TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đây là người tôi trung. Ta hài lòng

Thứ năm - 27/05/2021 20:45 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   629



Chúa Nhật – Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

 
Đây là người tôi trung. Ta hài lòng
 
Chúa Nhật hôm nay (10/01/2021) chúng ta bước vào tuần thứ hai của năm 2021. Như vậy, hai mươi năm của thế kỷ hai mươi mốt đã trôi qua. Và, có vẻ như càng tiến bước vào những ngày của thế kỷ 21, thế giới ngày càng trở nên bất ổn và bất an.
 
Bất ổn bởi những tên lãnh tụ máu lạnh, nay đòi tiêu diệt nước này bằng vũ khí hạt nhân, mai đòi xóa sổ nước kia bằng bom nguyên tử. Còn về bất an thì khỏi nói. Nó phát xuất từ đủ mọi nguyên nhân. Có nguyên nhân do bởi thiên tai mà ra, và cũng có nguyên nhân do con người gây ra.
 
Khi nói tới bất ổn và bất an của thế giới ngày nay, chúng ta có thể nói rằng, đó là do bởi con người chối bỏ Thiên Chúa. Mà, thật vậy, quốc gia nào chối bỏ Thiên Chúa, sự bất ổn và bất an ở quốc gia đó ngày một gia tăng. Đã có rất nhiều quốc gia Tây Phương (không tiện nêu tên ở đây), sau khi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi học đường, chẳng bao lâu sau bất an và bất ổn liên tiếp xảy ra.
 
Vâng, chối bỏ Thiên Chúa là một sai lầm lớn. Bởi vì, Thiên Chúa là cội nguồn của sự bình an. Và, như lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa là tình yêu. Dù là ở bất cứ thời đại nào, Người vẫn là một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x.Ga 3, 16).
 
Hơn hai ngàn năm trước “Con của Người” chính là Đức Giê-su Ki-tô. Ngài đã giáng sinh tại Belem miền Giu-đê. Và, sau ba mươi năm ẩn dật tại Na-da-rét miền Ga-li-lê, Đức Giê-su đã đến sông Gio-dan. Tại nơi đây, Ngài đã được Cha-Thiên-Thượng “chứng thực”, chứng thực rằng: Ngài là “Con yêu dấu của Cha”.

Vâng, chúng ta hãy trở lại sông Gio-dan, trở lại không chỉ để nghe lại lời chứng thực từ nơi Thiên Chúa, nhưng còn là để thấy rằng, đón nhận “Con của Người” là điều phải đạo, phải đạo là bởi: “Qua người Con yêu dấu của Người, Thiên Chúa đã đến gần chúng ta, đã trở nên thành viên trong gia đình nhân loại và đã đặt chân vào thế giới chúng ta” (Lm. Charles E.Miller).

**
Trở về dòng sông Gio-dan, thánh sử Mác-cô đã ghi lại câu chuyện như sau: “Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Gio-đan”.

Nói tới sông Gio-dan, tưởng chúng ta nên biết, đây là một con sông gắn liền với lịch sử dân tộc Do Thái với biết bao điều huyền diệu.

Điều huyền diệu thứ nhất, đó là, vào thời dân Do Thái thoát khỏi khiếp nô lệ Ai Cập và trong cuộc hành trình về miền đất hứa, khi đến bên bờ sông Giodan, mười hai chi tộc Israel bối rối vì không biết làm thế nào để qua sông. Thế rồi, khi Hòm-Bia-Giao-Ước của Thiên Chúa được đem đến, huyền diệu thay, con sông biến thành “đất khô cạn cho đến khi toàn dân đã qua hết”. (x.Gs 3, 17).

Rồi đến thời vua Giô-ram cai trị Ít-ra-en, cũng tại con sông Gio-đan, quyền năng của Thiên Chúa thêm một lần nữa được vinh danh. Chuyện kể rằng, có một vị tướng của vua Aram là ông Na-a-man. Ông ta mắc chứng bệnh phong hủi. Khi biết rằng: “Một ngôn sứ ở Samari (có thể) chữa ông khỏi bệnh”. Na-a-man đã đến để xin được chữa lành.

Vị ngôn sứ đó chính là Ê-li-sa. Ê-li-sa truyền cho Na-a-man rằng: “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch”. Sau một chút nghi ngờ, Na-a-man đã thực hiện lời chỉ dẫn đó, ông ta “Dìm mình bảy lần trong sông Giodan…”. Huyền diệu thay! “Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ”. Vâng, câu chuyện ghi lại rất rõ, rằng: “Ông đã được sạch” (2V 5,14).

Còn hôm nay, hôm Đức Giê-su chịu phép rửa, thì sao nhỉ! Thưa, sông Giođan lại chứng kiến thêm một điều huyền diệu. Một cuộc thần hiện đã xảy ra khi Đức Giêsu “vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình”.

Và đây, đây là lời chứng thực của Cha Thiên Thượng đối với Đức Giê-su. Hôm đó, có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (x. Mc 1, 10-11).

***
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Vâng, Thiên Chúa rất “hài lòng” về một Giê-su, một Giê-su được “đặt làm giao ước với (muôn) dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”.

Thiên Chúa rất hài lòng về một Giê-su, “vốn dĩ là Thiên Chúa”, thế mà, “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”.

Chúa Nhật hôm nay 10/01/2021, lễ kính Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đừng ngạc nhiên về việc Chúa Giêsu, có tội tình gì đâu, thế mà đã “cùng chịu phép rửa” với mọi người, một phép rửa “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. 

Sự kiện Đức Giê-su “được ông Gio-an làm phép rửa” đã làm nổi bật vai trò cứu chuộc của Ngài. Vai trò đó đã được sứ thần Chúa loan báo khi xưa rằng: “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Và Gioan Tiền Hô, chính ông cũng đã nói về Đức Giêsu rằng: “Đây! Chiên con của Đức Chúa Trời. Là Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Hôm nay, Giáo Hội nhắc lại biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, cũng là dịp để tái nhắc nhở cho chúng ta về Bí Tích Rửa Tội, một Bí Tích mà chính chúng ta đã lãnh nhận.

Vâng, thật cần thiết để nhớ lại ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhớ lại vì đây chính là ngày chúng ta được “quyền trở nên con Thiên Chúa”.

Được quyền trở nên con Thiên Chúa, tại sao không, nhỉ! Bởi vì… có ai trong chúng ta lại không muốn vào ngày phán xét, Đức Giê-su cũng sẽ nói với mỗi chúng ta, rằng: “Con là con yêu dấu của Ta”! Có ai trong chúng ta lại không muốn, vào ngày quang lâm, Đức Giê-su sẽ nói với mỗi chúng ta, rằng: “Ta hài lòng về con!”

Một điều chúng ta cần hiểu rõ, đó là: quyền-được-là-con-Thiên-Chúa không có nghĩa là: Tôi-đã-là-con-Thiên-Chúa. Thế nên, ngay bây giờ, hãy để tâm hồn mình trở về trong thinh lặng và tự hỏi: Tôi đã là con Thiên Chúa?!

Làm thế nào để biết mình là con Thiên Chúa? Thưa, theo lời tác giả thư Ti-tô đã truyền dạy, đó là chúng ta “phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (x.Tt 2, …12).

Thế nào là lối sống vô luân và những đam mê trần tục? Thưa, thánh Phao-lô có lời giải thích, đó là lối sống: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa chè chén” (x.Gl 5, 19-21).

Lối sống và những đam mê này, thánh Phao-lô cảnh báo rằng, nó là: “tên lửa của ác thần”. Vâng, rất nguy hiểm. Và, để có thể vượt qua được những hiểm nguy này, thánh Phao-lô có lời khuyên, khuyên rằng: “Anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Ep 6, 13).

Binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, đó… đó chính là “lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an, hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin…”.

Vâng, quả là một lời khuyên trọn đầy.

Thế còn, sống công chính và đạo đức ở thế gian này là sống như thế nào? Thưa, Đức Giê-su đã có lời truyền dạy, rằng: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. (x.Mt 5, 37).

Thế nên, chúng ta không thể vừa là con Thiên Chúa, lại vừa “khiêu vũ với ác quỷ”. Nói cách khác, chúng ta không thể miệng xưng mình là Công Giáo, tham dự thánh lễ mỗi ngày, nhưng rồi vì quyền lợi, vì danh vọng, vì tiền bạc, vì đảng phái v.v… sẵn sàng thỏa hiệp, sẵn sàng ký kết, sẵn sàng ủng hộ những đạo luật đi ngược với Mười Điều Răn của Thiên Chúa, đại loại như đạo luật tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính.

Chớ… chớ có lối sống “hâm hẩm” như thế! Đây… đây là lời cảnh cáo của Thầy Giê-su: “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3, 16).

Đó… đó là một lời cảnh cáo rất chân tình, một sự chân tình thức tỉnh chúng ta, rằng: khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, khi đã là con Thiên Chúa, khi đã được Thiên Chúa gọi là “Con yêu dấu của Ta”, tuyệt đối, chúng ta chỉ “Kính sợ Thiên Chúa”, mà thôi.

Kính sợ Thiên Chúa, vào ngày phán xét, Chúa sẽ nói với mỗi chúng ta, rằng: “Đây là người tôi trung – Ta hài lòng về con”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây