Chín chữ cù lao
Nhắc chữ "hiếu" người xưa thường nói tới "Đức cù lao", "Chín chữ cù lao" là do câu "Cửu tự cù lao" có nghĩa là nhắc nhở đến chín điều cha mẹ nuôi nấng gánh chịu vì con: sinh, cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), xúc (cho bú), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (săn sóc dạy bảo), phúc (bảo vệ).
“Chín chữ cù lao”, đã thành một đức mà theo đó người làm con phải giữ: “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha thì được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chuá sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà của con cái bền vững, lời nguyền rủa của mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con.
Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, phải bị Đức Chúa nguyền rủa. (Hc. 3, 1-16).
Đã chẳng phải mẹ đã ru ta bằng những lời ca dao ngọt ngào sao? "Chim xa rừng còn thương nhớ cội. Người xa người tội lắm người ơi". Ta thấm đẫm từng lời ru của mẹ và ta lớn khôn, bay đi khắp phương trời. Đúng như lời nhà thơ Nguyễn Duy viết: "Ta đi trọn kiếp con người. Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru".
Ít có người con nào, đã không được từng ngồi trên vai cha, tay nắm tóc, chân nhún nhảy, miệng cười khanh khách. Sự hy sinh của cha thầm lặng mà sâu. Có ai ngờ đâu, bao nhiêu thứ cha phải hy sinh, dành lại cho con những điều tốt đẹp nhất, mà mãi sau này người con mới hiểu.
Trong Kinh Thi có câu: "Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao" có nghĩa là: thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc. Trong bài thứ năm, dạy học trò ở cho phải đạo, sách Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi có viết: "Chữ rằng 'sinh ngã cù lao”, bể sâu khôn ví, trời cao khôn bì".
"Nhìn được cha là ánh sáng tưng bừng, hương ấm áp của mặt trời mọc. Nhìn được mẹ là trăng vàng dịu ngọt, hiền hoà thay cho trăm cánh thêm sinh".
Đạo hiếu đã thấm sâu vào lòng người Việt Nam. Sâu đến nỗi, việc hệ trọng nào trong gia đình cũng cần có cha có mẹ tham dự quyết định. Còn sống cũng như đã khuất, cha mẹ vẫn là người tham dự vào đời con một cách sâu xa nhất. Những khi buồn rầu hay cả những khi vui mừng, cha mẹ vẫn là những người chia sẻ với con nhiều nhất.
Báo hiếu đâu chỉ dừng lại ở những ngày "thắp đèn trời" kính nhớ, mà việc hiếu đạo còn dạy những người con báo hiếu ngay khi cha mẹ còn sống. Sách người xưa có dạy: "Hồn định thần tỉnh", ta dịch: "tối viếng sớm thăm", những ngày cha mẹ mắt mờ, tay kém, mắt con là mắt cha mẹ, tay con là bàn tay cha mẹ, đỡ nâng các ngài. Chăm sóc cha mẹ miếng ăn, cái uống, như những khi ta còn thơ bé, cha mẹ ta đã chăm chút cho ta thế nào thì ta cũng cố chăm chút cha mẹ như vậy, trong lúc tuổi chiều xế bóng.
Có một lúc trong tuổi già hiu quạnh, cha mẹ không còn đủ sức đi xa hơn bước chân của mình, không đủ sức đuổi con ruồi, con muỗi, bao nhiêu thứ cứ làm buồn lòng mẹ cha, sự hờ hững của dâu của rể, sự tẻ nhạt của con của cái, sự lơ là của cháu của chắt. Cha mẹ chỉ mong được chết sớm, để khỏi phiền lòng con cái. Cái đức hy sinh của cha mẹ còn đi cho hết đời như vậy, những người con cần ở bên cạnh cha mẹ biết bao.
Cũng có những người con, vì lý do tất bật chiều hôm lo kiếm miếng ăn, hay vì một lý do nào đó, đưa cha mẹ vào trong trại dưỡng lão, đối với người Việt, không coi đó là điều đúng với "Hiếu Đạo". Sự đời vẫn có tiếng chê: "Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày", hay "Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày". Thế mới biết báo hiếu đâu chỉ là món quà, đâu chỉ là những cánh thư thăm hỏi, và cũng không chỉ là những ngày thắp nhang kính nhớ. Báo hiếu đó là cả cuộc đời, cả một tấm lòng của người con với cha mẹ. Sống đạo làm con như vậy thật không dễ, không dễ bởi chính cha mẹ cũng cả đời hao mòn vì con cái.
“Chín chữ cù lao” tuy ngắn, nhưng lại cả đời con học và sống “phải đạo làm con”.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan