TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Công Bằng và Nhân Hậu (Mt 20, 1-16a)

Thứ tư - 20/09/2023 04:35 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   631
“những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

CÔNG BẰNG VÀ NHÂN HẬU
Chúa Nhật 25 Thường Niên, năm A: Mt 20, 1-16a

 

LmTN 200923a

 

Suy niệm

Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa khuyến khích tội nhân trở về với Ngài, Ngài sẽ tha thứ tất cả, bảo họ đừng suy nghĩ theo kiểu của phàm nhân, vì tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta… Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (55, 6-9). Câu chuyện dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều mà Isaia đã nói, về cách hành xử lạ lùng một Thiên Chúa đối với con người, là Ngài rất công bằng mà cũng thật là nhân hậu.

Đức Giêsu cho thấy Nước Trời giống như ông chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Những người đến từ sáng sớm đã có công ăn việc làm, và được chủ thỏa thuận là một quan tiền cho một ngày công. Thế nhưng lại có những người đến sau, vào những thời điểm khác nhau, đến nỗi có người đến vào giờ chót, chỉ làm có một giờ, lý do là “Vì không ai mướn chúng tôi”.

Động lòng thương, một chủ vườn cho họ việc làm. Tuy giờ làm việc không như nhau, nhưng được trả tiền bằng nhau. Điều đó làm cho những người làm từ sáng sớm bị sốc. Họ tức tối và hậm hực với ông chủ, vì cho rằng làm như thế là cư xử bất công với họ. Họ muốn ông phải trả cho người đến sau thấp hơn, không thể ngang bằng với họ được. Họ tỏ ra thái độ muốn hơn thua, phân biệt cao thấp, chứ không chịu cư xử với tình nghĩa anh em. Vấn đề cũng chỉ vì ghen tị mà ra, nên người ta không thể vui với người vui, vì thấy thành công hay lợi lộc của người kia như gây ra mất mát và thiệt hại cho chính mình.

Người anh cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu cũng nổi giận, không chịu vào nhà, cảm thấy mình bị cha đối xử bất công, vì thấy cha tỏ ra quá bao dung đối với đứa em hư đốn (x. Lc 15). Thiên Chúa rất công bình nhưng cũng là người cha rất mực yêu thương. Ngài không bỏ qua bất cứ nỗ lực nào mà không ban thưởng cân xứng, nhưng trên nền tảng là lòng nhân lành và hoàn toàn tự do, Ngài có thể ban tặng cho con người vượt xa mọi công trạng của họ. Có hai bài học lớn ở đây:

- Thứ nhất là mọi việc đối với Chúa đều bằng nhau. Vấn đề không phải ở số lượng cho bằng biết mình được yêu thương. Những người làm công từ sớm theo thỏa thuận mỗi ngày là một quan tiền. Họ làm việc vì đồng lương nên đòi phải rõ ràng. Còn những người đến sau không hề có một giao kèo hay thỏa thuận nào. Họ biết mình được làm việc là điều may mắn rồi, nên sẵn sàng để chủ định đoạt phần lương. Phần thưởng của người môn đệ Đức Giêsu là được làm việc, được phục vụ, đó đã là niềm vui của họ rồi. Kẻ nhắm vào phần thưởng sẽ mất phần thưởng, người nào quên phần thưởng sẽ được phần thưởng. Đó là điều trái ngược mà Chúa Giêsu đã nói lên: những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

- Thứ hai, mọi sự chúng ta có được đều phát xuất từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tất cả những gì Chúa ban cho, không phải để trả công, nhưng là quà tặng; không phải là phần thưởng, nhưng là ân sủng. Nếu ông chủ không kêu gọi những người mà ông gặp từ sớm vào làm vườn, thì họ có thể ngang nhiên lên mặt với những kẻ làm vào giờ cuối không? Đừng đòi Thiên Chúa phải suy nghĩ và hành xử theo lề thói của chúng ta, vì đó là một thứ hành xử công thẳng mà không có tình thương. Nếu Chúa chấp tội, chúng ta có chịu nổi được không? Cần sòng phẳng hay cần lòng nhân từ? Chúng ta phải thay đổi não trạng để sống đạo không bằng sự so đo tính toán, mà bằng cả tấm lòng.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi…” (Trịnh Công Sơn). Có làm được gì cho người khác thì cũng hãy để gió cuốn đi, là để biết cho đi chứ không tìm chiếm hữu, là hy sinh mà không mong được đáp đền. Để gió cuốn đi là để cho yêu thương được lan tỏa, là để cho an vui và hạnh phúc đến với mọi người. Thương người như thể thương thân, ta mới cảm nhận hạnh phúc xung quanh mình.

Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta học lấy tâm tình và cung cách hành xử của Thầy mình, nghĩa là quan tâm ưu ái đặc biệt đến những người nghèo hèn, yếu kém, không có cơ hội... Hãy phá bỏ những hàng rào tị hiềm, nhỏ mọn, ghét ghen. Đừng tỏ ra mình hay hơn, tốt hơn, xứng đáng hơn người khác, nhưng hãy nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, ta cần luôn sống yêu thương, khiêm nhường và tận tình với hết mọi người, nhất là những người bất hạnh, không được may mắn như chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Con không thể nào là chính mình,
với cái nhìn hẹp hòi,
với tư tưởng đóng kín,
với tâm hồn khép chặt.


Con không thể đón nhận sự thật,
khi con chỉ muốn sống an thân,
khi con có thái độ bất cần,
và thiếu một tinh thần rộng mở.


Con không thể nào an vui hạnh phúc,
nếu lòng mình cứ “bế quan tỏa cảng”,
hay còn mang những định kiến ngổn ngang,
không hồn nhiên và tươi sáng chân thành.


Con sẽ thấy cuộc đời thật chí thú,
khi để mình vượt qua lối sống cũ,
những quan niệm hẹp hòi và bảo thủ,
những khuôn khổ và thói quen bám trụ,
hầu tập chú vào những gì đang tới,
là những gì làm tươi mới đời mình.


Xin cho con đừng tự mãn kiêu căng,
đừng dựa vào tài năng hay kiến thức,
nhưng biết sống chân thành và đạo đức,
không ham mê háo hức chuyện hơn thua,
nhưng quan trọng là lòng yêu mến Chúa,
nên không cần phải phân bua biện bạch.


Xin cho con an nhiên trước mọi điều,
biết vui mừng khi anh em được lợi,
đừng nghĩ ngợi tới việc lời hay lỗ,
mà luôn nhằm tiến tới chỗ tình thân.


Xin cho con biết đón nhận tất cả,
chẳng có gì mà đáng phải kêu ca,
con cứ sống chan hòa và buông xả,
để Chúa là tất cả của đời con. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây