Đây là Con Ta yêu dấu
Đức tin Kitô giáo là niềm xác tín sự hiện hữu của Thiên Chúa – Đấng sáng tạo vũ trụ và con người. Đức tin Kitô giáo còn là niềm tin vào ân điển cứu chuộc của Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, qua cuộc tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Và đó chính là trung tâm điểm của niềm tin Kitô giáo.
Vì thế, hàng năm, Giáo Hội dành ra bốn mươi ngày, được gọi là “Mùa chay thánh”, trước là để kêu gọi mọi tín hữu hãy trở về “sám hối và chay tịnh”, sau là để cùng nhau suy niệm về những “sự thương khó” mà Đức Giêsu đã gánh chịu như một phần để chuộc tội nhân loại.
Bốn mươi ngày được tính từ thứ tư lễ Tro cho đến thứ bảy trước Chúa Nhật lễ Phục Sinh - như lời Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã nói trước 8.000 tín hữu và du khách hôm 22.02.2012 tại đại thính đường Phaolô VI - chính là “thời gian trong đó chúng ta có thể tìm được trở lại lòng can đảm mới, giúp kiên nhẫn và tin tưởng chấp nhận mọi tình trạng khó khăn, khổ đau và thử thách, trong ý thức rằng từ tối tăm Chúa sẽ làm cho ngày mới mọc lên”.
“Can đảm, kiên nhẫn, tin tưởng chấp nhận mọi tình trạng khó khăn, khổ đau và thử thách”… Vâng, đó không phải là chuyện một sớm một chiều để mà có thể có được.
Các môn đệ của Đức Giêsu, khi được Thầy của mình loan báo rằng, Ngài sẽ “phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”… Vâng, các ông cũng đã thảng thốt không đủ can đảm, kiên nhẫn cũng như tin tưởng về điều đó. Chính vì thế, niên trưởng Phêrô đã cất tiếng thở than rằng “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”…
Nhưng với Đức Giêsu, điều đó phải xảy ra. Ngài đã “nói rõ điều đó không úp mở” với các môn đệ (Mc 8, 32). Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã không dưới một lần nói với các môn đệ về cuộc thương khó và sự phục sinh của Ngài.
Và để cho các môn đệ nhận ra cuộc thương khó và sự phục sinh của Ngài là một “Mầu Nhiệm – Mầu Nhiệm Vượt Qua”, Đức Giêsu đã thực hiện một cuộc “biến đổi hình dạng” diệu kỳ. Cuộc biến hình của Đức Giêsu đã được ấn chứng, bằng những lời chứng thực của Thiên Chúa.
Toàn cảnh sự biến đổi kỳ diệu đó được ghi lại trong Tin Mừng Máccô (9, 2-10) và được công bố trong phần Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật thứ hai mùa chay, hôm nay.
Vâng, sự biến đổi kỳ diệu đó xảy ra trên “một ngọn núi cao”. Và đây không phải là lần đầu tiên “núi cao” đã ghi lại những dấu ấn đầy ấn tượng từ con người Đức Giêsu.
Lần thứ nhất và quan trọng nhất, đó là, từ nơi “một ngọn núi rất cao” Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ đầy quyến rũ về “vinh hoa lợi lộc” mà Xa-tan đã mang ra chiêu dụ Ngài. Ngài đã tát vào mặt tên-cám-dỗ bằng một thông điệp đầy thách thức “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4, 10)
Lần thứ hai cũng không kém phần quan trọng. Từ núi cao, Đức Giêsu đã gửi đến cho mọi người một thông điệp đầy “hồng phúc”. Những hồng phúc cho những ai muốn trở thành “công dân Nước Trời”. Phúc thay… Phúc thay… Vâng, “Tám mối phúc thật” chính là “phần thưởng” dành cho những ai chấp nhận “bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa…” chỉ vì danh Thầy Giêsu.
Và hôm nay, cũng trên “một ngọn núi cao”, “sự biến đổi hình dạng” của Đức Giêsu với cảnh tượng “y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”, không thể không tin rằng, đây chính là điềm báo trước vinh quang rạng rỡ sẽ đến với Đức Giêsu trong cuộc “Vượt Qua Mới” của Ngài trên đỉnh “Gongotha” sau này.
Sự biến đổi hình dạng “rực rỡ” của Đức Giêsu bên cạnh hai nhân vật “Êlia cùng ông Môsê” có thể nhìn như một dấu chỉ nói lên rằng: Thiên Chúa luôn hiện diện bên “Con Một của Người”. Người luôn hiện diện bên Đức Giêsu từ Belem cho đến Ai Cập, từ Giếtsimani cho tới đồi Canvê, từ cái chết trên thập giá cho đến sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
Vâng. Hôm đó chỉ có ba người môn đệ tháp tùng Đức Giêsu lên núi. Đó là, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Các ông đã chứng kiến tận mằt mọi diễn tiến xảy ra. Và các ông đã “kinh hoàng… không biết phải nói gì”.
Kinh Thánh có chép rằng: “Ai được ở trên núi CHÚA?... Người ấy sẽ được CHÚA ban phép lành” (Tv 24, 3…5).
Ôi! Thật phước hạnh cho Phêrô, Giacôbê và Gioan. “Chỉ mình các ông” đã được Đức Giêsu “đưa tới một ngọn núi cao” – “Núi Thánh”. Không có gì để nghi ngờ rằng các ông đã được Chúa “ban phép lành”.
Phép lành đó chính là Thiên Chúa đã ban cho các ông ơn được nghe tiếng phán từ đám mây, chứng thực về Thầy Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, …7).
Một chút tâm tình
Ba người môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã vâng nghe lời phán truyền trên? Đúng, các ông đã vâng lời Đức Giêsu. Các ông đã không “kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mc 9, 9).
Thật ra, sau khi xuống núi, nếu các ông có nói những gì mình đã thấy, liệu có mấy ai tin!
Điều quan trọng là, sau khi nhìn thấy tỏ tường cuộc biến hình của Thầy Giêsu, các ông đã tin Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” và “vâng nghe lời Người” một cách tuyệt đối cho đến khi Người “từ cõi chết sống lại”.
Thật vậy, sự việc Đức Giêsu “từ cõi chết sống lại” như một nguồn nội lực khiến cho các ông mạnh dạn loan báo những gì đã được thấy và đã được nghe.
Bất chấp áp lực từ giới thần quyền, bất chấp sự đe dọa tù tội, tông đồ Phêrô công khai rao truyền niềm tin của mình trước các thượng tế , rằng “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Ngài trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ” (Cv 5, 30-31)
Thánh nhân khẳng định rằng “khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến ” (2Pr 1,16-17).
Ngài nói tiếp rằng “Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.
Nhân chứng Gioan cũng đã làm chứng rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).
Sự hiệp thông với Thiên Chúa và với Đức Giêsu Kitô đã tác động mãnh liệt vào niềm tin của các tông đồ. Các ông đã không còn rụt rè, sợ hãi bởi lệnh “nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về Đức Giêsu” của Thượng Hội Đồng Do Thái.
Đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và “Vâng nghe lời Người”. Vì thế tông đồ Phêrô mạnh dạn lớn tiếng trước các vị thượng tế rằng “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).
Vâng. “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”.
“Vậy còn phải nói thêm gì nữa?” (Rm 8, 31).
Đúng, không còn phải nói thêm gì nữa ngoài việc nhắc lại tiếng phán từ đám mây trên núi thánh năm xưa, để nói rằng, đó cũng lời Thiên Chúa phán truyền cho mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài”.
Một phút suy tư
Thật đáng tiếc! Và thật đáng buồn… Dường như một số không ít người trong chúng ta vẫn chưa nghe tiếng vọng từ trời cao đầy trìu mến này.
Có vẻ như một số không ít trong chúng ta bị lấn áp trước muôn vàn âm thanh hỗn tạp của cuộc đời!
Có vẻ như chúng ta đang bị những tiếng vọng khác, tiếng vọng của quyền lực, của tiền bạc, của danh vọng bủa vây!
Có vẻ như chúng ta đang bị những âm điệu của dục vọng liên hồi quyến rũ!
Đó là chưa kể chúng ta còn phải nghe những tiếng vọng ma-khóc-quỷ-hờn, rằng “Thiên Chúa đã chết rồi”. Rằng “Tôn giáo chỉ là thuốc phiện” v.v… ra rả trên truyền thông đại chúng hàng ngày, hàng giờ!
Chúng ta đã bước vào tuần thứ hai của Mùa Chay Thánh. Thời gian không còn nhiều. Hãy để cho tâm hồn về trong thinh lặng, và hãy lắng nghe xem tiếng vọng nào đang “vọng” trong tâm hồn chúng ta!
Tiếng vọng của trần gian hay tiếng vọng từ trời cao?
Nếu là tiếng vọng của trần gian thì quả là “kinh hoàng” cho chúng ta. Và đúng là “không biết phải nói gì nữa” chỉ còn biết mượn lời Cohelet mà thở than: Ôi! “Lợi lộc gì đâu… tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng se cát” (Gv 2, 11)
Còn nếu là tiếng vọng từ trời cao… tiếng vọng phán ra từ Thiên Chúa “Đây là Con Ta yêu dấu”. Vâng, đừng “kinh hoàng” như các môn đệ xưa đã “kinh hoàng” và cũng đừng nói là “không biết phải nói gì”.
Hãy cất tiếng mà tung hô danh Người: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta” (Rm 8, 31).
Và đừng quên, đời sống đức tin của chúng ta luôn phải “vâng nghe lời Người” dạy.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn