TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mến Chúa - yêu người

Thứ tư - 12/05/2021 22:08 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   670
Mến Chúa - yêu người

Chúa Nhật XXX - TN – A

Mến Chúa - yêu người: đừng tách rời trong hành động của chúng ta

Thành phố Saigon trong những ngày qua đã hứng chịu nhiều trận mưa rất lớn. Đi tới đâu, bất cứ con đường nào, người ta cũng đều thấy nước và nước, nước tràn ngập khắp mọi nơi. Hậu quả là nhiều đường phố cũng như nhà của cư dân biến thành những con sông, những ao hồ. Trong đôi mắt người dân, không ai mà không ngao ngán nhìn cảnh “tràn ngập” sông hồ bất đắc dĩ đó.

Tuy nhiên, có một vấn nạn khác còn ngao ngán hơn, nó không chỉ “tràn ngập” tại thành phố này, mà còn ở tại hầu hết trên khắp đất nước, đó là sự tràn ngập của tội lỗi. Cái tội mà xưa nay hiếm thấy, thì nay lại thấy nhan nhản bất cứ nơi đâu, đó là tội giết người.

“Chưa bao giờ người dân cảm thấy bất an như hiện nay. Mạng sống của con người rất dễ bị tước đoạt vì những lý do rất vu vơ.”. Vâng, đây là “tít” của một bản tin do VOV.VN đăng tải trên mạng lưới điện toán vào ngày 09/10/2014 vừa qua.

Bản tin chi tiết ghi rằng: “Thời gian gần đây, tại TP liên tiếp xuất hiện nhiều vụ giết người hết sức man rợ gây xôn xao dư luận. Những kẻ gây án có tuổi đời từ 20 đến trên 40 tuổi và đều tự mình gây án với một thái độ hết sức thản nhiên. Chính điều này đã khiến dư luận đặt câu hỏi: tại sao cái ác lại dễ bộc phát đến như thế? Vì sao các vụ án giết người đang ngày càng gia tăng và rất dã man?”

Không ai có thể tin được rằng, đã có kẻ, theo lời VOV.VN tường thuật, “Giết bạn học bằng cách cho uống thuốc ngủ rồi bỏ vào bao vứt xuống sông; giết chị dâu, chặt xác ra làm nhiều khúc bỏ vào bao tải vứt ra đường; giết vợ rồi suýt giết cả con chỉ vì ghen tuông; đâm chết bạn gái chỉ vì bị từ chối tình yêu…”

Lý giải cho câu hỏi “vì sao có nhiều vụ giết người dã man xảy ra trong thời gian gần đây?”, tác giả bài báo viết “các chuyên gia tâm lý và xã hội học tại thành phố cho rằng, những kẻ gây án này đều có khiếm khuyết về nhân cách hoặc có vấn đề về rối loạn hành vi, rối loạn về nhận thức.”

Một số ý kiến khác thì nói rằng, “…giáo dục gia đình không trọn vẹn thì những đứa trẻ lớn lên sẽ có xu hướng sử dụng hành vi bạo lực”, và rằng “…do hàng ngày tiếp cận với nhiều bạo lực từ phim, ảnh và ngay cả các phương tiện truyền thông hiện nay cũng đề cập quá chi tiết về hành vi giết người đã ảnh hưởng đến không ít người trẻ tuổi” (trích nguồn VOV.VN)

Vâng, còn rất nhiều ý kiến cho rằng thì-là-mà v.v… và v.v… để biện minh, để che đậy, mà người ta quên rằng, nguyên nhân căn bản dẫn đến hành vi phạm tội chính là con người phủ nhận Thiên Chúa và những luật lệ Người đã ban cho con người.

Nguyên tổ Adam và Eva là một ví dụ điển hình. Chuyện kể rằng, khi hai ông bà muốn mình “sẽ nên như những vị thần” và phủ nhận rằng, chỉ có một vị thần chính là Thiên Chúa, lập tức hai ông bà phạm tội, vi phạm luật lệ Thiên Chúa đã ban ra.

Luật lệ Thiên Chúa, tông đồ Gioan nói “có nặng nề gì đâu”.

Xưa, Thiên Chúa phán “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn”. Và sau này, khi Đức Giê-su đến thế gian, Thiên Chúa, qua lời truyền dạy của Ngài, cũng chỉ đặt nơi con người một điều luật duy nhất, đó là, “mến Chúa và yêu người”, mà thôi.

**
“Mến Chúa và yêu người”, đó chính là điều đã được Đức Giê-su phán truyền trong dịp có một nhóm Pha-ri-sêu tìm đến Ngài để chất vấn những thắc mắc liên quan đến luật lệ.

Hôm đó, rút kinh nghiệm cho những lần thất bại trước qua việc chất vấn Đức Giê-su về luật lệ. Nhóm Phariseu họp nhau lại để đưa ra đối sách mới. Một thầy thông luật trong nhóm của họ dầy dạn kinh nghiệm về luật được cử đến gặp Đức Giêsu.

Không như những lần trước, họ thường đặt thẳng vấn đề với Đức Giêsu về việc thực thi luật lệ. Ví dụ như, tại sao Ngài “không giữ ngày sa-bát!” Hoặc là, tại sao môn đệ Thầy “không rửa tay trước khi ăn?” v.v…

Lần này, khi vị thông luật đến, ông ta tung một đòn hỏa mù bằng một câu hỏi đầy lắt léo, ông ta hỏi rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-se, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”

Trời ạ! Điều nào là điều trọng nhất ư! Do Thái giáo dựa trên 10 điều răn. Trải qua nhiều thế hệ, những thầy thông giáo chú giải thêm, thêm đến 613 lề luật. Trong số 613 lề luật, những thầy thông giáo lại chia thành 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Có thể nói rằng, mỗi ngày là có một luật cấm…

Vâng, giả sử ông Mô-se có sống lại, có lẽ, ông ta sẽ hỏi rằng, tại sao hồi trên núi Sinai xuống, ông chỉ truyền cho có “Mười Điều Luật”, nay, ở đâu lại lòi ra 613 điều là làm sao hở mấy ông kẹ Pha-ri-sêu?

Thật ra, khi đặt câu hỏi này, ông thầy thông luật đã đặt Đức Giê-su vào một cái bẫy. Một cái bẫy được giăng ra. Thật vậy, trong bối cảnh Israel thời đó, mỗi một phe nhóm như Xa-đốc, kinh sư, luật sĩ, Phariseu v.v… họ thích điều luật nào thì cho điều luật đó quan trọng hơn cả.

Nếu Đức Giêsu trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng, Ngài sẽ bị “chụp mũ” là về phe nhóm này, chống nhóm kia. Và điều hiển nhiên là các nhóm khác sẽ gân cổ lên đối chất với Ngài…

Thế nhưng, dù ông thầy thông luật có ngụy trang cái bẫy đầy mầu sắc đạo đức, nó vẫn không làm cho Đức Giêsu sập bẫy.

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất ư?”. Đức Giêsu đáp “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Người nói tiếp rằng: “Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22, 37-38).

Ông thầy thông luật đã hố to khi đem luật ông Môse ra “thử” Ngài. Những điều Đức Giêsu nói cho ông thông luật nghe cũng chính là những điều khi xưa ông Môse đã nói trước toàn dân Israel, “Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Dnl 5,5).

Có lẽ ông thông luật quên lời Môse đã dặn rằng “Những lời tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng… phải nói lại cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường…” (Dnl 6, 6-7).

Đúng! ông thông luật đã quên. Ông quên rằng, luật cũng đã nói: “ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,...18). Ông quên nhưng Đức Giêsu không quên. Ngài nhắc lại cho ông biết rằng: Đó là “điều răn thứ hai, cũng giống điều răn thứ nhất”.

Kết thúc phần chất vấn, Đức Giê-su kết luận rằng: “Tất cả Luật Môse và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều ấy”.

***
Một lần nọ, khi nói tới lề luật, Đức Giê-su có nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-se hoặc các lời ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17).
Và hôm nay, đúng là Ngài đã kiện toàn. Một sự kiện toàn tuyệt hảo. “Mến Chúa” không chưa đủ, còn phải “Yêu người”, bởi vì yêu người chính là “dấu” để thiên hạ biết “anh em là môn đệ của Thầy”.

”Yêu người” còn là thước đo đời sống đức tin cho chúng ta hôm nay, và còn là “vật chứng” để chúng ta đem ra trình diện trong ngày phán xét.

Tông đồ Gioan đã nói “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21). Chúng ta sẽ được phán xét dựa vào tình yêu tha nhân, bằng sự phục vụ, chứ không phải là yêu Chúa bằng hình thức, trên môi miệng.

Thật vậy, chính Đức Giêsu đã nói rằng: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

“Làm như thế cho một trong những người bé nhỏ” là làm gì?

Xin thưa, chính là “Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết”.

Thực thi những điều nêu trên, đó chính là cách minh chứng rằng, chúng ta đã “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”.

****
”Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.” Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (x.Mt 22, 37-40).

Là một Kitô hữu, chúng ta nghĩ gì về hai điều răn Đức Giêsu cho là quan trọng nhất?

Hãy tạ ơn Chúa… Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã rút từ 613 điều luật, thật khó “học thuộc lòng” cũng như thật khó thực thi, để hôm nay chỉ còn có hai điều luật, một, đó là “mến Chúa”, hai, đó là “yêu người”.

Vâng, chỉ có năm chữ “mến Chúa và yêu người” quả là quá dễ học và dễ nhớ. Thế nhưng dễ nhớ và dễ học vẫn chưa đủ để chứng thực chúng ta là một Ki-tô hữu, một người môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô.

Để chứng thực là một Ki-tô hữu, chúng ta không chỉ “học” mà còn phải “hành”, chưa hết, việc thực hành của chúng ta còn phải ở múc độ “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”.

Kitô giáo là một tôn giáo được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương. Và tình yêu thương mà Kitô giáo truyền dạy chính là sự luôn sẵn sàng dấn thân, dẫu biết rằng để thể hiện sự dấn thân đó, đôi lúc sẽ phải “chết trong lòng một ít”, và đôi khi sẽ phải “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”.

Chính vì thế, để chứng tỏ mến Chúa và yêu người “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” chúng ta không được phép “yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”, mà ngược lại, chúng ta cần phải “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44).

Một cách thế khác, để chứng tỏ mến Chúa và yêu người “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, chúng ta chỉ cần “làm một việc bình thường với một tình yêu phi thường”. (Mẹ Têrêsa Calcutta)
“Làm một việc bình thường” đó là việc gì? Thưa, rất giản dị, đó là, “nhẫn nhục, hiền hậu, không làm điều bất chính, không vênh vang, không tự đắc, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù…” với tha nhân, với tất cả mọi người chung quanh ta.

Nói cách khác, khi chúng ta thực hiện những điều giản dị nêu trên, thì đó chính là lúc chúng ta thể hiện một cách hoàn hảo giới răn “Mến Chúa và yêu người”.

“Mến Chúa và yêu người”. Vâng, Lm Charles E Miller, CM có lời khuyên rằng: “chúng không được tách rời trong tâm hồn hoặc trong hành động của chúng ta”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây