Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 07/08/2023 22:08 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
858
Xứ chùa tháp vẫn cuốn hút con người một cách kỳ lạ. Hẹn một ngày gần đây sẽ đến xứ chùa tháp để kính viếng Đức Mẹ Mêkông, tại thánh đường Arey Khsath, huyện L-vi-em, tỉnh Candal.
Lang thang “đất nước chùa tháp”
Lang thang “đất nước chùa tháp” trong những ngày đầu tháng tám với cái nóng nực nội cũng may có những cơn mưa rào nhè nhẹ làm cho không khí được dịu êm. Nếu không, trên đầu thì lửa đỏ, dưới chân thì đền đài đá tảng con người sao chịu thấu!
Campuchia
Campuchia (tiếng Khmer: កម្ពុជា, Kămpŭchéa, /kɑmpuˈciə), tên chính thức là Vương quốc Campuchia (tiếng Khmer: ព្រះរាជាណាចក្រកម្ពុជា, Preăhréachéanachăk Kămpŭchéa), còn có tên gọi khác là Khao Mên hoặc Cao Mên /Cao Miên và Cam Bốt (bắt nguồn từ tên tiếng PhápCambodge), là một quốc gia độc lập năm 1953 từ thuộc địa Pháp nằm trên bán đảo Đông Dương ở vùng Đông Nam Á. Campuchia giáp với vịnh Thái Lan ở phía tây nam, Thái Lan ở phía tây bắc, Lào ở phía đông bắc và Việt Nam ở phía đông.
Tên gọi Campuchia trong tiếng Việt bắt nguồn từ tên gọi tiếng Khmer. Trước thế kỷ XX, người Việt gọi nước này là Chân Lạp (chữ Hán: 真臘), Cao Miên (高棉)….
Tên gọi “Chân Lạp” được dùng để chỉ nước Campuchia thời hậu Angkor, ứng với thời các chúa Nguyễn tại Việt Nam. Nhưng thật ra Chân Lạp, tên nước và người, chỉ tồn tại từ thế kỷ VI và chấm dứt vào thế kỷ IX (802). Kế tiếp thời Chân Lạp là thời Angkor với Đế quốc Khmer kéo dài đến thế kỷ XV. “Cao Miên” là danh từ thường được dùng để chỉ các triều đại Campuchia hậu Chân Lạp cho đến ngày nay. Cao Miên có thể dùng để chỉ Đế quốc Khmer nói riêng, hoặc nước Campuchia hay người Campuchia nói chung.
Trong sử triều Nguyễn, do từ Cao Miên phạm húy tên Miên Tông của vua Thiệu Trị nên vẫn gọi tên cũ là Chân Lạp, tới năm Thiệu Trị thứ 7 mới gọi lại đúng tên Cao Miên nhưng đọc chệch đi thành Cao Man
Địa lý
Diện tích Campuchia khoảng 181.035 km², nằm trọn vẹn trong khu vực nhiệt đới; từ vĩ độ 10 đến vĩ độ 15N kinh độ 102 đến 108E. Đất nước có 800 km biên giới với Thái Lan về phía bắc và phía tây, 541 km biên giới với Lào về phía đông bắc, và 1.137 km biên giới với Việt Nam về phía đông và đông nam. Nước này có 443 km bờ biển dọc theo Vịnh Thái Lan. Nhìn trên bản đồ, lãnh thổ Campuchia có hình dáng gần giống như lưỡi rìu tứ giác, cạnh không đều.
Đặc điểm địa hình nổi bật là một vùng đồng bằng lớn nằm giữa những ngọn núi thấp bao gồm vùng hồ Tonle Sap / Biển Hồ và vùng thượng lưu đồng bằng sông Cửu Long. Biển Hồ có diện tích khoảng 2.590 km² trong mùa khô tới khoảng 24.605 km² về mùa mưa. Đây là một đồng bằng đông dân, phù hợp cho cấy lúa nước, tạo thành vùng đất trung tâm Campuchia.
Tôn giáo tại Campuchia
Tôn giáo tại Campuchia (2019) bao gồm: Phật giáo (97.1%), Hồi giáo (2.0%), Công giáo Roma (0.3%) Không tôn giáo và tôn giáo khác (0.2%)
Phật giáo Nguyên thủy là tôn giáo chính thức của Campuchia, được thực hành bởi hơn 97% dân số. Phật giáo là tôn giáo phổ biến và phát triển mạnh mẽ trong tất cả các tỉnh, với ước tính khoảng 4.392 đền thờ, tu viện trong cả nước.Phần lớn sắc tộc Khmer theo đạo Phật, và có những hiệp hội gần gũi giữa Phật giáo, truyền thống văn hóa và cuộc sống hằng ngày. Tuân thủ Đạo Phật thường được xem là bản sắc dân tộc và văn hóa của đất nước. Tôn giáo ở Campuchia, trong đó có Phật giáo, đã bị đàn áp bởi chế độ Khmer Đỏ trong thời gian cuối những năm 1970 nhưng kể từ khi chế độ này bị lật đổ, Phật giáo đã hồi sinh trở lại trên đất nước này.
Trước chế độ Khmer Đỏ, có 73.164 tín đồ đạo Cao Đài ở Campuchia, trong đó Việt kiều chiếm 64.954 người và số người Campuchia là 8210 người. Hiện nay, chỉ còn khoảng 2.000 tín đồ Cao Đài ở Campuchia tập trung ở thủ đô Phnôm Pênh với một Thánh thất Cao Đài. (1)
Angkor Wat
Khởi hành từ Sài gòn khi mặt trời chưa ló dạng đến tỉnh Siem Reap (đọc là Xiêm Riệp, Xiêm: Đất nước Thái Lan, Riệp: thua, bại; Xiêm riệp: nơi người Thái bại trận) nơi có “Thành phố của những ngôi Đền” khi mặt trời đã lặn.
Angkor Wat (tiếng Khmer: អង្គរវត្ត, tiếng Việt: Ăng-co Vát) là một quần thể đền đài tại Campuchia và là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới, rộng 162,6 hecta (1.626.000 mét vuông). Ban đầu công trình được xây dựng làm đền thờ Ấn Độ giáo của Đế quốc Khmer, và dần dần chuyển thành đền thờ Phật giáo vào cuối thế kỷ XII. Vua KhmerSuryavarman II xây dựng Angkor Wat vào đầu thế kỷ XII tại Yaśodharapura (tiếng Khmer: យសោធរបុរៈ, Angkor ngày nay), thủ đô của Đế quốc Khmer như là đền thờ và lăng mộ của ông. Khác với truyền thống theo Giáo phái Shaiva (thờ thần Shiva) của các vị vua tiền nhiệm, Angkor Wat thờ thần Vishnu. Được bảo tồn tốt nhất trong khu vực, Angkor Wat là ngôi đền duy nhất vẫn giữ được vị trí trung tâm tôn giáo. Ngôi đền là đỉnh cao của phong cách kiến trúc Khmer. Nó đã trở thành biểu tượng của đất nước Campuchia, xuất hiện trên quốc kỳ và là điểm thu hút nhiều khách du lịch hàng đầu tại đây.
Angkor Wat là sự kết hợp của hai nét cơ bản của kiến trúc Khmer: kiến trúc đền-núi cùng với những dãy hành lang dài và nhỏ hẹp. Kiến trúc này tượng trưng cho Núi Meru, quê hương của các vị thần trong truyền thuyết Ấn Độ giáo: nằm giữa một con hào và lớp tường bao dài 3.6 kmlà khu chính điện ba tầng với kiến trúc hình chữ nhật, kết nối với nhau bởi những dãy hành lang sâu thẳm. Trung tâm của ngôi đền là tổ hợp 5 tháp với một tháp trung tâm và bốn tháp tại bốn góc hình vuông. Không giống những ngôi đền theo phong cách Angkor khác, Angkor Wat quay mặt về phía Tây và vẫn chưa có cách giải thích thống nhất về ý nghĩa của điều này. Ngôi đền được ngưỡng mộ bởi vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc và số lượng lớn các vị thần được trang hoàng trên những bức tường đá.
Tên hiện đại của ngôi đền, Angkor Wat, nghĩa là “Thành phố Đền” hay “Thành phố của những ngôi Đền” trong tiếng Khmer; Angkor, nghĩa là “thành phố” là từ nokor (នគរ), được bắt nguồn từ tiếng Phạn nagara (नगर), trong tiếng bản xứ. Wat nghĩa là “sân đền” trong tiếng Khmer (tiếng Phạn: वाट “khoảng đất”).
Angkor Wat nằm cách thị trấn Xiêm Riệp 5.5 km về phía bắc và chếch về phía đông nam của kinh đô cũ, với trung tâm là đền Baphuon. Đây là một khu vực có nhiều kiến trúc cổ quan trọng và là cực nam của cụm di tích chính Ăngkor.
Việc thiết kế và xây dựng được tiến hành vào nửa đầu thế kỷ XII dưới thời vua Suryavarman II (trị vì từ năm 1113 - 1150). Năm 1177, 27 năm sau cái chết của Suryavarman II, Ăngkor bị tàn phá bởi người Chăm, kẻ thù truyền kiếp của người Khmer. Sau đó vua Jayavarman VII đã phục hưng đế quốc và thành lập một thủ đô và đền thờ mới (Ăngkor Thom và Bayon) cách Angkor Wat vài kilo mét về phía bắc.
Đến cuối thế kỷ XII, Angkor Wat từ một trung tâm tín ngưỡng Ấn Độ giáo dần chuyển sang Phật giáo và tiếp tục cho đến ngày nay. Không giống nhiều ngôi đền Ăngkor khác, tuy Angkor Wat một phần bị quên lãng từ sau thế kỷ XVI, nó không bao giờ hoàn toàn bị bỏ hoang, một phần nhờ con hào bao xung quanh đã bảo vệ ngôi đền khỏi sự xâm lấn của rừng rậm.
Một trong những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Ăngkor là António da Madalena, một nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đến đây vào năm 1586 và nói rằng “nó là một kiến trúc phi thường mà không giấy bút nào tả xiết, chủ yếu là vì nó không giống bất kỳ công trình nào khác trên thế giới. Nó có những tòa tháp, lối trang trí và tất cả sự tinh xảo mà con người có thể tưởng tượng ra”.
Giữa thế kỷ XIX, nhà tự nhiên học và thám hiểm người Pháp Henri Mouhot đã đến đây và giúp phương Tây biết đến Angkor Wat nhiều hơn bằng các ghi chép của mình. Trong đó ông viết: “Một trong những ngôi đền đó - một đối thủ của đền Solomon, và được Michelangelo thời cổ đại dựng lên - có thể có một chỗ đứng trang trọng bên cạnh những công trình đẹp nhất của chúng ta. Nó vĩ đại hơn tất cả những gì người Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta, và thể hiện một sự tương phản đáng buồn cho tình trạng man rợ mà đất nước đang mắc phải.” (2)
Giáo hội Công giáo ở Campuchia Việc truyền giáo đầu tiên ở Campuchia được thực hiện bởi Gaspar da Cruz, nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha của Dòng Đa Minh, vào năm 1555–1556. Theo tường thuật của cha, cha đã thất bại hoàn toàn; cha tìm thấy đất nước được điều hành bởi một vị vua Phật giáo và có quốc giáo cũng Phật giáo và phát hiện ra rằng “các tín đồ Phật giáo là những người khó tính nhất để cải đạo”. Cha cảm thấy rằng không ai dám cải đạo mà không có sự cho phép của nhà vua, và rời khỏi đất Nhà thờ Công giáo ở Chong Knies nước trong sự thất vọng, vì đã không “rửa tội cho nhiều hơn một thị tộc …”
Mặc dù thực dân Pháp đô hộ trong thế kỷ 19, nhưng Kitô giáo ít tác động trong nước.
Tăng trưởng chậm
Linh mục Campuchia bản địa đầu tiên, Simon Chhem Yen, được thụ phong vào ngày 7 tháng 11 năm 1957, tiếp theo là Paul Tep Im Sotha và Joseph Chhmar Salas lần lượt vào năm 1959 và 1964. Theo thống kê của Vatican, vào năm 1953, số tín hữu của Giáo hội Công giáo ở Campuchia là 120.000 người, trở thành tôn giáo lớn thứ hai vào thời điểm đó, ước tính có khoảng 50.000 người Công giáo là người Việt Nam. Trước khi người Việt Nam hồi hương vào năm 1970 và 1971.
Một số lượng lớn người Công giáo Việt Nam đã di cư khi bắt đầu chính quyền quân sự của Lon Nol (Cộng hòa Khmer) vào năm 1970, với việc đại chủng viện Campuchia bị đóng cửa vô thời hạn. Vào năm 1972, có khoảng 20.000 tín đồ Kitô giáo ở Campuchia, hầu hết là người Công giáo, và nhiều người trong số họ là người châu Âu - chủ yếu là người Pháp và người Âu - Á gốc Pháp. Tuy nhiên, từ năm 1975 đến năm 1979, dưới chế độ Khmer Đỏ gần như Công giáo bị dập tắt trong nước; hai phần ba số người Công giáo còn lại ở Campuchia đã chết trong các trại lao động cưỡng bức, và hành quyết vì những lý do không đâu.
Hồi sinh
Năm 1989, hiến pháp mới của Campuchia thời Việt Nam ở đó cho phép tự do tôn giáo, mặc dù việc rao giảng Kitô giáo vẫn bị cấm. Vào tháng 3 năm 1990, chính phủ Campuchia đã chấp thuận cho một nhóm người Công giáo cử hành Lễ Phục sinh, lần đầu tiên người Công giáo ở Campuchia được thờ phượng nơi công cộng sau 15 năm.
Những nỗ lực để tái lập lại chủng viện trong các trại tị nạn của người Khmer ở Thái Lan vào năm 1990, và đến năm sau, chủng viện chính thức được phục hồi; lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Khmer. Năm 1992, chủng viện được chuyển đến Campuchia tại thành phố Battambang với bốn chủng sinh và linh mục Bernard Dupraz. Vào ngày 25 tháng 7 cùng năm, cha Yves Ramousse được bổ nhiệm làm đại diện tông tòa Phnom Penh, và đến tháng 12 được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa Battambang.
Giám mục Ramousse kể rằng cha Dupraz đã mua được mảnh đất thuộc Giáo xứ Battambang trước năm 1970, và xây dựng lại Nhà thờ trong khi cha là linh mục duy nhất trong một khu vực có diện tích bằng một phần ba Campuchia. Các chủng sinh làm mục vụ gần giống như cha sở khi họ đang được đào tạo, được gửi đến các vùng xa xôi của đất nước như Serei Saophoan và Siem Reap.
Vào ngày 25 tháng 3 năm 1994, Campuchia đã hoàn tất quan hệ ngoại giao với Tòa thánh. Tháng 7 năm 1995, Pierre Sophal Tonlop trở thành người Campuchia bản xứ đầu tiên được thụ phong linh mục sau hơn 20 năm. Một bản dịch Kinh thánh tiếng Khmer đại kết mới đã được xuất bản vào tháng 6 năm 1998, được thực hiện để hoàn thiện bản dịch năm 1954 của Hammond, và sau đó vào tháng 10, chủng viện do cha Dupraz đứng đầu đã được chuyển đến Phnom Penh và chính thức đặt tên là Đại Chủng Viện Thánh Gioan Maria Vianney. Năm 2001, bốn chủng sinh ở từ năm 1991, gồm cả Dominique Nget Viney, trở thành người bản địa được thụ phong linh mục. Năm 2015, Giáo hội Công giáo tại Campuchia đã mở án điều tra cấp giáo phận để xin phong chân phước cho Đức cha Joseph Chhmar Salas và 34 vị khác bị Khmer Đỏ sát hại, trong khoảng thời gian từ 1970 đến 1977.
Lễ tưởng niệm được cử hành tại huyện Tang Kork, tỉnh Kompong Thom, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 100 cây số. (3)
Năm 2022, Giáo hội Campuchia có khoảng 20.000 giáo dân, 10 linh mục Campuchia và khoảng 10 nữ tu người Khmer, chỉ chiếm 0,15% tổng dân số. (4)
Không có giáo phận nào, nhưng có ba lãnh thổ giáo luật bao gồm một Hạt Đại diện Tông Tòa và hai Phủ doãn Tông Tòa:
Hạt Đại diện Tông Tòa Phnôm Pênh, do Giám mục Olivier Michel Marie Schmitthaeusler, M.E.P. cai quản (từ 2010).
Hạt Phủ doãn Tông Tòa của Bătdâmbâng, do Linh mục Kike Figaredo Alvargonzales, S.J cai quản (từ 2000).
Hạt Phủ doãn Tông Tòa Kompong Cham, do Linh mục Antonysamy Susairaj, M.E.P. cai quản (từ 2000).
Và có 63 giáo xứ. (5) (6)
Trở lại Camphuchia lần này, tôi đi trong tư thế của một người du lịch, khám phá những kỳ quan của xứ chùa tháp. Nhớ lại cách đây gần 40 năm, tôi cũng một lần đi qua Camphuchia, trên dòng sông Tiền, đến cảng Kompong Som rồi tới Thái Lan trong hoàng hôn và đêm tối mờ mịt như bóng tối mịt mùng của một kiếp người. Trở về cũng một cung đường như thế nhưng với bao biến cố kinh hoàng xảy ra, nhấn chìm con người vào giữa biên giới sự sống và cái chết, để lại trong tâm trí những hình ảnh kinh hoàng, mà tới tận bây giờ, gần 40 năm sau, vẫn còn đậm nét trong tâm trí tôi. Tôi hằng chiêm niệm những biến cố xảy ra trên vịnh Thái Lan, và trên con đường hồi hương đầy những lo âu và sợ hãi mà tôi vẫn bình an. Giữa những thảm kịch cuộc sống của kiếp người, người bị chết trên biển, chết vì đói khát, chết vì tù đày … sao tôi vẫn bình an! Tôi đã làm gì mà được như thế? Được Thiên Chúa yêu mến và chở che! Ngài mong đợi nơi tôi điều gì? Và tôi phải làm gì để đáp lại tình yêu ấy? Mỗi biến cố, một dấu chỉ. Biến cố này, dấu chỉ nào cho tôi?
Xứ chùa tháp vẫn cuốn hút con người một cách kỳ lạ. Hẹn một ngày gần đây sẽ đến xứ chùa tháp để kính viếng Đức Mẹ Mêkông, tại thánh đường Arey Khsath, huyện L-vi-em, tỉnh Candal.