CỚ VẤP NGÃ
(Thứ Hai sau Chúa Nhật XXXII TN – Lc 17,1-6)
Thật đáng sợ trước những lời cảnh giác của Chúa Giêsu: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và bỏ xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã” (Lc 17,2-3). Nguyên cớ làm cho tha nhân nhất là những người bé mọn vấp ngã thì có nhiều. Tuy nhiên chúng ta có thể phân thành hai loại đó là nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp.
Người trực tiếp gây ra cớ cho ai đó phạm tội được xét như là người đồng phạm. Và dưới cái nhìn pháp luật thì người đồng phạm có thể thuộc ba loại này: thứ nhất là người tổ chức, tức là người chủ mưu, chỉ huy kẻ khác phạm tội; thứ hai là người xúi giục, tức là người kích động, dụ dỗ kẻ khác phạm tội; và thứ ba là người giúp sức, tức là người tạo điều kiện, cung cấp phương tiện cho ai đó phạm tội.
Theo chiều kích luân lý đạo đức thì khi nói đến nguyên cớ trực tiếp làm cho tha nhân vấp ngã thì phải kể đến là gương mù gương xấu. Tính chất xấu xa càng tăng lên khi gương mù lại xuất hiện nơi hành vi của những người vai cao, vị trọng ngoài xã hội, trong các tập thể tôn giáo và những người có ảnh hưởng đến công chúng, chẳng hạn giới văn nhân, nghệ sĩ…
Chúng ta dễ dàng nhận ra tính xấu xa và sự nguy hiểm của các nguyên nhân trực tiếp gây ra cớ vấp phạm. Xin được đặc biệt nói đến các nguyên nhân gián tiếp mà nhiều khi chúng ta ít lưu ý và vì thế nhiều khi chúng ta lại dễ an tâm dù mình là chủ thể của các nguyên nhân ấy.
Theo quan điểm pháp luật thì có loại tội được xem là gián tiếp như tội không tố giác. Sau khi cảnh báo về việc hãy đề phòng, đừng gây cớ vấp phạm cho kẻ khác thì Chúa Giêsu nói thêm về nghĩa vụ phải răn bảo, sửa sai người có tội, dù một ngày đến cả bảy lần (Lc 17,3-4). Sống dửng dưng, vị kỷ theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng; hồn ai nấy giữ” thì không xứng với đạo làm người, đạo làm con cái Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” mà lại hững hờ, vô tâm với nhau?
Chính vì thế việc sửa bảo nhau là một trong những bổn phận của Kitô hữu thuộc mọi cương vị, mọi bậc sống. Ngôn sứ Êdêkiel đã minh nhiên lời dạy của Thiên Chúa: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta nói cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, thì Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).
Vấn đề đặt ra là hậu ý của người chọn lối sống dửng dưng với những sai lỗi của tha nhân là gì? Nếu những người phạm lỗi là người thuộc quyền, là đám đông dân chúng thì chúng ta có thể nhận ra một hậu ý của người “làm thinh” đó là để lấy lòng vì mục đích nào đó chẳng hạn như để có thêm nhiều phiếu bầu… Nếu những người phạm lỗi là người ngang hàng phận chức với mình thì việc chọn kiểu sống “làm thinh” là muốn sống an phận và giữ kẻ, vì nghĩ rằng mình chẳng hơn gì ai và mình cũng có thể lỗi phạm như họ mà có khi tồi tệ hơn thì sao. Nếu những người phạm lỗi là người cấp cao, vị trọng mà chúng ta “làm thinh” thì có thể vì sợ hãi, sợ bị trù dập hay bị bắt bớ hoặc cũng có thể vì muốn ẩn mình, nín thở qua sông, chờ dịp tiến thân.
Nhiều bậc thức giả và hiền sĩ chẳng hạn như Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, đã từng nói rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt”. Theo góc nhìn này thì đây là cái cớ vấp ngã đáng sợ và đáng cột cối đá lớn mà xô xuống biển còn hơn.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn