Đối thoại trong Chúa Thánh Thần.
Ai trong chúng ta đều biết yêu thương. Tình yêu thương được thông truyền qua tình yêu cha mẹ, tình yêu đất nước, tình yêu thương đồng bào. Những mối tình yêu phổ quát như đã được từ ban đầu Chúa Thánh Thần đã thổi hơi vào lỗ mũi con người bụi đất và trở nên sống động. Chúa Thánh Thần nối kết tương quan con người với nhau. "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ." (St 1, 27)
Tình yêu có khi lạc lối khi phủ nhận Thiên Chúa, con người cũng phủ nhận với nhau. ĐỨC CHÚA phán với Ca-in: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó.” (St 4, 6 – 7). Tại sao sa sầm nét mặt, vì chỉ nghĩ đến mình, ích kỷ, không mở lòng ra đối thoại với em mình là Abel. Trốn tránh đối thoại trong tình yêu, như Chúa Thánh Thần mời gọi. Đóng kín lòng mình ra oai với quyền thế trong tay, giết chết Abel ngay khi dâng của lễ.
Chúa Thánh Thần mời gọi đối thoại trong tình yêu như sự rộng mở của tâm hồn. Giáo hội đang mời gọi cùng nhau hiệp hành là cách sống đối thoại trong tình yêu. Qua những khác biệt của nhau nhưng họ gặp gỡ nhau trong Chúa Thánh thần, hiệp nhất trong sự khác biệt, đa dạng và phong phú cuộc sống. Đối thoại mời gọi mỗi người ra khỏi chính mình, gặp gỡ người khác, tiếng nói khác, để đến điểm chung tích cực. Tình yêu cần có đối thoại và không có đối thoại nghĩa là thiếu vắng tình yêu. Chúa Giêsu luôn luôn mời gọi đối thoại để sống tình yêu, như với Nicođêmô, như với người phụ nữ Samaria, như với Phêrô, kể cả với Giuđa Iscariot…
Đối thoại cũng có những khó khăn, khi lòng vẫn ích kỷ nhen nhúm. Khi đối thoại chỉ muốn thắng chứ không chịu thua, muốn chiếm đoạt chứ không muốn hoà bình. Đối thoại trở thành phương tiện để đàn áp người khác, như cách các thượng tế, kinh sư trong phiên toà kết tội Chúa Giêsu.
Để đối thoại trong tình yêu, cần có lòng tôn trọng người khác, lòng biết ơn. Lòng biết ơn là nhân cách của con người khi nhận ra mình “đón nhận nhiều hơn chính mình kiến tạo”. Lòng biết ơn cho con người biết khiêm nhường là cốt lõi của đối thoại. Không kể mình là kẻ trên, kẻ ban phát, kẻ ra lệnh, mới có thể đối thoại. Chúa Giêsu đối thoại trong tình yêu đâu kể mình là Chúa, là thầy: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. (Ga 15,15).
Chúa Thánh Thần dạy chúng ta đối thoại trong tình yêu. Đấng soi rọi nhân tâm, Đấng làm cho con người có thể ngồi lại với nhau để xoa dịu những bất hoà. Đấng làm cho đối thoại trở nên những con người cùng đi với nhau mà không dẵm lên cuộc đời của nhau.
Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta, tuy nói nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn hiểu nhau và hợp nhất với nhau (Cv 2, 1 – 12). Tình yêu là tiếng nói hiệp nhất, ở trong tình yêu Thiên Chúa, mọi người bù đắp cho nhau. Kết quả cho thấy cộng đoàn đối thoại ấy có hoa trái của Chúa Thánh Thần. Vì lợi ích chung mỗi người theo phần của mình đóng góp, mỗi người đều có thể học được khiêm nhường, nhẫn nhịn và đón nhận nhau.
Không phe nhóm, bởi vì tất cả là Chúa ban, Thánh Phaolô khuyên dạy: Khi người này nói: "Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô", và người khác: "Tôi, tôi thuộc về ông Apôlô", thì anh em chẳng là người phàm tục sao? Vậy Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. (1Cor 3, 4 – 6).
Chúa Thánh Thần Đấng nối kết chúng con nên một. Xin xoá bỏ trong chúng con mọi hố sâu ngăn cách, giúp chúng con ngồi lại với nhau và chia sẻ thân tình với nhau.
“Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể.” (1Cor 3, 7)
Lm Giuse Hoàng Kim Toan