TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐỨC GIÊSU: Vị Mục Tử nhân lành

Thứ ba - 11/05/2021 00:17 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1335
ĐỨC GIÊSU: Vị Mục Tử nhân lành

ĐỨC GIÊSU: Vị Mục Tử nhân lành

Theo thống kê của StandwithUs, hiện nay trên thế giới có 2 tỷ người tin Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô là ai? Ngài là ai mà hai tỷ người đã tin theo? Ngài là ai mà hôm nay mọi người khắp năm châu trần gian đã tin theo!?

Suốt chiều dài lịch sử Kitô giáo, đã có nhiều câu trả lời được đưa ra, qua sách vở, qua âm nhạc, qua kịch nghệ lẫn phim ảnh. Gần đây nhất, một người mang tên là Joseph Ratzinger hiện đang là đương kim Giáo Hoàng Benedict XVI cũng đã gửi đến thế giới câu trả lời về Đức Giêsu Kitô qua tác phẩm kinh điển với tựa đề là “Đức Giêsu thành Nazareth”.

Vâng, hãy ngược dòng thời gian trở về Nazareth của hơn hai ngàn năm xa trước đó, nơi đây chúng ta sẽ nhận được câu trả lời: Đức Giêsu là ai.



Tại làng Nazareth, sau ba mươi năm sống ẩn dật, Đức Giêsu khởi sự ra đi rao giảng Tin Mừng. Có thể nói rằng, trong suốt ba năm thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, bất cứ nơi nào Đức Giêsu hiện diện, lập tức nơi đó liền có một rừng người qui tụ chung quanh Ngài. Họ đến từ khắp mọi miền đất nước, từ: “Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Siđôn”. Họ đến để xin Đức Giêsu “chữa lành bệnh tật” (Lc 6:17-18).

Thật vậy, người ta đã kể lại rằng: “Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường, ngoài chợ và xin Người cho họ… được khỏi” (Mc 6:56).

Không chỉ bởi những phép lạ chữa lành bệnh, không chỉ bởi quyền năng trừ quỷ nhưng còn do những lời giảng dạy của Đức Giêsu đã lôi cuốn nhiều người đến với Ngài. Chính những lời rao giảng đó đã khiến “mọi người đều kinh ngạc”. Họ kinh ngạc bởi “Giáo Lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền” (Mc 1 :27).

Sách có chép rằng “tiếng lành đồn xa”. Đúng vậy, thực tế đã cho thấy, “danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xyri”. Có thể nói, kể từ đây, với những gì Đức Giêsu đã làm và những gì Ngài đã giảng dạy, nhiều người bắt đầu thắc mắc và tự hỏi “Ông Giêsu này là ai ?”…

“Ông là ai?”. Vâng, người đương thời với Đức Giêsu, mà đa phần là nhóm kinh sư và biệt phái, thường thắc mắc về nhân thân của Đức Giêsu và luôn chất vấn Ngài mỗi khi có dịp tiện. Và trong mỗi trường hợp, Đức Giêsu đều có câu trả lời thích hợp cho hoàn cảnh câu hỏi được đặt ra.

Trong một lần tranh luận về nguồn gốc Đức Kitô, Ngài nói với người Do Thái rằng “Tôi là ánh sáng thế gian”. Lần khác, trong lúc tranh luận về lời chứng của Đức Giêsu liên quan đến bản thân Người, Đức Giêsu nói với họ rằng: “Tôi Hằng Hữu”.

Có thể nói rằng những câu trả lời này như khẳng định rõ nét cho lời nói sau này của Đức Giêsu “Tôi và Chúa Cha là một”.

“Tôi và Chúa Cha là một” đó chính là sự mặc khải rằng Đức Giêsu cũng chính là Thiên Chúa. Một Thiên Chúa “đã trở nên người phàm” và cư ngụ giữa thế gian. Một Thiên Chúa “đến thế gian không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian nhờ đó mà được cứu độ”.

Trong đêm ông gặp Nicôđêmô, Đức Giêsu đã nói với ông ta rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16)

Vâng, quả là một thông điệp tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Con Một của Người là Đức Giêsu.

Và hôm nay, Con Một Thiên Chúa - Đức Giêsu thành Nazareth, bằng phương pháp “trực quan sinh động”, Ngài đã mượn hình ảnh “người mục tử và đàn chiên” để nói lên mức độ Ngài yêu thế gian như thế nào.

Con Một Thiên Chúa - Đức Giêsu thành Nazareth đã phán rằng “Tôi chính là mục tử”, là người mục tử sẵn sàng: “Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11)

Và sự thật đã rõ, lời nói của Đức Giêsu đã đi đôi với việc làm. Tại đồi Golgotha, người mục tử Giêsu đã hy sinh mạng sống mình bằng cái chết trên thập giá. Một cái chết để cứu chuộc nhân loại. Một cái chết để không ai còn có thể mỉa mai nói rằng “từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” Và cuối cùng, một cái chết để muôn thế hệ về sau đều phải nhìn nhận rằng, Đức Giêsu thành Nazareth, Ngài chính là “Vị Mục Tử nhân lành”.

Một chút tâm tình

Vào Google, một trang mạng với chức năng tìm kiếm, đánh lên đó dòng chữ “người mục tử nhân lành”, vâng, chúng ta sẽ thấy rất nhiều hình ảnh Đức Giêsu như người mục tử vác con chiên trên vai muôn kiểu, muôn màu, muôn sắc.

Theo Kinh Thánh Cựu Ước, những hình ảnh đó như là biểu tượng nói về lòng thương xót, sự chăm lo, bảo vệ và nâng đỡ của Thiên Chúa đối với con người.

Và từ ý nghĩa sâu sắc đó, hình ảnh người mục tử với con chiên trên vai nay trở thành biểu tượng đẹp cho các giám mục và linh mục – những người được Chúa tuyển chọn để thay Ngài chăm sóc, yêu thương, dẫn dắt và bảo vệ đoàn chiên của Người.

Vì thế, thật phải đạo, khi hôm nay, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho Giáo Hội có thêm nhiều người “tự ý không kết hôn vì Nước Trời” (Mt 19, …12) nhưng trên hết, hãy nguyện xin cho những người đã-được-Chúa-tuyển-chọn, ngày càng thêm “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”.

Bởi vì chỉ khi “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”, người mục tử hôm nay mới có thể cùng Đức Giêsu “đi trước” chứ không phải “đi giữa hay đi sau” đoàn chiên và đủ dũng cảm như “anh cả Phêrô” dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.

Đức Giêsu nói “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”. Vâng, chỉ khi thực thi mệnh lệnh đó, người mục tử hôm nay mới có thể được ghi nhận là người mục-tử-nhân-lành.

Hay nói chính xác hơn, người mục tử đó chính là “người mục tử đích thực”.

Một phút suy tư

Thật ra, không nhất thiết phải quan niệm rằng, chỉ các giám mục hay linh mục mới là mục tử duy nhất. Giáo Hội ngày nay, với Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 9, cũng mời gọi các tín hữu hãy trở nên là những mục tử cho nhau, đặc biệt là mục tử ở trong gia đình.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, internet chính là những “con sói” hung hãn nhất của con em mình. Chính “con sói internet” đã làm cho biết bao con trẻ rơi vào trạng thái trầm uất, bạo lực, đam mê thần tượng, cuồng dâm, mất niềm tin vào chính mình để rồi cuối cùng là tiến tới tội ác, ma túy và tự tử…

Chắc hẳn chúng ta không muốn con em mình đến trường một mình. Vậy tại sao chúng ta lại để cho con em mình “một mình” đi vào thế giới ảo nơi mà “con sói internet” luôn rình rập để hãm hại?

Ai… ai sẽ là người mục tử để đánh đuổi những “con sói” đó nếu không phải là chính chúng ta?

Vâng, không nhất thiết chúng ta phải hy sinh cả mạng sống nhưng thật cần thiết để chúng ta hy sinh một chút thời giờ, một chút riêng tư để cùng đồng hành với con cái chúng ta.

Đương nhiên không thể phủ nhận giám mục và linh mục chính là những người mục tử. Họ là những người kế vị các thánh tông đồ quyền “chăm sóc và chăn dắt” qua Bí Tích Truyền Chức Thánh.

Một điều tuy đã cũ nhưng xin được trình bày lại ngày hôm nay rằng: nếu các linh mục khi lãnh nhận Bí tích truyền chức, họ được trao ban chức tư tế - “Tư tế thừa tác”. Thì người Kitô hữu khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, cũng được trao ban chức tư tế - nhưng là “tư tế cộng đồng”.

Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính; song cả hai bổ sung cho nhau. Thật vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách riêng của mình” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội – số 10).

Có thể nói cách khác chăng! Vâng: giám mục, linh mục hay giáo dân tất cả đều tham dự vào vai trò mục tử của Đức Giêsu theo cách riêng của mình. Nhưng trước nhất và quan trọng nhất đó là chúng ta phải để cho Đức Giêsu: Vị Mục Tử nhân lành sống và hành động trong tâm hồn chúng ta.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây