại cho rằng đó là một vật thể bay không xác định. Tuy nhiên, các cơ sở khoa học cho tới nay vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Do vậy, ngôi sao Bethlehem vẫn là một bí ẩn. (nguồn: internet).

Thật ra, để biết được một “bí ẩn”, nhất là một “bí ẩn thánh thiên” như ngôi sao Bethlehem, không gì tốt hơn là hãy tìm lời giải đáp trong Kinh Thánh. Tại sao? Thưa, là bởi những bí ẩn thánh thiên này còn là những “mầu nhiệm”, mà đã là mầu nhiệm, thì, ai có thể giải thích rõ hơn Lời Chúa!

Trong những bí ẩn thánh thiên, có một bí ẩn nếu không dựa vào Lời Chúa, sẽ chẳng có ai “thấu hiểu”. Bí ẩn đó chính là “Bí ẩn Nước Trời”. Hay nói đúng hơn, đó là “Mầu Nhiệm Nước Trời”.

Alex Tresniowski viết: “Đối với một nơi chúng ta mơ ước tới, thật đặc biệt biết bao khi chúng ta biết rõ về Nước Trời. Không có sách nào cho biết vẻ đẹp của Nước Trời, chẳng có video nào trên Youtube hoặc hình ảnh nào đưa lên Facebook. Tất cả chúng ta phải xem cách mô tả của Kinh Thánh về nơi rộng rãi và lung linh đó”. Và Alex Tresniowski đã trích kèm đoạn Khải Huyền, như để làm sáng tỏ cho mọi người biết về bí ẩn Nước Trời, rằng: “Thành phố đó sẽ không còn đêm tối nữa, sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22, 5).(*)

Với Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài đã nói rất rõ ràng về mầu nhiệm Nước Trời bằng những dụ ngôn rất đời thường, đồng thời, Ngài còn nhấn mạnh đến một điều hết sức quan trọng, đó là “ơn hiểu biết”, một ân sủng mà các môn đệ là những người đã “được ban cho” (x.Mc 4, 11).

Dụ ngôn Đức Giê-su đã kể được chép trong Tin Mừng thánh Mat-thêu (x.Mt 13, 1-23).

**
Vâng, chuyện được kể lại rằng: “Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ”. Một rừng người vây quanh Ngài. Và cũng như những lần trước, “Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều”.

Đức Giê-su đã nói điều gì? Thưa, Ngài đã nói về một “Người gieo giống đi ra gieo giống”.

Thưa bạn, bạn có phải là một nông dân không? Nếu phải, chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên về “người gieo giống” đã được Đức Giê-su mô tả trong dụ ngôn này.

Theo lời mô tả của Đức Giê-su, anh nông dân này quá ư là phí phạm hạt giống của mình. Thì đây, chuyện kể tiếp rằng: “Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường… Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều… Có những hạt rơi vào bụi gai… Có những hạt lại rơi nhằm vào đất tốt…” (x.Mt 13, 4-8).

Giải thích cho chuyện này, Lm Charles E.Miller nói: “Một nông dân thận trọng luôn cân nhắc cặn kẽ để chỉ gieo ở những nơi bảo đảm sẽ mang lại kết quả tốt. Song người gieo giống trong bài Tin Mừng đã không tiếc các hạt giống của mình vì ông tượng trưng cho Thiên Chúa là Đấng luôn quảng đại với các ân sủng của Người”.

Thiên Chúa là Đấng quảng đại ư! Thưa, đúng vậy. Thế nhưng, trước hết chúng ta hãy nhìn xem chuyện gì đã xảy ra cho những hạt giống được gieo.

Vâng, theo câu chuyện được kể, có bốn loại đất đã tiếp nhận những hạt giống. Loại đất vệ đường: “chim chóc đến ăn hết. Loại đất toàn sỏi đá: “nó mọc ngay, vì đất không sâu, nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô”. Loại đất đầy gai góc: “gai mọc lên làm nó chết ngạt”. Và loại đất cuối cùng, đất tốt: “nên sinh hoa kết quả” (x.Mt 13, 4-8).

Và đây, lòng quảng đại của Thiên Chúa đã được bày tỏ qua việc: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc… Tưới từng luống, sang từng mô đất, khiến dầm mưa, cho hạt nảy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (x.Tv 65, 10-12).

Hôm đó, Đức Giêsu chấm hết dụ ngôn bằng một lời khuyến cáo mạnh mẽ, rằng: “Ai có tai thì nghe”. (Mt 13, 8).

***
“Ai có tai thì nghe”. Phải chăng đây cũng là lời khuyến cáo dành cho mỗi Ki-tô hữu chúng ta? Thưa, đúng vậy. Thế nên, hãy tự hỏi lòng mình rằng: tôi đã nghe dụ ngôn này được bao nhiêu lần? Mới lần đầu? Mười lần? Hai mươi lần? Hay năm mươi lần?

Thật ra, dù chúng ta đã nghe bao nhiêu lần đi chăng nữa, nhưng sẽ chẳng ích lợi gì, nếu chúng ta “nghe mà không hiểu”.
Thật vậy, hôm đó, Đức Giê-su không chỉ khuyến cáo: “Ai có tai thì nghe”, nhưng Ngài còn đưa ra một yêu cầu, đó là hãy “nghe Lời và hiểu”.

Nghe Lời mà không hiểu sẽ là một thảm họa. Thảm họa đó chính là “quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo vào lòng người ấy”. Thảm họa đó còn là “khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay”. Chưa hết, khi bị “nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt”… Vâng, Đức Giê-su nói “Lời không sinh hoa kết quả gì hết”.

Điều này đã được minh chứng khi biến cố 30/04/1975 xảy ra. Dạo đó, không ít người Công Giáo “vấp ngã”, vì sợ bị ngược đãi, vì sợ không được trọng dụng, vì bị cám dỗ bởi bả vinh hoa phú quý, họ đã không ngần ngại điền vào phần khai tôn giáo của bản sơ yếu lý lịch, của tờ chứng minh nhân dân, một chữ “KHÔNG” to tướng…

Nhìn lại, sau 39 năm, những hạng người đó bây giờ được gì, mất gì? Thưa, tôi không biết. Nhưng, có phần chắc, họ “có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy”.

Còn những người “nghe Lời và hiểu” thì sao? Thưa, nghe Lời và hiểu, Đức Giê-su gọi đó là điều thật có phúc, “còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe”.

Vâng, đúng là thật có phúc, hồng phúc đó được chính Đức Giê-su chúc phúc, rằng: “kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”.

Đừng bao giờ nghĩ rằng Lời Chúa khó hiểu. Khó hiểu, rất có thể chúng ta làm bộ không hiểu. Chúng ta làm bộ không hiểu, không phải vì chúng ta không hiểu, nhưng rất có thể chúng ta cố tình không muốn hiểu.

Thì đây, Đức Giê-su nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Vâng, chẳng lẽ chúng ta không hiểu thế nào là hiền lành, thế nào là khiêm nhường?

Cuối cùng, một điều quan trọng không kém, đó là, đôi khi chúng ta nghe Lời Chúa, nhưng “không sinh ích gì cho chúng ta” bởi vì tuy đã nghe, nhưng chúng ta, như lời tông đồ Phêrô đã nói: “không lấy đức tin đáp lại lời giảng” (Dt 4,…2).

****

Bây giờ, chúng ta hãy trở lại câu chuyện dụ ngôn người gieo giống. Vâng, câu chuyện đã được Đức Giêsu giải thích quá rõ ràng. Đừng nói là khó hiểu, nhưng hãy tự hỏi lòng mình rằng, mảnh-đất-tâm-hồn-của-tôi thuộc loại nào trong bốn loại đất đã được Đức Giêsu nêu trong dụ ngôn?

Mảnh đất bên vệ đường ư! Hay là mảnh đất chỉ toàn sỏi đá! Có phải là mảnh đất đầy gai góc! Hay mảnh đất tốt chính là mảnh đất tâm hồn của tôi?

Tất nhiên là không ai trong chúng ta lại mong muốn mảnh đất tâm hồn của mình thuộc ba mảnh đất “xấu” nêu bên trên. Thế nhưng, chắc hẳn chúng ta sẽ băn khoăn và tự hỏi rằng: làm thế nào để mảnh đất tâm hồn mình thuộc loại “mảnh đất tốt”!

Thưa, chúng ta cần có một cử động của tâm hồn, đó là “hãy lắng nghe”, tất nhiên là “lắng nghe Lời và hiểu” chứ không phải là lắng nghe những lời ba láp ba xàm của “bác này… bác nọ”, nói tắt một lời là của Xa-tan, ma quỷ và bè lũ của chúng.

Sa-mu-en là một mẫu mực điển hình về việc “lắng nghe Lời Chúa”, một mẫu mực để chúng ta noi theo. Vâng, chuyện kể lại rằng: “Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa. Nơi có đặt hòm bia Thiên Chúa”. Chúa gọi Sa-mu-en, thế mà ông ta lại tưởng thầy của mình là Êli gọi. Ba lần Chúa gọi nhưng Sa-mu-en vẫn không nhận ra. Chỉ đến khi thầy Êli “hiểu là Đức Chúa gọi” và dạy cho Sa-mu-en cách trả lời. Sa-mu-en mới “hiểu” và mới có thể nhận ra lời Chúa phán dạy cho mình.

Sau khi được thầy Ê-li dạy, chuyện kể tiếp rằng: “Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. Đức Chúa đến. đứng đó và gọi như những lần trước: ‘Sa-mu-en! Sa-mu-en!’. Sa-mu-en thưa: Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”( x. 1Sa 3, 1-10),

Với chúng ta hôm nay, thật dễ dàng để mà “lắng nghe Lời Chúa”. Thì đây, Kinh Thánh chính là “Lời Chúa”, là “Lời” để chúng ta lắng nghe, để chúng ta học hỏi.

Một sai lầm nghiêm trọng mà không ít người trong chúng ta mắc phải, đó là, chúng ta cho rằng chỉ cần lắng nghe “Lời Chúa” trong những thánh lễ ngày Chúa Nhật là đủ.

Hãy nhìn cộng đoàn dân Chúa ở Beroia năm xưa, họ cũng chính là mẫu mực cho chúng ta về việc “lắng nghe Lời Chúa”.

Tác giả Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại việc đó như sau: “Những người Do Thái ở đây cởi mở hơn những người ở Thesalonica: họ đón nhận lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, ngày ngày tra cứu Sách Thánh để xem có đúng như vậy không” (Cv 17,11).

“Ngày ngày tra cứu Sách Thánh”. Vâng, làm việc này không phải để cho vợ ta, không phải để cho chồng ta, không phải để cho một người nào đó chung quanh ta, nhưng là cho chính ta.

Năm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta “Tân Phúc Âm hóa” trong gia đình. Chính vì thế, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình rằng, tôi có lắng nghe Lời Chúa “đón nhận lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, ngày ngày tra cứu Sách Thánh”?

Nói tới tân Phúc Âm hóa, đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô có lời khuyên, rằng: “Tất cả việc Phúc Âm hóa được thiết lập dựa trên sự lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. Thánh Kinh là nguồn mạch của việc Phúc Âm hóa. Vì vậy, chúng ta phải liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe Lời Chúa. Hội Thánh không rao giảng Tin Mừng nếu không liên tục để cho mình được Phúc Âm hóa…

Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với Lời Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các giáo xứ và các nhóm Công Giáo đề ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng…” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô - Niềm Vui Phúc Âm)

Thưa bạn… bạn đã bắt đầu cho việc “lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa” chưa? Nếu chưa, ngay bây giờ, sau khi bạn đọc bài suy tư này, bạn và tôi, chúng ta hãy cùng nhau cất tiếng nguyện ca… Ca rằng:
“Xin cho con biết lắng nghe lời ngài gọi con trong đêm tối.
Xin cho con biết lắng nghe lời ngài dạy con lúc lẻ loi,
Xin cho con cất tiếng lên, trả lời vừa khi con nghe Chúa
Xin cho con biết thân thương,
Lạy ngài, Ngài muốn con làm chi?”

Vâng, Lạy Chúa, “Xin cho con biết lắng nghe…”

Petrus.tran

******
(*) TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây