TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lá thư gửi bạn

Thứ hai - 10/05/2021 20:54 |   848
Lá thư gửi bạn

LÁ THƯ GỬI BẠN

Tuấn mến,

Lúc bay ngang hành tinh Neptune, phi thuyền Voyager One nhận được lệnh quay ống kính để chụp ảnh trái đất. Giữa biết bao thiên thể lấp lánh trong vũ trụ, người ta chỉ thấy một chấm màu xanh lợt rất nhỏ. Cái chấm xanh bé nhỏ không đáng kể trong vũ trụ ấy nào có ai ngờ được từ hàng ngàn, hàng ức, hàng triệu năm qua lại chất chứa nhiều phức tạp: Biết bao thứ tôn giáo, triết thuyết, chế độ áp bức, chiến tranh tàn bạo, bệnh tật, nghèo đói… Và cũng không ngờ là dưới lớp bụi mờ màu xanh ấy có chứa một chàng “già” tên Tuấn đang nằm bệnh viện.

Tuấn ơi!

Ung thư thường được rồi, cậu lại còn dựt le chơi ung thư máu. Cậu chơi sang đáo để. Chẳng phải cậu là đứa duy nhất “sưu tầm” hàng độc, ở độ tuổi tụi mình, tuổi đang chuyển hộ khẩu về gần nghĩa địa, Thiên Chúa đang thâu hồi dần mọi thứ: sức khỏe, nhan sắc, vũ khí sinh đẻ…

Trong lớp mình ngoài Thuận Petit công khai báo bệnh sử, có đứa chỉ còn một trái thận hàng tháng lên giường nằm ngửa xin lọc máu, đứa bị lao (mong được dấu tên hòng còn có dịp lấy thêm vợ!), đứa có hộ khẩu viện tâm thần, đứa có bộ gan đang hoạt động thời kỳ cuối (Vũ Long uống ruợu như ngưu tầm nước ruộng cho đến nay vẫn chưa chịu liệt guờng kể cũng hơi phí, ơn đặc sủng của ma men chăng?)…

Riêng tớ cũng chẳng dấu diếm gì cậu: “bộ máy ái tình” đã thành “liệt sĩ” nằm yên bất động, có vực dậy cũng không lên nổi. Dù ngọc ngưu bò đực, cóc nhái, rùa rắn, khỉ, hổ, chồn, báo, cá sấu, ong kiến, bò cạp, cắc kè, mật gấu, sừng tê giác, bửa củi… mang đến tẩm bổ, trau chuốt giộng vào cũng chẳng giúp “chàng” hồi xuân: Thiên Chúa đã khóa mã số, kiếp sau mới giải.

Còn về nhan sắc nói ra xấu hổ. Có một sáng ngày kia khi vừa thức dậy chải đầu, lược cầm tay bỗng thấy nhẹ tênh, có đứa trong lớp tệ hơn: lược cứ như quơ trong chân không, rõ ràng đang chải tóc mà sao cảm giác như đang gãi mông, chiếc lược đồi mồi bồ cũ tặng hôm nào từ nay xin giải nghệ: thật nghẹn ngào. Đã lâu lắm tớ không dám soi gương, hôm nay đánh bạo nhìn mình bỗng phải thốt lên rằng: nhan sắc mình phải “lấy Đức Tin bù lại, giác quan không cảm thấy gì”.

Tuấn mến,

Hai hôm trước, lúc xế trưa, nhân tiện lái xe qua ngôi Thánh Đường Giáo Xứ, tớ có ghé lại để cầu nguyện cho cậu. Nhà Thờ miền quê, nhỏ bé, trang trí đơn giản, dân chúng hiền hòa nên lúc nào cũng mở cửa. Ngọn đèn dầu lạc, kích thuớc hà tiện, màu đỏ bên Nhà Tạm lúc nào cũng leo loét cháy, thỉnh thoảng nhón gót vươn mình bập bùng khi có làn gió hanh nhẹ thổi qua như thể Đức Giêsu ngầm bảo: “Ta hãy còn hiện diện đây”!

Cuối Nhà Thờ có quyển sách mạ vàng, dày cỡ 500 trang để ai muốn cầu nguyện gì cứ viết vào. Sách này sẽ được dâng để trên bàn thờ cùng với bánh rượu trong mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật. Tớ đến Nhà Thờ một mình, không gian tĩnh mịch bao la, thỉnh thoảng có con dơi bay xà xuống như có ai đập vào vai khiến giật thót người. Quỳ được một lúc mệt mỏi tớ ngồi lên, rồi tớ lết đến bên Nhà Tạm nằm vật ngửa theo dõi đám dơi bay luợn. Không suy nghĩ gì cũng chẳng cầu nguyện chi. Tớ thích nằm bên cạnh Chúa Giêsu trong nơi thanh vắng.

Trí khôn không thể để trống lâu, tớ lại nghĩ đến các bạn Linh Mục cùng lớp đang gieo Lời Ngài trên những lối mòn chông chênh mỗi người một kiểu, tớ cũng nghĩ đến đám các cậu, mặt nhăn nhó ốm đau, cõi lòng quay quắt, vất vả đời gió bụi, Trần Thanh Chưởng đi Thanh Niên Xung Phong nay đã “sang sông” xuôi miền viễn xứ, đứa đang nằm viện chờ chuyến đò ngang, đứa trôi thất tán bạt ngàn, đứa nằm ngáp dài chờ vợ đến cuới lần hai vì lần đầu đã… thất bại.

Nghĩ mãi đến đám các cậu mãi cũng chán, không hấp dẫn, tớ nhổm dậy xuống cuối Nhà Thờ mang cuốn sách mạ vàng lên nằm sấp người bên Nhà Tạm để viết lời cầu nguyện cho cậu.

Viết mở đầu như thế nào? Tớ cố nghĩ ra hình ảnh của cậu để lấy đà viết: cậu có cái đầu trọc lóc vì thuốc “khai quang”, da thịt héo hon tiều tụy, vợ con chuẩn bị dọn nhà để bán lấy tiền chạy thuốc… cũng chưa đủ… Viết bằng tiếng Anh hay tiếng Việt? Ai cũng viết bằng tiếng Anh sao mình lại viết bằng tiếng Việt? Chúa chắc hiểu tiếng Việt nhưng sợ có ai đó hoặc cha xứ không hiểu, lại nghĩ đây là ám số liên lạc? Tớ phải lần mở đọc từ đầu để xem cách họ viết như thế nào. Và tớ bắt đầu đọc…

Hàng trăm, hàng ngàn lời cầu nguyện đủ thứ bao giờ cũng bắt đầu bằng chữ “Xin”:

- Xin cho con khỏi bệnh…
- Xin cho con có việc làm…
- Xin cho vợ con biết đường trở về…
- Xin cho con của con biết nghe lời…
- Xin cho chồng con hết đánh bạc…
- Xin cho Phát lém trả lại con tiền…
- Xin cho con đẹp như xua…
- Xin cho bác sĩ Công mổ đúng sách…
- Xin cho con hết bị lác, lang ben…

Thỉnh thoảng cũng có lời nguyện ngồ ngộ:

“Xin cho con khoẻ mạnh sau khi phá thai. Chúa ơi! Vậy là đã rõ, bác sĩ bảo con có thai. Thằng khốn đã bỏ con chạy theo đứa khác. Con đâu muốn giết nguời. Nhưng đời toàn ngõ cụt. Nếu ý Chúa không muốn con phá thai, hãy cho con vài dấu lạ: hoặc trúng số có đủ tiền nuôi con, hoặc thằng khốn đó trở về cưới con. Nếu trong 2 tuần không có dấu lạ, có nghĩa là Chúa đã cho phép con trục nó ra. Chúa ơi, 2 tuần nữa con chờ Chúa trả lời… Không thể để lâu hơn sẽ nguy đến tính mạng”…

Toàn những điều “xin” và “xỏ“ đầy đe doạ. Lời cầu thuờng mang hình “bẫy sập”: mệnh đề đầu “Chúa biết con yêu Chúa…”, mệnh đề sau “Xin cho…” Chúa đọc chắc cũng phát điên. Chính tớ cũng chán, đang tính gập sách lại ra về, bất chợt gặp ở gần cuối một lời cầu rất đặc biệt tao viết lại ở đây:

“Giêsu ơi, con vừa được biết mình mắc bệnh ung thu. Tin sét đánh làm con bần thần cả nguời. Ai mà chẳng sợ. Nhưng con không xin được khỏi bệnh, chỉ mong lúc nào cũng sống đẹp lòng Ngài”.

Ngôn từ lời cầu giản dị, không triết lý phức tạp, nhưng chứa đầy sức nén. Trong hàng trăm lời nguyện đã đọc mãi bây giờ mới nghe được âm thanh của tình yêu. Nó vang… ngân nga… lăn vào lòng người êm dịu. Chúa chắc phải hài lòng. Bây giờ tớ đã hiểu mình phải viết gì. Tớ sẽ không xin cho cậu khỏi bệnh. Tớ cúi xuống và bắt đầu viết bằng tiếng Việt:

“Nếu Chúa đẹp lòng, xin hãy chuyển bệnh của Tuấn đến cho con. Dầu trong con sợ hãi, con chỉ muốn Chúa hài lòng”.

Vừa viết xong, tớ ngồi nhổm dậy. Vợ tớ mà biết được thì chết. Rồi mỗi đêm lại được nghe những bài kinh nhiều điệp khúc chì chiết buồn nẫu ruột: “Sao trên đời có kẻ tóc đã bạc mà vẫn ngu lâu. Không xin được của mà lại xin bệnh. Ông chết rồi ai sẽ nuôi con…?!?

Không ai hiểu tớ bằng chính mình. Tớ thấy đời mình toàn làm chuyện bậy bạ, mất lòng Ngài. Chúa đã cho con vào đời như nhập dòng sông. Con nay ở tạm trần gian. Mai kia một cõi xa xăm con về. Chết có cái gì mà phải sợ, ai chẳng phải đi qua. Sợ cũng chết, không sợ cũng chết. Khi tiếng chuông đã reo lên: bài thi phải nộp. Chết là dấu chấm cuối cùng của bài văn cuộc đời. Ta không còn giờ để viết hay sửa lại bài văn ấy nữa. Tuyệt đối không còn thì giờ để vớt vát. Xét như vậy, xem ra bệnh ung thư của cậu là căn bệnh hạnh phúc, vì có thời gian chuẩn bị, không thuộc thứ chết thình lình (chết vì tình), chết bom đạn (“chết thật tình cờ, thịt da nát tan”, ngã vật xuống bàn tay chưa kịp nắm lại).

Con cái để lại ai sẽ nuôi?… Tớ kể cho cậu câu chuyện này (tớ thích những chuyện thực tế đời thường, không viển vông). Bố vợ tớ lúc đang làm việc trong hãng xưởng, vỡ động mạch tim, 24 giờ sau qua đời, Chúa gọi lúc 54 tuổi, để lại 11 đứa con, 1 bà vợ ốm đau. Biết bao giọt nuớc mắt rơi xuống, trong số những giọt có hình trái tim đó không thiếu những giọt rơi xuống vì lo sợ cho bát cơm ngày mai. Kỳ lạ thay Chúa đã lo lắng mọi sự, sau biến cố đó, cả nhà ai cũng khoẻ mạnh, các em học hành tấn tới, 8 đứa con gái trước đây tưởng ế chằng ế chịt, vợ tớ học mấy khóa Dự bị Hôn Nhân ở DCCT (cha GB. Lê Văn Thí dạy), khóa nào cũng đậu “thủ khoa”, cha khen hoài mà vẫn cứ ế, nay bỗng dưng “quân dữ“ nườm nượp kéo đến “tha” đi từng đứa một, 3 đứa Việt kiều, trong đó có tớ là trưởng nhóm, “chịu nộp mình cho Philatô”. Chúa thực hiện nhiều điều ta không hiểu nổi…

Tớ bước ra khỏi ngôi Thánh Đuờng lúc trời chập choạng tối. Lái xe đến một cây cầu gần nhà, tớ mở cửa xe buớc xuống, đứng trên thành cầu nhìn xuống dòng sông. Gió lành lạnh thổi nhẹ qua ve cổ áo, tớ thấy hơi lạnh. Trên bầu trời có muôn vàn tinh tú lấp lánh. Biết nơi nào Ngài đang ở để con tìm về? Con yêu Ngài biết bao!”

Bạn mến,

Tôi viết lá thư này cho một người bạn cùng lớp tên Nguyễn Anh Tuấn bây giờ đang làm việc tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Sàigon. Tôi cũng đã từng đến thăm Tuấn dạo ấy đang nằm trong bệnh viện Truyền Máu Huyết Học, 201 Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1. Bạn tôi đón nhận bệnh tật trong tâm tình tạ ơn Chúa. Noi theo bước chân ra pháp trường của các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, Tuấn thường mang cái đầu “Bồ Tát” đi nhiều nơi để làm chứng cho Tin Mừng. Lời chứng của một người đối diện thần chết bao giờ cũng là lời chân thật, khác hẳn với lời chứng của tôi: lời chứng trong văn phòng, dưới bóng mát, no đủ yên hàn.

Cũng trong lần về Việt Nam có dịp ghé thăm Tuấn ấy, có lần tôi đang ngồi nói chuyện với mẹ trong nhà, bỗng có nguời hàng xóm xồng xộc bước vào, miệng vừa nói vừa cười hềnh hệch với mẹ tôi: “Hôm nay tôi đến đây là để chào bà. Tôi về quê. Tôi có nợ bà cái gì không? Nếu trước đây tôi có làm gì phật ý bà, xin bà bỏ qua cho nhé”. Mẹ tôi trố mắt ngạc nhiên: “Về quê nào? Sao bảo đang chữa bệnh? Chữa ở thành phố không tốt hơn ở miền quê hay sao?” Ông với tay lấy tách trà mẹ tôi vừa pha nuốt ực, nhắp giọng rồi lại nhe miệng cười: “Bà bảo chữa thế khỉ nào được nữa. Bác sĩ nói bệnh của tôi đã vào giai đoạn cuối. Ông ấy bó tay. Quê ở đây tôi muốn nói là… Quê Trời ấy!”
Nói xong, ông vụt đứng dậy, vui vẻ chào rồi ra về. Tôi chạy với theo sau thấy nhà nào trong xóm ông ấy cũng vào chào dăm câu rồi lại vội vã ra đi như thế. Mẹ tôi còn lại ngồi trong nhà lẩm bẩm: “Rõ bệnh nặng rồi đâm lẩn thẩn. Sắp chết mà cứ như đi ăn cỗ…”

Mẹ tôi không hiểu, nhưng tôi cảm nhận được ngay: Đức Tin mang lại cho con người niềm hy vọng, mà niềm hy vọng thì mang đến hạnh phúc bất diệt dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Khi đã trở lại Mỹ được vài tháng, mẹ tôi gọi điện thoại báo tin ông ta vừa qua đời. Tôi không buồn vì nghe tin “về quê” của ông hàng xóm ấy. Hình dáng ông tôi sẽ không bao giờ quên vì đích thân chính tôi đã được gặp và nói chuyện với một vị THÁNH… dù chỉ là một phút.

Người tôi tớ vô dụng, Boston
Ngày Thế Giới các bệnh nhân, 11.2.2012

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây