TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đến “Bờ đá xanh tạ tội”

Thứ sáu - 14/05/2021 03:28 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1169

Chúa Nhật I – MC – B

Hãy đến “Bờ đá xanh tạ tội”

Theo lịch Phụng Vụ, hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Chay. Khi nói tới Mùa Chay, thông thường chúng ta nghĩ đến việc ăn chay, kiêng thịt vào ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh.

Nghĩ như vậy đúng, nhưng chưa đủ. Mùa Chay, không chỉ ăn chay kiêng thịt, mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại, nhìn lại chính mình để sám hối, để hoán cải, “để nhìn nhận những lỗi lầm mình đã gây ra do sự yếu đuối của con người”.

Đức Giê-su, khởi sự cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, Ngài đã không mời gọi mọi người điều gì hơn, ngoài việc “hãy sám hối”.

Thật vậy, theo trình thuật Tin mừng Máccô, chúng ta được biết: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Không chỉ được nghe lời mời gọi “hãy sám hối”, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, qua Tin Mừng Mác-cô, chúng ta còn được nhìn thấy sự chiến đấu dũng mãnh của Đức Giê-su trước những cám dỗ do bởi Satan mà ra.

Tuy thánh Mác-cô không mô tả chi tiết về những cơn cám dỗ, (như thánh Mát-thêu đã mô tả), nhưng chúng ta vẫn có thể tin rằng, Đức Giêsu đã chiến thắng tất cả mọi mưu ma chước quỷ mà Sa-tan đã xuất chiêu để cám dỗ Ngài. Niềm tin này được dựa vào sự kiện “có các thiên sứ hầu hạ Người”.

**

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Dựa vào lời truyển dạy (nêu trên) của Đức Giê-su, Giáo hội, khởi đầu mùa chay bắt đầu bằng thứ tư “Lễ Tro”, cũng với tâm tình ăn năn sám hối.

Trong ngày lễ tro, hình ảnh từng đoàn người lặng lẽ tiến lên cung thánh, có thể nói, là hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc. Họ tiến lên cung thánh một cách trang nghiêm, cúi đầu nhận tro qua bàn tay vị chủ tế trong tiếng nhạc thâm trầm du dương với những ca từ u uất nghẹn ngào: “Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro… một mai người sẽ trở về bụi tro…”.

“Tro” là cách người xưa sử dụng để bày tỏ lòng ăn năn sám hối. Trong lịch sử, việc sử dụng tro như một dấu hiệu của sự sám hối, đã được Cựu Ước ghi chép lại, và Đức Giêsu, khi còn tại thế, Ngài cũng nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro. (x.Mt 11, 21).

Tertulianô, thánh Xyprianô, thánh Ambrôxiô, thánh Giêrônimô, thánh Augustino, và nhiều Giáo Phụ khác thường nhắc đến việc thực hành này, đặc biệt là trong tương quan với việc thực hành để khởi đầu một giai đoạn của sự sám hối công khai cho các tội trọng…

Lúc đầu, nghi thức được thực hiện ngoài thánh lễ, nhưng rồi được đưa vào thánh lễ khoảng thế kỷ XII”. (x.Nguyễn Trọng Đa - Giải đáp phụng vụ: Làm phép tro và xức tro như thế nào?)

Ngày nay người ta xức tro trên trán hình thánh giá, một dấu hiệu nói lên việc hoán cải vác thánh giá theo chân Chúa. Nhưng quan trọng hơn đó là phải thật lòng hoán cải.

Phải hoán cải thật sự, thật sự như vua David xưa, ông ta đã thật sự hoán cải về tội lỗi của mình, qua lời cầu nguyện, rất thiết tha: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lòng hải hà xóa tội con đã phạm. (x.Tv 51, 1).

Có một số người nghĩ rằng, ta sống “ăn ngay ở lành”, nên có gì phải “hoán cải”, có gì phải “sám hối”…

Không đâu, nghĩ như thế là một suy nghĩ hoang tưởng. Triết gia Palton có lời nhận định: “Con người như một cỗ xe có hai ngựa kéo về hai chiều đối nghịch. Có một thế lực cao cả lôi kéo người ta về hướng tốt. Và, một thế lực đen tối kéo người ta về hướng xấu. Và như thế, bản thân con người bị sâu xé bởi hai thế lực đối kháng nhau.

Thánh Phao-lô, trước sự sâu xé này, đã nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, như sự ác thì tôi không muốn tôi lại cứ làm”. (Rm 7, 19)

Mà, nói tới sự ác ư! Ôi! chưa bao giờ nó lại hoành hành khắp nọi nơi trên thế giới này, nào là dọa nhau bằng vũ khí hạt nhân, nào là giết nhau bằng ôm bom tự sát v.v… Nó nhan nhản khắp mọi nơi trong xã hội này, nào là buôn gian bán lận, nào là tuyên truyền bịp bợm, dối trá bằng những mỹ từ không tưởng v.v…

Ta ăn ngay ở lành ư! ta không bất công với ai ư! Thế nhưng, khi có một chút danh vọng, quyền lực, ta có tự cao, tự đại? Ta không trộm cắp ư! Thế nhưng, nơi công sở, ta có ăn cắp “giờ công” bằng những việc đại loại như: tán gẫu, lướt di dộng, chat zalo, đi trễ về sớm v.v…?

Còn rất nhiều, nhiều lắm. Ta có thể ganh ghét ai đó, khi thấy họ hơn ta. Ta có thể tranh chấp khi phần chia gia tài của mình ít hơn phần của “cái thằng em trời đánh kia”, chẳng hạn. Ta có thể “giết người không gươm”, bằng những lời vu khống v.v…

Vậy thì, tại sao ta không sám hối “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng, cùng tất cả anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”, ngay hôm nay?

Chúng ta hãy nghe lại lời truyền dạy của Đức Giê-su. Vâng, Ngài có truyền dạy ta rằng: “(hãy) tin vào Tin Mừng”.

Tin Mừng đó là tin mừng gì? Thưa, đó là Tin Mừng về một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa “là Đấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (x.Tv 145, 8).

Thật vậy, sự giàu tình thương của Thiên Chúa đã cứu vớt nhiều tội nhân rơi vào “sự cám dỗ” của Sa-tan. Lịch sử Cựu Ước, qua câu chuyện sa ngã của vua David, là một bằng chứng điển hình.

Vua David dù đã “sa chước cám dỗ”, dù đã phạm tội tà dâm và sát nhân, nhưng, nhờ biết sám hối và hoán cải, nhận mình “đắc tội với Đức Chúa”, tình thương tha thứ của Thiên Chúa đã “bỏ qua tội của ngài, ngài không phải chết” (2Sm 12, 13).

Tin và cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa sẽ dứt dấy tâm hồn tội nhân sám hối.

Và, một khi người tội nhân thật sự sám hối, một sự thôi thúc mãnh liệt sẽ thúc đẩy người ấy thoát ra khỏi “cơn cám dỗ” để đứng lên trở về. Người con thứ trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” đã cảm nhận được điều đó và anh ta đã đứng lên trở về nhà cha.

***

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Vâng, có phần chắc, chúng ta đã được nghe lời truyền dạy này không dưới một lần.

Thế nhưng, chỉ nghe thì chưa đủ. Nghe, còn phải đón nhận và thực hiện. Nói cách khác, phải “xé lòng” mà đón nhận.

Thiên Chúa, Người sẽ làm tất cả. Người chờ đợi chúng ta đến để biện luận. Thiên Chúa, qua miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, đã cho chúng ta biết rằng: dù tội chúng ta “có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa vải diều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1, 18)

Vấn đề còn lại, đó là, chúng ta sẽ sám hối và tin vào Tin Mừng? Thánh Cyprian có nói: “Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn rộng mở”.

Thành ngữ Nga có lời khuyên: “thà muộn còn hơn không bao giờ”.

Thưa bạn, bạn có đồng ý không? Bạn có cảm thấy mình cần sám hối? Nếu có, tôi và bạn, chúng ta hãy đến “Bờ đá xanh tạ tội” cùng Chúa. Tạ tội, rằng: “Con giơ cao tay, xin tạ lỗi những ngày đã qua, theo chân loài người lên án Cha Hiền Hòa. Con giơ cao tay, xin lần nữa những lần thứ tha, cho ân tình đầy ngọt môi say đàn ca…”

Vâng, đừng chần chờ gì nữa, hãy sám hối, hãy đến “Bờ đá xanh tạ tội”, cùng Thiên Chúa.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây