TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tôi là người thân cận của ai?

Thứ tư - 12/05/2021 03:12 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   985
Tôi là người thân cận của ai?

Tôi là người thân cận của ai?

Người Roma xưa có câu “Homo homini lupus” nghĩa là “Con người đối xử với nhau chẳng khác gì chó sói”. Thoạt nghe câu nói trên, nó làm cho chúng ta có cảm tưởng lời nói đó quá khắt khe. Nhưng, quả thật, nhìn vào thực tế của xã hội hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình vì cách đối nhân xử thế của con người. Chúng ta không khỏi bàng hoàng về phẩm hạnh của con người ngày một xấu đi.

Thật vậy, theo dõi trên truyền thông đại chúng, có thể nói, không ngày nào mà không có một án mạng xảy ra. Gần đây nhất, ngày 8/7/2013, là chuyện một người cháu trai “đi chơi về thấy cửa khoá nên leo cổng theo lan can lầu một vào trong và bị ông ngoại mắng. Tức giận, Tú (tên người cháu trai) đạp vào ngực và vật lộn với ông. Do khoẻ hơn nên đứa cháu bất nhân thắng thế, lấy máy nghe nhạc gần đó đập vào đầu rồi bóp cổ ông ngoại đến tắt thở”. (nguồn: vnexpress)

Xa hơn nữa là chuyện vợ giết chồng, mẹ giết con, rồi đến chuyện “mạng chó đổi mạng người” mà khi nghe đến, chúng ta không khỏi ngao ngán và tự hỏi: giữa con người với con người… “tình người” nay còn đâu?

**
“Tình người” hay nói đúng hơn “Tình yêu thương”… Vâng, đó là một trong những giáo lý căn bản mà một người Kitô hữu phải biết đến và thực thi. Trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, chúng ta được truyền dạy rằng, “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.

“Mến Chúa”… vâng, thật dễ dàng. Còn “Yêu người” quả là không dễ chút nào. Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ Mến-Chúa mà không Yêu-người, như thế, chúng ta chưa làm trọn lệnh truyền của Chúa, chúng ta chỉ mới giữ một nửa điều răn của Chúa.

Kinh thánh đã dạy chúng ta rằng, “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).

Nói tới “yêu thương người”… Tạ ơn Chúa vì Người đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về “tình người” qua dụ ngôn “Người Samaria tốt lành”.

***
Câu chuyện “Người Samaria tốt lành” được chép trong Tin Mừng Luca (10, 25-37). Thật ra, nếu được phép, vâng, chúng ta có thể nói rằng, đây là một câu chuyện “2 trong 1”. Gọi như thế là bởi câu chuyện “Người Samaria tốt lành” là câu trả lời cho câu chuyện trước đó.

Câu chuyện trước đó được kể lại rằng, Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp’” (Lc 10, 25).

Đây không phải là lần đầu tiên có người tìm đến Đức Giêsu để hỏi Ngài một câu hỏi với nội dung như thế. Trước đây, cũng đã có một chàng thanh niên giàu có đến với Đức Giêsu cũng với nhã ý nêu trên.

Với chàng thanh niên giàu có, Đức Giêsu đã đưa ra những lời khuyên anh ta, để nhờ đó, anh ta có thể đón nhận được điều anh ta muốn có. Ngược lại, với người thông luật, thay cho lời khuyên, Ngài đã đưa ra một câu hỏi, một câu hỏi ngầm ý như một lời trách cứ, rằng “Trong luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

Vâng, làm sao không trách cứ anh chàng thông luật này cho được. Người thông luật, chính là thầy thông giáo, thầy thông giáo chính là người am hiểu, rành rẽ luật Môse, luật Môse được ghi trong ngũ thư là những cuốn sách nói rất rõ về Mười Điều Răn, về lề luật, về lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, là thầy thông luật, ông ta dư biết “đáp án” cho câu hỏi của ông ta. Thật vậy, sau khi nghe câu hỏi của Đức Giêsu, vị thông luật đã trả lời “ngọt sớt” rằng “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Trời, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”.

Qua cách trả lời của ông ta như thể chính ông ta là người ra câu hỏi.
Thế nhưng, điều đáng trách hơn nữa, ông thầy thông luật này đã thâm hiểm khi biến câu trả lời của mình thành câu hỏi, một câu hỏi hóc búa, trước là để thử Đức Giêsu, sau là để chứng tỏ mình-có-lý.
“Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” Ai! “Ai là người thân cận của tôi ?”

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Đức Giêsu, một lần nữa, đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn cho đến ngày nay, giới luật pháp quốc tế đã biến nó thành một đạo luật mang tên “luật người Samari nhân hậu”.

Lm. Jude Siciliano, OP. mở đầu bài giảng về chủ đề “người Samari nhân hậu” cho biết “Trong thế giới luật pháp có ‘luật người Samari nhân hậu’, luật này yêu cầu bảo vệ hợp pháp với những ai giúp đỡ chính đáng cho người khác khi người đó bị thương tích, đau yếu hoặc trong những tình cảnh hiểm nghèo. Luật người Samari nhân hậu này nhằm khuyến khích người khác trợ giúp những ai lâm cảnh hoạn nạn”.

Thì đây, câu trả lời của Đức Giêsu cho vị thông luật, qua dụ ngôn “người Samari nhân hậu” đã mô tả rõ nét “Ai là người thân cận của tôi”.

Ba nhân vật được đề cập trong dụ ngôn, lần lượt là thầy tư tế, rồi đến một thầy Lêvi, cuối cùng là một người Samari. Cả ba, kẻ trước người sau, đều đi trên một lộ trình, lộ trình từ “Giêrusalem xuống Giêricô” (x.Lc 10, 30).

Cả ba đều nhìn thấy cảnh bi đát của một người lữ khách. Anh ta “bị rơi vào tay kẻ cướp… bị lột sạch… bị đánh nhừ tử…” và bị quẳng ra nằm rên rỉ giữa ngã ba đường làng.

Không thể tin được! Dù trông thấy người lữ khách đang nằm “nửa sống nửa chết”… Nhưng cả thầy tư tế lẫn thầy Lêvi đều “tránh qua bên kia mà đi”.

Người Samari. Vâng, người Samari “cũng thấy và chạnh lòng thương”. Sự chạnh lòng thương của anh chàng Samari không dừng ở đôi mắt, không dừng ở tấm lòng, nó được lan tỏa tới đôi chân và đôi tay.

Chuyện kể rằng “Ông ta lại gần”. Lại gần làm gì? Để xem trên con người bất hạnh này còn thứ gì quý giá “hốt hụi chót” chăng! Thưa không. “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10, 34)

Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại, cách đây khá lâu, ngay tại Saigon (dường như ở bùng binh ngã sáu Chợ Lớn thì phải), có một người bị cướp, bọn cướp giật túi tiền của anh ta, anh ta giật lại được, nhưng xui xẻo thay! túi tiền đó bị rách do sự giằng co giữa anh ta và kẻ cướp, tiền văng tung tóe trên đường.

Lúc đó nhằm giờ tan sở, rất nhiều người dừng xe lại lượm tiền rơi vãi, thế nhưng, thay vì gom lại trả cho khổ chủ, tệ thật! những kẻ dừng lại lượm tiền coi đó như là “của trời cho” họ, họ ung dung đút tiền vào túi và lên xe “Dzọt”…

Hay như câu chuyện một ông bác sĩ lái xe gây ra tai nạn hàng loạt trên đoạn ngã tư đường Lý Thái Tổ - Sư Vạn Hạnh. Trong khi rất nhiều nạn nhân đang oằn oại rên siết vì chấn thương, thay vì nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhiều người giở trò lưu manh lục soát ví tiền, cốp xe nạn nhân, cướp tiền cướp tư trang của họ.

Thật buồn thay! “tình người” trong thời buổi “xã nghĩa” là như vậy đó!

Trở lại câu chuyện dụ ngôn. Câu trả lời đã rõ.

“Ai là người thân cận của tôi ?”. Đối với thầy thông luật cũng như toàn thể người Do Thái, họ quan niệm rằng “người thân cận” chính là người-đồng-đạo, đồng hương và đồng chủng tộc.

Với Đức Giêsu, qua dụ ngôn, Ngài không chỉ gửi đến thầy thông luật một “đáp án” mà còn để lại nơi ông ta một quan niệm mới về “tình người”.

“Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” Thầy thông luật với một nhãn giới mới về “tình yêu thương” ông ta đã không ngần ngại trả lời rằng “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”.

****
Câu chuyện “người Samari nhân hậu”, qua lăng kính thần học, Lm. Charles E. Miller đã chia sẻ rằng, “Tội lỗi ‘mai phục’ trên đường đi của nhân loại, chực tước đoạt nhân phẩm của chúng ta, trấn lột chúng ta và cướp đi ân điển của Thiên Chúa. Tội đánh đập ta nhừ tử, rồi bỏ mặc ta dở sống dở chết. Chúa Giêsu đến nâng ta dậy, không phải để đặt lên lưng một con vật nào đó, mà là lên vai của Người và đưa ta về nhà Giáo Hội. Nơi đây, chúng ta được chăm sóc cho đến lúc Người lại đến trong vinh quang trong ngày chúng ta được sống lại”

Vâng, là một Kitô hữu, chúng ta chẳng khác gì người lữ khách đi trên con đường về Trời-Mới-Đất-Mới. Vẫn còn đó, những “bọn cướp” tìm đủ mọi cách để cướp đi cuộc-sống-đức-tin của chúng ta, bằng những chủ thuyết vô thần lừa lọc và dối trá, bằng những thú đam mê dục vọng, bằng tiền tài danh vọng, bằng một nền văn hóa sự chết.

Vì thế cho nên, đừng rời xa Giáo Hội, nơi mà “Nhờ máu (Chúa Giêsu) đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an” cho chúng ta, sự bình an đó giúp chúng ta có thể vững tin để trở nên “người Samari nhân lành”.

Một khi chúng ta trở nên “người Samria nhân lành”, dù ở một lãnh vực nào, ở một ơn gọi nào, chúng ta vẫn có thể nhận ra “ai là người thân cận của tôi” .

Nói cách khác, dù tôi là Giám Mục hay Linh Mục, là bác sĩ hay kỹ sư, là nông dân hay công nhân, là một người chồng hay người vợ, là sinh viên hay học sinh v.v… tôi vẫn có thể nhận ra “tôi là người thân cận của ai”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây