TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Có một cuộc đổi đời

Thứ năm - 13/05/2021 06:31 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   835
Có một cuộc đổi đời

Chúa Nhật XXXI - TN – C

Có một cuộc đổi đời

Tuần trước (23/10/2016) gọi là Chúa Nhật truyền giáo. Nhớ, năm 2014, trong “Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo”, Giáo Hoàng Phan-xi-cô có lời viết: “Ngày nay còn nhiều người không biết Đức Giê-su. Vì thế, việc rao giảng cho người ngoài Ki-tô giáo là việc cấp bách, mà tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi, từ bản tính Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội được sinh ra là để ra đi”.

Trong một thông điệp khác, ĐTC nói: “Cha muốn mọi người ra đi! Cha muốn Giáo Hội ra ngoài đường phố!... Bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến dự bàn tiệc Chúa” (nguồn: internet).

Phải, truyền giáo là ra đi và gặp gỡ, vì là lệnh truyền của Đức Giê-su: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Kinh Thánh ghi lại nhiều câu chuyện về sự ra đi và gặp gỡ của Đức Giê-su. Câu chuyện “Ông Da-kêu”, như một điển hình.

**

Chuyện kể rằng: Hôm ấy, Đức Giê-su đến Giê-ri-cô. “Ở đó có một người tên là Da-kêu, ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có”.

Vâng, chỉ một vài dòng mô tả, ta có thể tin rằng, ông này bị rất nhiều người “căm ghét”. Tại sao? Thưa, bất cứ thời buổi nào, chẳng ai ưa người thu thuế, họ thường thu nhiều hơn quy định mà họ phải thu, nhờ đó họ rất giàu, cho nên nhìn họ là thấy ghét.

Ấy thế mà, Đức Giê-su không “ghét” ông ta.

Thật vậy, hôm ấy, khi nghe đồn có ông Giê-su, ông Da-kêu “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai…”.

Và khi ông thấy, trời ạ! vây quanh Ngài là một rừng người. Tiếc thay! “ông ta lại lùn”, thật khó để chen chân đến bên Ngài.

Vâng, người xưa thường nói: “cái khó ló cái khôn”, trong lúc khó khăn về “thước tấc”, chợt ông thấy trước mặt mình là cây sung. Ố hay đấy! Cái khôn trong người ông “ló ra”. Tại sao không leo lên đó nhỉ! Và, như một đứa trẻ con, ông đã leo… “leo lên cây sung để xem Đức Giê-su, vì Ngài sắp đi ngang qua đó”.

Trời thương, Đức Giê-su có đi ngang qua. Và, “Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên…”. Trên cây, Dakêu nhìn xuống, người ông muốn thấy, nay đã thấy.

Hóa ra “Đây là Người” ư! Chưa kịp bảy tỏ niềm vui, thì, ông nghe như có tiếng ai gọi tên-cúng-cơm của mình.

Đúng, không thể tin được! Chính là Đức Giêsu. Ngài nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi…”

Nằm mơ ư! Không! Đôi tai ông nghe rõ mồn một tiếng Đức Giêsu nói: “hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Thế là, mặc cho những kẻ hiếu kỳ xầm xì với nhau, rằng: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”. Ông Da-kêu phớt lờ, “vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người”.

***

Nhà ông Dakêu là “nhà người tội lỗi” ư! Có sao đâu! Vì đó chính là lý do để Đức Giêsu “phải ở lại nhà ông”.

Đức Giêsu đến Giê-ri-cô không phải là đến để thăm di tích lịch sử, một lịch sử hàng ngàn ngàn năm trước, người hùng Giô-suê cùng đạo quân mình, đã tiến chiếm Giê-ri-cô, một Giê-ri-cô như là bàn đạp để thiết lập một quốc gia Do Thái hùng mạnh, dưới triều đại vua David.

Không! Ngài đến là để “đến với những con chiên lạc nhà Israel”.

Mà, Da-kêu, như ta được biết, là một người, nói theo cách nói ngày nay, chí ít cũng là “chi cục trưởng” một chi cục thuế, một chức vụ đáng nể, hái ra tiền, những đồng tiền (tất nhiên) có hơi hám bất chính, thế thì, ông có khác gì “con chiên lạc nhà Israel”!

Vậy, có gì ngăn cản Đức Giê-su đến với ông?

Hôm ấy, sau khi Đức Giê-su quá bộ về nhà Da-kêu, thật tuyệt vời, một thay đổi lớn trong con người ông, tất cả quyền hành lẫn quyền lợi, ông coi như pha.

Nhìn Đức Giê-su, ông nói: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo”. Tiếp đến, ông khẳng định: “Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.

Ôi! một người lùn-thể-xác, nhưng không lùn-đức-ái.

Ôi! một người thể-xác-lùn, nhưng không lùn-công-bằng.

Trước sự “lột xác” của ông ta, Đức Giê-su nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này…”. Và, cuối cùng, Ngài kết luận: “…người này cũng là con cháu tổ phụ Apraham”.

Hôm ấy, kết thúc câu chuyện, Đức Giê-su nói: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Vâng, vào nhà Da-kêu, Đức Giê-su đã hành sử đúng vai trò của một người “đến tìm và cứu”. Ngài không một lời lên tiếng chỉ trích Da-kêu. Ngài, nói theo cách nói của tác giả sách khôn ngoan, đã “nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (x.Kn 11, …22).

Và thật, Da-kêu đã ăn năn hối cải. Qua cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su, ông ta đã “có một cuộc đổi đời”.

****

Qua câu chuyện ông Da-kêu, thật phải đạo khi chúng ta cần xem lại cuộc sống Ki-tô hữu của mình.

Hãy xem lại, bao nhiêu năm (mười, hai mươi, ba mươi, năm mươi v.v…) là một Ki-tô hữu, tôi đã bao nhiêu lần “gặp gỡ Đức Giê-su?”

Vâng, chắc hẳn không ít người sẽ trả lời: nhiều lắm, nhiều lắm. Này nhé, mỗi ngày Chúa Nhật tôi đã gặp Ngài trong Thánh Lễ, qua phần tham dự Tiệc Thánh Thể. Này nhé, tôi còn gặp Ngài vào những lúc kinh nguyện nữa cơ.

Tốt. Thế nhưng, gặp Ngài nhiều như thế, thế mà cuộc sống của tôi có đổi thay? Nói cách khác, tôi đã “có một cuộc đổi đời”, như cuộc đổi đời của Da-kêu?

Vâng, phải có một cuộc đổi đời, bởi nếu không, chúng ta cũng chỉ như một số người Do Thái xưa.

Hồi ấy, có rất nhiều người gặp gỡ Đức Giê-su. Họ đã gặp và đã được “ăn no nê”, thế nhưng, họ chưa “đổi đời”. Trái lại, vào giờ thứ 25, giờ Ngài đứng trước dinh tổng trấn Phi-la-tô, họ lại gào thét tha Ba-ra-ba và đòi đóng dinh Ngài vào thập giá.

Lại có người đến gặp gỡ Đức Giê-su, nhưng rồi “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” chỉ vì một đòi hỏi duy nhất của Ngài “Hãy đi bán những gì anh có cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”.

Và đây, một câu chuyện ngắn như là mẫu mực cho một cuộc đổi đời. Cách đây vài năm, ở Việt Nam có tiếp đón một nhân vật quen gọi là “chứng nhân đức tin”. Anh ta tên Nick Vujicic. Nick sinh ra trong hoàn cảnh không bình thường. Không có tay cũng không có chân. Thật ra, chỉ có một bàn chân nhỏ thò ra mà anh ta thường gọi đùa là “cái đùi gà”.

Sự thiếu vắng tay chân đã biến anh thành mục tiêu của sự chế giễu. Anh bị trầm cảm. Năm 8 tuổi, anh có ý định tự tử. Năm 10 tuổi, Nick cố dìm mình trong bồn tắm, nhưng vì nghĩ đến cha mẹ, anh đã ngưng việc điên rồ đó.

Cho đến khi Nick “gặp gỡ Đức Giê-su”. Người ta kể rằng: Năm 15 tuổi, anh đã gặp gỡ Đức Giê-su qua câu chuyện “anh mù Ba-ti-mê”. Sau khi đọc câu chuyện này, Nick nói: “Tôi không phải là một người bị trừng phạt. Tôi là sự sáng tạo đặc biệt để Chúa biểu lộ công việc của Ngài qua tôi.

Trong đoạn video bài “Something more – Điều lớn hơn”, Nick nói: “Chúa đã có kế hoạch cho cuộc đời tôi và đó là lý do vì sao tôi đã không thể dìm mình xuống bồn tắm” (nguồn: internet)

Vâng, Nick, một mẫu mực của sự đổi đời ngày nay. Đời anh ta, trở thành đời sống “chứng nhân đức tin” của Thiên Chúa.

Thế nên, một lần nữa, hãy tự hỏi, sau bao lần gặp gỡ Đức Giê-su, tôi đã thật sự có một cuộc đổi đời?

Da-kêu, sau khi gặp gỡ Đức Giê-su, ông ta đã “đổi đời”. Nói rõ hơn, ông ta đã đổi đời qua việc chuyển cuộc gặp gỡ của mình với Đức Giê-su, thành cuộc gặp gỡ của mình với tha nhân, từ lối sống “cho mình” đổi thành lối sống “cho người” – “đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo”.

Cũng vậy, với chúng ta! Chúng ta cũng sẽ đổi đời bằng cách chuyển cuộc gặp gỡ của ta với Đức Giê-su, thành cuộc gặp gỡ của ta với tha nhân, từ lối sống “cho mình” đổi thành lối sống “cho người”?

Tại sao không gặp gỡ với tha nhân? Tại sao ta không gặp nhau “Trao cho nhau yêu thương tình loài người?” Tại sao ta không gặp nhau “Trao cho nhau tin yêu đừng gian dối?” Tại sao ta không gặp nhau, để đem “Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người!”

Thế giới ngày nay, xã hội ngày nay đang thiếu vắng tình yêu thương, sự tin yêu, tại sao ta không “cố gắng yêu thương người, dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài?”

Là một Ki-tô hữu, phải có những cuộc gặp gỡ và trao cho nhau những điều nêu trên, có như thế, nó mới làm sáng danh những cuộc gặp gỡ của ta với Đức Giê-su. Và, hơn hết, nó chứng tỏ rằng, ta “có một cuộc đổi đời”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây