TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng… đừng ngăn cản!

Thứ sáu - 24/09/2021 06:07 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1011
Đức Giê-su tuyên bố, rằng: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Đừng… đừng ngăn cản!

Chúa Nhật XXVI – TN – B

Đừng… đừng ngăn cản!

Không gì khó chịu cho bằng, khi thấy một ai đó thành công hơn ta. Không gì bực bội cho bằng, khi thấy một ai đó không thuộc phe ta, nhưng lại đạt thành tích tốt hơn những gì phe ta đã làm.

Vâng, giản dị thôi. Giản dị là bởi, lòng đố kỵ và sự ganh tỵ chính là tác nhân làm ta “khó chịu và bực bội”.

Đề cập đến lòng đố kỵ và sự ganh tỵ, có thể nói rằng: nó chính là căn bệnh trầm kha suốt chiều dài lịch sử con người. Honoré de Balzac có lời nhận xét: “Người có tính ganh tỵ, khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào”.

Đúng. Chẳng có gì khổ sở hơn, khi hồn ta lúc nào cũng chất chứa lòng đố kỵ, sự ganh tỵ. Sự kiện này, nếu cứ kéo dài ngày này qua tháng nọ, sẽ tới lúc, ta cô lập cuộc sống của mình. Ta xa lánh mọi người, ta luẩn quẩn với uất ức và căm giận, để rồi tận cõi lòng ta, ta: “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt. Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua”. Vậy đó!

Biết là “vậy đó!”, vậy mà không hiểu sao, không thiếu những người vẫn thích “gặm một khối căm hờn”, gặm cho tới chết…

Đây, chuyện xưa thì có Bàng Quyên và Tôn Tẫn. Hai người cùng học môn binh pháp với thầy Quỷ Cốc Tử.

Sau khi học xong, Bàng Quyên vì ham công danh phú quý nên xin Quỷ Cốc tiên sinh xuống núi trước, để tìm công danh. Bàng Quyên được toại nguyện, được làm quan nước Ngụy. Tuy nhiên, Bàng Quyên tự cho mình không giỏi bằng Tôn Tẫn, con cháu của vị tướng nổi tiếng Tôn Vũ. Ông ta tìm cách triệt bạn học. Bàng Quyên lập mưu, cho người mời Tôn Tẫn đến nước Ngụy, rồi vu tội khiến cho Tôn Tẫn bị phạt, phạt chặt xương hai đầu gối và bị thích lên mặt. Với hình phạt đó, Tôn Tẫn phải giấu mình không thể ra làm tướng. Cái tên Tẫn (臏, hình phạt chặt xương đầu gối) của Tôn, chính là do từ sự kiện này”. (nguồn: Wikipedia).

Bàng Quyên đã thành công trong việc hại Tôn Tẫn. Thế nhưng, với “ngày tháng dần qua”, Tôn Tẫn được trọng dụng ở nước Tề. Và, xui khiến thay, hai người lại là đối thủ của nhau. Trong trận Mã Lăng, Bàng Quyên lọt vào mẹo “giảm bếp” của Tôn Tẫn, thế là y chết dưới hàng trăm mũi tên “căm hờn” của quân Tôn Tẫn.

Và đây, thêm một nhân vật trong lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc. Đại tướng nhà Ngô là Chu Du, vì ghen tỵ và đố kỵ Gia Cát Lượng, quân sư của nhà Thục, tài trí hơn mình. Chu Du “căm hờn” tìm mọi cách lừa Khổng Minh để giết ông ta, nhưng không được, cuối cùng uất hận vì thua mưu lược của Khổng Minh, Chu Du xuất huyết mà chết.

Lòng đố kỵ và sự ghen tỵ, thật ra, có từ thời tạo thiên lập địa. Chuyện Ca-in và A-ben là minh chứng. Chuyện kể rằng: Ca-in tức giận vì Đức Chúa Trời chấp nhận lễ vật của A-ben, nhưng lại không đoái hoài lễ vật của ông. Thế là, lòng đố kỵ và sự ghen tỵ của ông bộc phát, ông không thể kiềm chế, và rồi ông lừa A-ben ra đồng vắng, giết em mình (St 4, 4-8).

Cái “kết” của lòng đố kỵ và ganh tỵ thường là thế đó… là “sự chết”.

Có người đã ví, đố kỵ và ganh tỵ là “quái vật mắt xanh”. Mà, đúng là vậy. Cái “quái” của quái vật này ở chỗ, nó luôn chọn đúng thời điểm để khơi dậy lòng đố kỵ và ganh tỵ, nơi con người.

Nhóm Mười Hai môn đệ của Đức Giê-su cũng hơn một lần là nạn nhân của quái-vật-mắt-xanh. Tuy nhiên, điều may mắn là, Đức Giê-su chưa bao giờ để con “quái vật” này dẫn các môn đệ của mình đi đến điều tồi tệ nhất mà Cain đã làm, khi xưa.

Là người đã tuyên bố: “Vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, Đức Giê-su luôn đưa ra những lời giáo huấn kịp thời, khi thấy các môn đệ của mình bộc phát lòng đố kỵ, sự ganh tỵ, hay tinh thần phe phái. Những lời giáo huấn này được ghi lại rất rõ ràng trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Chuyện được thánh Mác-cô ghi như sau: hôm đó, ông Gio-an, là một người trong số Nhóm Mười Hai, đến với Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản...”.

Nghe qua, và nghĩ, theo cách nghĩ của đời thường, lời ông Gio-an nói với Đức Giê-su, hợp lẽ tự nhiên. Tự nhiên, vì đó là việc làm cần thiết, cần thiết để bảo vệ sự “chính thống” trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Tuy nhiên, nếu nghe tiếp vế sau lời ông Gio-an nói: “vì người ấy không theo chúng ta”, thì có vẻ như “người con của sấm sét” có một chút gì đó “đố kỵ” nếu không muốn nói thêm là “ganh tỵ”.

Vâng, không đố kỵ, ganh tỵ sao được! Đấy! mới mấy hôm trước thôi, có một “…Cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra”, người ta đã “nói với các môn đệ (của Đức Giê-su), để các ông trừ quỷ, nhưng các ông không làm nổi” (x.Mc 9, 17-18). Thế đấy! Xấu hổ chưa!

Xấu hổ, chắc thế! Thế nên, để vớt vát nỗi xấu hổ của đồng môn, hôm đó, khi thấy có người trừ được quỷ, ông Gio-an “hạ quyết tâm”, cố ngăn cản.

Nghe xong lời tường trình của ông Gio-an, Đức Giê-su đã phản ứng ra sao! Phải chăng, Ngài cho phép ông Gio-an “khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy” mấy nhà-trừ-quỷ đó!

Thưa, không phải thế. Rất hòa nhã, hôm ấy, Ngài đã bảo: “Đừng ngăn cản người ta”. Không cần biết những người ấy thuộc “giáo phái” nào, và cũng không quan tâm rằng, những người ấy “có theo chúng ta không!”, Đức Giê-su giải thích cho các môn đệ, rằng: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”.

Vâng, rất hợp lý. Các môn đệ được Đức Giê-su ban cho quyền trừ quỷ, những người ấy “lấy danh Ngài” cũng chỉ là để trừ quỷ, “cùng chung chí hướng”, sao gọi họ là người “chống lại chúng ta”, nhỉ! Cuối cùng, Đức Giê-su tuyên bố, rằng: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
***
Qua lời tuyên bố (nêu trên) của Đức Giê-su, chúng ta có thể hiểu rằng, Ngài muốn gửi đến cho các môn đệ (và cũng là cho chúng ta hôm nay) một thông điệp, thông điệp rằng: đừng để lòng đố kỵ, sự ghen tỵ chế ngự mình, vì nó chính là tác nhân cản trở công việc của Thiên Chúa.

Đừng ngăn cản người ta. Nếu có “cản” hãy cản lòng đố kỵ và sự ganh tỵ của mình. Đừng làm “giảm giá trị những chiến thắng tâm linh của người khác” và hãy “thành thực đối chất những thất bại của chính mình.” MS Henry & Richard Blackaby, trong tác phẩm “Kinh Nghiệm Chúa Từng Ngày”, cho chúng ta lời khuyên như thế.

Vâng, “Hãy vui với kẻ vui” thánh Phao-lô đã chẳng từng nói như thế, đó sao! (x.Rm 12, 15). Vậy thì, cớ gì không vui, khi có người lấy danh Chúa và đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho xã hội, cho Giáo Hội!

Thế nên, hãy vui và đừng ngăn cản người ta, khi “người ta” dù đã lập gia đình, nhưng nay được lãnh nhận chức “phó tế vĩnh viễn”. (chuyện này thường xảy ra ở ngoại quốc, mong rằng tương lai Việt Nam cũng được như vậy).

Hãy vui và đừng ngăn cản người ta, dù “người ta” (chỉ là một giáo dân bình thường), nhưng được phép mang Mình Thánh Chúa, cho kẻ liệt.

Thật đáng hổ thẹn, khi hôm nay, một ít người không vui và muốn ngăn cản phái nữ đọc Sách Thánh trong Phụng Vụ Lời Chúa.

Hãy vui và đừng-ngăn-cản-người-ta, bởi, như lời Lm. Charles E. Miller chia sẻ, thì: “Do nhu cầu, một ánh sáng không ngừng tỏa xuống Giáo Hội, rực rỡ hơn nhiều so với loại (ánh sáng) mà Thomas Edison đã phát minh. Đây là ánh sáng Thần Khí chiếu rọi lên sự thật để Giáo Hội nhìn thấy tường tận hơn…”

Rồi, ngài linh mục kết luận: “Thay vì cau có (đố kỵ, ghen tỵ) với các chức vụ mới trong phụng vụ, chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa và cầu xin Ngài tiếp tục đổ tràn Thần Khí của Ngài trên Giáo Hội”.

Và trên cả chúng ta nữa.

****
“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Đức Giê-su đã nói như thế. Vâng, đó là niềm vui. Thế nhưng, thật đáng buồn, đáng buồn khi những người ủng-hộ-chúng-ta, nhưng lại chống-lại-chúng-ta.

Điều đáng buồn đó là, buồn những người “lấy danh Thầy” nhưng lại “làm cớ cho người khác sa ngã”. Điều đáng buồn đó là, buồn những người “đã theo Chúa” nhưng lại làm cớ “cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã”.

Có như vậy không? Thưa, có. Có nhiều, kể ra “mắc cỡ”! Vâng, rất mắc cỡ, khi đã có người, (Công Giáo chính hiệu con nai vàng nha!) vừa mới một tay đặt lên Kinh Thánh tuyên thệ nhận chức Tổng Thống, chỉ vài ngày sau, tay kia không ngại ngùng đặt bút ký ban hành sắc lệnh về “chăm sóc sức khỏe và bãi bỏ lệnh cấm tài trợ phá thai”.

Vậy là thế nào nhỉ!

Đức tổng giám mục Joseph Naumann của Kansas City bang Kansas, Chủ tịch Ủy ban ủng hộ sự sống của Hội đồng giám mục Hoa Kỳ, phản ứng: “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi tổng thống loại bỏ việc phá thai và thúc đẩy việc hỗ trợ bảo vệ sự sống cho phụ nữ và các cộng đồng nghèo.”

Rồi, ngài Naumann nhấn mạnh giáo huấn của Giáo hội về phá thai: “Từ thế kỷ thứ nhất, Giáo Hội đã khẳng định sự ác về luân lý của mọi trường hợp phá thai cố tình. Giáo huấn này không thay đổi và không thể thay đổi.” (nguồn: CNA 22/01/2021).

Phá thai là “sự ác về luân lý", nhớ nha.

Đức Giê-su nói gì? Thưa, Ngài truyền dạy: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt”. (x.Mc 9, 43).

Chưa… còn nữa. Ngài còn nói: “Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…”. Và cuối cùng: “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi…”

Và rồi, Ngài kết luận: “Thà cụt một chân… thà chột mắt… mà được vào cõi sống… mà được vào Nước Thiên Chúa, còn hơn có đủ hai tay, có đủ hai chân, có đủ hai mắt, mà phải sa hỏa ngục, mà bị ném vào hỏa ngục”.

Nghe Đức Giê-su nói thế, mấy vị chống “đạo Da-Tô” khoái lắm. Họ nói ông “Rê-Xu” khoe mình “hiền lành”, thế mà lại ra luật gì ghê quá! Láo to!

Thưa mấy bố! Con lạy mấy bố… “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Nghe này! Phải… phải hiểu những lời nói của Đức Giêsu là nói theo ngôn ngữ “Semit”, lối nói “nhấn mạnh”. Hiểu chưa!

Thuật ngữ ngữ tộc Semit được sử dụng đầu tiên bởi các học giả của Trường Lịch sử Göttingen vào thập niên 1780, xuất phát từ cái tên Shem, một trong ba con trai của Noah, trong Sách Sáng Thế” (nguồn: Wikipedia).

Phải hiểu như thế, nếu không, lịch sử Giáo Hội với hơn hai ngàn năm, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người, có thể có cả chúng ta, cụt tay, cụt chân hoặc mù mắt.

“Những lời Đức Giê-su (nói), không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa như là những lời của Người gợi ra, nghĩa là đoạn tuyệt với sự dữ dưới mọi hình thức, mà vẫn không khuôn theo một cách vật chất.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc đã có lời chia sẻ như thế, trên facebook mang tên “Ra Khơi Cùng Đức Ki-tô”.
Bây giờ, chúng ta trở lại lời truyền dạy của Đức Giê-su. Phải hiểu thế này, nếu tay “trái” anh lỡ sa ngã, phạm tội, hãy dùng tay “phải” của anh đấm ngực ăn năn, hơn là thụ động chặt nó đi.

Cũng vậy, nếu chân “trái” anh lỡ bước tới những nơi có nguy cơ làm cho anh sa ngã, phạm tội, hãy dùng chân “phải” của anh như bộ phận “cài số de” để lui ra những nơi chốn đó, hơn là chặt nó đi.

Còn đôi mắt thì sao, nhỉ! Thưa, khi bàn tay biết đấm ngực ăn năn, tay chúng ta sẽ “stop” ngay trước những trang web đen hay những trang sách báo khiêu dâm. Nếu chúng ta biết “quay đầu là bờ”, chân chúng ta sẽ không tiếp tục bước tới những vũ trường, những quán bia với những em chân dài lẳng lơ. Kết quả là, đôi mắt chúng ta không phải nhìn thấy những điều dẫn tới sự sa ngã, phạm tội.

Một cách tích cực hơn, để không xảy ra chuyện “đã rồi”, đừng ngại gì mà không cắt, không chặt.

Đừng ngại“cắt đi” những tật xấu, đại loại như: nóng giận, tranh chấp, bè phái, v.v… là những tật xấu có hại cho cộng đoàn.

Đừng ngại gì mà không “chặt đi” những thói xấu, đại loại như: đố kỵ, ganh tỵ, v.v… là những thói xấu dễ làm tổn thương kẻ khác, và nhất là có thể làm cho “Danh Cha ‘không còn’ cả sáng”, nữa.

Kiểm soát vẹn toàn những hành vi trên cơ thể của mình, đó chính là lúc chúng ta đủ khả năng “trừ được quỷ”, những con quỷ: “quỷ phóng đãng, quỷ dâm ô”, v.v… là những loại quỷ chỉ dẫn chúng ta đến “hỏa ngục… lửa không hề tắt”.

Cuối cùng, khi chúng ta biết “cắt đi” hay “chặt bỏ” những thói hư tật xấu nêu trên, thứ nhất: chúng ta sẽ không nằm trong số những kẻ bị “buộc cối đá lớn vào cổ, mà ném xuống biển còn hơn”.

Có một đời sống đức tin như thế, có cần phải “cố ngăn cản” một ai đó “lấy danh Chúa” để làm cho “Danh Cha cả sáng, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, không?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nghe Saint Exupéry nói: ‘Điều cốt yếu thì mắt không thấy được. Nhìn bằng tâm hồn thì người ta mới thấy rõ’. Quả… quả đúng là một lời đem đến cho chúng ta nguồn cảm hứng để đón nhận lời Đức Giê-su, đã truyền dạy: “Đừng ngăn cản người ta”. Vâng, đừng… đừng ngăn cản.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây