TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Từ những ngôi nhà nguyện đơn sơ

Thứ bảy - 27/11/2021 22:16 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   1081
Vùng Bù Đăng khi đó chỉ có một ngôi nhà thờ gỗ siêu vẹo, mỗi tháng một lần có linh mục từ Phước Long qua dâng lễ chúa nhật.
Từ những ngôi nhà nguyện đơn sơ

Từ những ngôi nhà nguyện đơn sơ đến ngày hội mừng giáo xứ mới

 

Ngày lễ thánh Giu-se năm 1992, từ cánh đồng truyền giáo Bù Đăng, chúng tôi tiến thẳng lên Quảng Tín, một xã thuộc huyện Đak Rlấp, tỉnh Đak Nông, một đoạn đường không quá 30 cây số, nhưng cũng phải đi mất 2 tiếng đồng hồ.

Vùng Bù Đăng khi đó chỉ có một ngôi nhà thờ gỗ siêu vẹo, mỗi tháng một lần có linh mục từ Phước Long qua dâng lễ chúa nhật. Còn từ Quảng Tín trở lên cho tới Gia Nghĩa, Trường Xuân và cho tới tận Dak-Krung, từ Gia Nghĩa rẽ phải tới Quảng Sơn, Quảng Khê và Dak Blao, cả một vùng rộng lớn mênh mông, núi rừng dày đặc, không có nhà thờ, cũng chẳng có bóng dáng linh mục hay tu sĩ.

Đứng trước tiếng gọi từ số đông các đoàn chiên bơ vơ suốt một thời gian dài, kể từ ngày các cha thừa sai cùng với các nữ tu rời khỏi vùng này, và được Thánh Thần thúc đẩy, chúng tôi lên đường. Trước lúc lên đường, chúng tôi mới chỉ làm quen được bốn năm anh chị em Quảng Tín tại nhà các nữ tu Phao-lô ở Lái Thiêu, thế thôi. Phía trước hoàn toàn mịt mù.

Tuy nhiên, một khi được đặt trên đường, chúng tôi hoàn toàn trao phó cho ân sủng Chúa, buông mình cho bàn tay Chúa dẫn đưa, tin rằng những bước chân phàm trần như thể phiêu lưu, nhưng thực tế chính Chúa là đấng ra lệnh cho chúng tôi lên đường đã dự liệu tất cả.

Tới Quảng Tín trước cặp mắt ngỡ ngàng của bà con. Lạ thật, chẳng biết đường sá cũng chẳng biết tình cảnh bà con vùng này ra sao, vậy mà chúng tôi đã có mặt đúng điểm phải đến là thôn tư, đúng người cần gặp là Bap Nga. Tuy nhiên, đến thăm rồi đi ngay thì không sao chứ muốn ở lại với bà con vào thời điểm này thì khó lòng lắm. Công an hay bí thư xã ở Quảng Tín bấy giờ là người một nhà, nhưng ông chủ tịch xã mới là người có quyền quyết định. Anh công an xã đề nghị cứ công khai mọi chuyện, và chúng tôi đã được Bap Nga dẫn tới gặp chủ tịch xã, và thật ngạc nhiên, ông bằng lòng cho chúng tôi ở lại, dù biết tôi đến đây là để củng cố đời sống đức tin cho bà con, và đồng thời loan báo Tin Mừng cho anh chị em lương dân vùng này.

Từ Quảng Tín, một điểm dừng, chúng tôi có thể đi tiếp lên Đak Nông, trước khi vào Đak Nông có một làng nằm ngay ven đường có thể nghỉ lại qua đêm. Dĩ nhiên, chúng tôi thường vào làng khi hoàng hôn xuống và rời làng lúc mặt trời mới thấp thoáng ngang ngọn cây, đến như người “đi thăm bẫy” thì cần gì phép với tắc. Thực ra đôi khi phép tắc cũng bằng thừa, như có lần đặt chân vào một xã nằm sâu trong rừng, trời đã xế chiều, công an xã đã đồng ý cho ở lại, nhưng đến 9 giờ tối thì cũng chính anh công an xã dẫn hai công an huyện tới mời đi làm việc, thì ra trên huyện đã theo dõi chúng tôi mấy ngày nay rồi.

Tuy nhiên, phép tắc và lệnh truyền trước tiên chính là Chúa. Tin rằng có đi đến đâu cũng không ngoài vòng tay Chúa chở che, vì thế một khi càng lao mình về phía trước, chúng tôi càng thêm xác tín và sống kinh nghiệm Chúa ở với người môn đệ trên đường. Những lúc cảm thấy bước chân mình như thể ngập ngừng, chúng tôi lại nghe văng vẳng bên tai lời Chúa hứa với Phao-lô: “Đừng sợ, cứ nói đi, đừng làm thinh, thầy ở với anh…” Và thế là chúng tôi mạnh dạn bước tới.

Bà con thuộc các thôn Quảng Tín, vào năm 1975, mới có 3 gia đình lãnh nhận bí tích rửa tội, số đông còn lại đã tin theo nhưng rồi không có người chăm sóc, đã quay trở lại con đường cũ, nghĩa là trở về với truyền thống tổ tiên. Mãi tới năm 1988, 3 giáo lý viên là Băp Nga ở thôn tư, Băp Khiêm ở thôn 1 và Băp Ngoan ở thôn năm, cùng kết hợp với Băp Xuân để mời gọi bà con trở về với Chúa, qua tới năm 1992, khi chúng tôi tới thăm thì số bà con trở lại cũng được khoảng 300 người.

Vào giai đoạn này, trong tất cả các buôn làng chưa có điện lưới, nhà cửa cảnh vật còn hoang sơ lắm, buổi tối họp nhau cầu nguyện chỉ có ngọn đèn dầu tù mù. Nơi họp nhau cầu nguyện là nhà của các giáo lý viên nới rộng thêm, ẩn mình giữa mọi nhà và giữa cỏ cây. Hằng đêm, chào đón từng người con bao năm bơ vơ nay qui tụ để cùng cùng cất cao lời kinh khẩn nguyện.

Lời kinh mang hơi thở của những người con của núi rừng, dệt lên một giai điệu có vị đậm đà của đất, mang hương sắc của sông suối và cỏ dại; lời kinh nhẹ nhàng mà tha thiết, len lỏi giữa kẽ lá rừng cây, hòa thành những tiếng nài van, làm rung động cung lòng Thiên Chúa. Quả thật, nơi đây hơn bất cứ đâu, Thiên Chúa thương xót và vui thích ở giữa dân Người.

Sau giờ kinh tối, để mừng lần đầu gặp gỡ, bà con nắm tay nhau ca múa ngay giữa đường đi, vì trong thôn xóm giờ này thì “đường đi là của chúng mình”. Những bà mẹ trẻ một thời ca múa nay có cơ hội biểu diễn, hát vang câu tình ca. Từ bản tình ca của Con Thiên Chúa làm người, đến tiếng reo vui của phận người được gọi làm con Thiên Chúa. Lời ca mượt mà, gói trọn tấm lòng đơn sơ và thắm đẵm ân tình, lập đi lập lại một điệp khúc của con dân Mơ Nông bao năm đắm mình trong Thiên Chúa đất trời:

“Cha của chúng con ơi, chúng con đây là con của Cha, chung câu hát mừng Cha, đã thương yêu ấp ủ chúng con… Hôm nay trong cuộc đời này, và mai ngày trên chốn trời cao, chúng con là con của Cha”.

Cuộc vui kết thúc với bài ca gợi lại một thời khi các cha thừa sai và các nữ tu dòng thánh Phao-lô còn ở giữa bà con. Bài ca vẽ lên bức tranh đầy kỷ niệm được cất lên đêm nay, khi tất cả đang quây quần chung quanh một khuôn mặt mới, một ông bố mang trái tim người cha, và cũng mang tấm lòng của mẹ. Vẫn lời của bài ca năm xưa nhưng hôm nay nghe sao da diết mà lại ngầm chứa tiếng reo vui.

Từ thôn tư qua thăm thôn 1. Nơi đây cũng sẵn ngôi nhà tranh đơn sơ làm nhà cầu nguyện. Băp Khiêm, Băp Zet chung sức chăm sóc đời sống đạo của bà con. Qua thôn 5 có Băp Ngoan cùng với anh Đơi, bà con họp nhau cầu nguyện trong nhà Băp Ngoan. Thôn 2 với thôn 3 thì tập trung cả ở thôn tư, thôn sáu có mấy bệnh nhân phong, nằm ngay cửa ngõ vào xã Quảng Tín. Thôn 7 nằm sâu trong rừng 6 cây số, hai thôn này chúng tôi hẹn lại lần tới.

Như thế, Quảng Tín khi đó đã có được 3 điểm với những người phụ trách tốt lành và và hết lòng vì đạo thánh, giúp bà con vững vàng trong đức tin. Cũng trong thời gian này, Mẹ Hai và các mẹ là các nữ tu dòng thánh Phao-lô đã từng có mặt giữa bà con trước kia, nay đang ở mái ấm Lái Thiêu, mở rộng cửa đón con cái từ khắp nơi đổ về học giáo lý, cùng nhau lắng nghe lời Chúa và cầu nguyện. Nhờ vậy những năm tiếp theo, trong các nhà cầu nguyện của làng đã có giáo lý viên đứng ra dạy giáo lý, đồng thời cử hành phụng vụ lời Chúa hàng tuần.

Theo dòng thời gian, có các linh mục về chăm sóc, 2 ngôi nhà thờ đã được dựng lên tại thôn tư và thôn năm, còn tại thôn 1 gần thôn tư thì vẫn giữ ngôi nhà nguyện cũ, đã được bà con chung tay dựng ngay trên đất của Băp Khiêm. Cũng theo dòng thời gian, tại thôn 1, Băp Zet rồi Băp Khiêm đã được Chúa gọi về, hai con người hiền lành êm ái nhẹ nhàng, sau một chặng đường dài gìn giữ đời sống đức tin của bà con được vẹn toàn, ra đi trong nước mắt thương mến của mọi người. Bù lại, con trai của Băp Khiêm đã đứng lên thế chỗ cho cha. Còn ở thôn năm, suốt hơn 30 năm qua, Băp Ngoan vừa là là giáo lý viên, vừa đóng vai già làng, nhờ ơn Thiên Chúa phù trợ, thôn năm luôn bình an.

Cánh đồng rồi cũng tới ngày đơm hoa kết trái, từ 6 anh chị em sau năm 1975, đến 300 người tin theo vào năm 1992, nay đã trên 2.000 tín hữu. Và ngày mồng 5 tháng 5-2021 vừa qua, Đức Giám mục Giáo phận đã về dâng thánh lễ công bố thành lập giáo xứ Quảng Tín tại nhà thờ thôn tư, gọi tên là Thiên Hoa, còn nhà thờ thôn năm tương lai sẽ là giáo họ.

Tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, đã bước vào cảnh đời của những tấm thân nghèo, làm cho khuôn mặt của con dân Quảng Tín luôn luôn mới mẻ, chứa chan vui mừng và hy vọng.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây