TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sửa Lỗi

Thứ năm - 06/05/2021 19:23 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   700
Sua Loi anh em[1]
Sua Loi anh em[1]

Sửa Lỗi

 

Lỗi lầm, là một từ đôi. Có khi có lỗi và lầm đường lạc lối thật sự, có khi chẳng có lỗi mà lại bị hiểu lầm. Lời Chúa nói: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó” (Mt 18, 15). Chúa nói ở đây, mọi người cần sống không chỉ cho mình mà còn sống trách nhiệm với người khác.

Sửa lỗi.

Sửa lỗi là vấn đề cơ bản của con người sinh ra trong trần thế này. Lỗi lầm đôi khi giống như tế bào ung thư, để càng lâu ngày ung thư càng khó chữa trị và chết trong căn bệnh đó. Thế nên, người xưa dạy: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”. Con người sống tương quan với nhau luôn có những vấn đề “chung đụng”. Cái sai của mỗi người ít khi tự nhận ra, vì mỗi người đều chưa kinh nghiệm hết về các mối tương quan, cần ứng xử, cần chuẩn mực và các kỹ năng cần thiết. Chỉ ra được chỗ sai của mỗi người trong sự thành thật, thì thật quý giá với người được sửa sai, vì thế người được sửa sai sẽ có thêm kiến thức và kinh nghiệm hơn về vấn đề.

Khiêm nhường.

Lỗi lầm còn cho con người biết rằng mình cần sống khiêm nhường. Hành vi cao cả nhất của con người không phải là những đỉnh cao đạt được mà hệ tại ở việc khiêm nhường nhận ra thiếu sót của mình. Có lẽ vì điều đó mà Thiên Chúa đã để cho muôn người cùng chung khuyết điểm là “nhân vô thập toàn”. Chính vì sự không hoàn hảo của mỗi người mà người này cần có người kia hơn, cuộc sống không chỉ đơn độc mà còn là toàn thể. Giữa cái “ta” và cái “chúng ta”, cần có sự khiêm nhường của các cá nhân để sống hòa hợp với người khác. Thế nên khi Chúa nói, “một người nói không nghe thì đem theo hai hoặc ba người nữa” (Mt 18, 16).

Giữ gìn phẩm giá.

Khi sửa lỗi, vấn đề chính yếu vẫn là không làm mất danh dự của người được sửa lỗi. Thế nên việc “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Thời Hi-lạp cổ đại, triết gia Socrates, nổi tiếng về sự khôn ngoan. Một hôm có một người quen đến nói với ông: “Ông có biết chuyện gì mới xảy ra cho ông bạn thân của ông hay không ?”. Socrates liền nói: “Khoan đã. Trước khi nghe ông kể câu chuyện đó, tôi muốn ông cùng với tôi xem xét để sàng lọc ba bước về câu chuyện đó đã”. Người kia hỏi lại: “Xem xét để sàng lọc ư?”. Socrates đáp: “Đúng vậy. Bước sàng lọc thứ nhất, xét về sự thật: Ông có cam đoan với tôi rằng những gì ông sắp nói ra về ông bạn thân của tôi hoàn toàn chính xác hay không?”. Người kia trả lời: “Không chắc lắm. Thật ra tôi chỉ được nghe người khác thuật lại mà thôi”. Socrates liền nói: “Được rồi. Bây giờ qua bước sàng lọc thứ hai, xét về thiện ý: Điều ông sắp nói ra với tôi có phải là điều tốt đáng nghe không ?”. Người kia trả lời: “Không phải điều tốt, mà còn ngược lại!”. Socrates tiếp tục: “Như vậy là ông đang định nói một điều không tốt về người bạn thân của tôi. Nhưng ông lại không chắc điều đó có phải là sự thật hay không. Bây giờ là bước sàng lọc cuối cùng, xét về ích lợi: “Câu chuyện ông sắp nói với tôi có mang lại lợi ích gì cho tôi không?” Người kia đáp: “Không. Thực sự là không!”. Bấy giờ Socrates mới ôn tồn kết luận như sau: “Vậy thì những điều ông muốn nói với tôi không phải là sự thật, không phải là điều tốt đáng biểu dương, và cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho tôi. Thế thì ông nói nó ra với tôi làm chi?”.

Trân trọng và yêu thương nhau.

Con người sống chung cũng cần tập nhiều nhân đức để sống với nhau một cách trân trọng. “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1, 19). Lắng nghe một cách thành thật, cởi mở, bao dung, bắt ý chứ không bắt lời, không thành kiến, không bắt bẻ, không gượng ép. Không vội nói, sách Châm Ngôn dạy rằng “Kẻ chưa nghe đã vội cãi, sẽ chịu tiếng nhục nhã, ngu si” (Cn 18,13). Câu Châm Ngôn khác thì nói: “Gặp phải người nói năng bộp chộp, thà trông cậy đứa dốt còn hơn” (Cn 29:20). Chậm giận nghĩa là không nuôi hận thù, ghen ghét, không để bụng, nghĩ xấu để tránh bôi nhọ, nói không tốt về người khác, Thánh Phaolô dạy: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cor 13, 4 – 7).

Những nguyên tắc sửa lỗi cho nhau vẫn là nguyên tắc sửa lại chính mình như Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Lỗi lầm không đáng xấu hổ cho bằng không đón nhận sai lầm để sửa lỗi.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây