TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hôn nhân còn cứu vãn được không? -Phần 2

Thứ hai - 28/11/2022 20:53 | Tác giả bài viết: Phaolô Ngô Suốt |   892
Từ ban đầu, khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa xếp đặt mọi thứ trong trật tự để khỏi bị xáo trộn.

ĐỜI ĐÁNG SỐNG
HÔN NHÂN CÒN CỨU VÃN ĐƯỢC KHÔNG? -PHẦN II

tbd 291122a


Thưa các bạn,

Từ ban đầu, khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa xếp đặt mọi thứ trong trật tự để khỏi bị xáo trộn. Người chồng đóng vai trò chủ chốt và là người yêu; người vợ giữ vai người trợ thủ và sống hết mình cho tình yêu. Đây là hai vị trí cố định, tuy khác nhau nhưng lại cần đến nhau để bổ khuyết cho nhau, nhằm xây đắp nên một mái ấm hạnh phúc. Nếu như người vợ muốn bước vào vị trí của người chồng, đồng nghĩa với việc buộc người chồng phải bước đi chỗ khác, thì cả hai đều sẽ không đứng đúng chỗ của mình. Nếu điều đó xảy ra thì làm sao trong gia đình có tôn ti trật tự -mấu chốt của sự thuận hòa, làm sao vợ chồng hành xử với nhau cho đúng được.

Quan hệ vợ chồng được đặt nền tảng trên nguyên tắc “cho đi và nhận lại”. Bổn phận của người phối ngẫu là phải luôn luôn tìm kiếm và đem đến cho người bạn đời những gì tốt đẹp nhất mình có thể, hoàn toàn không mưu tìm điều gì cho riêng mình cả. Thánh Kinh dạy rằng người vợ phải phục tùng (submission -đây là từ ngữ được dùng trong quân đội) chồng mình. Sự tự nguyện phục tùng chồng được xem như một quà tặng, một ơn đặc biệt, bi vì nó đi ngược lại khuynh hướng tự nhiên của con người. Còn người chồng phải dành tất cả năng lực mình có để phục vụ và yêu thương vợ mình, như Thánh Kinh dạy. Một khuyết điểm thường thấy: hôn nhân đòi hỏi cả hai phía phải trao ban 100% cho nhau, nhưng trong thực tế, người ta chỉ mới trao cho nhau 50%. Do đó, sự so đo tính toán -một trong những điều tối kỵ- nảy sinh sẽ từ từ đưa gia đình đến chỗ rạn nứt. Trong gia đình người chồng luôn là linh hồn còn người vợ là trái tim, cả hai cần ý thức vai trò không thể thay thế của nhau, nhưng phải bổ khuyết cho nhau trong tinh thần tôn trọng.

Một điểm không kém quan trọng cần để tâm trong hôn nhân, đó là sự quan hệ tình dục: một điều hết sức tế nhị, mang tính riêng tư. Cần lưu tâm đến điều này, cho dù chỉ có một số rất nhỏ cuộc hôn nhân -có thể nói không đáng kể trong cộng đồng người Việt- bị tan vỡ vì vấn đề này. Hiện nay khoa học tiến khá xa trong lãnh vực này: các chuyên gia có thể hướng dn những thao tác, k thuật đặc biệt giúp cho vợ chồng đạt được những khoái cảm cần thiết (dĩ nhiên không ngược lại giáo huấn của Giáo Hội)- điều mà trước kia ít được đề cập đến cách công khai. Phải can đảm nêu lên nhu cầu cần được giới chuyên môn giúp đỡ của của những người sống đời đôi lứa. Mặc dù không ai chối cãi rằng việc ái ân làm gia tăng nồng độ tình yêu, thế nhưng người ta có thể yêu thương nhau thiết tha mà không nhất thiết phải diễn tả tình yêu đó qua sự quan hệ xác thịt.

Thiên Chúa trù hoạch rằng chúng ta không thể thật sự thỏa mãn chỉ bằng quan hệ xác thịt. Ai cho rằng tình yêu và tình dục (sex) là hai thực thể riêng biệt trong hôn nhân là không ổn, vì theo kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa, tình yêu “Agape” trong hôn nhân không loại trừ tình dục, trái lại sẽ làm cho tình yêu và xúc cảm của tình dục gia tăng hơn nhiều. Quả vậy, sự thỏa mãn lớn lao nhất trong việc quan hệ vợ chồng là được trở nên một –trong tinh thần và cả thể xác- với người mình yêu. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lưu ý rằng các đôi vợ chồng phải nhận thức cho được giá trị của việc họ “ăn ở” với nhau: mỗi lần họ “sinh hoạt vợ chồng” tức mỗi lần hôn nhân của họ được làm mới lại, lời thề hứa trước bàn thờ hôm nao được lặp lại.

Các bạn thân mến,

Học giả Fulton Sheen nói rằng con người phát xuất từ bụi đất nên không có gì đáng yêu cả. Họ trở thành đáng yêu và có thể yêu được là nhờ chính Chúa đã rót vào mỗi người một ít tình yêu. Người ta thường phân chia tình yêu ra làm nhiều loại, nhưng đối với Thiên Chúa tốt lành tuyệt đối thì chỉ có một thứ tình yêu; đó là loại Tình yêu được Tin Mừng nhắc đi nhắc lại: tình yêu Agape. Thánh lễ chính là nơi tình yêu “Agape” được không ngừng tái diễn. Đến với Thánh Thể, bạn sẽ được nhận lãnh và thông chuyển tình yêu “Agape” này. Ngài đang chờ đợi để thông ban tình yêu của Ngài cho bạn - điều mà Ngài đã nhắm đến từ khi tạo dựng nhân loại.

Ngài lập bí tích hôn nhân, chúc lành cho hôn nhân và mong rằng con người không bao giờ dám đi ngược lại lệnh truyền “Không được phân ly” của Ngài. Thế nhưng Ngài cũng ban cho con người sự tự do để lựa chọn, để quyết định. Tiếc thay và cũng đáng trách thay, con người đã sử dụng sai sự tự do đó. Thay vì dùng nó để sống theo lương tâm ngay chính, phù hợp với ý định của Thiên Chúa, người ta đã tự ý làm nô lệ cho những nguyên lý sai trái, đầy tại hại, đem chúng vào trong cuộc sống của mình và nhắm mắt làm theo chúng. Việc bạn cố gắng phục hồi, làm mới lại tình yêu hôn nhân gia đình hôm nay nói lên tinh thần phục thiện tốt lành, đáng quý và cũng đáng khâm phục. Đồng thời cho thấy bạn đã sử dụng đúng quà tặng “tự do” mà Chúa ban. Những lời sau đây của Học giả Fulton Sheen về hôn nhân gia đình thật thâm thúy:

“Không có người nam nào hoàn chỉnh, mà cũng chẳng có người nữ nào hoàn chỉnh cả. Và hai người không hoàn chỉnh thì không bao giờ làm thành một điều hoàn chỉnh; chẳng khác nào một nửa trái táo và một nửa củ hành chỉ có thể làm thành một “trái táo củ hành”. Đàn ông thì nhiều khiếm khuyết hơn đàn bà, bời vì họ tìm kiếm sự giàu có và quyền lực, và cả hai điều này đều ở ngoài người phụ nữ. Do vậy hôn nhân là công việc của hai người thợ không hoàn chỉnh xây dựng chung một căn nhà lý tưởng mà họ hằng mơ mộng. Họ đóng những cái bất hoà vào với nhau bằng sự hòa thuận và sửa chữa những khuyết điểm, hư hỏng của nhau bằng lòng nhân từ. Từ đó hôn nhân trở thành một tình yêu, mà sự duyên dáng của người phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng, và luôn làm cho người đàn ông ân cần đáp trả ngày một hơn”.

Trong các lễ cưới, hình như mọi người đều trích đọc thư của Thánh Phaolô. Có lẽ bởi vì không ai có những lời khuyên bảo vợ chồng đầy đủ, sâu sắc, tâm tình và chân thành đến tuyệt vời như Ngài. Thiết tưởng nếu ai cũng sống đúng như lời Ngài dạy, gia đình họ tất sẽ an vui, hạnh phúc và thánh thiện. Tuy nhiên, cũng chính Ngài đã dạy điều dường như trái ngược, với những lời khuyên trên, trong thư thứ nhất gởi Giáo đoàn Corintô rằng: “Thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có” (7:29). Phải chăng Ngài muốn chúng ta hướng đến thượng giới, tìm đến những chuyện không tưởng cao vời? Không, ngài chỉ muốn nhắc nhở chúng ta biết dùng những cái hiện hữu như phương tiện để chiếm hữu Nước Trời – là mục đích tối hậu của đời người Kitô hữu. Đời sống gia đình cho dẫu kỳ diệu, hạnh phúc tuyệt vời, nhưng hạnh phúc Thiên đàng còn diệu kỳ, ân phúc hơn gấp triệu triệu lần. Đây chính là hạnh phúc mà ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã muốn mời gọi mỗi người chúng ta chung hưởng.

Các bạn thân mến.

Tóm lại, phải xác tín rằng không có ơn Chúa, chúng ta sẽ trắng tay, chẳng có gì, chẳng làm được gì cả. Để cứu vãn, phục hồi tình yêu hôn nhân, cũng như duy trì hạnh phúc gia đình mình, mỗi người chúng ta phải tự nguyện đi bước trước trong thành tâm hòa giải, sửa chữa và tha thứ cho nhau. Tình yêu phát xuất từ ý nguyện, đòi hỏi sự trao ban và cuối cùng thể hiện qua cảm xúc. Nói cách khác khi tự nguyện trao ban chính bản thân mình cho nhau, khi mưu tìm sự tốt lành, vui thỏa cho người phối ngẫu, thì chính lúc đó tình yêu sẽ xuất hiện, tự nhiên dâng tràn, mình mới thật sự là mình. Bấy giờ cả hai sẽ nên một xương một thịt đúng như kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa. Các bạn nhớ cho bằng quyền năng và ân sủng, Thiên Chúa thông chuyển tình yêu “Agape” cho mỗi người; và như thế, lúc đó tất cả sẽ biến đổi, tràn trào vượt lên trên điều bạn mong chờ, suy tưởng. Cũng đừng quên rằng Thánh Thể -chất liệu không thể thiếu- là chất keo đặc biệt để cột chặt tình yêu hai vợ chồng lại với nhau. Mỗi lần rước Thánh Thể là mỗi lần đôi bạn được “keo” lại, được làm mới lại trong tình yêu Agape.

Các bạn thân mến,

Để trả lời câu hỏi: giữa hôn nhân Công giáo và hôn nhân ngoài Công Giáo khác nhau thế nào?

Thưa bạn, điều này khác nhau rất xa các bạn ạ. Thường thì chúng ta quan niệm hôn nhân nào cũng giống nhau, có đạo hay không có đạo cũng vậy thôi, thương nhau thì ở, nguội lạnh rồi thì xa nhau.

Chúng ta trình bày hai điểm chung, hai điểm giống nhau, sau đó chúng ta sẽ bàn đến điểm khác biệt của hôn nhân Công giáo và hôn nhân không Công giáo.

Có hai điểm chung:

1/ Tình Dục (Sex). Khi mới quen người ta hấp dẫn nhau vì lý do tình dục, ngoại hình, dĩ nhiên phải hợp nhãn và hợp nhĩ, thể lý người nữ thì duyên dáng, xinh đẹp, hấp dẫn, còn người nam thì tráng kiện, thông minh, nam tính, v.v…

2/ Nhân cách (Personality). Tuy em không có nhan sắc mặn mà, hay không đẹp, nhưng em có tính nết thùy mị, dịu dàng, đạo đức, dễ thương, tôi vẫn có thể cưới em về làm vợ. Ông bà ta thường nói “cái nết đánh chết cái đẹp”.

Đây là hai yếu tố, hai lý do quan trọng khiến cho người nam, và người nữ kết hôn vời nhau. Rồi thời gian qua đi, tuổi tác nhiều hơn, mọi sự bắt đầu thay đổi. Nhan sắc tàn phai theo năm tháng (có nhiều bà tự thú chính họ nhìn thấy thân thể họ mà còn thấy ghê…), tính tình các bà thay đổi, không còn dịu dàng, duyên dáng như xưa, nói nhiều, khó tính, để ý, bắt bẻ nhau từng chút v.v… Đây là lúc cánh đàn ông thay đổi, họ bắt đầu tìm lối thoát. Xin nhớ cho bản tính của đàn ông là ưa chinh phục, khai thác. Lúc này đây họ đi tìm nơi “nương tựa”, tìm sự yên tĩnh, tìm người chiều chuộng cho qua ngày, dù thâm tâm họ không tha thiết lắm, vì họ biết rằng làm gì tìm thấy lại những rạo rực, xúc cảm khi xưa. Đây cũng là lý do rất nhiều ông định cư ở nước ngoài về nước.

Điểm khác nhau: ngoài hai yếu tố giống nhau nêu trên của gia đình Công Giáo và không Công Giáo, dưới đây là yếu tố đặc biệt của gia đình Công Giáo:

- Công Giáo (Catholic). Người Công giáo khác người không Công giáo ở chỗ: Ngoài cuộc sống vợ chồng, họ còn hiểu rằng, họ có bổn phận phải sống liên đới với nhau, cả hai còn phải đối xử, và coi nhau như anh, chị, em, trong một gia đình. Tại sao? Thưa, tại vì tất cả đều có chung một người Cha là Thiên Chúa, và có chung một người mẹ thiêng liêng là Đức Trinh Nữ Maria. Chính điều này ràng buộc người ta dù không còn tha thiết sống chung nhưng vẫn phải cố gắng “chấp nhận thương đau”, vì tương lai của cuộc sống mai sau. Chính niềm tin giữ họ lại với nhau, trong khi những người khác thì đường ai nấy đi, phủi tay, không thương tiếc!

Khi kết hôn với người Công Giáo, các bạn có thể cho rằng cuộc hôn nhân của bạn được bảo đảm 50% rồi đó.

Tình yêu mà không được nuôi dưỡng bằng sự hy sinh, nó trở thành tầm thường, vặt vãnh, và quá bình thường.

Chỉ có niềm tin vào Thượng Đế, tin vào sự trợ giúp của thần linh -chứ không phải của người phàm-, mới có thể gìn giữ, và phục hồi lại hạnh phúc hôn nhân cho gia đình chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành, gìn giữ và thánh hóa những người sống đời đôi bạn. Xin Thánh Gia thất hàn gắn, chữa lành và làm mới lại tình yêu của các gia đình.

Thân ái chào tạm biệt và chúc các bạn thành công.

Phaolô Ngô Suốt
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây