TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bình thường mới

Thứ bảy - 25/09/2021 04:00 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Vũ Văn Hài |   759
Mệt mỏi sau những “trận chiến” “chống dịch như chống giặc” để “dập dịch” với rất nhiều thứ “vũ khí”…
Bình thường mới

BÌNH THƯỜNG MỚI

WHĐ (25.9.2021) - Mệt mỏi sau những “trận chiến” “chống dịch như chống giặc” để “dập dịch” với rất nhiều thứ “vũ khí”… Thế mà “tên giặc” này nó cứ lí lắc - lì lợm - lạnh lùng - lây lan! Cho nên, người ta bắt đầu phải nói đến cụm từ “sống chung với dịch!”, phải bắt đầu cuộc sống “bình thường mới” và coi đây là mục tiêu cần đạt tới, vì biết chắc khó có thể “quét sạch nó đi” được!

1. Bình thường mới có gì “mới”?

Chỉ cần lướt qua các trang báo chính thống, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những bài viết, những nhận định về tình trạng xã hội “bình thường mới” mà nhiều người đang mong chờ hiện nay.

Lẽ dĩ nhiên “bình thường mới” không phải là “bình thường cũ”. Chúng ta có thể tóm tắt tình trạng này trong một số điểm “mới” sau đây:

- Ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng: Hơn lúc nào hết, sự liên đới trong cộng đồng nhân loại lại cần được mỗi cá nhân quan tâm thực hiện như thời điểm hiện nay. 

- Khả năng “tự lực cánh sinh”: Dịch bệnh không chừa một ai, “không có vùng cấm” nào cả. Ai cũng có thể là “F0” và ai cũng phải đối diện với nguy cơ nghèo đói và bệnh tật. Vì thế cần phải biết tự bảo vệ mình, tự chăm sóc cho mình… phải biết vượt qua thái độ ỷ lại, dựa dẫm!


- Tập những kỹ năng cần thiết: tập thói quen tuân thủ 5K, sống lành mạnh, quý trọng môi trường sinh thái và bầu khí quyển, siêng vệ sinh nhà cửa, năng tập thể dục, sắp xếp không gian nhà cửa cho thoáng mát tiện ích…

- Có khả năng thích ứng với thay đổi trong xã hội: thanh toán điện tử, chuyển khoản bằng nhiều hình thức khác nhau (trả thẻ, e-banking, ví điện tử…) thay vì chỉ sử dụng tiền mặt, học hành - trao đổi - làm việc trực tuyến…

- Trở về với mái ấm gia đình: ý thức tình thân và sự liên đới trong gia đình được chú trọng trở lại. Nhiều người có nhiều thời gian sống và chăm sóc nhau trong một mái nhà. Nhiều người cảm nhận và trân quý tương quan yêu thương gắn kết giữa các thành viên trong một gia đình.

Thực ra những điều vừa được nói tới trên đây chẳng hề “mới”, nhưng vì chúng đã bị “quên” do sự tự cao tự đại của con người, nên thiếu khả năng sử dụng “những cái cũ, mới trong kho mình” (Mt 13,52).

2. Bình thường mới có “bình thường”?

Chúng ta có thể nhận định ngay rằng: “bình thường mới” chẳng “bình thường” tí nào. Bởi vì:

- Dù cho không có con số thống kê đầy đủ, nhưng có thể khẳng định rằng có rất nhiều người lao động phải thất nghiệp và lâm vào cảnh đói nghèo! Bằng chứng là chỉ trong vòng 2 tháng, Giáo xứ Rạch Súc đã phân phối 41.063 phần cơm trưa, trên 11 tấn gạo, 600 thùng mì, 500 túi nhu yếu phẩm… cho người nghèo trong địa bàn thành phố Cần Thơ. Mà chúng ta biết: ngoài Giáo xứ Rạch Súc, còn có nhiều mạnh thường quân, nhiều cơ sở tôn giáo, nhiều hội đoàn cũng làm những điều tương tự.


- Hệ thống y tế quá tải vì phải dồn tổng lực điều trị những bệnh nhân covid, khiến cho nhiều người mang những bệnh lý khác như tim mạch, ung thư, gan thận… không được chữa trị kịp thời, đầy đủ và hiệu quả. Tâm lý chung của người dân là sợ đến bệnh viện trong thời điểm hiện tại vì sợ lây nhiễm, nên có những trường hợp đã tử vong vì không được cấp cứu kịp thời.

- Tình trạng “stress” gia tăng do thiếu cơm ăn, mất việc làm, ngột ngạt tù túng vì không được ra ngoài, không được làm việc, không có những sinh hoạt giải trí… Trong khi đó, trên truyền thông đa phần là những tin xấu, tin buồn, tin giả, tin tiêu cực… mà rất thiếu những tin tốt, tin vui, tin thật, tin truyền năng lượng tích cực.

Như vậy, xã hội loài người đang đầy những “bất thường” chứ chẳng “bình thường” tí nào, và nếu không khéo, chúng ta sẽ rơi vào vòng xoáy của “bất ổn - bất minh - bất hoà - bất an”! Và nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo nữa.

3. Sống Đạo trong tình trạng “bình thường mới”

Đã rõ là đời sống đạo của người Công giáo cũng như nhưng tín đồ của các tôn giáo khác đang rơi vào trạng thái chẳng bình thường chút nào. Đã có rất nhiều những suy tư, những cảm nghiệm, những kinh nghiệm… qua việc đọc dấu chỉ của thời đại dưới ánh sáng Lời Chúa.

 

Ở đây, người viết chỉ xin mạo muội đưa ra một vài thao thức và gợi ý mang tính cách cá nhân, với mong ước mọi thành phần Kitô hữu không chỉ ngồi đó “thở vắn than dài”, “được chăng hay chớ”, cũng không chỉ nói suông… mà phải cùng nhau bàn và cùng nhau làm trong bổn phận và khả năng Chúa trao, để không bỏ lỡ phút sống nào mà Chúa đang thương tặng ban. 

- Với cá nhân: ý thức cuộc đời mỏng manh và hư ảo để thành tâm sám hối quay về; vượt qua lối sống ảo để liên đới sẻ chia với tha nhân bên cạnh mình; loại trừ lòng tham lam ích kỷ để quan tâm giúp đỡ những anh chị em thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần; giải phóng khỏi sự nô lệ vào tiến bộ khoa học kỹ thuật để biết khiêm nhu tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa; thoát khỏi những thú vui phù phiếm để dành nhiều thời gian cho cầu nguyện, suy niệm, tĩnh tâm.

 

- Với gia đình: biết buông điện thoại xuống để cùng nhau đọc kinh hôm kinh mai trong gia đình; chia sẻ cho nhau những công việc cụ thể trong một mái nhà; dành nhiều thời gian để cùng ăn, cùng trò chuyện, cùng học hỏi Lời Chúa; gợi ý khích lệ nhau hướng ánh mắt để thấy những mảnh đời khốn khó và mở đôi tai để nghe được những âm thanh yếu ớt của anh chị em nghèo đói quanh mình; nhất là cùng nhau hun đúc lòng khao khát đón rước Thánh Thể qua những Thánh lễ trực tuyến cách nghiêm trang sốt sắng. 

- Với giáo xứ: vượt qua những trở ngại ngăn cản không chỉ bên ngoài xã hội mà ngay trong tâm hồn để “sống Thánh lễ” trong đời thường, nghĩa là chấp nhận hy sinh và hiến tế chính mình vì tha nhân; vượt qua những định kiến và óc hẹp hòi cổ hủ để tin tưởng giao việc, để khích lệ và bổ trợ những sáng kiến trong việc thực thi bác ái đối với anh chị em đồng loại; vượt qua ranh giới “đạo - đời”, “lương - giáo”… để có thể đồng hành, hợp tác trong hành trình trao gởi yêu thương cho những anh chị em đau khổ xung quanh mình; vượt qua lối mòn chờ đợi và “lục bình trôi” để học hỏi và ứng dụng công nghệ trong việc loan báo Tin Mừng và tương tác với giáo dân.


- Một cách đặc biệt, với các mục tử đang chăm sóc đoàn chiên nơi các Giáo xứ: Chúng ta có cơ sở để tin rằng Quý Cha luôn thao thức, luôn trăn trở và có nhiều sáng kiến thật thiết thực và hiệu quả. Để thời gian rất khác biệt này, không chỉ là cơ hội để anh em chúng ta “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31), mà còn là sẵn sàng đáp lại sự đòi buộc khẩn thiết của Chúa Giêsu: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Vâng, lời khuyên “nghỉ ngơi” thì chỉ “đôi chút” thôi. Còn mệnh lệnh “cho họ ăn” lại thật dứt khoát: “chính anh em”!!!

Chúng ta có thể nhìn và nghe thấy những sáng kiến tuyệt vời: những chuyến xe nhu yếu phẩm đong đầy yêu thương của Đức Cha và Quý Cha; những lần “dốc hết tình” cho anh chị em nghèo; những liên đới hỗ trợ tìm đến mọi ngõ ngách để tiếp cận được những anh chị em đang thiếu thốn nhất; những sáng kiến mục vụ chỉ có trong thời đại dịch: thăm viếng online, tư vấn về niềm tin lẫn tâm lý online, dạy giáo lý online, dọn mình chết lành online


Dẫu cho đã có nhiều sáng kiến, đã có nhiều ứng dụng mang lại nhiều hiệu quả, nhưng ước gì những điển hình ấy được nhân rộng, được lan toả, được kết nối… chắc chắn tính hiệu quả và giá trị sẽ được nhân lên. Ví dụ như chúng ta sẽ có những “Cuộc họp online” để nhận định và đưa ra những thực hành mục vụ trong tình trạng “bình thường mới”; chúng ta liên đới với nhau để có thêm các “Thánh lễ trực tuyến” dành cho các Giới; có các Sinh hoạt online cho các Hội đoàn; có chương trình Giáo lý online cho các độ tuổi, nhất là chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình; có các chương trình Lần Chuỗi Lòng Thương Xót online, Chầu Thánh Thể online, Giờ kinh gia đình online…

Để “bình thường mới” không là “bất thường”“tầm thường” thì cần phải nhanh chóng “thích nghi”“thích ứng” trong công tác Mục vụ sao cho “thích hợp” với những điều mới mẻ mang tính tích cực lẫn tiêu cực do đại dịch đem lại. Điều này đòi chúng ta phải “một tay nắm lấy tay Chúa và một tay vươn tới con người”! Vâng, chỉ trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể có những sáng kiến Mục vụ phù hợp với hoàn cảnh mới, và chỉ trong ân sủng của Người chúng ta mới có đủ sức mạnh và can đảm để ứng dụng trong bối cảnh hiện nay hầu đem lại lợi ích hồn xác cho tha nhân. Và như thế, tình trạng “bình thường mới” sẽ thực sự trở thành cơ hội để chúng ta “làm mới” cái “bình thường” bằng chính những điều “phi thường” nhờ những trái tim biết yêu thương!

Lm. Phêrô Vũ Văn Hài
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây