TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Truyền Giáo, Mẫu Gương Mẹ Maria

Thứ bảy - 22/10/2022 05:32 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1167
Truyền giáo là “xin vâng” sứ vụ lời sai đi, chính Chúa Giêsu đã công bố: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Truyền Giáo, Mẫu Gương Mẹ Maria

Truyền Giáo, Mẫu Gương Mẹ Maria


 
 
Đề tài truyền giáo xem ra rất rộng, nhưng để hiểu một cách cụ thể nào đó, có thể theo gương Đức Maria sống kết hiệp với Chúa trong tiếng “xin vâng” và mang Chúa đến với mọi người qua những việc “viếng thăm”.
Xin vâng
Truyền giáo là “xin vâng” sứ vụ lời sai đi, chính Chúa Giêsu đã công bố: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18 – 19).
“Chúa Thánh Thần rợp bóng” (Lc 1, 35). Sứ vụ của Mẹ Maria được xác nhận bởi Chúa Thánh Thần, đón nhận Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Mẹ Maria là người đón nhận chính Chúa qua việc “xin vâng”, niềm vui xuất phát từ đó, như Mẹ cảm nghiệm: “linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1, 46).
Niềm vui Tin Mừng nhắc cho con người biết rằng: “đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 1).
Con người của truyền giáo là người biết cầu nguyện. Mẹ Maria trở nên tinh tuyền, thánh vẹn bởi Mẹ được Chúa Thánh Thần chuẩn bị để đón nhận chính Chúa. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong mọi thời đại, nơi mỗi con người với những ai sẵn lòng mở ra đón tiếp Ngài. Cầu nguyện là phương thế mở lòng ra, “Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8, 26 - 27).
Niềm vui loan báo.
Chính Chúa là niềm vui của bước chân rảo bước loan Tin Mừng, sách Isaia miêu tả: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị." (Is 52, 7). “Mẹ Maria vội vã lên miền sơn cước” (Lc 1, 39), Thánh Luca muốn trình thuật niềm vui Tin Mừng luôn có sức lan tỏa mãnh liệt. Một sức mạnh ra đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ mà Thánh Phaolô diễn tả: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cor 5, 14).
Niềm vui Tin Mừng chỉ ra rằng: “Lời Thiên Chúa không ngừng chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa thách thức những người tin Chúa phải “đi ra” như thế nào. Abraham nghe tiếng gọi ra đi đến một miền đất mới (x. St 12, 1 - 3). Môsê nghe tiếng Chúa gọi: “Đi đi, Ta sai ngươi” (Xh 3, 10) và ông đã đưa dân tới đất hứa (x. Xh 317). Với Giêrêmia, Thiên Chúa nói: “Ngươi hãy đi đến với tất cả những người mà Ta sai ngươi đến” (Gr 17). Vào thời chúng ta, lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hăy đi thu thập môn đệ” đang vang dội trong những khung cảnh đổi thay và đầy thách thức mới cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, và tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Niềm vui Tin Mừng, số 20).
Với những giới hạn.
“Phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1, 48). Không thể chu tòan bổn phận truyền giáo nếu không học cùng Chúa Giêsu Kitô như Người mời gọi: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11, 29). Hiền hậu bao gồm nhẫn nại với lòng bao dung của Thiên Chúa, sẵn sàng sửa chữa những sai lầm. Đối thoại để tìm ra chân lý, trong sự khiêm nhường để cũng nhận ra mình cần được lòng thương xót của Chúa.
Trong giới hạn của mình, nỗ lực luôn để nên hoàn thiện:  “Một con tim truyền giáo ý thức về những giới hạn này và làm cho mình trở nên “yếu với người yếu... mọi sự cho mọi người” (1Cor 922). Nó không bao giờ đóng kín mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết của mình về Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn.” (Niềm vui Tin Mừng, số 45)
Loan báo Tin Mừng với Đức Maria, mỗi người được mời gọi: Cầu nguyện luôn với tấm lòng rộng mở để Chúa Thánh Thần hoạt động. Giúp cho Chúa Giêsu Kitô được sinh ra trong tâm hồn, là niềm vui được chính Chúa thúc đẩy ra đi loan báo Tin Mừng Cứu độ. Với những giới hạn và khó khăn từ chính mình và với thời đại mình đang sống, luôn nhận thấy: Chúng con cần đến Chúa, và nhờ ơn Chúa trợ giúp.
Xin Mẹ Maria chuyển cầu cho chúng con là những con người được Chúa sai đi, được mang lấy niềm vui mà tiên tri Isaia diễn tả: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng” (Is 52, 7)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây