TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một và Một Tỷ

Thứ hai - 01/11/2021 20:33 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1157
“Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn” (x.Lc 15,4-7).
Một và Một Tỷ

MỘT VÀ MỘT TỶ
(Thứ Năm sau Chúa Nhật XXXI TN – Lc 15,1-10)

 

Để xác định cái gì thực có và có bao nhiêu đơn vị, người ta thường dùng số đếm. Trong cơ số đếm thập phân thì con số một là tuy nhỏ nhất nhưng là đứng đầu. Vì thế người ta thường dùng nó làm biểu tượng để nói về sự trỗi vượt của một người hay một sự việc..: “số một”; “number one”…

Khi thấy nhiều người thu thuế và người tội lỗi lui tới với Chúa Giêsu để nghe Người giảng, nhiều người biệt phái và kinh sư thấy chướng mắt bèn xầm xì, bình phẩm thì Chúa Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn có người sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên ngoài đồng để đi tìm con chiên bị thất lạc. Và khi tìm được thì người ấy vui mừng vác lấy nó trên vai, đi về khoe vui với xóm giềng. Kết thúc dụ ngôn, Người quả quyết: “Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn” (x.Lc 15,4-7).

Dù là đơn vị nhỏ nhất nhưng nếu bỏ đi con số một thì con số một trăm hay một tỷ chỉ còn là một dãy số không. Trong cuộc sống nhiều khi chúng ta quá chú trọng đến tập thể mà có khi là một tập hợp chung chung theo khái niệm mà bỏ quên từng người một cụ thể. Đây là chước cám dỗ mà nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội rất dễ bị vướng phải. Trong các tập thể tôn giáo thì vẫn tồn tại hiện tượng này dù rằng không quá rõ nét.

Đối với Thiên Chúa thì mỗi con người là một cá vị cụ thể, riêng có và không thể thay thế. Và dù là nghèo hèn hay bé mọn đến đâu thì mỗi người vẫn có chỗ đứng riêng trong tình yêu và nhà Cha trên trời. Tin Mừng Matthêu khi tường thuật cũng câu chuyện dụ ngôn con chiên thất lạc này đã thêm lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Cha anh em trên trời không muốn bất cứ ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Với Thiên Chúa thì từng người, mỗi người là “số một”, “number one”, không ai có thể thay thế ai.

Tại một Hội Nghị Lương Nông Quốc Tế, mẹ Têrêxa thành Calcutta đã nói: “Quý vị đưa ra nhiều chương trình và kế hoạch phổ quát và lâu dài, còn chúng tôi chỉ biết yêu thương đón nhận từng người nghèo hèn, bị bỏ rơi. Từng người một, từng người một và sau hơn mười năm một cách nào đó chúng tôi xoa dịu nỗi đau của đồng loại dù khiêm tốn nhưng đã trên hàng chục ngàn người khao khát được yêu thương vì chính họ.”

Tình yêu có tính hiện sinh và riêng có. Yêu thương cách chung chung thì có thể là thương hại mà chưa hẳn đã là xót thương. Chúa Giêsu đã chấp nhận bị hiểu lầm, chấp nhận đánh đổi danh dự, phẩm vị của mình một cách nào đó theo quan niệm của người đời để rồi không ngại ngần tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh, những người tội lỗi công khai. Lý do là vì mỗi người trong số họ đích thực là em của Người, là con của Cha trên trời.

Xác tín chân lý này thì chúng ta không được phép ngã lòng thất vọng về bản thân dù mình tội lỗi đến đâu. Và chúng ta cần phải biết hy vọng và tôn trọng phẩm giá của tha nhân dù họ đang ở trong tình trạng tồi tệ đến mức nào. Anh em Phật tử xác quyết “Buông đao thành Phật. Quay gót là bờ”. Kitô hữu chúng ta tuyên xưng: Khi một người ăn năn sám hối thì cả thiên cung rộn rã tiếng cười vì tình yêu Thiên Chúa đang chan hòa khắp bốn cõi. Trong công cuộc “đánh lưới người ta”, hãy biết trân trọng và bắt đầu từ con số một, cách cụ thể và thực tế.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây