TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cái chết là khởi đầu cuộc sống

Thứ hai - 10/05/2021 23:23 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1108
Cái chết là khởi đầu cuộc sống

Cái chết là khởi đầu cuộc sống

Hôm nay là ngày Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay. Chúng ta bắt đầu một tuần lễ rất đặc biệt. Đặc biệt là bởi sáu ngày cuối cùng này sẽ là sáu ngày có rất nhiều việc chúng ta phải thực hiện để chuẩn bị bước vào tuần thánh một cách long trọng và sốt sáng.

Và chắc hẳn một trong những công việc chúng ta phải thực hiện chính là làm thế nào để chuẩn bị thật tốt một kịch bản tái hiện cuộc thương khó của Đức Giêsu trong thứ sáu tuần thánh.

Thế nhưng, sẽ chẳng sinh ích lợi gì nếu công việc đó được thực hiện như một thông lệ, như một thói quen, như để trình diễn mà không phải là được thực hiện bằng sự cảm xúc, bằng tâm hồn rung động trước ân sủng và tình yêu thương của Thiên Chúa.

Thật vậy, tông đồ Gioan đã nói: “Thiên Chúa là tình yêu… Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 8…11).

Nếu… nếu được gọi “Ân sủng và tình yêu thương của Thiên Chúa” là hiện tượng “Big Bang – Big Bang thiêng liêng”. Vâng, đấy chính là hiện tượng “Big Bang thiêng liêng” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. Một Big-Bang-thiêng-liêng với một sức mạnh khủng khiếp lan tỏa khắp thế giới không chỉ trong quá khứ mà vẫn còn diễn ra từng ngày, từng giờ… kéo dài cho đến tận thế.   

“Big Bang thiêng liêng” không phải là một mớ lý thuyết trừu tượng nhưng là một thực tại sâu kín được gọi là Mầu nhiệm Vượt Qua.

Mầu nhiệm Vượt Qua có thể được nhìn thấy trong khắp mọi thực tại của đời sống thường nhật chứ không chỉ ẩn chứa trong niềm tin của đời sống thiêng liêng của chúng ta mà thôi.

Đó là lý do tại Giêrusalem, Đức Giêsu đã mượn một hình ảnh rất đời thường, rất thực tế để mọi người có thể cảm nhận ra Mầu nhiệm Vượt Qua. Hình ảnh đó chính là hình ảnh “hạt lúa gieo vào lòng đất… chết đi… sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

Nói chính xác, “Big Bang thiêng liêng” chính là cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Nó đã làm cho cả nhân loại phải thao thức. Thao thức bởi cái chết của Ngài là “cái chết khơi nguồn sự sống”. Nó đã làm cho cả nhân loại phải sững sờ. Sững sờ bởi cái chết của Ngài “Là cái chết được tôn vinh” qua sự phục sinh của Ngài. 

Chính sự phục sinh của Ngài sẽ dẫn đến sự sống lại, một sự sống vĩnh cửu cho những ai tin và theo Ngài. 

Nói tắt một lời Big-Bang-thiêng-liêng chính là cứu cánh cho nhân loại như chính lời Đức Giêsu đã long trọng công bố rằng: “Phần tôi, khi được giương cao lên mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. (Ga 12, 32).

Một chút tâm tình

Là một Kitô hữu, qua việc nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng được tiếp cận Mầu nhiệm Vượt Qua. Có nghĩa là chúng ta cùng-chết-với Đức Giêsu-và cùng-mai-táng-với-Ngài.

Dĩ nhiên, ngoại trừ một vài trường hợp “tử đạo” phải gánh chịu cái chết thể lý để bảo vệ đức tin.

Còn đối với một Kitô hữu bình thường, cùng chết và cùng mai táng với Đức Giêsu, theo lời chia sẻ của Lm Trần Bình Trọng, nghĩa là “người tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống mới với Ðức Kitô”.

Ngài Lm chia sẻ tiếp rằng: “Sẵn sàng chịu chê cười nhạo báng và chịu bách hại vì tin yêu Chúa là chết đi một phần. Sẵn sàng trả giá trong cách sống, cách nói năng và hành động để làm môn đệ Chúa, cũng là chết đi cho mình một phần. Sẵn sàng chịu mất mát, mất bạn bè, mất việc làm, mất địa vị xã hội, nếu những sự việc trên làm cản trở cho bước đường làm môn đệ, làm sứt mẻ mối liên hệ với Chúa, cũng là chết đi cho mình một phần”.

Chính vì thế, thật phải đạo khi Đức Giêsu nói: “ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

Làm thế nào để có thể thực hiện trọn vẹn lời truyền dạy của Đức Giêsu?
 
Xin thưa, không gì tốt hơn là hãy “lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khấn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng” (Dt 5, …7).

Vâng, Đấng-có-quyền-năng không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô – “Người trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 9)

Một chút suy tư

Là một Kitô hữu, chúng ta đã “tùng phục Chúa”? Và nếu chúng ta đã tùng phục Chúa, chúng ta đã tùng phục như thế nào?

Trước khi trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy tìm hiểu xem “Big Bang” nghĩa là gì?

Thật tuyệt vời khi Lm Charles E. Miller đã cho chúng ta câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ như sau: “Nhiều khoa học gia tán đồng thuyết Big Bang để lý giải nguồn gốc vũ trụ. Trước đây, mười lăm hoặc hai mươi tỷ năm gì đó, họ lý luận, tất cả vật chất và năng lượng của vũ trụ bị nén đọng trong một quãng không gian nhỏ hơn một đầu kim. Khi sức nén của nó trở nên mãnh liệt đến một cường độ không thể chịu đựng nổi, một vụ nổ khủng khiếp xảy ra, bắn tung vật chất vào một bầu vũ trụ không ngừng giãn rộng”.

Lý thuyết này đúng hay sai? Lm Charles E. Miller nói tiếp: “Hãy dành mọi lời phán xét cho Thiên Chúa là Đấng quan phòng xem lý thuyết này đúng hay sai”.

Đưa lý thuyết Big Bang vào đây không phải để tạo một diễn đàn tranh luận đúng hay sai. Điều lý thú là khi biết được nguyên lý của lý thuyết này chúng ta hãy thử tượng tượng…

Vâng, hãy tưởng tượng tất cả những nhân đức: đức tin, đức cậy và đức ái được “nén đọng trong tâm hồn ta”. Và khi sức nén của nó trở nên mãnh liệt đến một cường độ không thể chịu đựng được nữa…

Theo Bạn điều gì sẽ xảy ra?

Phải chăng, một vụ nổ khủng khiếp sẽ xảy ra, bắn tung: “lòng bác ái, sự hoan lạc, sự bình an, lòng nhẫn nhục, sự nhân hậu, lòng từ tâm, sự trung tín, sự hiền hòa và sự tiết độ” vào một thế giới đang khao khát tình yêu thương, một thế giới đang quằn quại trong bất hòa và tranh chấp, một thế giới đang ngụp lặn trong hố sâu lỗi lầm…???

Vâng, giờ đây, chắc hẳn mỗi chúng ta sẽ có câu trả lời cho việc phải phục tùng Chúa như thế nào. 

Nói chính xác, chúng ta phải phục tùng Chúa như một “Big Bang thiêng liêng” – một Big Bang được nén chặt đức tin, đức cậy và đức ái.

Hãy tin rằng, với cách “phục tùng Chúa” như thế. Vâng, Đức Giêsu đã hứa rằng “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, …26)

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây