TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tranh Nhau Làm Đầy Tớ

Thứ bảy - 18/09/2021 00:11 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   821
“Ai muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. (x.Mc 9,29-36).
Tranh Nhau Làm Đầy Tớ

Tranh Nhau Làm Đầy Tớ


“Thà làm đầu con tôm còn hơn làm đuôi con rồng”. Làm đầu thiên hạ là chước cám dỗ muôn thuở của kiếp người. Được làm đầu một tập thể lớn hay bé, ngoài xã hội hay trong các tập thể tôn giáo là niềm vinh dự khó cưỡng với nhiều người. Đi kèm với chức quyền thì thường có đó nhiều lợi lộc. Ba năm đi theo Thầy chí thánh, các tông đồ dù có đó chí hướng “giải phóng dân tộc” nhưng vẫn có luôn tham muốn công danh, địa vị. Tin Mừng tường thuật một chủ đề thường xuyên gây tranh cãi giữa các vị đó là ai sẽ làm quan đầu triều khi Thầy khải hoàn lên ngôi cao.

Lòng tham nhiều khi làm mờ tối sự nhận thức của chúng ta. Tham quá thì hoa mắt và mờ trí vốn là chuyện thường tình. Khi Chúa Giêsu dạy bảo: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết thì ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” thì các tông đồ không hiểu lời đó. Làm sao hiểu được khi lòng trí các ngài vẫn ắp đầy sự tham quyền. Và rồi sau khi cho các ngài biết mình thừa biết dọc đường các ông tranh luận với nhau xem ai sẽ là quan đầu triều thì Chúa Giêsu đã dạy: “Ai muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Chắc chắn lúc bấy giờ các tông đồ cũng chẳng thể hiểu rõ ý nghĩa của việc làm đầy tớ. (x.Mc 9,29-36).

Quý vị trong Chính quyền các cấp ngoài xã hội đều khẳng định Chính quyền là đầy tớ nhân dân. Các vị mục tử trong các tôn giáo, cụ thể trong giáo hội Công giáo đều nói mình là người phục vụ tín hữu, phục vụ đàn chiên. Thế nhưng để hiểu và sống ý nghĩa của vai vị người đầy tớ, người phục vụ thì xem ra không mấy dễ mà nhiều khi còn trái lại. Người đầy tớ, người phục vụ theo nguyên nghĩa chính là người nô lệ. Hiểu rõ điều này thì các mục tử, các vị nắm Chính quyền sẽ ý thức công việc phục vụ người dân, hầu hạ đoàn tín hữu là việc phải làm vì đó vừa là lẽ sống vừa là sự sống của mình. Không làm hoặc làm khuất tất thì sẽ khốn khổ và có khi là vong mạng.

Vì sao vẫn có đó tình trạng tranh nhau làm đầy tớ? Chắc hẳn câu trả lời là từ hiện thực cuộc sống. Khi được đặt làm đầu thì người ta dễ quên mất ý nghĩa của việc phục vụ của người đầy tớ, người nô lệ mà trái lại vì được cung kính và tuân phục nhiều mặt nên dần dà trở thành người được phục vụ và bắt tha nhân hầu hạ mình, hành xử kiểu cha chú hống hách. Bên cạnh đó thì chuyện “huyện bênh huyện, phủ bênh phủ” là chuyện xưa nay không hiếm. Nếu lỡ lầm hay lỗi phạm điều gì đó thì chuyện “dân xử nhặt, quan xử tình” vẫn hiển nhiên trước mắt chúng ta. Và đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh quan liêu ngoài xã hội và tình trạng giáo sĩ trị trong giáo hội.

Thiết nghĩa rằng bên cạnh việc chọn lựa, đào tạo lương tri, khả năng và lòng đạo đức cho những người đứng đầu thì cần có các thể chế, luật lệ chế tài nghiêm nhặt. Cùng một lỗi mà người có chức vị thì chịu trách nhiệm nhiều hơn, bị chế tài nặng hơn thì có lẽ sẽ phần nào đó giúp họ tránh tình trạng làm biến dạng vai vị người lãnh đạo. Trong giáo hội Công giáo gần đây Tòa Thánh đã nỗ lực cải tổ, sửa đổi một vài luật lệ và cũng đã có một vài trường hợp chế tài nghiêm khắc với cả những bậc vị vọng, quyền cao, chức lớn.

Nếu hiểu đúng làm đầy tớ là gì thì việc có nhiều người tranh nhau làm đầy tớ không đáng lo mà thực đáng mừng thay. Tuy nhiên để đầy tớ sống và hoạt động cho ra đầy tớ thì những người chủ (nhân dân, đoàn tín hữu) tiên vàn phải biết và phải nắm cho đủ đầy thực quyền làm chủ của mình.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây