TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng ta vẫn cứ đi đi hoài

Thứ sáu - 19/05/2023 23:56 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   473
“Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9).

Chúa Nhật VII – PS – A
Chúa Thăng Thiên

Chúng ta vẫn cứ đi đi hoài…

 

Đức Ki-tô Phục Sinh. Đó là điều chúng ta tin. Chúng ta còn tin rằng: “Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.” Những điều chúng ta tin, không phải là niềm tin vô căn cứ. Trái lại, niềm tin chúng ta tin là do các thánh tông đồ truyền dạy. Ngày nay, chúng ta gọi là đức tin “tông truyền”.

Mà, thật là vậy. Các thánh tông đồ chính là những nhân chứng, những nhân chứng đã được thấy, được nghe, được đụng chạm đến Đức Ki-tô Phục Sinh. Các ngài còn là những nhân chứng chứng kiến Thầy Giê-su “được cất lên ngay trước mắt các ông…” Vâng, biến cố này đã được ghi lại trong sách Công vụ Tông Đồ.

**
Theo tác giả sách Công Vụ ghi lại thì, sau khi chết và sống lại Đức Giê-su đã hiện ra với các tông đồ trong quãng thời gian bốn mươi ngày. Có lần Đức Giê-su “…đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.” Lại có lần, Ngài dặn dò các ông rằng: “không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa…”

Điều-Chúa-Cha-đã-hứa như một tiền đề đem lại cho các môn đệ sự lạc quan và hy vọng. Và rồi, trong sự lạc quan và hy vọng đó, các môn đệ đã hỏi Thầy mình rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy sẽ khôi phục vương quốc Israel không!”

Khôi phục vương quốc Israel, vào thời Đức Giê-su, đó là một mơ ước chính đáng. Thế nhưng, thật đáng tiếc! Khôi phục một vương quốc ở trần thế không phải là sứ vụ của Đức Giê-su, như có lần Ngài đã nói trước quan tổng trấn Philato: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (x.Ga 18, 36).

Bốn mươi ngày qua, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Và mỗi khi hiện ra với các ông, ngoài những việc như ăn và uống để chứng minh rằng Ngài không phải là ma, nhưng đã thật sự sống lại, Đức Giêsu còn chú trọng đến việc dạy dỗ các môn đệ.

Một trong những việc dạy dỗ quan trọng, đó là Đức Giêsu đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”. Ngài chưa một lần hứa sẽ thực hiện nguyện vọng nhuốm mùi “trần thế” của các ông.

Điều Đức Giê-su muốn các môn đệ mình cần có, đó là sự bình an. Ngài đã chúc “Bình An” cho các ông. Quan trọng hơn, đó là Ngài đã “thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Trở lại với câu hỏi của các môn đệ, Đức Giê-su có lời đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (x.Cv 1, 8).

Hôm ấy, mười một vị môn đệ, với mười một đôi tai, đã nghe rõ mồn một lời Thầy tuyên phán như thế.

“Không, trăm không ngàn lần” vương quốc Đức Giê-su thiết lập không phải ở tại Giê-ru-sa-lem. Lại càng không phải ở Roma. Nhưng là ở “Nước Trời”. Là ở Nhà-Cha-Thầy, nơi Thầy Giê-su đã tuyên bố với các môn đệ của mình, rằng: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.”

Hôm ấy, mười một vị môn đệ, đã nhìn thấy “Đức Giê-su về Nhà Cha”. Tác giả sách Công Vụ ghi rằng: “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9).

***
Ngoài sách Công Vụ Tông Đồ, thánh sử Mác-cô, là người chúng ta được biết đã theo thánh Phê-rô sang truyền giáo ở La-mã, cũng đã ghi chép mạch lạc về cuộc đời của Đức Giê-su, dựa vào những lời giảng dạy của thánh Phê-rô. Và trong phần Đức Giê-su lên trời, ngài Mác-cô ghi vắn tắt: “Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.” (x.Mc 18, 19).

Với thánh sử Mát-thêu. Vâng, ngài thánh sử ghi lại lời truyền dạy của Thầy Giê-su, trước khi lên trời, chi tiết hơn: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (x.Mt 28, 16-20).

Riêng thánh Phao-lô, ngài đã có lời chia sẻ sâu sắc, lời rằng: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt bên hữu Người trên trời” (Ep 1, …19-20). “Đặt bên hữu Người”, thánh Phao-lô ngụ ý nói đến “bên hữu Thiên Chúa”.

Đức Giê-su đã Phục Sinh. Đức Giê-su đã lên trời. Và, quan trọng hơn hết, đó là: Đức Giê-su sẽ lại đến. Điều quan trọng này đã được “hai người đàn ông mặc áo trắng” nhắc nhở các thánh tông đồ. Và hôm nay, các thánh tông đồ, qua tác giả sách Công Vụ, nhắc nhở đến chúng ta, lời nhắc nhở rằng: “Hỡi những người Ga-li-lê sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 10-11).

****
Sự kiện Đức Giê-su lên trời đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Chúng ta là những người tin. Tuy nhiên, cũng có một số ít người không tin. Một “nhúm” nhỏ những người không tin, tiêu biểu là mấy ông thần phi hành gia thuộc Liên Xô cũ. Họ đã được “lên trời”, lên trời bằng tàu vũ trụ Vostov1, Vostov2 v.v… sau vài tiếng đồng hồ (thậm chí có người tới 48 tiếng) du hành vào vũ trụ, rồi khi trở về trái đất tuyên bố vung vít rằng, tôi chẳng thấy “ông Giê-su” nào cả!

Tôi (người viết) cũng đã được lên trời hồi năm mười ba tuổi bằng một chiếc phi cơ C47 của không lực VNCH. Khi phi cơ bay lên trời, nhìn qua khung cửa kính, cố tìm ông thánh Phê-rô, nhưng chẳng thấy ngài đâu cả. Nghĩ lại, đúng là mình thật ấu trĩ.

Vâng, lên trời bằng phi thuyền hay phi cơ thì làm sao thấy Chúa. Đức Giê-su “lên trời” không như một viên phi công lái một chiếc phản lực cơ, bay lên trời. Ngài không lên trời như một phi hành gia lên trời bằng một chiếc phi thuyền.

Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện. “Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang. Như có lời được ghi trong Thánh Vịnh: “Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”.

Thế nên, lên trời bằng phi thuyền hay phản lực cơ thì đừng có mơ được thấy Chúa, hoặc thấy ngài Phê-rô. Chúng ta chỉ có thể thấy Chúa bằng con mắt đức tin. Vâng, chỉ với con mắt đức tin, chúng ta mới có thể cất tiếng tuyên xưng, tuyên xưng rằng: Đức Giê-su “Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.”

Tuy nhiên, tuyên xưng đức tin bằng lời nói chưa đủ. Chúng ta còn phải tuyên xưng bằng việc làm. Vâng, phải-bằng-việc-làm. Đó là những “việc” Đức Giê-su đã truyền phải “làm”, trước lúc Ngài về trời, cũng như trong những ngày Ngài còn tại thế.

Trước lúc về trời, chúng ta biết rồi. Đức Giê-su chẳng phải là đã truyền dạy: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”, đó sao!

Thấy chưa! Chính Chúa Giê-su đã nói “bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền” kia mà! Thế nên, chúng ta luôn phải tuân giữ lời Đức Giê-su truyền dạy.

Nếu không, nếu không tuân giữ… coi chừng! Lời khuyến cáo của Đức Giê-su còn đó: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”

Không phải cứ lớn tiếng tuyên xưng: “Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha” là xong đâu! Còn phải đừng có đứng “đăm đăm nhìn lên trời” nữa. Hỡi những người Công Giáo, sao còn đứng nhìn trời! - Hỡi những người Công Giáo “hãy ngước mặt nhìn đời”.

Vâng, một cách cụ thể, đó là: hãy đi vào đời, đi-vào-đời để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

Đi-vào-đời, còn để “đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậу vào nơi thất vọng, rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.”

Đi-vào-đời và “đem” những điều nêu trên đến với tha nhân, chẳng phải là chúng ta đã làm cho “Mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu”, đó sao! Chẳng phải là chúng ta đã làm những việc Chúa truyền phải làm, đó sao!

Vẫn biết rằng những “việc” Đức Giê-su truyền chúng ta phải “làm” không dễ để làm trước một xã hội “chỉ yêu gian dối”. Thế nhưng, đã là môn đệ của Đức Giê-su, thì “Ngày nào bầu trời còn mây bay. Lòng ta vẫn (phải) yêu thương người. Dù đời còn gặp nhiều chông gai. Trọn đời (ta) vẫn cứ đi đi hoài”.

Đúng vậy, chúng ta vẫn cứ phải đi, đi “khắp các miền Giu-đê-a, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” Chúng ta vẫn cứ phải đi… “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Thầy Giê-su. Chúng ta vẫn cứ phải đi, đi “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm уêu mến người hơn được người mến уêu.”

Vâng, chúng ta phải xác quyết rằng: “dù đời cay đắng như vôi”, trọn đời chúng ta “vẫn cứ đi đi hoài.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây