TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vui Lên! (Lc 3, 10-18)

Thứ sáu - 13/12/2024 00:28 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   56
Chúa nhật thứ III Mùa vọng thường được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Lời kêu gọi “Hãy vui lên!” được lặp đi lặp lại trong các bài đọc.

VUI LÊN!
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm C:  Lc 3, 10-18

Lm TN 131224a


Suy niệm

Chúa nhật thứ III Mùa vọng thường được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Đó là niềm vui ơn cứu độ mà chúng ta được lãnh nhận từ Đức Kitô, chứ không từ bất cứ quyền lực nào; đó là niềm vui siêu việt mang tính vĩnh cửu, chứ không phải niềm vui phàm tục chóng qua. Lời kêu gọi “Hãy vui lên!” được lặp đi lặp lại trong các bài đọc. Ngôn sứ Xôphônia kêu gọi “thiếu nữ Sion”, tức là dân Chúa, hãy vui lên vì Thiên Chúa đang ngự đến giữa họ. Thánh Phaolô hô hào: “Vui lên anh em!... Anh em hãy vui trong niềm vui của Chúa”: Gaudete in Domino. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã ban hành Tông huấn “Gaudete et exultate” (Hãy vui mừng và hoan hỉ). Đó là niềm vui nên thánh, niềm vui của những người sống trong Chúa và sống cho mọi người.

Nhưng vui sao được nếu lòng ta vẫn còn xa cách Chúa và tha nhân, vẫn còn đầy những bon chen và rối ren trần tục, vẫn còn những ngổn ngang, bất hòa và tranh chấp, vẫn còn vô tâm trước những tình cảnh khốn khó của người khác. Cần phải thay đổi một lối sống mới, ta mới có thể đón nhận niềm vui ơn cứu độ. Bởi vậy, khi dân chúng đến với Gioan nhận phép rửa sám hối thì họ đã hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Phải làm gì, là điều quan trọng và thực tế nhất đối với ai muốn thực tâm hoán cải. Khi bị ngã ngựa trên đường Đamas, Phaolô cũng đã thân thưa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22, 10).

Gioan đã chỉ cho dân chúng những điều cụ thể là phải chia cơm sẻ áo cho người túng thiếu; tránh mọi thứ tham lam vơ vét; càng không được dùng quyền hành để đè nén hay áp bức người khác, luôn an vui với phận mình, không bị lệ thuộc vào tiền tài vật chất mà đánh mất nhân cách. Thật ra, sám hối theo ý nghĩa của Kinh Thánh, không chỉ ở chiều kích luân lý là bỏ điều dữ làm điều lành như các tôn giáo khác, hoặc cố gắng sống tốt hơn trong việc tuân giữ cac giới răn. Nhưng điều trước tiên và cơ bản là chiều kích thần học: Thiên Chúa mới chính là nền tảng và mục đích của việc sám hối. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót, mà điều chính yếu là sự trở về với Thiên Chúa, nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Ngài, vì ân ban cứu độ là chính Chúa chứ không ở nơi nào khác.

Thế nhưng việc trở về với Thiên Chúa phải được diễn tả qua việc trở về với anh em, đòi ta phải chỉnh đốn lại đời sống mình trong tương quan với tha nhân. Gioan không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề bị dân chúng coi là xấu xa; cũng không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê; càng không đòi họ phải tu tập và sống nhiệm nhặt như ông, nhưng đòi họ sống một tinh thần mới, là tinh thần của con cái Thiên Chúa và anh em với nhau, không còn sống tham lam ích kỷ lo vơ vét cho mình, nhưng lo sống thực thi công bình và bác ái.

Những chỉ dẫn của Gioan vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta hôm nay, đặc biệt là các bạn trẻ đang bước vào đời, đang tìm một định hướng sống và một thái độ sống có ý nghĩa. Chỉ với trái tim yêu thương đi vào đời ta mới làm nên cuộc đời mình. Cũng vậy, chỉ có thể sống trong niềm vui của Thiên Chúa khi ta biết cho đi, biết chia sẻ, biết dâng tặng thời giờ, công sức, tiền của và có khi cả danh giá của mình. Niềm vui của ta không phải là niềm vui của thế gian chạy theo danh lợi, hay thỏa mãn những đam mê trần tục, mà là niềm vui của những người dám bỏ ý riêng mình để sống theo ý Chúa, có khả năng đem lại ích lợi và an vui cho anh chị em xung quanh mình hằng ngày.

Mùa vọng là thời gian ta chờ Chúa đến, nhưng đừng quên chính Chúa đã chờ đợi ta trước khi ta chờ đợi Ngài; Đấng đã hy vọng về ta để ta biết hy vọng vào Ngài. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, cho dù con người có sa ngã và nhiều lần phản bội. Ngài vẫn lớn hơn mọi tội lỗi của chúng ta. Cho dù con người có tệ bạc thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng nhận biết rằng, con người vẫn mang trong mình hình ảnh và sự sống của Thiên Chúa, Đấng luôn gieo hy vọng bằng cách mời gọi con người trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.

Nếu ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa và nếu trái tim ta biết rung động trước tình yêu vô hạn của Ngài, thì ta cũng sẽ trở nên người gieo hy vọng cho người khác. Người gieo hy vọng không thể mang tính cách nào ngoài tính cách của Đức Kitô: là con người xả thân phục vụ và dám hy sinh chính mình vì tha nhân. Đó mới là điều đưa chúng ta tới niềm vui sâu xa, niềm vui bất diệt, vì là niềm vui của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Thú vui ngày hôm nay thật quá nhiều,
đang từng ngày lên tiếng vẫy gọi con,
nhiều bạn trẻ đang chạy theo nô nức,
bản thân con cũng háo hức nôn nao.


Nhưng rồi những niềm vui ở ngoài Chúa,
chỉ làm cho hồn con thêm trống vắng,
và để lại những cay đắng lỡ làng,
hơn nữa càng làm con phải hoang mang.

Để sống một cuộc đời thật bình an,
Con phải gạn lọc lại bản thân mình,
cần tẩy sạch những đam mê phàm tục,
dám vượt khỏi những thú vui phàm hèn,
để giữ cho tâm hồn mình thanh tịnh,
và cái nhìn luôn đơn sơ thanh khiết.

Như thế con mới có thể vui cười:
nụ cười rất trong sáng và hồn nhiên,
nụ cười đầy an bình và hạnh phúc,
vì đời con luôn có Chúa ở cùng,
để con không ngại ngùng mà tiến bước,
giữa gian nan và thử thách trên đường.

Xin cho con cứ khơi sâu nới rộng,
những niềm vui của Chúa ở trong lòng,
lan tỏa đến những người đang khát mong,
để họ tìm lại được niềm vui sống.

Xin cho con sống thân tình với Chúa,
đừng chạy theo những lôi kéo bên ngoài,
đừng đoái hoài đến những cái mau qua,
đừng ham thích những gì là mới lạ.

Nhưng nhận ra Chúa mới là tất cả,
là nguồn vui là ân phúc chan hòa,
con chẳng phải tìm Ngài ở đâu xa,
mà ở trong chính tâm hồn con vậy. Amen.

Lm. Thái Nguyên
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây