Gánh tội
Trong vườn địa đàng, sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, đã xảy ra một chuyện xấu xa là họ đổ lỗi cho nhau, không nhận trách nhiệm về hành vi của mình. Ông Adong đổ lỗi cho vợ, bà Eva lại đổ lỗi cho con rắn.
Cuộc sống hôm nay cũng đầy dẫy chuyện đổ lỗi như vậy. Chuyện tệ nạn xã hội, chuyện cơ sở vật chất xuống cấp nhanh, chuyện sập cầu và hư đường, chuyện tai nạn giao thông, chuyện con cái hư hỏng… cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội, cho nền giáo dục xuống cấp, cho thiên tai và biến đổi khí hậu.
Một nền giáo dục tốt sẽ nhấn mạnh đến việc chịu trách nhiệm về bản thân mình và về cộng đồng nhân loại. Một nền chính trị được xem là độc tài và què quặt khi tập chú vào quyền lợi của phe mình và loại trừ những lợi ích của những người không cùng chính kiến, người thiểu số, người kém may mắn. Karl Marx có câu: “CHỈ CÓ SÚC VẬT MỚI CÓ THỂ QUAY LƯNG LẠI NỖI ĐAU KHỔ CỦA ĐỒNG LOẠI MÀ CHĂM LO RIÊNG CHO BỘ LÔNG CỦA MÌNH!” Một người được đánh giá là không trưởng thành khi không nhận ra lỗi mình và không biết chịu trách nhiệm về cuộc đời mình: những việc làm và những quyết định của mình. Chỉ có người biết nhận ra lỗi của mình, biết xin lỗi, biết sửa lỗi mới có thể trưởng thành và thành người. Một nền giáo dục chỉ nhấn mạnh đến tri thức và hướng đến việc kiếm tiền mà không thành công trong việc đào luyện nhân cách của một con Người thì sẽ dẫn đến một xã hội lừa lọc nhau về tiền, về tình, phạm tội thì bỏ chạy, công trình thì mau hư…
Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ và con người để muôn loài được chia sẻ tình thương của Ngài. Sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã không bỏ mặc họ phải chịu cảnh diệt vong, nên Ngài đã sai Con Ngài đến gánh lấy tội trần gian để cho mọi người được phục hồi quyền làm con cái Thiên Chúa, đó là hạnh phúc của chúng ta và là phẩm giá của mỗi người – mọi sự khác đều là phụ thuộc và không đáng kể.
Theo tục lệ Do Thái, vào ngày Ngày 10 tháng 7, dân Do Thái cử hành đại Lễ Đền Tội một cách long trọng. Họ phải hãm mình và ăn chay chung. Họ chọn một con dê còn sống. Vị tư tế đặt hai tay lên đầu con dê này, rồi xưng thú trên nó tất cả lỗi lầm của toàn dân. Sau khi xưng thú tội cộng đồng xong, vị tư tế sẽ nhờ một người phục dịch dẫn con dê này thả sâu vào sa mạc. Thánh Phaolô diễn tả về tình yêu lớn lao của Thiên Chúa: ít có ai chết thay cho người công chính (kẻ lành), vậy mà Chúa Kitô đã chết thay cho chúng ta, là những tội nhân.
Xin trích một suy tư của Đài Chân Lý Á Châu: “Ai trong chúng ta dễ dàng làm tổn thương người khác, vì rằng chúng ta thường không quan tâm đến cảm xúc của người khác, trước mỗi hành động hay lời nói của mình. Hãy thể hiện thái độ khiêm tốn của mình bằng cách tích cực gặp gỡ họ, khuyến khích họ giải bày và lắng nghe họ. Nếu không cần thiết đừng biện minh cho hoàn cảnh của mình và cuối cùng một động thái không thể thiếu đó là thực tâm xin lỗi và mong muốn được người khác thứ lỗi. Lời xin lỗi quả thật có một sức mạnh kỳ diệu. Nhiều tổng thống, thủ tướng, thượng nghị sĩ hay những người nổi tiếng phải triệu tập các cuộc họp báo để xin lỗi công chúng về hành động hay lời nói của họ. Cho dù lỗi lầm gây ra là lớn hay nhỏ, hãy can đảm nói lời xin lỗi, nó sẽ làm thay đổi mối quan hệ hiện tại của chúng ta và chúng ta sẽ nhận ra rằng cuộc sống đáng yêu biết bao”.
Các Thánh khác chúng ta ở chỗ là các Ngài dễ dàng nhận ra mình là kẻ tội lỗi, còn chúng ta hầu như chẳng có tội gì khi xét mình mỗi tối hoặc khi nghĩ đến việc xưng tội. Hãy cầu nguyện: “xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Và hãy học nơi Chúa Giêsu bài học liên đới với các tội nhân bằng việc giúp họ trở về và cầu nguyện cho họ.
Nguyễn Văn Thiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn