TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời nguyện của tình yêu

Thứ tư - 12/05/2021 03:17 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   745
Lời nguyện của tình yêu

Kinh Lạy Cha: Lời nguyện của tình yêu

Cầu nguyện là gì? Thưa, Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Người  trong tình yêu thương”.

Vâng, cầu nguyện, đối với nhân loại, đó là một phần không thể thiếu trong đời sống của con người. Ngay từ thuở sơ khai, con người đã biết “kêu cầu danh ĐỨC CHÚA”(St 4, 26).  Và hôm nay, có thể nói, không tôn giáo nào lại không dạy người tín hữu cầu nguyện.

Tuy nhiên, mỗi tôn giáo lại dạy người tín hữu “kêu cầu danh Đức Chúa” mỗi khác. Khác ở chỗ, có tôn giáo coi “Đức Chúa” như một vị thần biết bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, khi vui thì ban phát, khi buồn thì đoán phạt. Do đó, mỗi lần cầu xin điều gì, muốn được như ý, phải hối lộ Đức Chúa bằng lễ vật, bằng tiền bạc, bằng cúng quẩy v.v… Có tôn giáo coi “Đức Chúa” như một vị thần, muốn kêu cầu phải nhờ qua trung gian pháp sư , thầy cúng…

Với Kitô giáo nói chung, Công Giáo nói riêng, không có cái nhìn về Đức Chúa và tất nhiên không dạy người tín hữu cầu xin, như thế. 

Người Kitô hữu, khi cầu nguyện hay cầu xin, họ được dạy, khi cầu nguyện, hãy cầu nguyện, rằng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng…”.

Lời câu nguyện này chính là lời cầu nguyện ngày xưa Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ của Ngài, khi Ngài còn tại thế và đã được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Luca (11, 1-13)

**
Vâng, tin mừng thánh Luca kể lại rằng: “Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện và khi Người cầu nguyện xong thì có một người trong nhóm môn đệ đến bên Đức Giêsu” (Lc 11,1).

Tại sao lại chỉ có một người? Phải chăng là để “thỏ thẻ” riêng tư với Đức Giêsu xin đặc ân này, đặc ân kia! Thưa, đúng vậy. Anh chàng môn đệ này đã đến và đã  xin Đức Giêsu, nhưng không phải xin một điều gì đó cho cá nhân anh ta, mà là xin cho “chúng con”, xin cho tất cả những người bạn đồng môn của mình.

Anh ta xin gì! Thưa, đến bên Đức Giêsu, anh ta nói: “Thưa Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”.

Xin-Thầy-dạy-cầu-nguyện-ư!  Trời ạ! Chẳng lẽ trước kia các Rabbi Do Thái không dạy các ông cầu nguyện sao!

Thưa không phải, hầu hết các tín hữu Do Thái đều biết cầu nguyện. Theo truyền thống, họ cầu nguyện ba lần mỗi ngày và bốn lần trong ngày lễ Sabát hoặc các ngày lễ quan trọng khác. Ngoài các buổi cầu nguyện chung, người Do Thái còn cầu nguyện riêng và đọc kinh tạ ơn cho những sinh hoạt khác trong ngày.

Vậy tại sao người môn đệ đó lại xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện? Xin thưa, Do Thái giáo có nhiều hệ phái khác nhau và tùy theo mỗi hệ phái, cách thức cầu nguyện cũng khác nhau. Các khác biệt có thể kể đến như: kinh đọc, mức độ thường xuyên của các buổi cầu nguyện, số lượng kinh cầu trong các buổi phụng vụ, cách sử dụng nhạc cụ và thánh ca, các lời kinh cầu theo ngôn ngữ tế lễ truyền thống hoặc tiếng địa phương…”(*)

Các môn đệ là một tập hợp của nhiều vùng miền khác nhau, rất có thể, giữa các ông, với sự bảo thủ theo hệ phái, đã không có một sự thống nhất trong việc cầu nguyện. Nay, sau nhiều lần chứng kiến hình ảnh Thầy-của-mình cầu nguyện với một tâm hồn ngây ngất hướng lòng lên Chúa Cha, vâng, chắc hẳn hình ảnh linh thiêng đó đã in đậm vào tâm trí các ông với những câu hỏi “tại sao”?

Tại sao? Tại sao mỗi lần Thầy Giêsu cầu nguyện, trời và đất như có sự tâm giao? Tại sao chỉ một lời Thầy Giêsu cầu nguyện  “thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người…” (Lc 3, 22).

Có thể đó là lý do khiến các ông khao khát được chính ông Thầy của mình,  chứ không phải “ông Gioan tu rừng”, dạy cho các ông cách cầu nguyện.

Đáp lại lòng khao khát của các môn đệ, Đức Giêsu đã dạy rằng:  “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho thánh danh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi chúng con, và xin đừng để chúng con xa chước cám dỗ”.

Vâng, khi cầu nguyện, Đức Giêsu dạy rằng: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6, 9)

***
Có gì khác biệt giữa bài cầu nguyện mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ với những bài cầu nguyện theo truyền thống đạo Do Thái?

Xin thưa, khác biệt thứ nhất và quan trọng nhất, đó là, qua bài cầu nguyện, Đức Giêsu đã cho các môn đệ biết rằng, Thiên Chúa không phải là một “ông thần” xa lạ và ngăn cách, nhưng là một Thiên Chúa rất gần gũi với con người, một Thiên Chúa là “Cha chúng con”, một người Cha nhân hậu, “chậm giận và đầy lòng thương xót”, một người Cha không còn bị ngăn cách bởi “các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe”, nhưng là một người Cha sẵn sàng ban cho những ai đến “cầu xin”,  sẵn sàng tiếp đón những ai đến “tìm” và sẵn sàng tiếp nhận những ai đến “gõ cửa”. 

Hôm đó, nhấn mạnh vào thông điệp này, Đức Giêsu đã làm một so sánh rất đời thường, rằng “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương cho Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Khác biệt thứ hai cũng không kém phần quan trọng, đó là, qua bài cầu nguyện, Đức Giêsu đã “nâng cấp tình người” lên một bậc. Nếu luật xưa đã dạy “không báo oán, không cưu thù” thì nay, qua bài cầu nguyện, Đức Giêsu dạy rằng, chẳng những không báo oán, không cưu thù mà còn phải  “tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”.  

Vâng, có thể kết luận rằng, bài cầu nguyện Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ khi xưa, chính là một “lời nguyện của tình yêu”.

****
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Là một Kitô hữu, chúng ta đã biết đến “lời nguyện của tình yêu”? Vâng, Đức Giêsu, qua Giáo Hội, Ngài vẫn tiếp tục dạy chúng ta lời kinh nguyện mẫu mực này.
Sẽ không thể là một người Kitô hữu đúng nghĩa, nếu một ai đó trong chúng ta không biết, không thuộc bài kinh cầu nguyện này. Tại sao? Xin thưa, bởi vì, chính trong lời kinh này nhắc nhở chúng ta nhớ đến điều răn quan trọng nhất của người Kitô hữu, đó là “mến Chúa và yêu người”.

Thật vậy, khi đọc “chúng con nguyện danh Cha cả sáng” đó chính là một lời nhắc nhở chúng ta hãy đặt Thiên Chúa trên hết tất cả những danh dưới gầm trời này. Khi đọc “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”  đó chính là một lời mời gọi chúng ta “yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”  của ta.

Còn lời kinh nguyện “tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” thì sao? Thưa, lời kinh nguyện này mời gọi chúng ta “yêu người”.  Vâng, cái cách “yêu người” tốt nhất, “rẻ” nhất,  đó chính là  “tha lỗi” vô điều kiện cho những ai “mắc lỗi” với chúng ta. Chắc chắn, kinh nghiệm trong cuộc sống cho chúng ta tin như thế.

Một điều cũng cần nhắc đến, mỗi khi đọc bài kinh cầu nguyện có sẵn, đừng đọc như  một “con vẹt”… như là để “trả bài” lại trước mặt Thiên Chúa…  Đọc như thế, có thể nói rằng, chúng ta đang biến mình thành “cái máy cassette tụng kinh”,  đọc như thế có khác nào “lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời”. Vâng, Đức Giêsu nói: “Đừng bắt chước họ”. (Mt 6, 8).

Chúng ta đã được dạy rằng, khi đọc những bài kinh nguyện mẫu, hãy “miệng đọc lòng suy” và đừng quên lời thánh Phaolô dặn dò rằng, hãy đem tất cả tâm tình của một người con trải-lòng-ra “cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều (chúng ta) thỉnh nguyện” (Pl 4, 6).

Một khi chúng ta đọc kinh nguyện trong một tâm tình như thế, vâng, hãy tin,  không có lý do gì Cha-chúng-ta-là-Đấng-ở-trên-trời, lại không nhậm lời, và như lời Đức Giêsu đã nói: “Lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Có thể kết luận rằng, khi đọc Kinh Lạy Cha dù là ở “tư thế đứng, có lúc dang tay ra, có lúc ngước mắt lên trời, có lúc nắm tay người bên cạnh… bất luận tư thế hay cử chỉ của chúng ta là thế nào trong lúc đọc kinh Lạy Cha, anh em phải nhận ra mình được diễm phúc biết bao khi xưng hô với Thiên Chúa, theo cách của Chúa Giêsu (đã xưng hô trong vườn cây dầu) khi gọi Thiên Chúa là “Abba, Lạy Cha”. (**)

“Lạy Cha! Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời…”. Vâng, quả đúng là lời cầu nguyện: “lời nguyện của tình yêu”.

Petrus.tran

*****
  (*) nguồn: internet
(**) trích lời giảng của Lm Charles E. Miller

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây