TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tôi muốn!

Thứ tư - 12/05/2021 21:26 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   651
Tôi muốn!

CHÚA NHẬT XXII – TN – A

Tôi muốn!

Cách nay khoảng một năm, chính xác là vào ngày Chúa Nhật 28/07/2013, đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 28 tại Brazil bế mạc. Trước lễ bế mạc hai ngày, đêm thứ sáu ngày 26/07, tại bãi biển Copacabana, có rất đông các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về đây để tham dự nghi thức đi “Đàng Thánh Giá” cùng với đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô.

Bờ biển Rio, nơi thường tổ chức nhiều lễ hội, hôm ấy trở thành khung cảnh của suy niệm và nguyện cầu. Mười ba chặng Đàng Thánh Giá trải dài suốt trên gần một cây số của đại lộ Atlantico, với một đội ngũ 280 người, gồm các nghệ sĩ và các thỉnh nguyện viên cùng nhau “diễn nguyện” trong tình liên đới. Trong cùng lúc, các bạn trẻ khác, không phân biệt quốc tịch, màu da, đã thay nhau vác thập giá.

Đến chặng thứ mười bốn, chặng cuối cùng, được đặt tại lễ đài trung tâm. Nơi đây, một bài huấn từ dành cho giới trẻ, đã được vị cha chung của Giáo Hội công bố.

Mở đầu bài giáo huấn, Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói, “Hôm nay chúng ta ở đây để đồng hành với Chúa Giêsu đoạn đường dài đau khổ và yêu thương của Người, đàng thánh giá là một trong những khoảnh khắc mạnh mẽ nhất của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới”. Và đặc biệt, ngài có nhắc đến một người môn đệ của Đức Giê-su, đó là tông đồ Phê-rô.

Vâng, tại sao không bế mạc đại hội bằng những “vũ hội”, đại loại như vũ hội Carnival với những vũ điệu Samba rực lửa… 3D, dễ thu hút hàng triệu người, như thói đời thường làm? Tại sao không nhắc đến những gương mặt nổi tiếng trong ánh mắt giới trẻ Brazil như: Pele, Zico, Socrates, Romario, Ro-béo, Ro-gầy v.v... mà lại nhắc đến ông Phê-rô, một tay chài lưới chẳng có tiếng tăm gì trên thế giới? Về điều này, tôi không biết.

Vâng, đi “đáng Thánh giá” và nhắc đến tông đồ Phê-rô, xin thưa, trước hết, là bởi, ngài chính là tấm gương mẫu mực của người môn đệ theo Đức Giê-su. Một người đã dám “từ bỏ mình”, một người, như lời Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói trong bài huấn từ, rằng: “...đã bước theo Thầy của mình, với lòng cản đảm, cho đến cùng”.

Và sau là, đi “đàng Thánh giá” chính là nhắc lại huấn lệnh khi xưa Đức Giê-su đã công bố, rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (x. Mt 16, 24)

**
“Ai muốn theo Thầy...” Vâng, Đức Giê-su, sau một thời gian dài ra đi loan báo Tin Mừng, tiếng đồn về một ông Giê-su được đồn vang khắp xứ sở Palestina.

Người ta đồn rằng, Ngài: “... Giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… Giáo lý thì mới mẻ; người dạy lại có uy quyền”, một thứ quyền uy khiến cho cả đến thần ô uế cũng phải thét lên rằng: “chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi” (Mc 1,24). Còn có lời đồn rằng, Đức Giê-su là “ông Ê-lia... hoặc là Gioan tẩy giả” v.v...

Nghe những lời đồn đó, có một số người tìm đến và muốn đi theo Ngài. Tuy nhiên, những người tìm đến và muốn đi theo Đức Giê-su, họ đều “vỡ mộng”. Vỡ mộng vì ý tưởng dấn thân của họ khác hẳn ý tưởng dấn thân của Đức Giê-su.

Trường hợp một người thanh niên giàu có, muốn theo Đức Giê-su là một ví dụ điển hình. Chuyện kể rằng, có một lần, có một chàng thanh niên đến và ngỏ lời muốn theo Ngài, nhưng khi vừa nghe Đức Giêsu đưa ra điều kiện “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”… Thiệt tình! Khi anh ta nghe lời yêu cầu đó, buồn thay! “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi…” (x.Mc 10, 22)

Ai muốn theo Thầy ư! Vâng, với Đức Giê-su, để theo Ngài, đừng có mơ mộng như hai anh em nhà Dê-bê-đê, muốn “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”...

Sứ mạng của Đức Giê-su, khi xuống trần gian cứu nhân độ thế, đã được Ngài loan báo, rằng: “(Người) phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết”... (x.Mt 16, 21)

Một đêm nọ, tại Giêrusalem, Đức Giêsu cũng đã nói rõ phương cách “cứu nhân độ thế” của Ngài cho ông Nicôđêmô, rằng “như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15)

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao”. Giương cao như thế nào? Thưa, chính là giương cao trên thập giá.

Hôm đó, để làm sáng tỏ “ý tưởng của Thiên Chúa” và cũng là ý tưởng của Ngài, Đức Giê-su đã có huấn lệnh cho các môn đệ rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

***
Trở lại bài giáo huấn của đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Vâng, khi nói về tông đồ Phê-rô, ngài đã kể lại câu chuyện truyền thống cổ xưa của Giáo Hội Roma.

Chuyện kể rằng: “Tông đồ Phê-rô, khi ra khỏi thành để trốn cuộc bách hại của hoàng đế Neron, thánh nhân đã gặp Chúa Giê-su đi ngược lại, ngài rất lấy làm kinh ngạc và đã hỏi Chúa: ‘Lạy Thầy, Thầy đi đâu vậy?’. Chúa Giê-su trả lời: ‘Thầy đến Roma để chịu đóng đinh lần nữa’. Hiểu được ‘tư tưởng của Thầy’, chuyện kể tiếp rằng: thánh Phê-rô trở lại thành Roma. Ngài tử đạo tại đó. Cái chết của ngài, cũng là một cái chết trên thập giá như Thầy Giê-su”.

Tông đồ Phê-rô, quả đúng là đã “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” Đức Giê-su.

****
Với chúng ta hôm nay, thế nào là “từ bỏ chính mình?”. Phải chăng, là cũng phải “chết”, như Phê-rô đã chết, trên cây thập giá năm xưa?

Xin thưa, không phải vậy. “Từ bỏ chính mình” không có nghĩa là “biến mất khỏi thế gian này”. Từ bỏ chính mình, đó chính là “từ bỏ cái tôi của tôi – từ bỏ cái tôi trong tôi”.

Làm thế nào để có thể “từ bỏ cái tôi của tôi – từ bỏ cái tôi trong tôi”?
Vâng, tông đồ Phao-lô, với kinh nghiệm bản thân, ngài đã đưa ra một lời khuyên, một lời khuyên chân tình, rằng: “Đừng có rập theo đời này…”.

Đúng vậy, đừng có rập theo thói hư tật xấu của người đời, như: thói “ham tiền bạc, khoác lác kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trác, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa…v.v...” (x.2Tim 3, 2-4).

Thánh nhân có thêm lời khuyên rằng: “…nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” ( x.Rm 12, 2)

“…Ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” không ở đâu xa, mà ở ngay trong những trang Kinh Thánh (Lời Chúa).

Một bức họa chân dung, nó chỉ có thể trở nên sinh động khi đã được người họa sĩ “điểm nhãn”. Với chân dung của một Ki-tô hữu, cũng vậy, anh (chị) ta cũng phải được “điểm nhãn”, điểm nhãn bằng chính “Lời Chúa”.

“Lời Chúa”, như lời tông đồ Phê-rô nói, là một thứ “sữa tinh tuyền… nhờ đó anh em sẽ lớn lên”, lớn lên trong đức tin. Sự lớn lên trong đức tin chính là một sự “lột xác”, lột xác khỏi “cái tôi của tôi – cái tôi trong tôi” để sống một cuộc sống, một cuộc sống mới, rằng “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

****
Đức Giê-su nói “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Là một Ki-tô hữu, người môn đệ của Ngài, chúng ta có “muốn?”

Phải chăng, chúng ta không chỉ trả lời là “Tôi muốn”, nhưng còn “khoe” những cây thập giá mà mình đang vác “trên cổ… trên vành tai… trên mái tóc highlight”… Nó được làm bằng vàng bốn số 9999, nó được làm bằng bạc, được trạm trổ tinh vi, được mua từ Roma, nó bằng gỗ nhưng là gỗ cẩm lai và được cẩn thêm những viên ngọc lấp lánh v.v… và v.v…!?

Với những loại “thập giá” đó, Lm. Nguyễn Tầm Thường, nhận định rằng, nó chỉ “là đồ trang sức, là đơn vị kinh tế tính bằng tiền bạc, là phương tiện tranh đấu, có thể là duyên cớ cho lòng thèm muốn tham lam, hoặc có thể để phân biệt chức vị trong xã hội”.

Sau lời nhận định nêu trên, Lm Nguyễn Tầm Thường chia sẻ, rằng, “Vác Thánh giá để đi theo một người chứ không phải để thỏa mãn tò mò về một người. Như thế, Thánh giá không phải là một định nghĩa để hiểu biết bằng trí tuệ mà phải hiểu bằng lối sống. Bởi đó, kẻ không theo Ngài thì sự hiểu biết tri thức về Thánh giá chẳng có ý nghĩa gì. Kẻ đã theo Ngài thì không cần tìm định nghĩa cho Thánh giá. Vì đã theo Ngài thì biết Thánh giá là gì rồi. ‘Về phần tôi, ước chi tôi đừng có vinh quang nơi một điều gì, trừ phi là nơi thập giá của Chúa chúng ta’…” (Gl. 6,14) (Trích trong NƯỚC MẮT & HẠNH PHÚC)

Vâng, “trừ phi tôi muốn…” Trừ phi tôi muốn “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì…”; ngoài việc “tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu… Tôi muốn cười vào những khoe khoang. Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn”. (Tôi muốn*)

Và “ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì”, ngoài việc “cố gắng yêu thương người. Dù người không yêu ta, (vẫn) cứ yêu thương hoài. Mặc người ai quen ai, hãy cho nhau một lời”.

Và ước-chi-tôi-chẳng-hãnh-diện-về-điều-gì, ngoài việc “cố gắng yêu thương đời. Dù đời không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài. Mặc đời ta không ai, hãy vững tin yêu đời”. (Yêu người-Yêu đời**)

Biết thương nhau, không oán ghét không gây hận sầu, hoặc, cố gắng yêu thương người dù người không yêu ta… đó là gì, nếu không phải là giới răn “yêu người” mà Đức Giê-su đã truyền dạy!

Biết thương nhau, không oán ghét không gây hận sầu, hoặc, cố gắng yêu thương người dù người không yêu ta… đó là gì, nếu không phải là “thập giá hằng ngày” mà chúng ta luôn đối diện?

Nói về thập giá, khi gặp điều bất hạnh, người ta thường than thở: “Cuộc đời tôi khổ quá! Sao Chúa lại bắt tôi vác thánh giá nặng thế này!” Vâng, quả là một sự “đổ lỗi” trơ trẽn.

Kinh Thánh chép rằng, Đức Giê-su bị bắt, bị làm nhục, bị nhạo báng, bị đánh đập, và sau cùng, người ta làm một cái thập giá, bắt Ngài vác đi, tới Golgotha, người ta đóng đinh Ngài trên cây thập giá đó. (x.Mc 15, 16)

Về điều này, Lm Nguyễn Tầm Thường chia sẻ tiếp, rằng: “Như thế, thập giá trong ý nghĩa bất hạnh là sản phẩm của con người. Con người đã có sáng kiến chế ra thập giá để đóng đinh Chúa: Nếu thập giá là sản phẩm của con người, thì phải nói, con người đã gởi thập giá cho Chúa, chứ Chúa làm gì có thập giá mà gởi cho con người?”

Chúa Giê-su đã phán: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” kia mà!

“Biết thương nhau, không oán ghét không gây hận sầu, hoặc, cố gắng yêu thương người dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài”; có khác gì lời Đức Giê-su mời gọi “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”?!

Và, nếu đây có là “thập giá” thì nó đã trở thành Thánh giá – Thánh giá Chúa Ki-tô. Với thánh giá này, Ngài cũng chỉ mời gọi và luôn mời gọi “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Hãy để tâm hồn một phút trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng, tôi sẽ thưa với Ngài, rằng: “Tôi muốn”!?

Petrus.tran

------------------
(*) (**) Tác giả Lê Hựu Hà.

 Tags: Tôi muốn!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây