TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Quyền Ngôn Luận

Thứ ba - 05/10/2021 05:59 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   604
Tin Mừng tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Sau khi quỷ xuất thì người câm nói được.
Quyền Ngôn Luận
QUYỀN NGÔN LUẬN
(Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXVII TN – Lc 11,14-26)

Khi đề cập đến các quyền căn bản của con người mà Liên Hiệp Quốc khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền năm 1948 thì rất nhiều người đồng thuận với nhau là để có được các quyền ấy một cách nào đó thì tiên vàn phải có được quyền ngôn luận. Trong các xã hội độc tài toàn trị thì đây là cái quyền mà người dân bị hạn chế và bị kiểm soát gay gắt nhất. Lịch sử cho thấy trong chiến tranh điều đầu tiên mà phe chiến thắng làm đó là chiếm và kiểm soát các đài phát thanh và truyền hình. Làm chủ được thông tin thì rất dễ điều khiển công chúng theo ý của mình.

Tin Mừng tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Sau khi quỷ xuất thì người câm nói được. Trong khi dân chúng hân hoan đến sững sờ thì có một số người lại gièm pha xuyên tạc cho rằng Chúa Giêsu lấy quyền của tướng quỷ (quỷ Bêendêbun) mà trừ quỷ. Một số người này là những ai và Chúa Giêsu đã có thái độ gì trước sự gièm pha xuyên tạc này?

Tin Mừng Luca chỉ nói có một số người (Lc 11,15); Tin Mừng Matthêu thì nói khá rõ hơn đó là những người Pharisêu (Nhóm Biệt phái) (Mt 12,24); Tin mừng Maccô ghi cách cụ thể đó là những kinh sư (các vị tiến sĩ luật) từ Giêrusalem xuống (Mc 3,22). Tổng hợp lại thì chúng ta có thể nói đó là một số người đang lãnh đạo dân chúng trong Do Thái giáo thời bấy giờ.
Trong vai vị lãnh đạo ngoài xã hội, thậm chí cả trong các tập thể tôn giáo thì người ta dễ bị cám dỗ không thích, không muốn và tìm mọi cách để không cho người thuộc quyền nói, dĩ nhiên là nói những gì khác ý thích, trái ý muốn, trái với đường lối, chủ trương và cung cách hành xử của mình. Chính vì thế mà chủ đề “tự do ngôn luận” thường là chủ đề được xem là “nhạy cảm”. Qua thông tin nhận thấy tại các cuộc họp cấp cao ngoài xã hội dường như chuyện phát biểu chỉ là một chiều từ trên xuống dưới. Không biết tại các dòng tu như thế nào, còn ở nhiều giáo phận thì chuyện chẳng khác là bao, thường là trên phán dưới nghe. Và tại không ít giáo xứ vẫn phổ biến tình trạng này. Từng hỏi một vài vị đã đảm nhiệm vai vị Đại Biểu nhân dân các cấp và ở cấp cao nhất là Quốc Hội rằng sao không thấy phát biểu gì thì được trả lời: “Muốn nói gì thì phải đăng ký nội dung trước và được cho phép mới được nói!”. Cũng từng hỏi nhiều linh mục trẻ rằng sao không thấy các vị trẻ lên tiếng thì cũng được trả lời rằng: “Ai mà dám, mới chịu chức dăm bảy năm mà dám mở miệng hà!”.
Trước sự gièm pha, xuyên tạc của mấy người được xem là lãnh đạo lúc bấy giờ thì Chúa Giêsu đã tỏ thái độ rất gay gắt. Sau khi giải thích rõ sự sai lạc trong luận điệu của những người xuyên tạc thì Chúa Giêsu đã mạnh mẽ khẳng định: “Ai không thuận với Tôi là nghịch cùng Tôi, và ai không thu góp với Tôi là phân tán” (Lc 11,23; x.Mt 12,30). Không chỉ khẳng định dứt khoát rằng từ chối ánh sáng chân lý là đi vào bóng tối… mà Chúa Giêsu còn kết án đây là thứ tội muôn đời không được tha vì đó là “tội phạm đến Thánh Thần” (Mt 12,32; Mc 3,29).
Không muốn người dân, người thuộc quyền nói những gì mình không thích quả là một chước cám dỗ khó vượt qua khi chúng ta có chút vai vị và quyền lực. Điều này có thể được thông cảm cách nào đó vì nó thuộc bình diện tâm lý. Tuy nhiên nếu vì sự độc tôn, độc quyền của mình mà tìm mọi cách kể cả luật lệ để kìm hãm và bóp nghẹt tiếng nói của người dân, người thuộc quyền khi đó là những ý kiến khác chiều hay là trái chiều thì đúng là đáng trách và đáng lên án vì nó đã bước sang phạm trù ý chí rồi. Đây chính là trường hợp cố tình đóng kín cõi lòng trước chân lý. Và chắc chắn chân lý không thể nào giải thoát họ khỏi ách nộ lệ của thần dữ vốn là “cha của sự gian dối” (Ga 8,44).

Nhận thức khi “đã là quyền thì không phải là ân huệ xin cho”. Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã khẳng định mạnh mẽ sự thật này trước Chính quyền Hà Nội khi nói về Quyền tự do tôn giáo. Vấn đề là chúng ta có tích cực và can đảm nắm lấy các quyền căn bản mà Thiên Chúa tặng ban để sống cho xứng với phẩm vị con người vốn là hình ảnh của Đấng Tạo Thành không? Dĩ nhiên trong nhiều trường hợp muốn nắm được các quyền này thì phải đòi hỏi mà thôi. Đã đòi hỏi thì tất yếu có cái giá phải trả vì mãi còn đó nhiều người không muốn kẻ thuộc quyền có chúng, nhất là quyền ngôn luận.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây