TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tái Sinh

Thứ tư - 06/10/2021 05:38 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   882
“Tôi nói thật cho ông biết: nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Thiên Chúa” (Ga 3,3).
Tái Sinh

TÁI SINH
(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XVII TN – Lc 11,27-28)

“Tôi nói thật cho ông biết: nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Thiên Chúa” (Ga 3,3). Lời khẳng định của Chúa Giêsu với Nicôđêmô đã làm cho vị tôn sư lỗi lạc Do Thái giáo lúc bấy giờ “hoang mang lẫn ngỡ ngàng”. Ngài tôn sư chất vấn: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại phải vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa hay sao?” Tin Mừng không ghi rõ là sau cuộc nói chuyện ấy ngài Nicôđêmô có hiểu lời của Chúa Giêsu được phần nào chăng, nhưng chắc chắn trong lòng ông đã hình thành một nỗi trăn trở về con đường lên trời, hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Điều này minh chứng rõ ràng chính ông vốn là một vị tôn sư nhưng vẫn chưa thật hài lòng, đúng hơn là chưa thật thỏa mãn về “lối sống đạo” trong Do Thái giáo lúc bấy giờ. Chính ông là người đã bênh vực Chúa Giêsu trước sự kết án của nhiều lãnh đạo Do thái giáo (Ga 7,50). Và ông cũng là một trong hai người đến xin Philatô cho hạ xác Chúa Giêsu xuống mà an táng (x.Ga 19,39-40). Tái sinh là gì và tái sinh như thế nào là những câu hỏi làm Nicôđêmô trăn trở. Phải thành thật thú nhận rằng trong số Kitô hữu chúng ta hiện nay vẫn còn đó nhiều người đang mù mờ về những khái niệm này.

1. Tái sinh là gì? Theo nghĩa văn tự đó là lại được sinh ra. Dĩ nhiên không ai trong chúng ta quá ngây thơ hiểu rằng đó là “chui vào lòng mẹ” để được sinh ra một lần nữa. Để hiểu khái niệm này thì trước hết chúng ta cần làm rõ việc chúng ta được sinh ra lần đầu. Lần đầu được sinh ra là chúng ta bắt đầu một cuộc hiện hữu trong một không gian và thời gian cụ thể. Sự hiện hữu này còn được xác định bởi các mối tương quan nhục thể, giới tính, sắc tộc, quốc gia. Nội hàm trong “thẻ căn cước công dân” (ID) hay bản lý lịch trích ngang cho thấy hiện thực này. Như thế việc sinh ra lần đầu là việc chúng ta hiện hữu trong những mối tương quan cụ thể và xem ra còn nhiều giới hạn. Bố mẹ có hai, ông bà có bốn, một vài anh chị em ruột thịt…

Khi nói về sự tái sinh thì Chúa Giêsu muốn Nicôđêmô và chúng ta hướng đến một sự hiện hữu mới với nhiều mối tương quan rộng lớn hơn và phổ quát nhất. Thiên Chúa là Cha của hết mọi người. Nước của Người là vương quốc của mọi dân tộc. Chính vì thế để có thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa thì tâm trí của chúng ta phải vượt qua các giới hạn của tình huyết nhục, của nghĩa đồng bào, của cả làn ranh tôn giáo này và tôn giáo nọ…

Lần kia đang lúc giảng dạy, nghe một phụ nữ ca ngợi Mẹ của mình vì đã có công cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng mình thì Chúa Giêsu đã đáp lại: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn” (Lc 11,28). Chắc hẳn Chúa Giêsu không chối bỏ mối tương quan huyết nhục, nhưng Người muốn nhấn mạnh đến một mối tương quan phổ quát hơn. Khi nghe và giữ lời Thiên Chúa thì chúng ta lại có một gia đình vượt mọi biên giới huyết nhục, chủng tộc, ngôn ngữ, chính kiến, tôn giáo… Đây chính là sự tái sinh, nghĩa là hiện hữu với những tương quan mới.

Đã từng dí dỏm rằng giả dụ trong cuộc sống mà chúng “cạch” (loại bỏ khỏi tâm trí) một ai hay những ai đó vì họ khác màu da, sắc tộc hay khác ngôn ngữ, khác chính kiến, thậm chí khác niềm tin với chúng ta rồi khi lên thiên đàng mà gặp họ thì sao đây? Không lẽ tự ý xin ra?

2. Cách thế để tái sinh: Tuân giữ lời Thiên Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Chân lý và là Nguồn Tinh Yêu giữa hai Ngôi cực thánh Chúa Cha và Chúa Con. Là Kitô hữu Công giáo chúng ta tin nhận Lời Thiên Chúa được lưu giữ trong kho tàng mạc khải là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Tuy nhiên với anh chị em ngoài Công giáo thì sao, nhất là với bà con lương dân và anh chị ngoài Kitô giáo? Dưới ánh sáng đức tin chúng ta tin nhận Thiên Chúa mãi truyền phán lời của Người qua các kỳ công Người tác tạo là vũ trụ thiên nhiên. Người nói Lời của Người qua các biến cố của lịch sử. Và Lời của Người chính là tiếng lương tâm ở tận đáy lòng mọi người.

Kitô hữu công giáo Việt Nam có thói quen tốt gọi bà con không theo tôn giáo nào là lương dân, nghĩa là người tốt. Dù không theo tôn giáo nào nhưng đang có đó rất nhiều anh chị em biết sống với đồng loại theo tấm lòng son của mình. Họ thực sự là những người đang có phúc vì Chúa Giêsu nhận họ làm anh em chị em và là mẹ của Người (x.Mt 12,46-50). Đến ngày phán xét dẫu họ có xác nhận là mình có biết Chúa đâu, họ chỉ sống đạo yêu thương xuất từ con tim biết xót thương người đồng loại thôi. Thế nhưng Chúa Kitô đã phán với họ rằng: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (x.Mt 25,31-46).  

Một nhận định có phần chủ quan: Phải chăng tại các Chủng viện, Tu viện hiện nay dường như quá chú trọng huấn luyện các ứng sinh về mặt tri thức nhiều hơn so với việc đào tạo tấm lòng? Lời của Thiên Chúa có bị “nhiễu”, bị “biến dạng” trong  lương tâm con người nói chung và Kitô hữu chúng ta hôm nay vì những lý do chủ quan hoặc khách quan nào đây? Tại giáo xứ nhà, chúng tôi khi đón nhận anh chị em “tòng giáo” chúng tôi không đòi hỏi quá nhiều về việc phải thuộc kinh kệ hay thông biết giáo lý nhưng đòi hỏi một sự đổi thay trong cung cách sống mà trước hết là với những người thân trong gia đình rồi đến những người kém phận ngoài xã hội.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 Tags: Tái Sinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây