TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đi riêng ra một chỗ

Thứ sáu - 14/05/2021 03:31 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   670

Chúa Nhật II – MC – B

Hãy đi riêng ra một chỗ

Qua Kinh Tin Kính đọc mỗi Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật, chúng ta tuyên xưng, rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi”.

“Đức Chúa Giê-su Kitô là con một Đức Chúa Cha” là một lời tuyên xưng của bất cứ người Ki-tô hữu nào. Lời tuyên xưng này không tự Giáo Hội đặt ra, nhưng được dựa vào lời chứng thực và truyền dạy của các tông đồ, xưa.

Mà, thật vậy. Các tông đồ, điển hình là ba vị Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Họ chính là những người chứng thực cho lời tuyên xưng này. Các ngài đã được chứng kiến một sự kiện xưa nay chưa từng thấy, đó là sự kiện Đức Giê-su “biến đổi hình dạng”, và các ngài đã được nghe, nghe lời tuyên phán từ trời cao về nhân thân của Thầy Giê-su, lời tuyên phán, rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu..”. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**

Theo Tin Mừng thánh Mác-cô, hôm đó, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình… chỉ mình các ông thôi”. Nơi Ngài đưa ba vị môn đệ này tới là “một ngọn núi cao” (x.Mc 9, 2)

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su “lên núi”. Theo thánh Mát-thêu, trong thời gian bốn mươi ngày chay tịnh, Ngài cũng đã bị Sa-tan “đem Người lên một ngọn núi rất cao”.

Tại đó, Người đã bị Sa-tan cám dỗ. Tên cám dỗ đã đem những “vinh hoa lợi lộc” của thế gian dụ dỗ Ngài. Hôm ấy, y nói với Đức Giê-su: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”.

Thảm hại thay! tên cám dỗ thất bại. Thất bại vì Đức Giê-su đâu phải là con cái satan… nhưng là Con Một Thiên Chúa. Satan, y đâu có biết, tại sông Gio-dan, sau khi chịu phép rửa, “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Con là Con yêu dấu của Cha, tất nhiên, phải là Con Thiên Chúa.

Vâng, hôm ấy, trích dẫn một lời Kinh Thánh, Đức Giê-su lớn tiếng nói với tên cám dỗ rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi”(x.Mt 4, 8-10).

Cũng là “lên núi”, vào một lần khác, Đức Giê-su đã công bố một bản “Hiến Chương”, bản hiến chương dành cho những ai muốn trở thành “Công Dân Nước Trời”.

Bản hiến chương đó, nay, chúng ta thường nói, đó là “tám mối phúc thật”. Đó là những “mối phúc” mà bất cứ người nào đã trở thành môn đệ Đức Giê-su, họ đều phải coi đó như là hành trang cho đời sống đức tin của mình.

Còn hôm nay, khi Đức Giê-su cùng ba người môn đệ hiện diện trên núi, một sự huyền diệu xảy ra. Chuyện kể rằng: Đức Giê-su “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”.

Lạ lùng hơn nữa, chuyện kể tiếp rằng: “Ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-se hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.

Thưa bạn, nếu là bạn, khi chứng kiến tận mắt sự kiện này, bạn sẽ phản ứng ra sao? Phải chăng là sợ! Ê-li-a và Mô-se chết từ thuở tám kiếp nào, nay sao lại ở đây, lại còn “đàm đạo” với người sống, sao không sợ được nhỉ!

Với ba chàng ngự lâm Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, các ông không tỏ vẻ gì là sợ hãi. Theo lời tường thuật của thánh Mác-cô, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”.

Ông Phê-rô đã nói… nói như thế, chứ thật ra “các ông kinh hoàng”. Vâng, làm sao không kinh hoàng cho được khi các ông đã chứng kiến một hiện tượng siêu nhiên xảy ra, đó là “…có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. (Mc 9, …7).

***

Không phải ngẫu nhiên mà Đức Giêsu, đặc biệt, cho Phêrô cùng lên núi với Ngài. Bởi chỉ mới cách đó vài ngày, giữa Đức Giêsu và ông Phêrô đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc lên Giê-ru-sa-lem. Làm sao ông có thể chấp nhận việc “Đức Giêsu phải lên Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết”. Làm sao ông có thể tin rằng Thầy của mình “ngày thứ ba sẽ sống lại”!!!

Hôm nay, trên ngọn núi cao, sau khi chứng kiến tận mắt việc Thầy Giê-su biến đổi hình dạng, và nghe tận tai những lời phán từ trời cao, ông đã nhận ra rằng, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, và rằng Ngài chính là Người mà “các ông phải vâng nghe lời”.

Mà, quả thật, các ông đã vâng nghe lời Đức Giê-su “không kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy…”, cho đến khi “Người từ cõi chết sống lại”.

Sau khi Đức Giê-su chịu nạn, chịu chết và sống lại, các môn đệ, đặc biệt là ông Phê-rô đã mạnh dạn loan báo những gì đã được thấy và đã được nghe.

Vâng, chúng ta hãy nghe ông đồ Phê-rô nói: “khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người : Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến” (2 Pr 1,16-17). Thánh Phê-rô nói tiếp rằng “Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.

Còn tông đồ Gioan, ngài chia sẻ: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).

Nhắc lại lời chứng thực của hai vị tông đồ này để làm gì? Thưa, là để nói lên một điều rằng: tin Đức Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” cùng với việc “Vâng nghe lời Người” là một lệnh truyền. Thì đây, tông đồ Phêrô đã chẳng mạnh dạn lớn tiếng trước các vị thượng tế rằng “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”, đó sao! (x.Cv 5, 29).

Và quả thật, chính ông chứ không ai khác, đã vâng nghe lời Người cho đến chết, một cái chết như chính người Thầy của mình. Một cái chết như lời đáp trả cho lời phán truyền năm xưa: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.

****

“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Phải chăng, lời phán truyền này cũng là lời phán truyền cho chúng ta, hôm nay?

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, đừng quên, suốt chiều dài lịch sử cứu độ, chưa một ai khi vâng-nghe-lời-Chúa, mà lại gặp tai họa. Trái lại, họ toàn gặp phước.

Thì đây, tại tiệc cưới ở Cana, nhờ vâng-nghe-lời-Chúa, nhóm gia nhân đã đổ nước đầy sáu chum đá, chuyện gì đã xảy ra? Thưa, tiệc cưới thoát khỏi sự khủng hoảng thiếu rượu.

Thì đây, nhờ vâng-nghe-lời-Chúa truyền dạy, “đến hồ Si-lo-ác mà rửa”, một người mù từ thuở mới sinh, đã được chữa khỏi.

Còn nhiều… nhiều lắm, này nhé; nhờ vâng-nghe-lời-Chúa truyền dạy, “Đem lại đây cho Thầy… năm cái bánh và hai con cá”, năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em, đã được ăn no nê.

Lời Chúa, chẳng ở đâu xa, đó chính là Kinh Thánh. Lời Chúa phán truyền, chẳng có gì khó hiểu. Không hiểu là bởi chúng ta không chịu hiểu, mà thôi.

Chúng ta đã bước vào tuần thứ hai của Mùa Chay Thánh. Thời gian không còn nhiều. Hãy để cho tâm hồn về trong thinh lặng, và hãy lắng nghe xem tiếng phán nào đang “phán” trong tâm hồn chúng ta! Tiếng phán của Thiên Chúa, qua các bài giảng thuyết của linh mục, qua Kinh Thánh và nhất là qua những lúc tâm tình cùng Chúa trong lúc nguyện cầu? Hay tiếng phán của “ma khóc quỷ hờn”? Hay tiếng phán của Sa-tan và những thế lực của nó?

Nếu là tiếng phán của thế gian, của Sa-tan với những lời hứa hẹn một cuộc sống giàu sang phú quý của nó, thì, hãy coi chừng… hãy coi chừng vì Cohelet có nói: Ôi! “Lợi lộc gì đâu… tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng se cát” (Gv 2, 11).

Còn nếu là tiếng phán từ trời cao… tiếng vọng phán ra từ Thiên Chúa... đừng… đừng “kinh hoàng” như các môn đệ xưa đã “kinh hoàng”... Nhưng hãy biết, rằng: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta” (x. Rm 8, 31).

Cuối cùng, để chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa phán, không gì tốt hơn là hãy như các môn đệ xưa, cùng Đức Giê-su “đi riêng ra một chỗ”.

Vâng, “hãy đi riêng ra một chỗ” với Đức Giêsu.

Petrus.tran

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây