Hãy Cho Họ Ăn
Thoái thác hoặc tìm giải pháp dễ dàng, thường là những lựa chọn của nhiều người. Cuộc sống có quá nhiều gánh nặng lo cho bản thân, lo cho gia đình, thời gian, công sức đâu mà lo cho những chuyện bao đồng. Người có quyền, chỉ mong cho qua chuyện, chuyện ai nấy lo, còn dành thời gian để hưởng thụ những gì đã chiếm lĩnh được. Người nghèo thấp cổ bé miệng chỉ biết cố gắng sống để chờ đợi. Chúa lại bảo những người môn đệ theo Chúa lo cho đám đông dân chúng đang đói khát: “Hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16).
Năm con cá, hai chiếc bánh.
“Theo một nghiên cứu của trường Đại học Bắc Kinh được báo chí Trung Quốc loan tải ngày 25/7, trong năm 2012, 1% số hộ giàu tại Trung Quốc kiểm soát tới 30% của cải quốc gia, trong khi đó, 25% số gia đình ở tận cùng xã hội chỉ có được khoảng 1% của cải đất nước”. (Cafef.vn, ngày 27 – 7 – 2014).
Số bánh trong tay chỉ có năm chiếc và hai con cá cho năm ngàn người đàn ông, không tính trẻ em và phụ nữ. Con số quá ít dành cho những người nghèo. Làm sao có thể giảm thiểu khoảng cách hố quá sâu giữa người giàu và người nghèo. Số người giàu từ những nhóm lợi ích, những người giàu lên nhờ khai thác tài nguyên… Số người giàu lên nhờ những quan hệ này không giúp ích gì được cho người nghèo, ngược lại còn lấy của người nghèo và đẩy họ vào tình trạng nghèo nhiều hơn.
Người nghèo không ngừng gia tăng, số bánh cho người nghèo ngày càng ít đi. Một cách tự giải quyết của những người nghèo là tha phương cầu thực, lao động di dân. Những nơi tiếp nhận người di cư nhiều nhất là Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh và Đà Nẵng. Đa phần những người di dân lao động ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Họ thuê những căn phòng ở chung chật chội, thiếu nhiều điều kiện để sinh hoạt, nhiều vấn đề nan giải xảy ra không hướng giải quyết: Hôn nhân, gia đình, công việc, môi sinh, đời sống tinh thần thiếu thốn. Thêm vào đó những vấn đề an ninh: trộm cướp, mại dâm, ma túy, cờ bạc, ăn nhậu… Những người nghèo ở thành thị, bươn trải mọi ngành nghề để bám trụ và mong ước thoát nghèo dường như vô vọng.
Những người nghèo về mặt tinh thần có lẽ còn lớn hơn những người nghèo về vật chất. Họ chỉ được nhồi nhét những gì phù hợp với chủ trương, theo đường lối. Chịu giới hạn trong nhận thức khiếm khuyết, sống đối phó hơn là sáng tạo. Con người thiếu thốn về tinh thần thường mất đi khả năng tự phán đoán, dễ chấp nhận an phận, buông xuôi, đầu hàng trước sự dữ. Những người được cho là khôn khéo, thì thỏa hiệp với cái xấu để tìm chốn an toàn hoặc dựa vào đó để tìm tư lợi.
Hãy cho họ ăn.
Trách nhiệm với một xã hội nhiều khiếm khuyết và thiếu lành mạnh trong đời sống tinh thần thì cần làm gì? Trong Thánh vịnh 11 cũng gợi lên thắc mắc quan trọng: “Kìa quân gian ác đã giương nỏ lắp tên, núp trong bóng tối nhằm bắn người ngay thẳng. Khi nền móng cương thường đổ nát, người công chính còn làm được chuyện gì?” (Tv 11, 2- 3). Câu trả lời từ Chúa Giêsu: “chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16).
Từ năm chiếc bánh và hai con cá, là những gì có rất ít trong đời sống; thế nhưng, nó không ít khi thực hiện cuộc đời cá nhân của mình cách quảng đại.
Thánh Ignatio nói rằng: “không chỉ làm theo bổn phận cách thông thường mà thực hiện với lòng quảng đại đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, trong khi mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người anh chị em chung quanh mình, chính là lúc chúng ta đang trên con đường nên hoàn thiện mỗi ngày”. Cũng thế thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu bày tỏ: “chính khi tôi hy sinh cái riêng, hãm dẹp cái tôi ích kỷ, tôi càng nghiệm thấy tình yêu dành cho Chúa mỗi ngày một nồng thắm”. Thiên Chúa cần tình yêu của con người hơn là những công việc lớn lao; năm chiếc bánh và hai con cá với một tình yêu vô vị lợi hướng về Thiên Chúa thôi, thế là đủ. Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Một tâm hồn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc trong Thiên Chúa, là một tâm hồn biết yêu thương như Chúa yêu, biết cứu giúp người khác như Chúa cứu giúp, biết cho đi như Chúa đã cho nhưng không, và biết phục vụ như Chúa đã phục vụ”. Thánh Augustine nói: “yêu đi rồi làm gì hãy làm”, đó là một tình yêu phát xuất từ Chúa Giêsu, để hoàn tất mọi công việc làm của con người.
Bằng một từ “bánh”, ở đâu cũng có, ít nhiều gì cũng có, Chúa đã biến đổi “Bánh” ấy nên thân thể của Người, con người ăn “Bánh” được sống và sống dồi dào và cho con người no thỏa Đấng là Tình Yêu.
Những vấn đề lớn lao của thế giới của xã hội đang xảy ra, những vấn nạn của những người nghèo, thiếu bánh vật chất, thiếu bánh tinh thần. Mỗi người hãy thực hiện như Chúa dạy: “Hãy cho họ ăn” bằng chính tình yêu của mình dành cho đời sống, dành cho gia đình, dành cho anh chị em chung quanh, dành cho quê hương, đồng bào với tình yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn