TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lòng con đã hối tội rồi!

Thứ tư - 12/05/2021 22:19 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   711
Lòng con đã hối tội rồi!

Chúa Nhật II – MV- B

Lòng con đã hối tội rồi!

“Trời cao hãy đổ sương xuống. Và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội. Trời cao hãy đổ sương xuống. Và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu đời”. Vâng, mỗi khi bài thánh ca này được cất hát lên, nó như một tiếng chuông ngân báo hiệu Mùa Vọng đến.

Như chúng ta được biết, Mùa Vọng gồm có bốn tuần, và hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ hai của Mùa Vọng. Rảo quanh nhiều ngôi giáo đường, cũng như những khu dân cư, bầu không khí của Lễ Giáng Sinh mỗi ngày một thêm rộn ràng. Thật vậy, nơi các giáo đường cũng như xóm đạo, người ta bắt đầu tất bật giăng đèn, làm hang đá.

Nói tới việc làm hang đá, có thể nói, không nơi nào nhộp nhịp cho bằng nơi xóm đạo Bình An, Bình An Thượng, Nam Hòa, Lộc Hưng, v.v… Nơi đây, có một truyền thống lâu đời, hễ đến lễ Giáng Sinh, nhà nhà, người người làm hang đá, làm hang đá trong tư thất chưa đủ, họ còn làm hang đá suốt dọc hai bên đường.

Riêng tại những ngôi giáo đường, ngoài việc thiết kế hang đá người ta bắt đầu thông báo chương trình tĩnh tâm với nhiều chủ đề khác nhau. Và một trong những chủ đề không thể thiếu đó là sự sám hối. Sự sám hối là một trong những chủ đề lớn của Mùa Vọng. Và “tỏ lòng sám hối” là lời mời gọi tiên quyết cho những ai muốn đón nhận “ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Hơn hai mươi thế kỷ trước. Mùa Vọng đầu tiên trong lịch sử loài người, nếu có thể được gọi như thế, cũng đã được bắt đầu bằng lời mời gọi, “hãy tỏ lòng sám hối”, và người đã cất lên tiếng mời gọi đó có tên là Gioan.

Ông Gioan là ai? Thưa, ông là nhân vật đã được ngôn sứ Isaia nói đến như là người sứ giả của Thiên Chúa, và người đương thời còn quen gọi là Gioan Tẩy Giả. Hồi ấy, ông đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Mc 1, 4)

Với khuôn mặt thánh thiện của một vị ẩn tu. Ông đã lớn tiếng rao giảng cho mọi người biết rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. (x.Mc 1, 7)

Vâng, do bởi tội nguyên tổ, con người đã phải lãnh án phạt từ đời nọ đến đời kia, đó là “Án Tử”. Từ bụi đất con người trở về bụi đất. Thế nhưng, Thiên Chúa không vì thế mà bỏ rơi con người. Thiên Chúa vẫn luôn là “Đấng từ bi và nhân hậu: Người đại lượng và chan chứa tình thương… Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 102, 8-10).

Sự đại lượng và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua từng giao ước. Bắt đầu từ Ông Noe. Một “giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất (đã được) Thiên Chúa phán với ông Noe” (St 9, 16).

Rồi từ ông Ap-ra-ham cho đến ông Môse và trải qua các thời kỳ ngôn sứ. Lời giao ước mới đã được Thiên Chúa, một lần nữa, phán qua miệng ngôn sứ rằng: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1, 23).

Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử. Để rồi hôm nay, giao ước đó đã trở thành sự thật, “Con trẻ là Emmanuel”, qua lời chứng của sứ giả Gioan, “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Hồi đó, khi nói tới “Đấng đến sau tôi”, sứ giả Gioan Tẩy Giả đã lớn tiếng nói: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (x. Mc 1, 8)

Những lời chứng đó, cứ tưởng rằng, chỉ là những tiếng phèng la chập choãng lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, những lời chứng của ông Gioan Tẩy giả đã vang vọng đến mọi người. Để rồi “từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem”, từng đoàn người đã lũ lượt “kéo đến với ông”.

Họ đã đến, không đến chỉ để nhìn hình ảnh giản dị của vị ẩn sĩ Gioan “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, nhưng đến là để “thú tội”. Hôm đó, dòng sông Giodan một phen dậy sóng. Không phải sóng nước, mà là làn-sóng-người bước xuống sông Giodan, để ông Gioan “làm phép rửa cho họ…”

Chúng ta thường nghĩ rằng, người đóng vai trò chính trong lịch sử cứu độ chính là Đức Maria và Thánh Giuse. Thế nhưng, nếu không nói đến Gioan Tẩy Giả thì quả là một sự thiếu sót.

Thì đây, khi Gioan Tẩy Giả được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Zacaria – cha của ông – được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76). Về điều này, sách ngôn sứ Isaia cũng có chép: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”.

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay nhắc đến Gioan Tẩy Giả không phải là để giới thiệu ông như một “người mẫu” cho một kiểu thời trang dã thú với chiếc “áo lông lạc đà”. Nhắc đến Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội muốn mỗi Kitô hữu chúng ta cũng phải là một “Ngôn sứ của Đấng Tối Cao”. Một người ngôn sứ trung thực dám sống cho sự thật và chết cho sự thật như chính Gioan Tẩy Giả khi xưa. Để bảo vệ sự thật, Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm “thần quyền” giả hình Phariseu và Xa-đốc chỉ là một “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản một việc làm đáng xấu hổ của bạo chúa Hê-rô-đê.

Cuối cùng, nhắc tới Gioan Tẩy Giả, còn là để nhớ những gì ông đã loan báo và kêu gọi, bởi vì những loan báo và kêu gọi của ông vẫn còn giá trị cho chúng ta hôm nay, giá trị cho sự chờ đợi Chúa đến lần thứ hai. Vâng, một lần nữa, chúng ta hãy nghe ông kêu gọi, rằng “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” và rằng: “hãy tỏ lòng sám hối”.

Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta? Mười… Hai mươi… Ba Mươi… Năm mươi? Và đã bao lần chúng ta thực thi thông điệp của ngài Gioan Tẩy Giả, rằng “hãy tỏ lòng sám hối” và “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”?

Vâng, những ngày vừa qua, nhiều con đường trong thành phố đang được sửa chữa. Điều chúng ta dễ nhận thấy, đó là người ta cày xới tung mặt đường cũ, dọn dẹp rác rưởi, san bằng những chỗ lỗi lõm, rồi mới phủ nhựa mới lên.

Nói đến việc “sửa đường” để làm gì? Thưa, là để nói đến “con đường cho Đức Chúa”, con đường mà chúng ta sẽ phải “dọn” như thế nào, và “sửa“ ra làm sao?

Phải chăng, chúng ta cũng phải “xới tung lên”? Phải chăng, chúng ta cũng phải “dọn dẹp rác rưởi”? Phải chăng, chúng ta cũng phải sang bằng những chỗ lỗi lõm”? Thưa, đúng vậy. Chúng ta phải xới tung lên những quanh co dối trá, dọn dẹp sạch sẽ những rác rưởi tham lam, những rác rưởi hận thù, san phẳng những lồi lõm đam mê dục vọng, những lồi lõm kiêu căng ngạo mạn, những lồi lõm ganh tỵ, say sưa, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, v.v…

Đừng quên, việc tiếp theo là hãy phủ lên con đường đó những thảm nhựa-bí-tích: “Bí Tích Thánh Thể - Bí Tích Giao Hòa”. Đừng quên phủ lên con đường đó những thảm nhựa, nhựa-đức-tin, nhựa-đức-cậy, nhựa-đức-ái.

Chỉ khi làm như thế, “con đường cho Đức Chúa” mới có thể được gọi là con đường “…Nắng vàng tươi đẹp đẽ. Bóng ‘Người’ dài trên hè. Con đường tình ta đi”. Chỉ khi ta “dọn và sửa” như thế, con đường đó mới có thể được gọi là con đường “tinh tuyền, không chi đáng trách và… bình an ” (2, Pr 3, 14)

Cuối cùng, chỉ khi dọn và sửa “con đường cho Đức Chúa” như thế, chúng ta mới có thể chứng minh cho mọi người thấy rằng, tôi đã thật sự “tỏ lòng sám hối”.

Xưa, ông Gioan Tẩy Giả “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” Nay, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã “chịu phép rửa” nhưng, hãy tự hỏi lòng mình rằng, “tôi đã thực sự tỏ lòng sám hối?”

Nếu chưa, hãy nghe Kinh Thánh có chép rằng “Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” (x.TV 51, 19). Thế nên, tôi và bạn, chúng ta hãy để ra một phút, một phút thôi, và hãy cùng nhau cất tiếng ca nguyện, nguyện rằng “Chúa ơi! Dừng cơn giận Chúa lại thôi. Chúa ơi! Lòng con đã hối tội rồi”.

Petrus.tran

 Tags: Mùa Vọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây