TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cám dỗ thứ ba

Thứ hai - 19/02/2024 02:10 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   186
Cám dỗ ngọt ngào nhất là cám dỗ nguy hiểm nhất.
Cám dỗ thứ ba




Cám dỗ ngọt ngào nhất là cám dỗ nguy hiểm nhất. Đời sống đạo đức sẽ chịu cám dỗ bởi việc đạo đức. Canh chừng cám dỗ thứ ba, ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu, theo trình thuật Thánh Luca.

Thánh Luca trình bày việc ma quỷ cám dỗ sau hai lần: Về cơm bánh – Tham lam, về quyền bính – lợi lộc. Cám dỗ hai lần đầu dễ thấy và nhận ra. Cám dỗ thứ ba là cám dỗ nguy hiểm nhất vì ma quỷ dùng chính Lời Chúa: “Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” (Tv 91, 10 – 12)

Cám dỗ thứ ba nguy hiểm vì nó tinh vi và nham hiểm. Những tội lỗi xấu xa, ai cũng có thể nhận ra ngay, vì nó trái luật của Chúa. Thấy đó cũng khó tránh, huống chi là cám dỗ ngay trong những điều tưởng là tốt đẹp.

Tội lỗi và ân sủng là một cặp song song, người ta thường nhắc đến ân sủng mà lại quên đi mặt trái là tội lỗi. Có khi lại dùng câu nói của Lời Chúa để che đậy tội lỗi: “Ở đâu tội lỗi thì càng đầy ân sủng” (Rm 5, 21). Thực ra, ta cố tình quên vế thứ hai của lòng thương xót và tha thứ của Chúa: “Từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11). Ân sủng Chúa ban cho, để con người thêm ý chí vững mạnh mà thắng vượt cám dỗ tránh rơi vào tội lỗi.

Có thể ta thường dùng Lời Chúa nói với Phêrô: “Tha thứ đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22). Nhất là khi ta đi xưng tội, cứ phạm đi phạm lại nhiều lần mà thiếu tinh thần dốc lòng chừa. Ta quên mất ơn tha thứ đòi hỏi lòng ăn năn sám hối thật sự, dốc lòng chừa và giúp người khác tìm đến Chúa hơn. Những quyết tâm của ta có thể suy yếu nhưng cũng cần chiến đấu với tội lỗi để nên mạnh mẽ. “Để cứu con, Chúa cần con góp sức” (Augustine)

Thông thường ta quên mất tội lỗi mà chỉ nhấn mạnh đến tội nhân. Lòng nhân từ cần đi đôi với lòng thương xót: Giúp đỡ tội nhân, trợ giúp họ thêm vững mạnh chống trả tội lỗi. Ai cũng cần có “sức mạnh để chiếm lấy Nước Trời” (Mt 11, 12)

Công đồng Trento dạy rằng: “Với ân sủng của Chúa, không ai có thể nói rằng tội lỗi là không thể tránh được, không ai có thể nói rằng mình bị nguyền rủa và bị loại ra khỏi sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội”. Điều quan trong là trở về, hãy trở về với Chúa bằng ý chí, tự do.

Cám dỗ thứ ba nguy hiểm vì ma quỷ dùng cái tốt, cái đẹp, cái đạo đức mà gây cho người ta vấp ngã. Những thành công và đời sống đạo đức dễ làm cho ta lầm tưởng. Vì thế, ta được cứu độ nhờ đời sống đạo đức của ta, quên mất chính nhờ vào lòng thương xót của Chúa. Chúa căn dặn ta bằng dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện ( Lc 18, 9 – 14).

Có khi ta thành công trong việc truyền giáo, đưa được nhiều người đón nhận Chúa, hoặc đưa nhiều người trở về với Chúa. Chính ta lại bị đuổi ra ngoài vì cứ khoe thành tích ấy mà sa ngã vì lòng kiêu căng. Khi các môn đệ trở về khoe với Chúa nhiều thành tích gặt hái được, Chúa bảo họ: “Các con hãy tìm nơi thanh vắng và cầu nguyện” (Mc 6, 31). Theo kinh nghiệm thường thấy, người đạo đức xem ra dễ ngã hơn người bình thường.

Cám dỗ càng tinh vi, càng thấy mình đạo đức, càng nguy hiểm. Thánh Phêrô căn dặn ta: “Tiết độ, tỉnh thức và cầu nguyện vì ma quỷ như sư tử rình mồi cắn xé” (1Pet 5, 8)
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây