TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Điềm lạ

Thứ năm - 07/10/2021 13:56 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1294
Hỡi dòng giống ác độc, sẽ chẳng cho các ngươi điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona.
Điềm lạ

ĐIỀM LẠ
(x.Lc 11,29-32)

Thế giới càng văn minh, nhân loại càng tiến bộ với khoa học công nghệ hiên đại thì dường như nỗi lo, sự e ngại càng không giảm đi mà có phần tăng lên thêm và mang nhiều sắc thái khác nhau. Khi càng đầy đủ tiện nghi thì càng chất thêm nhiều nỗi lo sợ. Người ta lo sợ vì có thể mất đi những gì đang có. Do đó các hãng bảo hiểm luôn ăn nên làm ra. Hơn nữa, chính khi cuộc sống vật chất xem chừng được bảo đảm thì đời sống tinh thần lại bấp bênh, vì sự phát triển của đời sống tinh thần dường như không theo kịp với tốc độ phát triển quá nhanh, kiểu chóng mặt của đời sống kinh tế ngày càng hiện đại như hôm nay. Sống trong tình trạng bấp bênh thì người ta luôn khao khát “sự đột biến”. Không lạ gì những khi mất chủ quyền, bị nô lệ thì dân Israel lại khát khao Đấng Thiên sai xuất hiện cách mãnh liệt. Càng không ổn định thì ta càng thích những chuyện “giật gân”, “chuyện lạ”. Các phương tiện truyền thông, các báo, đài không ngại ngần khai thác tâm lý này để thu lợi. Chuyện tình đổ vỡ giữa công nương Diana và hoàng tử Charles vương quốc Anh đã từng một thời trở thành món hàng kinh doanh của nhiều toà soạn, ký giả, phóng viên. Sự phong lưu đa tình của một nguyên thủ nước cờ hoa cũng đã là chuyện lạ đó đây. Có được mấy ai không thích chuyện lạ? Chuyện lạ nào lại không gợi tính tò mò, gây sự chú ý? Dân Việt cũng đã hăm hở lên màn ảnh nhỏ với tiết mục“những chuyện lạ Việt Nam”. Thú thực, bản thân tôi cũng đã từng không kìm được sự hiếu kỳ, một sự hiếu kỳ rất chi là “dân tộc tính”.

Ngài hãy làm một điềm lạ từ trời xem nào! Hỡi dòng giống ác độc, sẽ chẳng cho các ngươi điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Đức Giêsu vô tình hay hữu ý kéo chuyện bà hoàng phương Nam vào đây. Đến ngày tận thế Nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên tố cáo dòng giống này vì bà đã từ tận cùng trái đất đến để nghe lời khôn ngoan của vua Salômon. Và dân Ninivê cũng sẽ tố cáo dân này vì họ đã nghe lời tiên tri Giona. Ở đây còn có người hơn cả Giona, Salômon nữa (x. Lc 11,29-32).

ĐIỀM LẠ GIONA:
Hẳn nhiên thoạt nghe điềm lạ của tiên tri Giona, ta dễ liên tưởng đến chuyện Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày. Các tác giả Tin Mừng, đặc biệt Matthêu sau này khi viết cũng liên tưởng điều này, vì nhớ đến việc Đức Giêsu ở trong mộ ba ngày qua cuộc khổ nạn. Dù rằng chuyện tiên tri Giona chỉ là một chuyện thuộc loại hình văn chương dụ ngôn, thế nhưng chuyện một người ở trong bụng cá ba đêm ngày mà vẫn còn sống thì quả là rất lạ. Cái sự lạ này nếu có thì chỉ với số người ở ngay bờ biển. Ninivê, một thành phố lớn, thủ phủ của đế quốc Assyri, phía Đông Bắc nước Israel, bên con sông Tigre, con sông đổ về vịnh Ba-tư, chắc hẳn theo luận lý bình thường thì dân thành Ninivê sẽ khó lòng biết chuyện Giona ở trong bụng cá. Thế thì Tiên tri Giona đã trở nên điềm lạ cho dân thành Ninivê ở điểm nào?

Ta sẽ nhận ra cái nét lạ, khi chịu khó tìm hiểu lịch sử một chút. Đế quốc Assyri thời bấy giờ là một đế quốc lớn đang thôn tính hay đô hộ nhiều nước nhỏ khác trong đó có nước Israel (khi ấy nước Do Thái đang bị phân chia thành hai, đó là Israel ở phia Bắc và Giuđêa ở phía Nam). Hôm nay, bỗng có một anh là con dân nước bị trị, ngang nhiên đến thủ đô của đế quốc tuyên bố những điều chướng tai, khó nghe. “Còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4). Quả là to gan, đáng chém đầu. Giả như tôi là một trong những con dân thành Ninivê, tôi sẽ cùng với một vài người xách cổ Giona ra, cho vài bạt tai, đá vài cái vào “mông” rồi đuổi về nước. Chắc hẳn Tiên tri Giona thừa hiểu điều này. Thay vì đi về hướng Ninivê, Giona đã muốn qua mặt Giavê mà về hướng Tacxê. Sự việc ông làm trái lời Giavê phán dạy không chỉ vì không muốn cho dân Ninivê, một thứ “dân ngoại” được khỏi tai hoạ mà cũng có phần lo sợ cho số phận mình. Sao lại không lo lắng khi to gan liều mình đi nói một điều xúi quẩy, cho dù đó là sự thật, mà lại nói với những người trên đầu trên cổ của mình xét về mặt xã hội. Kinh thánh không nói rõ nhưng ta có thể suy đoán những lời lẽ của Giona. Ngoài câu còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ thì phải có những lý chứng kèm theo đó là vì vua quan lẫn dân chúng thành ấy đang sa đoạ trong tội lỗi. Thánh kinh Cựu ước cho ta hay rằng hễ Giavê đoán phạt ai là vì tội lỗi của họ hoặc có thể là vì tội lỗi của các đấng bậc ở bên trên như hàng vua chúa quan quyền chẳng hạn.

“Sẽ chỉ cho dân này điềm lạ của Tiên tri Giona… và ở đây còn có Đấng hơn cả Giona”. Cái điều hơn cả Giona ở đây, mới nghe ta dễ liên tưởng đến phẩm vị. Chúa Giêsu thì hơn Giona chứ. Ngài là Con Thiên Chúa. Đúng vậy, nhưng chỉ đúng với người có niềm tin sau này. Với các Tông đồ thì cũng chỉ đúng cách chắc chắn sau biến cố Chúa phục sinh. Còn với các khán thính giả của Chúa Giêsu lúc bấy giờ thì sao? Đây có một người hơn cả Giona về sự to gan, về sự liều lĩnh. Đây là Giêsu thành Nazaret. Nazaret nào có gì hay chứ? Nathanaen đã không một lần thẳng thừng với Philipphê đấy ư? Ông ta chỉ là người thợ mộc bình thường nếu không muốn nói là tầm thường. Thế mà ông ta to gan vạch trần sự giả dối của các vị đạo đức, tự tách riêng khỏi đám đông tội lỗi (biệt phái). Họ như những thứ mồ mả tô vôi mà bên trong đầy sự tanh hôi (x.Lc 11,44)… Các ngài tiến sĩ luật, ông cũng không chừa. Ông tố cáo họ dùng sự thông thái của mình để vẽ vời nhiều sự. Họ tạo nên nhiều tập tục, nghi tiết chất nặng trên vai trên cổ đám dân đen còn họ thì không buồn giơ một ngón tay lay thử (x.Lc11,46)… Các Thượng tế, những đấng bậc thay dân để tế lễ Giavê vẫn bị tấn công. Ông mạnh mẽ lên án họ đã biến Đền thờ thành sào huyệt của phường trộm cướp (x.Mc 11,17). Cả đến vua Hêrôđê, ông cũng đã đặt tên là con cáo già (x Lc 13,32).

Vẫn là ông, Giêsu Nazaret, một người to gan hơn cả Giona. Sự thật thường dễ mất lòng. Nói những sự thật không hay, không tốt của các đấng vị vọng, của những người có quyền có chức không chỉ dễ mất lòng mà ngay cả đầu cũng khó lòng giữ nguyên với cổ. To gan, phạm thượng, cái tội đáng tru di cửu tộc. Bài học lịch sử các nước thời quân chủ chuyên chế không hiếm những mẫu gương phạm thượng, to gan sẵn sàng can ngăn vua chúa khi các vị ấy hành động sai lầm hoặc vạch mặt chỉ tên những nịnh thần hại dân hại nước.

Thấy điềm lạ là sở thích của con người vì ai ai cũng mong có sự đổi thay khi mà tình thế hôm nay không mấy đẹp, không được ổn. Dễ thôi, sở thích ấy có thể được thoả mãn bằng các hình ảnh sống động, nhưng là trên màn ảnh nhỏ hay trong các băng hình. Xưa thì có một Bao công liêm chính, nay sẽ có nhiều nhân vật quan toà, hay viện kiểm soát “hư cấu”. Dẫu sao cũng là một cách làm thoả mãn đôi mắt dân chúng và dĩ nhiên lòng của họ sẽ thấy an ủi phần nào. Bánh vẽ tuy không thể làm no lòng được nhưng lắm khi tạo cảm giác “nê nê”. Xin chớ ngủ mê! Điềm lạ vẫn rất cần cho hôm nay. Thế giới này, xã hội này và cả Hội thánh ta hôm nay vẫn rất cần có điềm lạ. Chắc chắn như xưa Chúa Giêsu sẽ chẳng cho điềm lạ nào ngoài điềm lạ của Giona, một “tiện dân” to gan vì chân lý. Chân lý sẽ giải thoát chúng ta (x.Ga 8,32).

ĐIỀM LẠ HƠN CẢ GIONA:
Cái điềm lạ hơn cả Giona trong chuyện tích Giona đó là Vua quan và toàn dân thành Ninivê. Trước những lời lẽ chướng tai của một kẻ vô danh, đúng hơn là của một người dân một nước nhược tiểu, bị trị, thế mà từ vua đến quan đến dân chúng của thủ đô một đế quốc đã khiêm tốn đón nhận. Không chỉ đón nhận kiểu hoà hoãn cho qua chuyện mà tất cả đã biến sứ điệp ấy thành hành động cụ thể. “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác vải thô và ngồi trên tro. Vua cho rao sắc chỉ: …Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình…” (Gn 3,5-10). Đọc đi đọc lại những dòng này, quả thật ta phải nghiêng mình trước sự khiêm tốn của vua lẫn dân thành Ninivê. Một điềm lạ hơn cả Tiên tri Giona.

Dễ thường người ta hay chú ý xem ai nói, ai làm hơn là nói điều gì, làm việc gì. Miệng của quan có gang có thép. Lời lẽ từ người có quyền có chức ta thường xem là đúng và hữu lý. Thậm chí một lời đơn sơ, lắm khi không cần nói trẻ thơ đã hiểu, thế mà nếu nó được một nguyên thủ quốc gia hay một bậc vị vọng thốt lên thì sẽ trở thành khuôn vàng thước ngọc. Một số biểu bảng, panô đó đây cho ta sự thật này. Chưa kể đến những cái lưng luôn khúm núm cong cong thì bất cứ lời nào của bề trên, của bậc có quyền đều là “bệ hạ sáng suốt, bệ hạ sáng suốt”. Đón nhận sự thật, điều khôn ngoan, đặc biệt khi chúng có dính dáng cách nào đó liên quan đến những sự không hay của ta, bất kể nó khởi đi từ đâu, là một thái độ khiêm nhu chân thành. Dễ mấy ai sẵn sàng đón nhận chúng, nhất là khi  chúng do những người cấp dưới, những người thấp cổ, bé phận. Thỉnh thoảng có một đôi dòng tâm tình với chủ chăn ở báo này báo kia thì đã không thiếu quý ngài la toáng lên. Cũng may, ở xứ ta, tâm tình tôn kính bề trên dẫu sao vẫn còn đó. Bản thân tôi chưa nghe và chưa thấy những lời lẽ kiểu ngang ngược, kiểu “bình đẳng” như bên Tây, Mỹ. Chưa nghe nhưng thiết nghĩ ta cần phải sẵn sàng đón nhận.

Hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ. Câu nói này khiến ta hổ thẹn với Nữ Hoàng phương Nam. Cũng phận đứng đầu một quốc gia, thế mà Nữ hoàng đã khiêm tốn đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômon. Một giáo dân có đôi suy tư ý vị lẫn sâu sắc thì thế nào cũng sẽ dễ bị coi thường vì chỉ là hàng giáo dân. Một tu sĩ giảng dạy thu hút nhưng vẫn có thể ít được các nhà dòng mời dạy, mời giảng tĩnh tâm chỉ vì không có thánh chức. Đã là tĩnh tâm năm của hàng linh mục thì phải mời cho được giám mục giảng dù vị ấy không chuyên môn trong việc giảng tĩnh tâm. Muốn nói cho giáo dân nghe, ít nữa phải là tu sĩ. Muốn nói cho tu sĩ nghe, ít nữa phải là linh mục. Muốn nói cho linh mục nghe thì phải là giám mục. Quả đúng là những chuyện bình thường của kiếp người. Vì thế chuyện Nữ hoàng phương Nam đúng là chuyện lạ.

Hội Thánh chúng ta, Nước Việt chúng ta rất cần có điềm lạ như Giona, như Nữ hoàng phương Nam, như Vua quan và dân thành Ninivê. Đã và đang xuất hiện nhiều Giona cho nước nhà chúng ta, những Giona chấp nhận cả việc bị khai trừ ra khỏi đảng cầm quyền, những Giona chấp nhận bị trù dập, mất quyền lợi để nói lên sự thật, có những sự thật rất dễ mất lòng như là bỏ sự độc quyền, bỏ cái tư duy “mục đích biện minh cho phương tiện” kiểu cách lý luận tương tự như ông Đặng Tiểu Bình: “mèo trắng hay mèo đen thì bất kể, miễn là bắt được chuột” hoặc đề nghị bỏ cả tư duy cũ không phù hợp với đà phát triển của lịch sử. Đã và đang xuất hiện đó đây trong Hội thánh những Giona dám to gan góp ý với các Đấng bậc “làm thầy” dù rằng có thể bị hiểu lầm là “rối đạo”, là “thiếu vâng phục”… Điềm lạ Giona đã xảy ra còn điềm lạ vua quan Ninivê thì sao? Xin các đấng, các vị có quyền, có chức, đang nắm vận mệnh đất nước, đang điều khiển con thuyền Hội thánh hãy can đảm khiêm nhu để trở nên điềm lạ như vua quan Ninivê và Nữ hoàng phương Nam: Lắng nghe và đón nhận sự thật bất kể chúng khởi đi từ đâu. Lắng nghe và đón nhận mới chỉ là bước khởi đầu. Điềm lạ thực sự là ở động thái biết hoán cải, biết đổi thay.

- Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây