TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sức Mạnh Của Thiên Chúa

Thứ tư - 12/05/2021 21:31 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   786
Sức Mạnh Của Thiên Chúa

Chúa Nhật XXIV – TN – A (Suy Tôn Thánh Giá)

Thánh Giá: Sức Mạnh Của Thiên Chúa

Theo tây lịch, hôm nay là Chúa Nhật 14/09/2014. Đối với một số người, hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần như bao ngày nghỉ cuối tuần khác. Một số người khác, họ coi ngày này như một ngày để giải trí hay đi mua sắm. Với các bạn trẻ, đó là một ngày của gặp gỡ, của hẹn hò.

Thế nhưng, đối với người Công Giáo, Chúa Nhật không chỉ là ngày để nghỉ ngơi, để mua sắm, để hẹn hò, nó còn là ngày đến nhà thờ để thờ phượng và cảm tạ Thiên Chúa. Riêng Chúa Nhật hôm nay (14/09), đó là một ngày đặc biệt, ngày toàn thể Giáo Hội “tôn vinh Thánh Giá” – Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô.

Thánh Giá là gì? Lý do gì Giáo Hội Công Giáo lại tôn vinh Thánh Giá?

Thưa, Thánh Giá chính là cây thập giá, một dụng cụ thời xưa, dùng để xử tử những tử tội. Lịch sử đã ghi lại rằng: Roma xưa đã dùng hình phạt này cho những kẻ phạm tội như: trộm cướp, giết người hoặc phản loạn. Những phạm nhân là người nô lệ, là những dân tộc dưới ách thống trị của họ, thì bị xử bằng hình phạt này, còn công dân Roma thì không…

Thường thì, phạm nhân bị đánh đòn, phải vác thập giá tới nơi hành hình và cuối cùng bị đóng đinh cả tay và chân vào thập giá. Sau đó thập giá được dựng đứng lên. Người tử tội bị treo như thế cho đến chết.

Nói về hình phạt này, Cicéron, một nhà hùng biện Roma xưa đã phải thốt lên rằng: “crudelissimum et teterrimum supplicium - cực hình, ghê rợn và độc ác”.

Đức Giê-su Ki-tô, người mà hôm nay chúng ta tôn thờ, Ngài cũng đã bị đóng đinh vào thập giá dưới thời Phong-xi-ô Phi-la-tô. Thế nhưng, cái chết trên thập giá của Đức Giê-su không phải là một cái chết bình thường của một tên tử tội, cái chết của Ngài là “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Và đó chính là lý do, vì sao hôm nay chúng ta “tôn vinh Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô”.

**
Vâng, kể từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội bất tuân, con người mất hết ơn lành. Con người bị trục xuất ra khỏi vườn Eden, điều tệ hơn hết, con người đã phải nhận lãnh án phạt nặng nề, đó là sự chết.

Thế nhưng, như lời Kinh Thánh có chép: “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu: Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 102, 8-10). Sự từ bi và nhân hậu đó đã được Thiên Chúa bày tỏ nhiều lần nhiều cách. Thuở xa xưa là qua các ngôn sứ, nhưng vào thời kỳ sau hết là qua chính Thánh Tử, Con Một của Người, là Đức Giê-su.

Hơn hai ngàn năm xa trước đó, Đức Giê-su “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.

Khi còn tại thế, trong một lần đàm luận với ông Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do Thái, Đức Giê-su đã công bố rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3, 16)

Và để cho con người thấy rõ tình yêu của Thiên Chúa, Đức Giê-su đã nhấn mạnh rằng: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 17)

“Được cứu độ”. Vâng, ít nhất, vào thời điểm đó, đó là điều toàn dân Israel mong đợi. Họ mong đợi một Đấng cứu thế đến để giải thoát họ khỏi ách thống trị của Roma. Họ mong đợi Đấng cứu thế, nếu đúng là Ngài, hãy lập ngay một quốc gia Do Thái với tất cả sức mạnh nơi quyền năng của Ngài..

Thế nhưng, với Đức Giê-su, đó không phải là lý do để Ngài đến thế gian này. Không dưới một lần, Ngài đã nói với các môn đệ của mình rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (x. Mt 16, 21)

Đấng Cứu Thế sẽ bị giết chết. Đó là lý do Đức Giê-su có mặt ở Giê-ru-sa-lem. Cái chết của Đức Giê-su, một cái chết treo trên thập giá, đã được kể lại, rằng, Ngài bị bắt, bị làm nhục, bị nhạo báng, bị đánh đập, và sau cùng, người ta làm một cây thập giá, bắt Ngài vác, từ dinh quan tổng trấn cho tới đồi Golgotha, tại đó, người ta đóng đinh Ngài trên cây thập giá. (x.Mc 15, 16).

Cách chết trên thập giá của Đức Giê-su, đã được Ngài mô tả với ông Ni-cô-đê-mô, rằng: “Như ông Mô-se đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15).

Đối với người Do Thái, câu chuyện “giương cao con rắn trong sa mạc” là câu chuyện họ thuộc nằm lòng, một trải nghiệm sống của cha ông, tổ tiên của họ.

Còn chuyện “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”, đối với người Do Thái thời đó là chuyện hoang đường.

Vâng, nếu là chuyện hoang đường thì hôm nay, chúng ta sẽ không có chuyện tôn vinh Thánh Giá.

Sự thật thì, hôm đó, hôm Đức Giê-su “phải được giương cao”, một hiện tượng kỳ diệu đã xảy ra “Bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy”. (x. Mt 27, 51-52).

Riêng tại hiện trường, nơi Đức Giê-su bị hành hình, “viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: ‘Quả thật ông này là Con Thiên Chúa’…”

Vâng, những gì Đức Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô và những gì đã xảy ra tại Golgotha, đó chính là những dấu chỉ cho chúng ta thấy rằng, thập giá hành hình Đức Giê-su đã trở nên “Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô” một Thánh Giá Cứu Độ, một Thánh Giá mà hôm nay chúng ta long trọng “Kính nhớ và Tôn Vinh”.

***
Nói về “Tôn Vinh Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô”, thật ra, không phải bây giờ Giáo Hội mới tôn vinh.

Ngay những ngày đầu khai sinh Giáo Hội, niên trưởng Phê-rô, với ơn Thánh Thần Chúa, ngài đã có những lời hùng hồn tôn vinh Thánh Giá Chúa Ki-tô, rằng: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết”. (Cv 2, 23-24)

Rồi đến tông đồ Phao-lô, một trí thức Do Thái, một công dân Roma, thế mà ngài chẳng hãnh diện về điều đó, “ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô” (x. Gl 6, 14). Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã có lời xác tín rằng: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cor 1, 18)

Đúng. Nếu không là “Sức Mạnh Của Thiên Chúa” thì, kể từ ngày đầu tiên, ngày tông đồ Phê-rô lớn tiếng tôn vinh Thánh Giá Chúa Ki-tô, rằng: “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô”, cho tới hôm nay, Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô sẽ không thể tồn tại, trước nhiều ngàn năm bị bắt bớ và hủy diệt.

****
Là một Ki-tô hữu, có phần chắc, không ai trong chúng ta lại không biết đến “Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô”. Tuy nhiên, “biết” chưa đủ. Tại sao? Thưa, bởi, Sa-tan và bè lũ của chúng, cũng biết. Chúng thừa “biết” rằng Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô là Thánh Giá Cứu Độ, thế nhưng, chúng đâu có “mến” và đâu có “yêu”. Ngược lại, “biết” ở đâu có Thánh Giá Chúa Giê-su, bọn chúng liền đem giáo mác, búa liềm đến triệt hạ, không chỉ triệt hạ Thánh Giá mà “triệt” luôn cả người yêu mến Thánh Giá, ngay lập tức…

Vâng, về điều này, Lm Giuse Đinh Lập Liễm, trong một bài giảng cho quý nữ tu dòng Mến Thánh Giá, nhân ngày “Lễ kính Thánh Giá Chúa Ki-tô”, đã chia sẻ rằng: “…Phải yêu nữa. Vì nếu chỉ mến thôi, người ta còn ở xa, ‘kính nhi viễn chi’, người ta suy phục nhưng có thể chưa hy sinh cho người mình mến. Nhưng nếu yêu ai thì tình yêu ấy có thể thúc đẩy người ta hy sinh cho người mình yêu: “Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng chết vì người mình yêu”.

Rất dí dỏm, hôm đ. Lm Liễm giảng rằng: “Dòng Mến Thánh Giá! Dòng mang tên thật đẹp mà nếu trong đời sống hằng ngày mà không thực yêu thánh giá thì phải gọi là “DÒNG KHIẾP THÁNH GIÁ”, hay còn tệ hơn nữa là “DÒNG GHÉT THÁNH GIÁ”. (hết trích)

Phải “Yêu” nữa chứ! Thế nhưng, “yêu” Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô, phải chăng là “phải chết” như Chúa Giê-su đã chết trên Thập giá năm xưa?

Thưa, vào một thời điểm nào đó, có thể, một ai đó, vì đức tin, cũng phải chấp nhận điều này. Ví dụ: như các thánh tử đạo Việt Nam, như những người anh em Ki-tô hữu Irak đang bị tàn sát bởi nhóm “ISIS” cực đoan, chỉ vì họ “yêu” Thánh Giá Chúa Ki-tô và nhất định không từ bỏ Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô.

Nhắc tới thảm cảnh này, chúng ta hãy dành một phút cầu nguyện cho họ. Vâng, hãy cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa chúng con, vì dấu Thánh Giá, xin cứu những người anh em Irak, cho khỏi kẻ thù. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen”

Vâng, “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”, đó là cách “bày tỏ” yêu mến Thánh Giá Chúa Giê-su được hầu hết mọi người Công Giáo chúng ta thực hiện hằng ngày.

Tuy nhiên, đừng yêu mến và đừng bày tỏ chỉ ngoài môi miệng, nhưng phải là với tất cả tâm tình chiêm ngắm, suy niệm Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô.

Chiêm ngắm và suy niệm điều gì? Thưa, là những điều Chúa Giê-su đã trải nghiệm, đã nói, đã nguyện cầu… trên Thập giá năm xưa.

Về điều này, những nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã tổng hợp được bảy điều Đức Giê-su đã nói và đã cầu nguyện trên thập giá. Người ta gọi những lời này là “Bảy di ngôn trên Thánh Giá”.

Là người Công Giáo, làm dấu Thánh Giá mỗi ngày, chúng ta có suy niệm, nói cách khác, chúng ta nghĩ gì về “Bảy di ngôn trên Thánh Giá” mà Chúa Giê-su đã nói trên thập giá năm xưa?
Chúng ta nghĩ gì khi Chúa nói “Tôi khát”?

Với di ngôn này, Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An chia sẻ rằng, “Đây là lời ngắn nhất trong bảy Di Ngôn, chỉ vỏn vẹn một tiếng, Ta khát. Tận đáy tâm hồn Chúa chỉ bật ra một nỗi thao thức: Ta Khát” .

“…Hiện tượng khát nước là sự kiện bình thường của một người tử tội bị đóng đinh trên thập giá, do việc người đó mất quá nhiều máu trong người. Nhưng ở đây, chắc chắn tông đồ Gioan không có ý nói tới điều đó mà nói đến nghĩa thiêng liêng.

Trong Phúc âm Gioan, từ ngữ ‘khát’ thường chỉ nguyện vọng sâu xa của con người ‘khát mong’ những hồng ân của Thiên Chúa. Chữ ‘khát’ hàm một ý nghĩa tâm linh, như ‘Ai uống nước Ta ban thì đời đời sẽ không còn khát nữa, nước Ta ban sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời’ (Ga 4,13); hoặc ‘Ai đến với Ta sẽ không hề đói,và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ’ (Ga 6,35); hay ‘Ai khát hãy đến với Ta, ai tin vào ta hãy đến mà uống! Như kinh thánh đã nói: Tự lòng Ngài sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống’ (Ga 7,37)”

Lm Nguyễn Hữu An kết luận: “…Như thế Di Ngôn ‘Ta Khát’ chính là nguyện vọng sâu thẳm của Chúa muốn mọi người lãnh nhận ơn cứu độ mà cuộc khổ nạn Ngài đem đến cho thế gian”.

*****
Vâng, sau khi đọc xong những dòng chia sẻ nêu trên, chúng ta có “khát” không? Dĩ nhiên, nếu là “khát nước” hãy bước đến tủ lạnh và lấy một chai nước mà uống.

Còn nếu chúng ta “khát” những gì liên quan đến phần “thuộc linh” hãy mở Kinh Thánh ra và hãy đọc lại “Tám mối phúc thật”, một sứ điệp đã được Đức Giê-su “chúc phúc”, tất nhiên, không chỉ đọc mà còn phải thể hiện nơi cuộc sống đức tin của mình, thì mới được là “có phúc”. (x. Mt 5, 1-12)

Giờ đây, chúng ta hãy trở lại bảy lời di ngôn của Đức Giê-su (*) Hãy đọc, hãy suy niệm… từng lời... từng lời… Và nếu… nếu chúng ta xem đó như là hành trang và thực hiện nó trong cuộc sống đức tin của mình, hãy tin, “sức mạnh của Thiên Chúa” sẽ ngự trị trong chúng ta. Cuối cùng, đó chính là cách tốt nhất cho việc “Tôn Vinh Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô”.

Nói cách khác, nếu có “Tôn Vinh Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô”, hãy tôn vinh bằng cách suy niệm và thực thi những lời di ngôn của Ngài. Bởi vì, những lời di ngôn của Ngài chính là “Sức Mạnh Của Thiên Chúa”.

Petrus.tran

********
(*) Tìm đọc trong bốn sách Phúc Âm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây