TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy mang lấy ách của tôi

Thứ bảy - 08/07/2023 05:54 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   960
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (x.Mt 11, 29-30).

Chúa Nhật XIV – TN – A
Hãy mang lấy ách của tôi

 

tbd 080723a

 

Trong mấy ngày qua, truyền thông mạng đồng loạt loan một bản tin khiến cho giới hâm mộ nhạc trẻ bàng hoàng sửng sốt. Bản tin đó được công bố như sau: ”Ca sĩ gốc Hồng Kông Coco Lee qua đời do tự tử ở tuổi 48. Trong một tuyên bố đăng trên Facebook và Instagram, cô Carol và cô Nancy Lee, hai người chị gái của cô Coco Lee, cho biết minh tinh này đã bị trầm cảm suốt vài năm qua nhưng đặc biệt trong vài tháng qua, tình trạng của cô đã chuyển biến xấu một cách trầm trọng.” (nguồn: epochtimes).

Cũng trên trang điện báo này, bản tin cho biết thêm: “Sinh ra ở Hồng Kông với cái tên là Ferren Lee, cô Lee sau đó đã chuyển đến Hoa Kỳ và theo học cấp hai, cấp ba ở San Francisco. Cô trở thành ca sĩ sau khi đoạt giải nhất trong cuộc thi ca hát thường niên do đài truyền hình TVB tổ chức ở Hồng Kông, và phát hành album đầu tiên vào năm 1994 khi mới 19 tuổi.

Mặc dù ban đầu cô Lee bắt đầu sự nghiệp như một ca sĩ Mandopop (dòng nhạc Pop tiếng Quan thoại), nhưng rồi trong suốt sự nghiệp gần 30 năm của mình, cô đã phát hành các album bằng cả tiếng Quảng Đông và tiếng Anh. Cô đã nổi tiếng với giọng hát đầy nội lực và những buổi biểu diễn trực tiếp.

Mọi người đều biết rằng CoCo đã làm việc không mệt mỏi để mở ra một thế giới mới cho các ca sĩ gốc Hoa trên sân khấu âm nhạc quốc tế, và cô đã nỗ lực hết mình để tỏa sáng cho người gốc Hoa, hai người chị gái viết trong bài đăng của họ: Chúng tôi hãnh diện về em gái mình!”

Cuối cùng, bản tin cho biết, hai cô chị buồn bã nói: “Mặc dù CoCo đã được các chuyên gia giúp đỡ và cố gắng hết sức để chống lại căn bệnh trầm cảm, nhưng thật đáng buồn là con quỷ bên trong cô đã chiến thắng cô.”

“Con quỷ bên trong cô đã chiến thắng cô.” Vâng, nghe thấy mà sợ nhỉ! Rất, rất đáng sợ, bởi vì trầm cảm là một căn bệnh không của riêng ai.

Gọi không-của-riêng-ai là bởi, những vấn đề xảy ra trong cuộc đời như: phá sản, thất nghiệp, nợ nần, mất đi người thân, hôn nhân đổ vỡ, con cái hư hỏng, áp lực công việc quá lớn, v.v… hay nói cách khác, đó là “những gánh nặng của cuộc đời”, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Mà, sống trên đời này có ai trong chúng ta lại không có những-gánh-nặng-của-cuộc-đời, nhỉ!

Vâng, ai cũng có những gánh nặng riêng của mình. Và, ai cũng cảm thấy mệt mỏi khi gánh nặng đó cứ oằn nặng trên đôi vai mình. Phải làm gì? Thưa, không gì tốt hơn là hãy mang “mệt mỏi và gánh nặng” đó đến cùng Đức Giê-su. Tại sao! Thưa, vì Ngài đã có lời hứa: “Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”

Chúa Giê-su còn hứa nhiều điều nữa. Những lời hứa này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu (Mt 11, 28-30).

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: một ngày nọ, Đức Giê-su đã lớn tiếng nói với mọi người, rằng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”

Nếu, nếu phải nói gì về lời mời gọi này, nên chăng, gọi đây là một lời an ủi chan chứa lòng Chúa xót thương”!
Đúng vậy, rất “chan chứa lòng Chúa xót thương” khi Ngài có lời tiếp rằng: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (x.Mt 11, 29-30).

***
Chúng ta vừa nghe lại mời gọi của Đức Giê-su. Và, có gì ngăn cản chúng ta suy tư về những lời ngọt ngào và yêu thương của Ngài, nhỉ!

Khi Đức Giê-su nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi.”, đừng nghĩ rằng Ngài sẽ chất thêm gánh nặng lên chúng ta. Tưởng chúng ta nên biết, cái “ách” đó là một miếng gỗ có hai vòng cung tròng vào cổ của gia súc để chúng kéo xe.

Công dụng của một cái ách là làm giảm đi phân nửa sức nặng. Không có cái ách, một con bò phải một mình kéo toàn bộ sức nặng. Nhưng nếu hai con mang ách vào cùng kéo, thì sức nặng mỗi con kéo chỉ còn một nửa.

Đức Giê-su chẳng có gánh nặng nào. Điều thật sự Ngài muốn nói, đó là: Ngài sẽ chia sớt những gánh nặng cuộc đời của chúng ta. Ngài sẽ lấy đi những sự lo âu căng thẳng và cùng gánh vác với chúng ta.

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Lời mời gọi này cũng có thể được hiểu là “hãy trở thành môn đồ của tôi”.
Vâng, Đức Giê-su mong muốn người nghe trở thành môn đồ Ngài, đi theo và noi gương Ngài. Tông đồ Phê-rô đã đi theo và học với Ngài. Bài học đó ngài Phê-rô đã ghi lại cho hậu thế, rằng: “Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.” (1Pr 2, 21).

Là một Ki-tô hữu, dõi-bước-theo-Ngài, tại sao không, nhỉ!

“Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Đức Giê-su không có ý nói những gánh nặng cuộc đời của chúng ta sẽ biến mất, những vấn đề nan giải trong đời sống chúng ta sẽ không còn, nhưng là khi có Ngài trong cuộc sống, chúng ta còn “quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.

“Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Đúng vậy. Đã có biết bao người “đi theo Người” chỉ vì “Người tiếp đón họ” và “chạnh lòng thương xót họ”. Rất, rất êm ái và nhẹ nhàng. Không “lằng nhằng” như một số quan lớn ngày nay.

Trong những người viết Phúc âm, tông đồ Mát-thêu là người duy nhất ghi lại lời mời gọi ngọt ngào và yêu thương của Đức Giê-su. Mát-thêu là người Do Thái và là “cán bộ”thu thuế. Ông ta là nhân chứng, chứng kiến tận mắt người dân Do Thái thời đó “mệt mỏi và gánh nặng” không chỉ do thuế của Ro-ma, mà còn do hệ thống tôn giáo Do Thái ngày càng suy đồi.

Vâng, ông cảm kích khi thấy Thầy Giê-su, trong vai trò là Đấng Messia, người được Chúa Cha “giao phó mọi sự”, quan tâm đến những người mà Thầy mình gọi là “như bầy chiên không người chăn dắt” nên đã “chăm chút” ghi lại lời của Ngài cho hậu thế, lời rằng: “Hãy đến cùng tôi. Hãy mang lấy ách của tôi. Hãy học cùng tôi”.

****
Lời mời gọi này đã được thánh Mát-thêu ghi lại cách đây hơn hai ngàn năm. Hôm nay chúng ta được nghe lại. Rất, rất có thể chúng ta được nghe nhiều lần. Và, đó là lý do để chúng ta tự hỏi lòng mình, rằng: “Tôi có đến cùng Giê-su, có mang lấy ách của Giê-su, có học cùng Giê-su”?!

Sao! Chưa hả! Tại sao lại chưa đến, chưa mang, chưa học?

Hãy nhìn xem thế giới hôm nay, một thế giới dù đã rất tiến bộ, dù đã rất văn minh, nhưng vẫn còn đó biết bao vấn đề nan giải.

Vẫn còn đó những mệt mỏi và gánh nặng của lo lắng về kế sinh nhai, của những đau khổ tinh thần, của sự mất bình an, của bất công, của bạo lực, của sự tham lam và hung hãn, với thói ích kỷ, với sự kiêu căng… của con người.

Chưa hết! Còn, còn đó là gánh nặng của tương lai, một tương lai rằng: “khi ta không còn nữa, sẽ lấy được những gì, về bên kia thế giới!” Còn đó gánh nặng tội lỗi. Chẳng phải chính gánh nặng tội lỗi đã đưa chúng ta đến chỗ mất s sống đời đời, đó sao!

Đó là lý do, chúng ta phải đến cùng Đức Giê-su. Phải mang lấy ách của Đức Giê-su. Phải học cùng Đức Giê-su.

Vua David, là một người đã từng mang những gánh nặng sầu thương trên con đường đời của mình. Là một người đã từng vất vưởng nặng lòng trong tội lỗi, gánh nặng trị quốc, gánh nặng gia đình, con cái phản nghịch. Thế nhưng, khi ông trao cho Đức Chúa những gánh nặng sầu thương của mình, ông đã được sự nâng đỡ của Đức Chúa.

Sự từng trải đó đã được David chia sẻ rằng: “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay CHÚA. Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ” (Tv 55, 23).

Hãy-mang-lấy-ách-của-tôi… đó là một lời mời gọi. “Mang” hay không là quyền tự do của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên lời thánh Augustino có nói: “Chúa dựng nên ta không cần có ta nhưng để cứu chuộc ta, Chúa cần sự cộng tác của ta”.

Chúng ta không thể có được sự trải nghiệm “sẽ được yên nghỉ” thật sự mà Đức Giê-su hứa ban, nếu chúng ta chưa thật sự “mang lấy ách của Ngài”.

Đã bao nhiêu lần chúng ta đi nhà thờ, nhưng vẫn cảm thấy bất an, vẫn không bình an, vẫn không giải quyết được những nan giải trong cuộc đời mình, vẫn cảm thấy cuộc đời mình như “sinh lầm thế kỷ.” Tại sao? Thưa, là bởi, chúng ta đến nhà thờ theo tập quán, sợ lỗi luật giữ ngày Chúa Nhật mà không chịu “học cùng Chúa”, học sự “hiền lành và khiêm nhường” của Ngài, một cái học chứng tỏ mình đã bước đi theo Ngài.

Trở lại với nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ Coco Lee. Coco Lee có một sự nghiệp rất thành công ở châu Á. Thế mà cô ta lại tự tử chỉ vì trầm cảm. Như đã nói ở trên: “Mặc dù CoCo đã được các chuyên gia giúp đỡ và cố gắng hết sức để chống lại căn bệnh trầm cảm, nhưng thật đáng buồn là con quỷ bên trong cô đã chiến thắng cô.”

Vâng, thật tiếc cho cô ta quá! Nếu, nếu Coco Lee đến với “chuyên gia mang tên Giê-su”, nhỉ! Có thể cô ta sẽ không tự tử, cô ta sẽ không chết. Mà, nếu có chết… thì sao nhỉ! Thưa, Đức Giê-su nói: “thì dù có chết, cũng sẽ được sống lại.”

Dù gì đi nữa, đến với Chúa vẫn hơn, phải không, thưa quý vị!

Lời Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi, có nói: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi… kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (x.Gr 29, 11).

Chúa biết kế hoạch Chúa định làm cho chúng ta. Chúng ta có tin thế không? Xưa, khi Đức Giê-su hỏi cô Mác-ta, một câu hỏi nội dung “gần gần” như thế. Cô Mác-ta đã trả lời: “Thưa Thầy có…”

Nay, chúng ta trả lời thế nào? Chắc chắn là “có”, phải không, thưa quý vị! Vâng, nếu có tin, đừng quên lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy mang lấy ách của tôi”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây