Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 06/08/2023 03:46 |
Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |
554
Nghỉ ngơi là một trạng thái Kenosis mà Thiên Chúa tạo dựng cho con người.
Ngày nghỉ
Thần học về những ngày nghỉ là bắt nguồn từ sáng tạo. Khi Thiên Chúa đã hoàn tất công trình tạo dựng trong sáu ngày, ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là một trạng thái Kenosis mà Thiên Chúa tạo dựng cho con người. Như vậy, “Khi lập ra ngày Chúa Nhật, Thiên Chúa muốn mọi người có thời giờ nghỉ ngơi và giải trí, để có thể chăm lo đời sống gia đình, văn hoá, xã hội và tôn giáo”[1].
Ngày Chúa Nhật trở nên một gánh nặng khi con người phạm tội, tội phạm xưa kia là việc bất tuân, ngày nay vẫn là một bất tuân. Bất tuân khi dùng ngày Chúa Nhật để tăng gia sản xuất, để làm hao mòn sinh lực trong những cuộc giải trí không lành mạnh hoặc phí sức cho những bữa tiệc cầu kỳ hao tốn. Ngày Chúa Nhật theo truyền thống đạo đức công giáo, trước hết là ngày làm những việc lành - Thực thi đức ái bằng hành vi khiêm tốn phục vụ người nghèo, người đau khổ. Kenosis trong trạng thái này là dứt ỏ những thái độ bàng quan hằng ngày, do nhiều khi không thể chú tâm hết mọi điều trong khi làm việc. Đó là trạng thái ra khỏi chính mình để tập cuộc sống hướng tới người khác, sống với thiên nhiên. Tuy xem là đức ái là tương quan với người khác, nhưng thật sự đức ái đó cũng làm cho đời sống của cá nhân thêm phong phú, tạo cho đời sống làm việc có một định hướng đầy nhân bản. Thực hành ngày Chúa Nhật còn là một trạng thái Kenosis ra khỏi tính cá nhân thường ngày để sống các giá trị tương quan thân hữu. Gia đình là một cộng đồng gần gũi nhất mà đôi khi lại xa rời nhất. Trong khi cả tuần, mọi người việc ai nấy làm, không có đời sống chung, ngày Chúa Nhật là ngày nuôi dưỡng đời sống tương quan các thành viên trong gia đình ấy. Ngày nay, các giá trị của đời sống gia đình chịu sự xáo mòn bởi vì không có nhiều thời gian để sống tương quan thân thích. Ngay cả những câu chuyện trao đổi giữa vợ và chồng cũng là những trao đổi liên quan đến tài chánh, những vấn đề trách nhiệm nuôi dạy con cái, do đó, những giá trị khác của gia đình dễ bị bỏ rơi và đổ vỡ. Như vậy, ngày Chúa Nhật cũng là ngày trút bỏ lối sống riêng tư dễ bị đẩy vào ích kỷ để sống hoà hợp với mọi người trong gia đình để cùng cảm thông chia sẻ. Sống hoà hợp trong gia đình của từng cá nhân mới sống hoà hợp trong xã hội. Ngày Chúa Nhật cũng là thời gian suy tư tĩnh lặng, tìm giá trị thiêng liêng cho con người, truyền thống Kitô giáo mời gọi người Kitô hữu đến với Chúa để trút gánh nặng đời sống cho Người “Hãy mang lấyy ách của ta, hãy học cùng ta,” là một lời mời gọi đổ rỗng tâm linh đến gặp gỡ Thiên Chúa. Ngày Chúa Nhật trọng tâm ý nghĩa của nó là giải thoát khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi, ý nghĩa sống đích thực của ngày Chúa Nhật là làm mới lại tư cách làm chủ của mình đối với công trình sáng tạo. Không thể có một tương lai hạnh phúc nếu con người cứ bước đi trong tăm tối. Hãy đến với Đức Kitô, đối với những ai gánh nặng và cồng kềnh tội lỗi, để được Đức Kitô hồi sinh và phần đóng góp của con người là làm sáng mắt những kẻ mù loà, là tình trạng sinh ra Đức Kitô trong tâm hồn của anh chị em. Kỳ nghỉ và ngày nghỉ cũng mang những ý nghĩa của ngày Chúa Nhật, khác nhau chăng kỳ nghỉ dài hơn ngày nghỉ. Đó là một nhu cầu cần thiết để kinh nghiệm hơn về tình trạng kenosis của từng cá nhân. Học sinh cần được nghỉ hè, đi chơi, tìm nơi giải trí. Đó là thời gian để tái hồi lại chất xám đã tiêu hao trong thời gian chu kỳ học tập. Thế nhưng, học sinh ngày nay, lại chịu gánh nặng việc học quá tải, học sáng, học chiều, tối về học thêm, học luôn ngày chủ nhật, học sang cả mùa hè. “Học mãi, học mãi”, hậu quả một thế hệ trẻ không ngu ngơ thì cũng bị trầm cảm. Tương lai sẽ về đâu khi học cũng tăng năng suất? Các Công nhân, nhân viên được hưởng chế độ nghỉ hằng năm là một tiến bộ của xã hội, cần có kỳ nghỉ để làm mới lại nguồn sáng tạo và tăng cuờng sức khoẻ cho mỗi cá nhân. Thiếu những ngày nghỉ hiệu năng sẽ giảm sút, chất lượng của cuộc sống sẽ kém. Thời gian sống không đo bằng tháng năm dài, nhưng được đo lường bằng chất lượng của cuộc sống, M. Montaigne đã nói như thế. Thật là xứng đáng để theo đuổi lời mời gọi của Giáo Hội là làm cho trần thế này là nơi cho con người sống và sống xứng đáng là một con người. Làm cho trần thế này dồi dào sự sống và sống với tuổi trẻ của Đức Giêsu Phục Sinh.