VỀ QUÊ
(Thứ Ba sau Chúa Nhật XXIX TN – Lc 12,35-38)
Tôi đã khóc khi xem clip bản nhạc “Về quê con ơi” của nhạc sĩ Quốc Vũ và cũng là người trình bày dựa trên ý bài thơ “Cố lên con” của nhà giáo Nguyễn Khắc Ân. Qua giọng ca không chuyên của một trung niên toát lên nhiều nét rất thật của kiếp người. “Cố lên con, sắp tới quê rồi… chỉ hơn ngàn cây số nữa thôi. Về quê ta tắm sữa mẹ hiền”. Chuyện thật tưởng chừng như bịa trên quê nhà Việt Nam mới đây thôi: Trong một xóm trọ thành phố Sài Gòn, một đêm nọ các “cư dân tỉnh xa”, hầu hết chung kiếp bán sức lao công để nuôi sống mình và người thân quê nhà, đều tất bật dọn dẹp hành lý như cho một kỳ di tản hay lần chuyển nhà trọ.
Cái sự lạ là hầu hết chứ không phải một vài người, một vài gia đình. Lý do là đây: bốn tháng bị “cách ly” vì tình hình dịch bệnh. Khốn khổ tư bề không chỉ vì thất nghiệp, mất thu nhập mà còn vì quá căng thẳng và hoang mang trước nhiều kiểu cách chống dịch vừa thiếu khoa học vừa thiếu tình người. Họ mang mặc cảm bị bỏ rơi vì là thành phần xa lạ. Nay bỗng có tin: Đúng 00 giờ ngày… tháng… năm 2021 thành phố mở chốt cho người dân các tỉnh ngoài được trở về quê nhà. Ngỡ rằng chỉ xóm mình là sẵn sàng và sẽ là nhóm trước tiên ra khỏi thành phố. Ngờ đâu vừa tới chốt chặn thì cả rừng xe honđa đến cả vài ngàn chiếc. Mình đã sẵn sàng, tỉnh thức đến đúng 00 giờ thế mà vẫn là kẻ đi sau.
Quê nhà. Trong cảnh lao đao khốn khó chúng ta mới thấu hiểu quê nhà mới thực là vùng trời bình yên. Dù đói dù no thì luôn có đó những cánh tay, những tấm lòng cảm thông, đỡ nâng, chia sẻ. Một ca từ của nhạc sĩ Trần Tiến nói lên hiện thực này: “Mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình” (Mẹ tôi).
Tin Mừng ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXIX TN tường thuật lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ và chúng ta rằng hãy tỉnh thức và sẵn sàng luôn. Một chi tiết xem ra quá nghịch thường trong dụ ngôn những người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về đó là khi chủ về mà thấy họ đang tỉnh thức thì “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37). Chi tiết lạ thường này là trọng tâm của lời mạc khải. Thiên Chúa luôn đón chờ các tạo vật vốn là hình ảnh của Người trở về để hưởng hạnh phúc vĩnh tồn.
“Sinh ký tử quy”. Sống gửi thác về. Cố nhạc sĩ họ Trịnh đã từng ngân nga: “Cuộc đời là một cõi đi về; Trần gian chỉ là quán trọ”. Kitô hữu tuyên xưng có sự sống đời đời. Trong kiếp lữ hành thì quê hương mỗi người chỉ một. Nhưng Nước Trời (thiên đàng) mới thực là quê hương của mọi người. Thế mà sao chúng ta cứ mãi vấn vương cõi tạm này? Những thiện hảo đời này quả là tốt đẹp và thần dữ đã tinh khôn sử dụng chúng để trói chặt lòng trí chúng ta khiến chúng ta thật khó sẵn sàng tỉnh thức để đón nhận phúc thật thường tồn.
Có những hoàn cảnh xem ra là thiếu may mắn, thậm chí là khốn cùng chẳng hạn lâm cơn bệnh tật nan y lâu dài hoặc sức khỏe dần cạn khi tuổi đời tăng cao. Thế nhưng những hoàn cảnh ấy đã trở thành dịp tốt, vận may cho nhiều người để nghĩ đến quê hương vĩnh hằng để rồi không chỉ tỉnh thức mà còn sẵn sàng nghĩa là chuẩn bị hành trang ra đi, đi về quê thật.
Là Kitô hữu, dưới ánh sáng của lời mạc khải, ước gì chúng ta có được chút xác tín rằng Thiên Chúa là Cha Toàn Năng đang chờ đón chúng ta. Lạy Chúa, con tin nhưng xin củng cố đức tin còn non yếu của chúng con. Thiên Chúa không hề dè sẻn tình thương, ân lộc. Tuy nhiên để có thể đón nhận ân ban thì phải biết gắn bó thiết thân với Người bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện là cách thế củng cố đức tin hữu hiệu (lex orandi, lex credendi: the way we pray leads to the way we believe). “Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng trí của người ở đó” (Mt 6,21). Xin hãy một lần thành thật trả lời: Kho tàng quý giá nhất của tôi ở đâu? Quê hương vĩnh hằng của tôi ở đâu?
Lm. Guse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn