TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm B

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”. (Mc 10, 2-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tâm sự của Giêrêmia

Thứ hai - 04/09/2023 06:52 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   662
Giêrêmia được sai đi với một nhiệm vụ “Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng." (Gr 1, 10). Một nhiệm vụ bất khả thi.
J 7
J 7



Đau khổ vì sứ mạng của mình, Giêrêmia đã có lần tâm sự với Chúa: “Có lần con tự nhủ: "Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa." Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20,9)

Dòng tâm sự của Giêrêmia sau bao nhiêu năm miệt mài với lời rao giảng, không phải lời của ông mà Lời của Chúa bảo ông phải nói. Cũng không phải là kinh nghiệm của ông mà còn là kinh nghiệm của những người còn sót lại thờ kính Thiên Chúa. Một kinh nghiệm của một dân tộc xa lìa Thiên Chúa của mình.
Từ khi còn rất trẻ, tuổi đời vừa đôi mươi. Đời sống đạo đức của ông hiền lành, chỉ ước muốn theo cha mình là Khindigiahu tiếp nối làm tư tế, phụng sự Chúa trong Đền Thờ. Vốn dĩ là con người hiền hoà, có phần nhút nhát và đơn sơ. Ông từ chối việc Chúa gọi ông đi làm ngôn sứ, phụng sự Chúa không phải ở Đền Thờ mà ở bên ngoài xã hội, chấn hưng đời sống đạo phù hợp với ý muốn của Chúa. Ông  từ chối vì ông quá trẻ (Gr 1, 6). Chúa có đường lối riêng của Chúa, mỗi người Chúa dùng theo cách của Người.
Thường khi ta nghĩ “Trẻ người non dạ”, ông biết nhiều ngôn sứ trước đây già dặn hơn ông, đã khó khăn thế nào trong vai trò ngôn sứ của họ. Tuổi trẻ còn nuôi bao ước vọng, còn đang vận hành con đường tương lai, những thành tựu chờ đợi. Chúa bảo, bỏ đi! Đi làm ngôn sứ cho Chúa. Một vai trò đặc biệt khó có thể chu toàn, nên cần có lý do để từ chối: “Con không biết ăn nói” (Gr 1, 6). Lý do có vẻ thuyết phục nhưng đó chỉ là lý do thuộc về con người. Ngôn sứ là người nói Lời của Thiên Chúa, chứ có phải của mình đâu? Chúa bảo cho ông biết: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.” (Gr 1, 7).
Thay vì mời gọi con người hoán cải, chính người ngôn sứ bị đòi hỏi hoán cải trước. Một thế giới cần đến những chứng nhân, là những người dám sống chết vì Tin Mừng, sống với Chúa chân thành và tín thác, hiểu biết và khiêm nhường. Chúa mời gọi Giêrêmia không phải vì ông tài giỏi, nhưng vì điều ông xác tín, điều ông sống chân thành và giản dị. Chúa đã biết ông từ khi ông còn thơ dại: "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân." ((Gr 1, 5). Chúa biết ta hơn là ta biết ta (Augustine), Chúa biết nên Chúa gọi, Chúa biết nên Chúa sai đi. Người được gọi, được sai đi không là gì, ngoài lí do Chúa muốn.
Giêrêmia được sai đi với một nhiệm vụ “Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng." (Gr 1, 10). Một nhiệm vụ bất khả thi. Hoàn cảnh của Israel bị đi lưu đày, Giuđa còn lại bất ổn về chính trị, đời sống đạo xuống dốc, cuối cùng Giuđa cũng sụp đổ và chịu số phận lưu đày Babilon (626 BC – 587 BC). Một thời kỳ khủng hoảng về chính trị, đời sống đức tin, ông lại còn nói những Lời của Chúa, dân Israel nghe chói tai:  “Ngươi sẽ để mất gia nghiệp Ta đã dành cho ngươi. Ta sẽ bắt ngươi làm tôi kẻ thù trong xứ sở mà ngươi không biết, vì cơn giận của Ta đã bừng lên như lửa, sẵn sàng thiêu rụi đến muôn đời” (Gr 17, 4). Chính ông cũng đi lưu đày cùng với dân của ông, người ngôn sứ lúc nào cũng chung số phận với dân của mình để hiểu hơn lòng thương xót của Chúa.
Như dầu đổ vào lửa, những người nghe Giêrêmia nói: “Chúng nói: "Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Giê-rê-mi-a. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói." (Gr 18, 18). Lòng dân thì chai đá, Lời Chúa bỏ ngoài tai, tai ương, khốn khổ thì bao trùm. Có lẽ, nếu đọc lịch sử dưới ánh sáng Lời Chúa, không có hoàn cảnh lịch sử nào mà không mang đến những giá trị. Chúa dồn vào tư bề khốn khó, để mở ra một con đường giải thoát là ăn năn, hối cải. “Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.” (Tv 107, 28)
Từ kinh nghiệm của Giêrêmia, ông bị coi như là “Tên kinh hoàng tứ phía” (Gr 20, 10), Kinh nghiệm của ông cũng mang dấu tích của số sót lại Israel còn thờ phượng Chúa thời ấy. Họ cũng bị xem như những con người chịu án tử bởi anh em mình, bị “Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: "Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!” (Gr 20, 10). Số phận của ông cũng như những người còn sót lại vẫn mang một sức nóng của Lời Chúa âm ỉ cháy trong tim. Dù có muốn: “ Có lần con tự nhủ: "Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa." (Gr 20, 9) Nhưng chính ngọn lửa bừng cháy trong tim khuất phục được con người yếu đuối: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.” (Gr 20, 7).
Niềm hy vọng của người ngôn sứ là nơi chính Chúa. Chúa sẽ khuất phục được dân của Người, Chúa sẽ dẫn dân của Người về, như ngày dân lưu đày Babilon trở về hân hoan: “ Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: "Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126, 2) 
Người ngôn sứ chỉ là người Chúa dùng để nói Lời Thiên Chúa qua kinh nghiệm cuộc sống của mình. Chúa dùng Lời của Người trong môi miệng của người được Chúa dùng. Chúa chinh phục con người bằng chính Tình Yêu vĩnh cửu của Người: "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.” (Gr 31, 3). Người ngôn sứ cũng là người được Chúa xót thương.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây