TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Văn là người

Thứ sáu - 15/10/2021 18:03 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   774
Nhân ngày lễ kính nhớ ngài Luca xin mạn bàn đôi nét qua cụm từ “văn là người”.
Văn là người

VĂN LÀ NGƯỜI
(Lễ Thánh sử Luca – 18/10)

Được xem như là tác giả sách Tin Mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ, thánh sử Luca vốn là một lương y. Ngài là một trong những cộng sự viên tháp tùng thánh Phaolô trong các chuyến đi truyền giáo (x.Cl 4,14; 2Tm 4,10; Plm 24). Nhân ngày lễ kính nhớ ngài Luca xin mạn bàn đôi nét qua cụm từ “văn là người”.

Văn là người. Một cụm từ diễn tả hiện thực cảnh nhân sinh. Qua cung cách tiếp xúc ăn nói, nhất là qua các tác phẩm văn chương, nghệ thuật người ta có thể một cách nào đó vẽ được chân dung của tác giả. Không chỉ là nguồn gốc xuất xứ mà cả tính cách, khuynh hướng, những mặt mạnh và mặt hạn chế của tác giả thường được biểu lộ qua các dòng thơ, trang sách, khúc ca, bức họa… của chính họ. Tác phẩm như là một phóng ảnh của chính tác giả. Người sao thì văn vậy. Chính vì thế khi xem văn thì chúng ta có thể biết người. Theo viễn kiến này, qua các trang của Tin Mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ chúng ta cùng vẽ đôi nét về chân dung người được xem là tác giả, thánh sử Luca.

1. Lòng thương cảm với người nghèo, người đau yếu bệnh tật, kẻ cô thế cô thân. Tin Mừng Luca tường thuật khá rõ nét về tấm lòng của Chúa Giêsu dành cho đối tượng kém phận trong xã hội. Ngoài những câu chuyện song song với hai Tin Mừng Matthêu và Maccô chữa lành bệnh tật cho người đau yếu thì thánh sử Luca lại tường thuật thêm các dữ kiện Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót tội nhân, cảm thông với nhiều phụ nữ bất hạnh đồng thời đón nhận sự trợ giúp của họ cho công cuộc loan báo Tin Mừng (x. Lc 8,1-3). Chân dung một lương y như từ mẫu của thánh Luca ghi đậm trong văn phong và trước tác của ngài. Thi sĩ Dante gọi ngài là “tác giả Tin Mừng về tình thương dịu dàng của Thiên Chúa”.

2. Tính hiện sinh, cụ thể: Khi so sánh các đoạn song song giữa Tin Mừng Luca và Matthêu, nhiều nhà nghiên cứu Tin Mừng đồng thuận rằng các bản tường thuật của Luca xem ra sát với hoàn cảnh cụ thể hơn trong khi thánh Matthêu dường như đã công thức hóa lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế. Bản tường thuật về “Các mối phúc thật” và “kinh Lạy Cha” là những đan cử (x.Mt 5,1-12; Lc 6,20-23). Đã là nghề y, nhất là nghề y ngày xưa thì việc tiếp cận lâm sàng bệnh nhân là điều tối quan trọng. Vì sức khỏe và tính mạng người bệnh các lương y không thể hành nghề kiểu phỏng đoán từ xa hay xem mặt qua hình.

3. Truy nguồn, tìm gốc cẩn thận: Nghề y xưa kia, cách riêng Đông y luôn chú tâm đến việc “chữa bệnh chữa tận gốc” và thường chữa cách từ từ, cẩn thận. Nét lương y Luca đã hiện rõ trong trước tác của ngài. Khi tường thuật gia phả Chúa Cứu Thế, không như thánh Matthêu kể từ trên xuống khởi đi từ tổ phụ Abraham, thì thánh Luca lại bắt đầu từ dưới đi lên và dẫn đến nguồn gốc tổ tiên loài người là Ađam, con của Thiên Chúa (x.Mt 1,1-17; Lc 3,23-38). Chính thánh sử cũng đã nói rõ việc truy cứu tận nguồn cách cẩn thận của mình trong việc trước tác Tin Mừng qua những dòng đầu Tin Mừng của ngài: “Thưa ngài Thêôphilô… Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để tặng ngài…” (Lc 1,1-4). Sự cẩn thận này cũng rõ nét trong sách Công vụ Tông đồ khi tường thuật bối cảnh Giáo Hội thời sơ khai, cách riêng hoạt động truyền giáo của thánh Phaolô. Chính nhờ một trong những tính cách tốt của nghề y này mà chúng ta có được những dữ liệu về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đặc biệt nhiều dữ liệu liên quan đến Mẹ Maria.

Xin cám ơn thánh sử Luca đã biết tận dụng nén bạc Thiên Chúa trao ban là khả năng y học của mình để làm sáng Danh Người. Danh Chúa cả sáng không chỉ qua việc ngài đem lại sức khỏe và sự bình an cho nhiều bệnh nhân, mà nhất là ngài đã góp phần làm rực sáng chân dung Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Nhờ cây bút của ngài mà nhân loại thêm xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, nhất là những người bé mọn. Nhờ ngài mà chúng ta cảm nhận rằng tình Chúa dành cho mỗi người thật cụ thể, và riêng có, không ai giống ai. Nhờ ngài đã tường thuật câu chuyện “người trộm lành” giúp chúng ta thêm vững lòng tin vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa để biết giữ vững niềm hy vọng trong mọi cảnh huống của cuộc đời (x.Lc 23,39-43). Có nhiều trường hợp, đối với loài người thì dường như không thể, không thể đạt được hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng đối với Thiên Chúa thì moi sự đều là có thể (x.Lc 18,27).

Mừng kính lễ thánh sử Luca, thiển nghĩ rằng lời tri ân cảm tạ dâng lên thánh sử đẹp lòng ngài là mỗi người chúng ta hãy chuyên chăm khám phá chân dung Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót qua văn phong và ngòi bút của ngài. Và hơn nữa cần biết sử dụng ân ban là nén bạc Thiên Chúa trao ban cho mỗi người để làm vinh danh Thiên Chúa và làm cho Nước Chúa hiển trị hết sức có thể. Văn là người. Nhưng văn cũng góp phần lớn làm nên con người, nên người con cái Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây