TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót

Thứ tư - 12/05/2021 02:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   699
Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót

ĐỨC GIÊSU: Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót

Cuộc sống của con người vốn là một vòng tuần hoàn sinh-lão-bệnh-tử. “Tử” hay gọi là “chết”, vâng, khi nói tới cái chết, đó là điều không ai muốn nhắc đến, bởi, có nhiều người cho rằng đó là điều kỵ, nhắc đến nó là nhắc đến sự xui xẻo.

“Không ai muốn chết, thậm chí cả những người muốn lên thiên đàng...”, Steven Job nói, “...họ cũng không muốn phải chết để lên được đó”.

Dẫu biết là mọi người đều phải chết, nhưng, có những cái chết, khi nói đến, nó đã làm cho biết bao con tim của người ở lại phải thổn thức, phải xót xa. Đó là những cái chết oan ức, những cái chết “chết dần chết mòn” bởi chính sách hà khắc của bạo chúa, bạo quyền... Đó là những cái chết mà người ở lại buộc trở thành kẻ tứ cố vô thân, thành những bà mẹ không còn nơi nương tựa. Đó là cái chết, như cái chết, của một chàng trai khuyết tật - hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng, người đã điều hành trung tâm Nghị Lực Sống, một trung tâm đã đem lại niềm tin và hy vọng cho nhiều người khuyết tật - một cái chết đã để lại biết bao niềm thương tiếc.

**
Đức Giêsu, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã chứng kiến nhiều cái chết xảy ra, và trước những cái chết đó, mang thân phận là một con người, Ngài cũng không ít lần phải thổn thức.

Thật vậy, Kinh Thánh có chép lại ba cái chết đã khiến Đức Giêsu phải rơi lệ và chạnh lòng thương xót, đó là cái chết của con gái ông trưởng hội đường, là cái chết của chàng Ladarô, em của hai chị em Mácta - Maria và đặc biệt hơn, đó là cái chết của “con trai bà góa thành Nain” (Lc, 7, 11-12).

Câu chuyện “con trai bà góa thành Nain” được kể lại như sau: Hôm đó, Đức Giêsu cùng với các môn đệ đi đến một thành có tên là Nain. Ngoài các môn đệ, còn có “một đám rất đông cùng đi với Người” (Lc 7, 11).

Ngoài đám đông này, người ta còn thấy một đám đông khác đi từ hướng ngược lại. Đến gần, à! thì ra là một đám tang. Hôm đó, khi Đức Giêsu “đến gần cửa thành” thì đúng lúc “người ta khiêng một người chết đi chôn”. Người chết là “con trai duy nhất” của một người đàn bà và nghiệt ngã thay, người đàn bà đó lại là “một bà góa”.

Một bà góa, có nghĩa là chồng bà ta đã chết, giờ đây, người con duy nhất của bà ta cũng đã chết thì quả là cuộc đời bà ta coi như “tàn đời”.

Tại sao lại tàn đời? Thưa, là bởi, đối với các góa phụ thời Đức Giêsu, về phần đời, đa số họ đều có một cuộc sống rất khó khăn, khó khăn là bởi quan niệm trọng nam khinh nữ, cho nên, họ có rất ít cơ hội để tìm kiếm việc làm. Còn về phần “đạo” ư! Thì đấy, làm sao lọt khỏi cặp mắt của những ông kẹ Pharisiêu là những kẻ đã có lần bị Đức Giêsu lên án rằng, họ luôn tìm cách “nuốt hết tài sản của các bà góa”.

Bà góa trong câu chuyện này, có một người con trai, niềm hy vọng của tuổi già, nay con bà ta chết, phải làm một điều gì đó cho bà ta đây? “Mackeno” ư! Thưa không, không được. Kinh Thánh có chép rằng, “Đừng ngoảnh mặt không nhìn những ai đang than khóc, với những người sầu khổ, con hãy biết chia buồn” (Hc 7, 34)

Vâng, trước tình cảnh của bà góa, Chúa Giêsu không ngoảnh mặt đi, Ngài đã đến “chia buồn” à không, “chia vui” mới đúng. Chuyện kể rằng, trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”.

Và không đợi bà góa đó cất lời xin xỏ, Đức Giêsu, theo lời kể lại của thánh sử Luca, “Người lại gần, sờ vào quan tài...” Lạ lùng thay! Khi Đức Giêsu nói “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”. Mọi người hiện diện nơi đó đều thấy “Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói”.

Thánh sử Luca không cho biết anh thanh niên đó đã nói gì, nhưng có điều gì ngăn cản để chúng ta tin rằng, anh ta đã nói “Lạy Thầy Giêsu! Ngài là Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót”.

***
Trở lại cái chết của Nguyễn Công Hùng. Người ta kể rằng, “Đó là một chiều mưa buồn, con đường trước nhà của Hùng trở nên lầy lội. Những vòng hoa trắng phủ kín trước mặt tiền ngôi nhà. Hàng trăm người trong gia đình cùng những thành viên mái nhà Nghị Lực Sống chít khăn tang đứng bên cạnh linh cửu Công Hùng. Hòa theo tiếng thánh ca buồn là những tiếng khóc nức nở” (nguồn: internet).

Ôi! Có khác nào khung cảnh tang tóc trong đám tang người con trai của bà góa thành Nain năm xưa! Thật ra, có khác một điều, nơi quan tài của Công Hùng không thấy Chúa Giêsu đến “sờ vào” và nói “Hãy trỗi dậy”… cũng chẳng thấy Ngài sai một vị ngôn sứ nào đó đến để “ba lần nằm lên trên người Công Hùng” như xưa kia ngôn sứ Êlia đã “ba lần nằm lên trên đứa trẻ”, một đứa trẻ đã chết, con của một bà góa ở Xarépta, để rồi sau đó nhờ lời cầu nguyện “hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó đã sống” (1V 17, 22).

Vâng, có cần thiết để Chúa tái thực hiện những gì Ngài đã thực hiện tại Xarépta hay tại Nain khi xưa đối với Công Hùng hôm nay?

Thưa không? Tất cả những gì Thiên Chúa, qua ngôn sứ Êlia, đã thực hiện tại Xarépta và sau này Chúa Giêsu thực hiện tại Nain không chỉ là để gửi đến mọi người một thông điệp, rằng, Chúa là “Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót” mà còn là để “Mặc khải Con của Người” và để “loan báo Tin Mừng về Con của Người” một Tin Mừng rằng “Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

Con gái của ông trưởng hội đường, người bạn thân thiết là anh Lazarô và chàng thanh niên con bà góa ở Nain, cả ba người này đã được Đức Giêsu cho sống lại nhưng hôm nay họ cũng đã chết.

Cho nên, điều cần thiết của hôm nay, không phải là việc Chúa Giêsu sẽ hiện đến “sờ vào quan tài” của ai đó, mà là chính chúng ta.

Chính chúng ta phải “sờ vào”, chúng ta phải sờ vào những chiếc quan-tài-đam-mê-dục-vọng, những chiếc quan-tài-say-sưa-chè-chén, những chiếc quan-tài-hận-thù-bất-hòa-ghen-tuông-nóng-giận, những chiếc quan-tài-tranh-chấp-bè-phái-ganh-tị v.v… Những chiếc quan tài đó đã và đang chôn vùi biết bao nhiêu người bạn trẻ hôm nay, (rất có thể có cả chúng ta), mà nói với họ rằng “Này anh bạn trẻ, tôi bảo anh, hãy trỗi dậy”.

Là một Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể từ chối thực hiện công việc này, bởi, đây là công việc, như lời thánh Phaolô đã nói, rằng, “Thiên Chúa đã dành riêng cho (ta) ngay từ khi (ta) còn trong lòng mẹ, và đã gọi (ta) nhờ ân sủng của Người” (Cl 1, 15).

Hàng ngàn, hàng triệu chiếc quan tài đang chôn vùi hàng ngàn, hàng triệu người bạn trẻ, nằm la liệt trên những con đường ta đi qua, những con đường xưa chỉ có “cây dài bóng mát”, thì nay, đầy dẫy những quán bar, quán nhậu với những em chân dài váy ngắn…

Ai… ai là người “sờ vào” những chiếc quan tài đó nếu không phải là chính chúng ta? Ai… ai sẽ là người gọi những chàng trai đó “hãy trỗi dậy” nếu không phải là chính chúng ta?

Đừng chần chờ gì nữa, trước hết là chính chúng ta “hãy trỗi dậy” và hãy cùng nhau đi đến “Nain hôm nay”. Hãy mang những chàng trai đó “trao anh ta cho bà mẹ - Bà Mẹ Hội Thánh”.

Nếu… nếu chúng ta làm được như thế, một điều chắc chắn sẽ xảy ra, Xatan cùng với thế gian của nó sẽ “kinh sợ”, nó cùng với bè lũ của nó sẽ trốn chạy, vì biết rằng “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài”.

Và cuối cùng “dân Ngài”, khi đã trở về trong vòng tay “Bà Mẹ Hội Thánh”, họ sẽ nhận ra Ngài là “Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây