TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tôi đã gặp Đức Ki-tô

Thứ sáu - 14/05/2021 00:01 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   807

Chúa Nhật II – TN – B

Tôi đã gặp Đức Ki-tô

Vatican – Theo hồ sơ thống kê được hãng tin Fides loan báo nhân Ngày Thế giới truyền giáo năm 2017, số tín hữu Công giáo trên thế giới năm 2015 gia tăng, chiếm khoảng 17,7% dân số thế giới, với gần 1,3 tỉ tín hữu. (nguồn: internet)

Nếu có ai hỏi, nguyên do vì đâu mà nhiều người theo Đạo (theo Chúa)? Vâng, có phần chắc chúng ta sẽ nhận được vô vàn câu trả lời.

Sẽ có người trả lời: tôi tin vào Chúa do truyền thống gia đình. Sẽ có người trả lời: tôi tin vào Chúa do một cuộc hôn nhân. Sẽ có người nói: tôi tin vào Chúa do sự giới thiệu của một người quen. Cũng sẽ có người trả lời rằng, cảm động trước những việc làm phúc đức vô vị lợi của những “ma soeur”, hoặc những gương nhân đức của người Công Giáo, hoặc những phép lạ chữa lành bệnh nhân, tôi tin vào Chúa v.v…

Theo đạo hay tin vào Chúa là một sự tự nguyện và mỗi người khi theo Chúa, nguyên do chẳng ai giống ai. Mười hai vị tông đồ xưa, là những người được Đức Giê-su tuyển chọn, cũng vậy. Mỗi người, là một trường hợp khác biệt.

Có trường hợp, chỉ một lời mời gọi của Đức Giê-su, rằng “Hãy theo Ta”. Lập tức họ “bỏ mọi sự mà theo Ngài”. Có trường hợp, qua một lời giới thiệu, họ “liền đi theo Đức Giê-su”. Vâng, đây là trường hợp của ông An-rê và ông Gio-an. Câu chuyện của hai ông được ghi lại như sau:

*

Hôm ấy, khi ông Gioan (tẩy giả) đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu. (x.Ga 1, 37).

Kể cũng lạ nhỉ! Chỉ có năm chữ “Đây là Chiên Thiên Chúa”, do ông thầy mình giới thiệu, vậy mà hai vị cũng đi theo sao!

Thật ra, không có gì là lạ đối với hai ông ấy. Là người Do Thái, hai ông rất thấu hiểu khi ông thầy mình nhắc tới “chiên”. Chiên là một con vật gắn liền với đời sống Do Thái giáo. Nói tới chiên, làm sao họ quên được ngày lễ vượt qua đầu tiên, ngày mà toàn dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập.

Nhớ, ngày đó, cha ông họ được dạy bảo rằng, hãy giết một con chiên và lấy máu của con chiên đó bôi lên cửa nhà mình và nhờ dấu hiệu đó, thiên sứ Chúa vượt qua mà không giết hại con đầu lòng của họ.

Chính vì thế, đối với người Do Thái, “chiên” đồng nghĩa với “chết thay”, đồng nghĩa với “giải thoát” và cuối cùng đồng nghĩa với “cứu chuộc”.

Bởi vậy, khi nghe thầy Gioan nói Đức Giêsu là “Chiên con của Đức Chúa Trời” hai người môn đệ không khỏi băn khoăn về “thần tính” của Đức Giêsu cũng như sứ mạng của Ngài.

Băn khoăn thì làm được gì! Phải đi theo “Con Người” này thôi. Đi theo để xem vị này có thật là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”, đúng như lời thầy Gio-an đã tuyên bố, hay không. Hai ông đã đi theo và lòng mong ước của hai người môn đệ đã được toại nguyện.

Hôm ấy, chuyện kể rằng: Thấy hai ông đi theo mình, Đức Giê-su quay lại, và hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Đáp lại câu hỏi, hai ông trả lời: “Thưa Rappi. Thầy ở đâu?”.

Phải, phải nói rằng, đây là một câu trả lời rất độc đáo, độc đáo ở chỗ nó không phải là một câu “hỏi thăm” nhưng là một câu nói đầy “tôn kính”, tôn kính Đức Giêsu như là bậc thầy của họ.

“Thầy ở đâu ư?”. Hôm đó, để đáp lại lòng tôn kính của hai ông, Đức Giê-su đã nói với hai ông rằng “Đến mà xem”. Nghe thế, hai môn đệ “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi: chuyện gì đã xảy ra khi hai người môn đệ đến chỗ Chúa Giê-su ở! Liệu, khi mà “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” là giờ của buổi chiều tà, Chúa có mời các ông dùng cơm tối không? Và nếu có, trong bữa ăn, liệu Ngài có tỏ cho các ông biết “sứ vụ” của Ngài?

Thưa, Tin Mừng không cho biết, nhưng có một chuyện, chúng ta có thể đoan chắc rằng, ông An-rê đã cảm nhận rằng Đức Giê-su đúng là “Chiên Thiên Chúa”.

Thì đây, sau khi đã “đến và xem” về “ông Giê-su”, ông An-rê đã trở về nhà, “gặp em mình là ông Si-mon và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a’. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su”.

**

“Đến mà xem”. Phải chăng, đây cũng là lời Đức Giê-su mời gọi chúng ta, hôm nay? Thưa, đúng vậy.

Và, như đã nói ở trên, nguyên do chúng ta đến với Chúa, mỗi người là một trường hợp khác nhau.

Thế nên, đừng “bận tâm” vì chúng ta đã đến với Đức Giê-su do bởi nguyên nhân nào. Điều quan trọng là chúng ta có “thành tâm” thiện chí khi đến với Ngài, hay không!

Tại sao? Thưa, bởi vì, có sự thành tâm và thiện chí, ta mới có thể nhận ra Ngài là ai, là ai trong cuộc đời của ta. Hãy nhìn cuộc hành trình “đến mà xem” của ba nhà đạo sĩ. Họ quả là rất xứng đáng là những người mẫu mực cho sự thành tâm thiệt chí.

Thì đây, hãy xem… Dù đang theo một tín ngưỡng khác, nhưng khi nhận ra “Đức Vua dân Do Thái mới sinh” qua dấu lạ “vì sao xuất hiện ở phương Đông”, các ông đã không ngần ngại lên đường tìm kiếm. Đến Giê-ru-sa-lem trong tâm trạng rối bời, các ông vẫn không nản chí. Các ông dò hỏi, các ông kiên trì, cuối cùng với sự thành tâm thiện chí, các ông đã gặp Giê-su Hài Nhi.

Vâng, sự thành tâm thiện chí rất cần thiết cho đời sống, nhất là đời sống đức tin.

Hãy nhìn vào cái xã hội, mà chúng ta đang sống. Có thể nói, đó là một xã hội đầy sự hỗn loạn, tràn ngập sự dối trá, tràn lan sự lừa bịp. Nguyên nhân vì đâu? Phải chăng là con người đánh mất sự thành tâm, thiện chí… một sự thành tâm thiện chí để nhận ra “lẽ thật”, lẽ thật mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại qua “Mười Giới Răn”! Thưa, đúng vậy.

Không đón nhận “Mười điều răn Đức Chúa Trời”, con người không còn xem việc “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” như là ưu tiên số một. Con người quay ra lớn tiếng gào thét “Thiên Chúa đã chết rồi”

Con người cổ vũ cho một lối sống mới. Một lối sống loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình. Một lối sống không cần có lương tâm, bởi vì “lương tâm bán rẻ hơn lương thực”. Một lối sống phớt lờ chân lý, bởi vì “chân lý chân giò một giá thôi”. Một lối sống mà giá trị con người chỉ được nhìn nhận qua tiền bạc, chức tước, quyền lực v.v...

Là một Ki-tô hữu, chúng ta không được sống một lối sống như thế. Đó chỉ là lối sống của Satan và con cái của nó. Một lối sống chỉ dẫn chúng ta đến “thung lũng âm u, nghi ngờ và chết chóc”.

***

“Hãy đến mà xem”.

Chúng ta sẽ đến! Đến đâu để xem!

Đến với Satan để được “vinh hoa lợi lộc của thế gian” mà Satan đã hứa rằng: “Tôi sẽ cho (ông, bà) tất cả những thứ đó, nếu (ông, bà) sấp mình thờ lạy tôi” ư?

Hay, chúng ta sẽ đến với Đức Giê-su… đến với Ngài và “Bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của (tôi) và (chỉ) thờ phượng một mình Người mà thôi”?

Tất nhiên, sự lựa chọn là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, Đức Giê-su đã nói: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích lợi gì”. Và, hãy nhớ, Ngài đã phán rằng: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Vâng, tạ ơn Chúa. Lời ông Gio-an xưa kia nói với hai môn đệ mình, nay vẫn được công bố, qua môi miệng các vị linh mục, trong phần hiệp lễ, rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa. Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Tiệc Chiên Thiên Chúa, hôm nay, ở đâu? Thưa, đó chính là Bí Tích Thánh Thể.

Xưa, các môn đệ đã ở lại với Chúa Giê-su nên họ mới có thể nhận ra Ngài chính là “Đấng Mê-si-a”. Cũng vậy, với chúng ta hôm nay, chỉ khi chúng ta ở lại với Ngài qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta mới sống trọn vẹn “ơn cứu chuộc” – ơn “cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô” (x. 1Pr 1, 19)

Chính vì thế, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình rằng: tôi đã nghe lời Chúa mời gọi, đã đến “ngôi nhà tạm” thân yêu và đã ở lại với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể?

Hãy lắng nghe lời mời gọi và hãy đến. Hãy đến và hãy ở lại với Ngài. Bởi nhờ đó, chúng ta mới có thể nói, như tông đồ An-rê xưa đã nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Vâng, chỉ nhờ đó, chúng ta mới có thể nói: “Tôi đã gặp Đức Ki-tô”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây