Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 11/05/2021 10:17 |
791
Nhân Quả
Người Do Thái xưa thường gán ghép hậu quả và nguyên nhân với nhau, và ngày nay người ta vẫn thường nghĩ thế, để kết luận trong phạm vi nhân quả. Về sự dữ, tội của nó nên nó bị như thế, còn ai thoát nạ tự mình coi là công chính. Chúa lại bảo khác: “Nếu không sám hối thì tất cả đều phải chết như vậy” (Lc 13, 5). Vậy nghĩ sao về luật nhân quả?
Gieo gì gặt nấy.
Thông thường, luật nhân quả vẫn là một biện chứng thuyết phục. Vì lẽ tự nhiên, gieo gì gặt nấy. Theo góc độ tự nhiên này, chẳng có ai phán xét cả, gieo lành thì được phước, gieo ác thì gặt lầy hoạ đời sau. Cứ theo lẽ tự nhiên ấy, có khi gặt ngay tại đời này, như người ta vẫn thường kết luận cho kẻ ác bị hoạ giáng nhãn tiền; còn không thấy ở đời này, người ta cũng nghĩ, “gieo gió thì gặt bão” ở kiếp sau và tin tưởng “ông Trời có mắt” hoặc “lưới trời lồng lộng, chạy đâu cho thoát”.
Dù sao, luật nhân quả cũng nhắc cho người ta cần cố gắng gieo điều lành để gặt những điều tốt không ở đời này thì cũng gặt hái được đời sau. Chỉ có điều, nếu áp dụng cách máy móc để kết luận về người khác hay về mình. Tai nạn giáng xuống như hình phạt dành cho người có tội, và người thoát nạn tự xem mình là người công chính, điều phán đoán đó thật sai lầm.
Không gieo mà phải gặt.
Biết bao tai ương ở trong cuộc đời này gây ra đau khổ cho người công chính, không thể theo luật nhân quả được. Điều chỉ có thể lý giải được là tội người này gây tác hoạ liên quan đến nhiều người khác. Vì lợi ích một nhóm người mà nhiều người phải rơi vào cảnh bi đát, mất nhà mất môi trường an lành để sống. Hậu quả của người người dân vô tội, thấp cổ bé miệng phải chịu, bởi cường quyền, ai sẽ trả lại sự công bằng cho họ?
Điều đó, không thể viện dẫn “gieo gì gặt nấy”, cần có một Đấng thẩm phán công minh xét xử, chứ không thể trong đợi luật nhân quả xa vời. Trước mắt cứ thấy: “Thấy ác nhân thịnh đạt hoài. Quả là chúng không nếm mùi tân khổ, chúng có thân hình mạnh mẽ phương phi, không hề vất vả như ai khác, chẳng bị tai ương giống người đời.” (Tv 73, 6). Câu chuyện của ông Gióp là một thử thách với người công chính, luôn bị tai ương và bạn bè cũng quay lưng, người công chính dường như bị bỏ rơi.
Chỉ khi tới cái chết, chân lý mới thấy lộ diện: “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì, thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49, 21).
Thiên Chúa nhân lành.
Điều sau cùng của người công chính nhận ra là sự nhân lành của Thiên Chúa: “Làm mưa trên kẻ dữ cũng như người lành” (Mt 5, 45) trong lời dạy “Hãy yêu kẻ thù” (Mt 5, 38 - 48). Người công chính được mời gọi vượt qua những thử thách để sống đời công chính của mình, thêm một bước tiến nữa trong đời sống nhân hậu, cầu nguyện, hy sinh, thực hiện bác ái với kẻ ghét mình và thù địch với mình.
“Hãy nên trọn lành” Lời mời gọi của Chúa đối với người lành và người dữ, vì sau cùng mọi người sẽ gặp Chúa để chịu sự phán xét. Ở cuộc đời này, mỗi người đều được thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa cách này hay cách khác. Tiếng lương tâm, lời mách bảo của Chúa Thánh Thần luôn mời gọi để trở về với anh chị em, với Chúa trong thân tình. Cuộc sống luôn mở ra hạnh phúc và bình yên khi sống với nhau thật thà, tử tế, tha thứ và yêu thương. Một điều ai cũng nhận thấy, đó chính là lòng nhân từ của Chúa thể hiện.
Với mùa chay, tiếng Chúa luôn mời gọi trở về với Chúa, với anh chị em. Một đời sống yêu thương là một đời sống đáng sống và hưởng niềm vui hạnh phúc.
Xin cho niềm vui Phục Sinh triển nở trong tâm hồn mỗi người chúng con.