TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIX Thường Niên -Năm B

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 35-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hình tượng người mẹ

Thứ tư - 08/05/2024 09:35 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   527
Hình tượng mẹ kể sao cho hết. Mẹ là bầu trời, là trăng sao, là bóng mát, là âm thanh dịu vợi, Mẹ, một âm thanh bình thường nhưng gợi nhớ bao điều thương mến.
Hình tượng người mẹ
Hình tượng người mẹ




Hình tượng mẹ kể sao cho hết. Mẹ là bầu trời, là trăng sao, là bóng mát, là âm thanh dịu vợi, Mẹ, một âm thanh bình thường nhưng gợi nhớ bao điều thương mến.

Xuân Quỳnh trong bài thơ “Vui về phái yếu”: “Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùngLà bác học... hay là ai đi nữa Vẫn là con của một người phụ nữMột người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên

Đúng thế đấy, người phụ nữ không tên tuổi kia, sinh ra những người con kia, là giám mục, linh mục, giám đốc, là anh hùng, là bậc trí thức, quyền cao, chức trọng, ông này, bà kia. Người đàn bà bình thường của hằng ngày của ngày xưa, bán thúng, bán bưng. Người đàn bà ngồi lặng lẽ một góc nhà thờ, khóc với Chúa cầu kinh cho mấy đứa con nghịch phá hoặc đi tu cho trọn. Người phụ nữ một đời “như thân cò lặn lội bờ sông”.

Người mẹ của những đứa con một thời, mưu sinh từ thời con gái, học hành chẳng ai để ý. Người mẹ chẳng biết chữ, một câu văn biết không xong. Vậy mà những đứa con bà, tiếng Anh, tiếng Pháp, Ý Tây Ban Nha, Hoa, Hipri, Aram, Mông Cổ, chúng biết cả. Lâu lâu mấy đứa con dẫn mấy bạn ngoại quốc về thăm bà, bà chỉ biết cười: “Yes hay no”. Thậm chí có lúc chỉ cười, xua tay không hiểu, rồi cười khoe hàm răng móm mén, chiếc còn, chiếc mất. Đến như anh bạn Tây cũng ôm bà cười như trẻ thơ, giống như bà mẹ của chúng.

Ngày xưa mẹ, đầu nón lá, đội nắng, đội mưa. Trong đầu luôn suy tính cái gì ngon, cái gì rẻ, mua về nấu bếp. Những gì mẹ thường nghĩ, tiền ăn, tiền học, tiền áo, tiền điện, tiền nước. Bao nhiêu thứ lo âu hết thời trẻ trung. Bây giờ người mẹ già, các con nước ngoài, nước trong muốn đưa mẹ đi đây, đi đó. Bà vẫn thường bảo, “Đi đâu cho tốn kém, con ơi! Má ở nhà quen rồi”. Năn nỉ riết bà cũng đi, được vài ba bữa, bà nói: “Bay cho má về, nhà má ở quen rồi, cho má về nha!”.

Cả một đời quanh sân, chái bếp, đi xa lại nhớ. Thời bé, mấy đứa nhỏ tôi cũng vậy, đi đâu về là ghé chái bếp chứ mấy khi lướt qua nhà trên. Ở chái bếp, có bếp cơm mẹ nấu sớm chiều, có những trái chín theo mùa hái ở vườn về để trên chiếc bàn nhỏ. Có những thức ăn còn lại của buổi sáng, buổi chiều. Những thứ no bụng và cả chiếc võng mẹ hay nằm đó nghỉ ngơi. Bây giờ cũng thế, cái chái bếp nho nhỏ. Chợt nhớ đến bài hát: “Một đời áo mẹ, áo em” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Một đời hy sinh, một đời vất vả, để một thời đoàn con báo hiếu.

Lớn lên, tài sản các con là cái nhà, cái xe; nhưng rồi cũng giống như mẹ về già, gia tài còn lại chỉ là các con, không hơn, không kém. Ngày ngày trông đứa này, đứa kia gọi về hỏi thăm hoặc lâu lâu đưa các cháu về thăm ông bà. Mẹ bây giờ đâu cần nhiều tiền để sắm sửa gì, ngày ăn được bao, chỉ mong con cháu hỏi thăm. Cái ước mong của người mẹ già, đơn giản nhưng lại khó để có được. Con cháu ở nơi xa, có về thăm được cũng chỉ vài ba hôm. Rồi chuyện bà cháu cũng không như ngày xưa, bà thích kể chuyện xưa, cháu thích những câu chuyện hiện đại, những loại nhạc nghe chẳng hiểu, cháu thích với cái điện thoại. Thế là bà cháu cũng xa nhau, không bắt chuyện được để thân thương.

Ngày hôm nay, viết cho mẹ vài dòng chữ, nghe thương biết bao về mẹ. Một đời hy sinh, một đời tần tảo. Về già lại cô đơn, chỉ còn có Chúa để trò chuyện. Xin Chúa làm bạn thân tình với những bà mẹ của chúng con nhé!
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây