TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dụ ngôn

Thứ tư - 14/04/2021 05:29 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   882
Dụ ngôn

Dụ ngôn

Tính chất của dụ ngôn là nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy. Dụ ngôn không nằm trong phạm trù của lý luận, cũng không nằm trong cách nghĩ thông thường và biểu lộ tính nghịch lý của câu truyện.

Vậy cần giải mã các dụ ngôn bằng cách vượt qua cấp độ khác của nhận thức.

Thường dụ ngôn là bài học dành cho việc tu tập mỗi ngày, trở thành môn đệ tích cực hơn, nhận ra ý muốn của Chúa nhanh nhạy hơn.

Dụ ngôn người gieo giống:

“Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe” (Mt 13,4-9).

Câu truyện nghe hoặc xem qua không thấy gì khó hiểu, vì nó bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tế của người nông dân. Nhưng khó hiểu ở câu kết luận: Ai có tai thì nghe.

Ai chẳng có tai, vậy nghe, hiểu và đem ra thực hành mới là vấn đề của dụ ngôn.

Gác qua việc lý luận, cũng như cách nghĩ thông thường, đặt vấn đề trong cấp độ nhận thức khác. Chúa Giêsu giải đáp cho các môn đệ: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13 11-12).

Cấp độ nhận thức khác, đó là hiểu biết mầu nhiệm nước trời. Đặt trong nhận thức này mỗi người cần nhận ra điều mình đang hiểu biết về Lời Chúa đang mạc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời, hiểu biết tới đâu? Đang đón nhận với cách thức nào: bụi gai, vệ đường, sỏi đá hay đất tốt?

Hàng loạt câu hỏi nhưng câu trả lời lại ở trong thực tế, đang thu hoạch được bao nhiêu hạt hay chẳng có hạt nào?
Dĩ nhiên, không theo cách thông thường, hạt giống Lời Chúa không đong đếm thu hoạch là bao nhiêu tiền, có bao nhiêu của cải, có tài sản nào giá trị, xây được bao công trình để lại? Nếu là các giá trị này thuộc về thế gian, thì cả cái có cũng bị lấy mất đi.

Hoa trái của Lời chúa là vĩnh cửu, mỗi người đã gửi vào gia tài vĩnh cửu là Nước Trời là bao nhiêu? Đó là lời mời gọi: Ai có tai thì nghe.

Qua dụ ngôn người gieo giống, bài học tu tập cho mỗi ngày luôn là kiểm điểm cách đón nhận của chính mình: bụi gai, vệ đường, sỏi đá hay đất tốt?

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây